Luật Thống kê (sửa đổi): Cung cấp số liệu thống kê chất lượng cao nhất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) được xây dựng dựa trên các phương pháp thống kê được quốc tế công nhận, các luật chuyên ngành, khả năng tính toán đo lường và cả thực tiễn áp dụng ở các nước. Ngành thống kê đã và sẽ không ngừng cập nhật các ứng dụng công nghệ mới nhất để đảm bảo thu thập nhanh nhất, hiệu quả tốt nhất, mang lại số liệu thống kê chất lượng nhất.
Số liệu thống kê là nguồn tài nguyên quý giá với quyết sách của các nhà hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Lê Tiên
Số liệu thống kê là nguồn tài nguyên quý giá với quyết sách của các nhà hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Lê Tiên

Thảo luận tại Hội trường Quốc hội ngày 25/10, hầu hết đại biểu Quốc hội đồng tình với các nội dung lớn cần sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi). Tuy nhiên, một số đại biểu băn khoăn về nội dung được sửa đổi, bổ sung: “Người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh công bố thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia phải thống nhất với cơ quan thống kê Trung ương trước khi công bố”.

Đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa) cho rằng, để các chỉ tiêu có tính thống nhất, trung thực, khách quan, cần có quy định cụ thể nội dung trách nhiệm của các cấp trong việc phối hợp thực hiện, đồng thời cần có quy định áp dụng chỉ số thống kê. Về danh mục các chỉ tiêu thống kê, cần rà soát bổ sung thêm các chỉ tiêu về đổi mới sáng tạo, về tỷ lệ tham gia công nghệ số của doanh nghiệp và người dân, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế số của Đảng và Chính phủ.

Theo đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam), hiện còn tình trạng số liệu thống kê “vênh” nhau giữa các cơ quan thực hiện thống kê. Đơn cử, số liệu thống kê về bệnh nhân Covid-19 có thời điểm chưa thống nhất giữa các cơ quan công bố. Do đó, cần có quy định tại Luật về trách nhiệm của các bên trong việc phối hợp cung cấp số liệu và chất lượng số liệu thống kê.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) đề xuất nên bổ sung các chỉ tiêu về tính hiệu quả của đổi mới sáng tạo với nền kinh tế, đo lường sự đóng góp của kinh tế số với các ngành. Với nhóm chỉ tiêu tiền tệ, bảo hiểm, chứng khoán, cần bổ sung chỉ tiêu về các loại lãi suất như lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn hoặc lãi suất bình quân của 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối. Đồng thời, cần bổ sung chỉ tiêu về tỷ lệ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trên tổng số cổ phần tại doanh nghiệp và các nhóm doanh nghiệp, số liệu về dư nợ tín dụng của doanh nghiệp tư nhân, vì đây là các con số quan trọng thể hiện sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, là cơ sở để đưa ra các phân tích, đánh giá, từ đó xây dựng và hoạch định chính sách phù hợp.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), số liệu thống kê hiện nay là nguồn tài nguyên quý giá. Do đó, cần “luật hóa” việc kê khai và thu thập số liệu thống kê bằng công nghệ số. Tức là, áp dụng công nghệ số trong việc xây dựng kho dữ liệu quốc gia về thông tin kinh tế - xã hội, đây cũng là tiền đề chuyển đổi số quốc gia, là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế số.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu nghiêm túc ý kiến tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nguyên tắc xây dựng Luật là theo các phương pháp thống kê được quốc tế công nhận, các quy định tại Luật Thống kê và các luật chuyên ngành, dựa trên khả năng tính toán đo lường và cả thực tiễn áp dụng ở các nước. Do đó, ở thời điểm hiện nay chỉ tập trung sửa đổi 3 nội dung lớn và danh mục thống kê để kịp thời ban bành và phục vụ công tác cung cấp số liệu cho việc điều hành của các cơ quan nhà nước.

Về việc sửa nội dung “thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia phải thống nhất với cơ quan thống kê Trung ương trước khi công bố”, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khái niệm thống nhất ở đây là thống nhất về chuyên môn và nghiệp vụ chứ không phải thống nhất về số liệu. Do đó, tiếp thu các ý kiến góp ý, nội dung này được hoàn chỉnh theo hướng: “Đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia phải thống nhất về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê với cơ quan thống kê Trung ương trước khi công bố. Trong trường hợp không thống nhất thì thủ trưởng cơ quan thống kê Trung ương công bố và trình chấp nhận”.

Về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kê khai và thu thập số liệu thống kê, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngành thống kê luôn ý thức và cố gắng cao nhất trong việc sử dụng triệt để sự tiến bộ của công nghệ thông tin trong công tác thống kê để đảm bảo rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực thi. Trong thời gian tới, ngành thống kê sẽ tiếp tục cải thiện và không ngừng cập nhật các ứng dụng công nghệ mới nhất vào lĩnh vực này.

Chuyên đề