Đa số doanh nghiệp kỳ vọng triển vọng kinh tế năm 2024 sẽ sáng sủa hơn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khảo sát của Vietnam Report ghi nhận, 63,6% số doanh nghiệp bày tỏ lạc quan hơn về tình hình kinh tế trong năm tới...
51,1% số doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ cải thiện nhẹ và 6,7% số doanh nghiệp cho rằng triển vọng năm 2024 sẽ khả quan hơn rất nhiều so với năm 2023. Ảnh: Internet
51,1% số doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ cải thiện nhẹ và 6,7% số doanh nghiệp cho rằng triển vọng năm 2024 sẽ khả quan hơn rất nhiều so với năm 2023. Ảnh: Internet

Theo Vietnam Report, dưới tác động của những khó khăn kéo dài, các doanh nghiệp có góc nhìn khá thận trọng về mức tăng trưởng kinh tế năm 2023. Kịch bản tăng trưởng từ 4,5 - 5% là kịch bản có số doanh nghiệp được khảo sát lựa chọn nhiều nhất với tỷ lệ bình chọn là 34,2%.

Thực tế, mặc dù bối cảnh thế giới cũng như nội tại nền kinh tế Việt Nam chưa thể phục hồi ngay và vẫn tiềm ẩn nhiều biến động phức tạp, song tín hiệu khả quan tháng sau tích cực hơn tháng trước đã nhen nhóm xuất hiện và quỹ đạo phục hồi đã dần hình thành.

Tốc độ tăng trưởng GDP trong 9 tháng 2023 đạt 4,24%, và có xu hướng tăng dần theo thời gian: quý III đạt 5,33%, cao nhất so với quý I và II (tương ứng đạt 3,32% và 4,14%). Dòng vốn FDI, giải ngân đầu tư công trong quý III/2023 đã có những dấu hiệu tích cực so với quý liền kề. Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng của Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước dù vẫn yếu song đã ở mức dương (ước tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước), đà suy giảm xuất nhập khẩu cũng đã có dấu hiệu chậm lại, mở thêm kỳ vọng phục hồi cho các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh các tín hiệu tích cực dù chưa mạnh mẽ nhưng đã dần xuất hiện, thêm vào đó, Chính phủ đã đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2024 tăng trưởng GDP khoảng 6 - 6,5%, cắt giảm ít nhất 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, quy định kinh doanh và đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% kế hoạch, triển vọng trong năm 2024 được đa số các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ sáng sủa hơn.

Khảo sát của Vietnam Report ghi nhận, 63,6% số doanh nghiệp bày tỏ lạc quan hơn về tình hình kinh tế trong năm tới. Về phía bản thân doanh nghiệp, tỷ lệ lạc quan có thấp hơn một chút, với 51,1% số doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ cải thiện nhẹ và 6,7% số doanh nghiệp cho rằng triển vọng năm 2024 sẽ khả quan hơn rất nhiều so với năm 2023. Ở chiều ngược lại, vẫn có lần lượt 34,1% và 28,9% số doanh nghiệp nhận định khó khăn sẽ còn bủa vây nền kinh tế và doanh nghiệp trong khi tình hình chưa thể có nhiều cải thiện trong vòng một năm tới.

Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 10/2023

Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 10/2023

Trong một năm mà khó khăn chi phối phần lớn thị trường, những động thái hỗ trợ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là điểm tựa quan trọng cho doanh nghiệp. Nhiều chính sách tài khóa lẫn tiền tệ nhằm mục tiêu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được ban hành ở nhiều lĩnh vực như y tế, thị trường vốn, đất đai, bất động sản, du lịch…

Một số chính sách được nhiều doanh nghiệp đánh giá có những tác động lớn, tích cực kể đến như Nghị định 12/NĐ-CP về giãn hoãn thuế, tiền thuê đất, giảm một số thuế, phí năm 2023, chính sách giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm… Đặc biệt, động thái 4 lần giảm lãi suất điều hành nhằm giảm lãi suất cho vay, góp phần tăng khả năng tiếp cận và cung cấp vốn cho nền kinh tế của NHNN, Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ và Thông tư 03/2023/TT-NHNN nới lỏng một số điều kiện về cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng đã tạo ra những tác động đáng kể đến triển vọng phục hồi của doanh nghiệp.

