Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia: Phản ánh, cập nhật nhiều chỉ tiêu mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong giai đoạn phát triển mới, Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia tại Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê (viết gọn là Dự án Luật) đã cập nhật, phản ánh, đánh giá mục tiêu đường lối đổi mới, phản ánh quan hệ hội nhập quốc tế, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, dự báo, đo lường sự phát triển của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế bao trùm và nhiều nội dung khác.
Việc cập nhật chỉ tiêu thống kê về kinh tế số, chuyển đổi số là một nỗ lực của cơ quan thống kê. Ảnh: Tiên Giang
Việc cập nhật chỉ tiêu thống kê về kinh tế số, chuyển đổi số là một nỗ lực của cơ quan thống kê. Ảnh: Tiên Giang

Tại Hội thảo xin ý kiến về Dự án Luật ngày 9/11, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, thực hiện Nghị quyết số 17/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng, hoàn thiện Dự án Luật, xin ý kiến Quốc hội.

Theo hồ sơ trình Quốc hội cho ý kiến, tên Dự án Luật là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê” được sửa thành “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê”. Sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia được thay đổi gồm 21 nhóm với 230 chỉ tiêu.

Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã cập nhật, phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới trong thời gian gần đây, bao gồm: Thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá thực hiện nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá thực hiện nội dung về phát triển bền vững; chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá việc thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung vào các nhóm chuyển đổi số, kinh tế số…

Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia cũng cập nhật, quy định các chỉ tiêu thống kê phản ánh quan hệ hội nhập quốc tế, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam. Trong đó có các nhóm chỉ tiêu thống kê thuộc bộ chỉ tiêu phát triển công nghệ thông tin và truyền thông toàn cầu (IDI); chỉ tiêu thống kê thuộc bộ chỉ tiêu đánh giá đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.

Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia cũng đã cập nhật các chỉ tiêu thống kê về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu; các chỉ tiêu thống kê phản ánh liên kết vùng và nhóm yếu thế.

Đánh giá cao Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, TS. Trần Thị Bích, Trưởng khoa Thống kê thuộc Đại học Kinh tế quốc dân nói: “Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã phản ánh, cập nhật tình hình kinh tế - xã hội đất nước. Việc đưa chỉ tiêu thống kê về kinh tế số, chuyển đổi số là một nỗ lực của cơ quan thống kê. Các chỉ tiêu có tính cập nhật này sẽ giúp Chính phủ có cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các đơn vị nghiên cứu có cơ sở để tham vấn và kịp thời đề xuất Chính phủ về các chính sách kinh tế”.

Một số ý kiến cho rằng, cần bổ sung thêm các chỉ tiêu thống kê về ngành và thống kê về địa phương.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, nhu cầu bổ sung Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia là lớn song chưa thể đưa vào Dự án Luật lần này bởi một số lý do. Trước hết, nhiều chỉ tiêu chưa có khẳng định về nghiên cứu khoa học, về thực tiễn để tính toán theo chu kỳ số liệu. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu sau khi được nghiên cứu, rà soát và thống nhất trong hệ thống cơ quan Chính phủ, các địa phương cho thấy cần có sự phân cấp, tức là, có những chỉ tiêu để ở Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, có chỉ tiêu chỉ cần để ở danh mục thống kê ngành hoặc thống kê địa phương.

“Cơ quan quản lý nhà nước về thống kê sẵn sàng phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các cá nhân để tiếp tục nghiên cứu, rà soát, cập nhật, bổ sung khi có yêu cầu của tình hình kinh tế - xã hội, có thể định kỳ 5 năm một lần. Trong quá trình đó, cơ quan quản lý nhà nước về thống kê sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện phương pháp luận, tính toán trong thực tiễn để có thể khẳng định các chỉ tiêu đó có thể bổ sung được”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Chuyên đề