Tháo gỡ triệt để ách tắc, đưa đầu tư công về đích

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nửa chặng đường thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, song cũng bộc lộ một số hạn chế trong công tác phân bổ vốn, triển khai dự án. Do đó, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, để kế hoạch về đích với kết quả tích cực, cần sự đồng lòng và quyết tâm chính trị từ các cấp, ngành để tháo gỡ vướng mắc, giải quyết khó khăn cho các dự án đầu tư công.
Đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 5.000 km đường cao tốc và hoàn thành nhiều sân bay, bến cảng lớn. Ảnh: Lê Tiên
Đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 5.000 km đường cao tốc và hoàn thành nhiều sân bay, bến cảng lớn. Ảnh: Lê Tiên

Đầu tư công đã phát huy vai trò dẫn dắt

Đánh giá giữa kỳ về tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ cho biết, đầu tư công đã phát huy vai trò dẫn dắt, là vốn mồi để thu hút các nguồn lực đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước, tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Trong giai đoạn 2021 - 2022, có 24 dự án thực hiện theo phương thức đối tác công tư đang triển khai chủ yếu thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, các dự án còn lại thuộc lĩnh vực xử lý rác thải, cung cấp nước sạch, y tế. Thông qua các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, dự kiến huy động được 96.939 tỷ đồng vốn đầu tư tư nhân.

Về cơ bản đã khắc phục được tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kéo dài, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 5 năm. Tổng số dự án đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách trung ương (NSTW) là 4.533 dự án, số dự án khởi công mới là 2.272 dự án, giảm một nửa so với giai đoạn 2016 - 2020.

Năng lực hầu hết của các ngành sản xuất, dịch vụ và kết cấu hạ tầng được nâng lên, góp phần đáng kể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đã hoàn thành đưa vào khai thác 659 km đường cao tốc, nâng tổng chiều dài đường cao tốc đưa vào khai thác đến nay là 1.822 km; toàn quốc có 82 cảng cá đang hoạt động, đạt 65% so với quy hoạch…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ nêu rõ một số khó khăn hạn chế, trong đó, hạn chế đáng chú ý là việc ban hành chính sách, văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện dự án đầu tư công trong một số trường hợp còn chậm, gây khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện; phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tuy đã có bước cải thiện nhưng vẫn chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án và hiệu quả sử dụng vốn; khó khăn trong giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết kịp thời, thủ tục đấu thầu kéo dài, giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng tăng, khan hiếm, thiếu nguyên vật liệu, đất đắp nền.

Tại báo cáo thẩm tra về đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhận định, qua 3 năm thực hiện, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội đặt ra, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Thể chế về đầu tư công tiếp tục được hoàn thiện, việc phân công, phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương tiếp tục được đẩy mạnh. Trong quá trình chỉ đạo điều hành, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi nền kinh tế. Việc lập, phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển được giám sát chặt chẽ, bảo đảm công khai và minh bạch hơn...

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng chỉ ra một số điểm hạn chế. Theo đó, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) chưa sát với khả năng thực hiện và giao nhiều lần trong năm 2021, 2022 dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao; công tác chuẩn bị dự án đầu tư là một khâu yếu, tình trạng khi có vốn mới tiến hành chuẩn bị đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định dự án không thực hiện đúng quy định Luật Đầu tư công, dẫn đến “vốn chờ dự án đủ thủ tục” tiếp tục diễn ra, ảnh hưởng lớn tới tiến độ phân bổ, giao kế hoạch vốn, tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân mặc dù đã được Chính phủ tập trung chỉ đạo đôn đốc, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Đầu tư công đã phát huy vai trò dẫn dắt, là vốn mồi để thu hút nguồn lực đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước, tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Đầu tư công đã phát huy vai trò dẫn dắt, là vốn mồi để thu hút nguồn lực đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước, tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế về đầu tư công

Thảo luận về nội dung này, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, góp phần đạt mục tiêu kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua.

Theo đại biểu Đinh Ngọc Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, báo cáo của Chính phủ cho thấy kết quả thực hiện đầu tư công rất tốt, hết năm 2023 cả nước hoàn thành trên 12.000 dự án, chiếm trên 50% số dự án. Đặc biệt là đầu tư công trung hạn đã khắc phục được tình trạng dàn trải và tập trung vốn cho hạ tầng lớn quốc gia. Đến nay, đã hoàn thành trên 1.800 km đường cao tốc, đang khởi công thêm 1.600 km và nỗ lực cao trong việc đầu tư sân bay Long Thành. Đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 5.000 km đường cao tốc và hoàn thành nhiều sân bay, bến cảng lớn, đây là những kết quả rất đáng tự hào.

Để tăng hiệu quả đầu tư công, góp phần bảo đảm tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, đại biểu Đinh Ngọc Minh đề xuất xem xét tăng bội chi để thực hiện một số dự án đầu tư công có tác động lớn và trực tiếp tới đầu tư chung của nền kinh tế. Đồng thời, dành khoảng 5.000 tỷ đồng hỗ trợ hạ tầng sản xuất cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, để Kế hoạch đầu tư công trung hạn ở giai đoạn 2021 - 2025 về đích với hiệu quả và kết quả cao nhất, Chính phủ cần rà soát, đánh giá tiến độ, khả năng thực hiện của các dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 một cách cụ thể. Đối với từng dự án cần phải xây dựng lộ trình, kế hoạch thực hiện một cách chi tiết, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu đã đề ra. Bên cạnh đó, bà Lệ kiến nghị Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện cơ chế để giá bồi thường sớm tiệm cận giá thị trường thực tế, cũng như có các cơ chế hỗ trợ thêm cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Để đầu tư công thực sự là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến tới hoàn thành mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, đại biểu Âu Thị Mai, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang cho rằng, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung các quy định.

Đồng thời, Bộ Tài chính cần có báo cáo phân tích rõ hơn về nguyên nhân, tồn tại, hạn chế trong phân bổ ngân sách chậm và cần có những giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn để thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia cũng như đẩy nhanh tiến độ chi đầu tư phát triển, góp phần hoàn thành kế hoạch NSNN năm 2023 và kế hoạch tài chính 3 năm 2024 - 2026.

Chuyên đề