Đấu giá biển số xe ô tô: Quy định chặt chẽ để tránh “lách luật”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá đã được Bộ Công an chuyển cơ quan thẩm định. Trong quá trình thẩm định, vẫn còn nhiều băn khoăn về căn cứ đưa ra giá khởi điểm đấu giá và đề xuất cần quy định chặt chẽ quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá.
Có ý kiến cho rằng, trong đấu giá biển số xe ô tô, nếu giá khởi điểm, tiền đặt trước thấp, có thể phát sinh trường hợp người trúng đấu giá dễ dàng bỏ cọc. Ảnh minh họa: Song Lê
Có ý kiến cho rằng, trong đấu giá biển số xe ô tô, nếu giá khởi điểm, tiền đặt trước thấp, có thể phát sinh trường hợp người trúng đấu giá dễ dàng bỏ cọc. Ảnh minh họa: Song Lê

Dự thảo Nghị quyết quy định, người có nhu cầu đấu giá được lựa chọn bất kỳ biển số nào trong kho số đấu giá của tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tham gia đấu giá trực tuyến. Khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình hoặc thậm chí được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe cùng biển số trúng đấu giá. Nhưng người được nhận chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác hoặc chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác.

Giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá sẽ được xác định theo công thức chung, áp dụng thống nhất trong tất cả các trường hợp đấu giá. Cụ thể, vùng 1 gồm TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 40 triệu đồng, vùng 2 gồm các địa phương còn lại là 20 triệu đồng.

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định: “Trường hợp khi hết thời hạn đăng ký tham gia mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia cuộc đấu giá, một người trả giá, chấp nhận giá ít nhất bằng giá khởi điểm khi đấu giá lần đầu thì biển số được bán cho người đó”.

Giải đáp thắc mắc về quyền chuyển nhượng, tặng, cho xe gắn biển số trúng đấu giá, ông Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông thuộc Bộ Công an nhấn mạnh, biển số phải gắn với phương tiện và đăng ký mới có giá trị, biển số không có giá trị khi tách rời các yếu tố trên. Nếu biển số xe ô tô là tài sản thì phải bảo đảm 3 quyền, gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt thì mới thỏa mãn nguyện vọng người dân. Tuy nhiên, để thuận tiện trong công tác quản lý nhà nước, Bộ Công an xây dựng Dự thảo với tinh thần người trúng đấu giá được hưởng đầy đủ các quyền nêu trên, còn người được chuyển giao sẽ bị hạn chế một phần.

Tại cuộc họp thẩm định Dự thảo Nghị quyết, bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp thuộc Bộ Tư pháp chỉ rõ, đấu giá theo Luật Đấu giá tài sản là có 2 người trở lên tham gia và cùng trả giá. Về trường hợp chỉ có 1 người tham gia đấu giá, Điều 49 Luật Đấu giá tài sản quy định sẽ bán cho người đấu giá duy nhất nhưng phải sau 2 lần đấu giá trở lên. Như vậy, quy định về việc 1 người tham gia đấu giá tại Dự thảo Nghị định vênh so với Luật Đấu giá tài sản. Ngoài ra, giá khởi điểm chỉ là một trong các yếu tố quyết định giá trúng đấu giá, thậm chí một số nước còn không có giá khởi điểm. Vậy Bộ Công an cần làm rõ căn cứ xác định mức giá khởi điểm 20 triệu đồng và 40 triệu đồng, hoặc có thể đề xuất Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn vấn đề này để bảo đảm đúng thẩm quyền và đúng với pháp luật về quản lý tài sản công.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp gợi mở một số tình huống thực tế cần phải lường trước để có giải pháp xử lý như: trường hợp người trúng đấu giá đã có ô tô và đã có biển số và muốn lắp biển số đẹp vào ô tô cũ có được không? Trường hợp “lách luật”, thương mại hóa bằng cách chuyển nhượng, tặng, cho cả xe kèm biển thì sao?

Ngoài ra, có ý kiến băn khoăn, liệu người trúng đấu giá có được hưởng các quyền và nghĩa vụ đối với biển số xe trúng đấu giá sau khi Nghị quyết thí điểm hết hiệu lực?

Liên quan tới nghĩa vụ của người trúng đấu giá, ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP. Hà Nội nêu vấn đề, trường hợp người trúng đấu giá không nộp đúng, nộp đủ tiền thì có cơ chế, biện pháp thu hồi biển số trúng đấu giá của họ không và cách thức thu hồi, biện pháp xử lý như thế nào?

Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Tổng giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt cho rằng, giá khởi điểm của mỗi biển số xe đưa ra đấu giá hiện căn cứ theo các phí, lệ phí thông thường mà người đăng ký xe phải trả và tiền đặt trước là thấp (theo quy định của Luật Đấu giá tài sản tối đa là 8 triệu đồng và 4 triệu đồng). Do đó, cần nghiên cứu quy định để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tài chính của người trúng đấu giá, tránh trường hợp tiền đặt trước thấp, người trúng đấu giá dễ dàng bỏ cọc, gây dư luận không tốt.

Theo bà Hạnh, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người trúng đấu giá nên bắt đầu từ sau thời điểm kết thúc trả giá đến trước thời điểm công bố người trúng đấu giá. Sau khi nộp đầy đủ nghĩa vụ tài chính, người trúng đấu giá mới được công bố chính thức. Khoảng thời gian để người trúng đấu giá thực hiện nghĩa vụ tài chính có thể được quy định cụ thể trong các văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị quyết.

Chuyên đề