Trong một năm mà hai cấu phần của "cỗ xe tam mã" là tiêu dùng và xuất khẩu đều chậm lại thì đầu tư càng được kỳ vọng là lực kéo mạnh mẽ thúc đẩy sự hồi phục của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng.

Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước ước đạt 479,3 nghìn tỷ đồng (tăng 22,6% so với cùng kỳ), tương ứng đạt 65,8% so với kế hoạch năm 2023 (cùng kỳ năm 2022 đạt 65,1% kế hoạch). Chính phủ đang cho thấy nỗ lực trong việc đẩy mạnh đầu tư công thông qua việc mức tăng trưởng cao từ giải ngân vốn ngân sách nhà nước. Điển hình như trong quý gần nhất, những tín hiệu tích cực từ các dự án đầu tư trọng điểm đã được ghi nhận như 8 tuyến cao tốc mới được thêm vào danh mục các dự án quan trọng quốc gia, khởi công sân bay Long Thành vào cuối tháng 8/2023 hay thực hiện đầu tư đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối với tổng vốn đầu tư 23,000 nghìn tỷ đồng.

Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 10/2023

Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 10/2023

Nhận thức được vai trò to lớn của các chính sách hỗ trợ, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, giúp khơi thông các nguồn lực để tạo đà phát triển trong tương lai, một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ được các doanh nghiệp kiến nghị bao gồm: Gia hạn và giảm thuế; Kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô; Rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; Thực hiện các gói tín dụng ưu đãi; Hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý, minh bạch hóa thông tin.

Trong thời điểm thị trường bấp bênh, doanh nghiệp sẽ càng chú trọng vào tín hiệu từ kinh tế vĩ mô để cân nhắc, quyết định kế hoạch đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Do đó, các doanh nghiệp mong muốn rằng trong năm 2024, Chính phủ sẽ tiếp tục ổn định tình hình kinh tế - chính trị - xã hội làm điểm tựa cho thị trường, tạo niềm tin cho người đầu tư, làm tiền đề phát huy hiệu quả các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thị trường.

Với 71,1% số doanh nghiệp bình chọn là giải pháp hàng đầu muốn kiến nghị với Chính phủ, những chính sách ưu đãi thuế được doanh nghiệp kỳ vọng giúp giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp trung bình và nhỏ. Đây được xem như hình thức hỗ trợ trực tiếp hiệu quả. Doanh nghiệp giảm bớt được số tiền phải nộp ngân sách, từ đó bổ sung vào nguồn vốn để tiếp tục sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho việc đầu tư vào nhân sự và công nghệ. Về phía doanh nghiệp, việc hiểu rõ và tận dụng các “liều thuốc" chính sách ưu đãi thuế là một cơ hội lớn để tối ưu hóa hiệu suất tài chính, phục hồi, phát triển kinh doanh và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Song song với giảm thuế, hoãn thuế, phí dịch vụ, các gói tín dụng ưu đãi, việc tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, đẩy mạnh đàm phán, ký kết thêm các hiệp định mới, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp "gõ cửa" các thị trường mới tiềm năng cũng không kém phần quan trọng.

Đặc biệt, việc rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh cũng như hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý, minh bạch hóa thông tin được nhận định là cơ sở quan trọng tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, tích cực, khai thông cho các thị trường bị nghẽn trong năm qua như bất động sản hay trái phiếu doanh nghiệp, mở đường cho tăng trưởng kinh tế và sự phát triển bền vững.

Chuyên đề