Cú hạ cánh lỗi khiến người xem thót tim của Su-35

Mặc dù là dòng máy bay có nhiều đặc điểm ưu việt của không quân Nga, Su-35 từng gặp sự cố hạ cánh khi bay trình diễn.

Đầu tháng hai, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận chuyển giao 4 chiếc Su-35 đầu tiên cho Trung Quốc theo hợp đồng ký kết vào năm 2015. Sự kiện này thu hút sự chú ý lớn của giới quân sự phương Tây, khiến nhiều chuyên gia tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng về ưu, nhược điểm của dòng tiêm kích này cũng như những sự cố nó từng gặp phải, theo Aeronews TV.

Trong một màn bay biểu diễn tại triển lãm hàng không diễn ra ở thành phố Komsomolsk thuộc vùng Viễn đông Nga năm 2014, chiếc Su-35 của không quân Nga suýt gặp phải thảm họa do phi công mắc lỗi khi hạ cánh.

Sau khi thực hiện động tác lượn vòng để tiếp đất, chiếc Su-35 đột ngột mất thăng bằng khiến cho các bánh đáp bên phải và bên trái thay nhau chạm xuống đường băng, thậm chí mũi cánh trái của máy bay cũng quệt xuống mặt đường.

Về nguyên nhân sự cố, các chuyên gia hàng không thuộc trang L'usine Nouvelle của Pháp cho rằng phi công Su-35 đã không kiểm soát được tốc độ, điều khiển máy bay hạ độ cao để tiếp đất quá nhanh, khiến lực mặt đất dội lên mạnh và làm máy bay tròng trành.

Ngoài ra, việc máy bay hạ cánh cùng chiều gió, thời điểm đó đang có vận tốc lớn cũng là nguyên nhân khiến chiếc Su-35 bị mất thăng bằng chao đảo.

Rất may phi công Su-3 đã kịp bung dù, hãm tốc độ của máy bay và điều khiển nó tiếp đất an toàn.

Su-35 là mẫu tiêm kích thế hệ 4++ được nghiên cứu và phát triển từ đầu những năm 2000, biên chế chính thức cho không quân vào năm 2011. Máy bay được thiết kế có 12 giá treo tên lửa và bom dẫn đường.

Su-35 sử dụng radar mảng pha quét điện tử thụ động (PESA) N035 Irbis-E, có khả năng phát hiện và bám bắt 30 mục tiêu cùng lúc từ khoảng cách tới 350 km. 

Chuyên đề