Có xóa được nạn “sân sau” trong đấu giá tài sản?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau 2 năm thực hiện Thông tư số 02/2022/TT-BTP hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản (TCĐGTS), bên cạnh những tác động tích cực là tạo cơ sở pháp lý cho người có tài sản (NCTS) thực hiện đánh giá, chấm điểm lựa chọn, thông báo kết quả lựa chọn TCĐGTS theo quy định của Luật Đấu giá tài sản (ĐTGS), Bộ Tư pháp cho rằng, thông tư này đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế.
Nhiều người có tài sản đã sử dụng tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá để đưa ra các yêu cầu không liên quan đến năng lực, kinh nghiệm của tổ chức đấu giá tài sản. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Nhiều người có tài sản đã sử dụng tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá để đưa ra các yêu cầu không liên quan đến năng lực, kinh nghiệm của tổ chức đấu giá tài sản. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Thông tư để đảm bảo tương thích với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS, một số ý kiến đề xuất cụ thể hóa, công khai nội dung “tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá do NCTS đấu giá quyết định” để tránh tình trạng “sân sau” trong lựa chọn TCĐGTS.

Theo Bộ Tư pháp, trên thực tế vẫn còn tình trạng chưa áp dụng Thông tư số 02/2022/TT-BTP trong việc lựa chọn TCĐGTS; một số NCTS chỉ định, lựa chọn TCĐGTS mang tính chủ quan; lựa chọn nhưng không thông báo kết quả lựa chọn; thời gian lựa chọn chưa theo quy định ít nhất 3 ngày; chưa công khai tiêu chí V (tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá do NCTS quyết định)…

Đơn cử, khi thanh tra, kiểm tra về công tác quản lý, sử dụng đất đai liên quan đến lĩnh vực đấu giá quyền sử dụng đất (ĐGQSDĐ) trên địa bàn huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn từ năm 2015 - 2022, một trong những tồn tại, hạn chế là NCTS không đăng tải thông báo lựa chọn TCĐGTS trên trang thông tin điện tử chuyên ngành về ĐGTS; không công khai việc ĐGTS trên trang thông tin điện tử chuyên ngành về ĐGTS; đơn vị chi trả cho TCĐGTS không phải là đơn vị tổ chức thực hiện việc ĐGQSDĐ…

Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BTP, NCTS thông báo công khai việc lựa chọn TCĐGTS trên trang thông tin điện tử của mình và trang thông tin điện tử chuyên ngành về ĐGTS. Đáng chú ý, trong khi NCTS được phép yêu cầu tiêu chí V tương ứng với 5/100 điểm trong bảng tiêu chí đánh giá, chấm điểm để lựa chọn TCĐGTS, thì trên thực tế, nhiều NCTS đã sử dụng tiêu chí này để đưa ra các yêu cầu không liên quan đến năng lực, kinh nghiệm của TCĐGTS, với mục tiêu “nhắm” đến TCĐGTS đã lựa chọn từ trước.

Trao đổi tại Hội thảo lấy ý kiến đối với Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2022/TT-BTP do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đại Dân, Công ty Đấu giá hợp danh Đại Thành cho biết, nhiều NCTS đưa ra những tiêu chí rất vô lý: có bằng khen, số lượng đấu giá viên đang hoạt động trên địa bàn cụ thể, TCĐGTS phải có chi nhánh tại địa bàn cụ thể…

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2022/TT-BTP đưa ra 2 phương án lấy ý kiến. Trong đó, phương án 1 là giữ nguyên tiêu chí tại Điều 56 về lựa chọn TCĐGTS theo Luật Đấu giá tài sản và Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (trong đó Dự thảo Luật trình Quốc hội bỏ tiêu chí về thù lao, chi phí đấu giá). Phương án 2 gồm các tiêu chí theo phương án 1 và bổ sung tiêu chí về giá khởi điểm tài sản đấu giá. Theo đó, “bổ sung trường hợp tài sản có giá khởi điểm dưới 500 triệu đồng thì NTCS căn cứ tiêu chí TCĐGTS có tên trong danh sách các TCĐGTS do Bộ Tư pháp công bố để xem xét, chỉ định TCĐGTS”.

Một đấu giá viên của Công ty Đấu giá hợp danh Đại Dương Group chia sẻ, thực tế trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, nhiều NCTS đưa ra các yêu cầu như “không có đơn thư khiếu nại”, nhưng ngay khi nộp hồ sơ lựa chọn TCĐGTS thì đơn thư khiếu nại tới tấp gửi đến. Trong trường hợp này, NCTS phải đi kiểm tra, xác minh thông tin… làm kéo dài thời gian lựa chọn TCĐGTS.

Khảo sát trên Trang thông tin điện tử chuyên ngành về ĐGTS cho thấy tình trạng một số NCTS thuộc các đơn vị điện lực đưa ra “tiêu chí khác” như: “số lượng hợp đồng đã thực hiện đấu giá thành công với các đơn vị thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) trong năm trước liền kề. Có ý kiến cho rằng, đây là tiêu chí tạo ưu thế nhất định cho TCĐGTS từng thực hiện nhiều hợp đồng đấu giá với NCTS là các đơn vị điện lực thuộc EVNNPC…

Mặt khác, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2022/TT-BTP định hướng bỏ tiêu chí “thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản phù hợp” vì Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật ĐGTS đã bỏ quy định về thù lao, nên các TCĐGTS sẽ không phải cạnh tranh về thù lao nữa. Tuy nhiên, có ý kiến đặt vấn đề nếu NCTS đưa tiêu chí “thù lao dịch vụ đấu giá” vào “tiêu chí V” thì sao, khi đó TCĐGTS có thù lao thấp thì được chọn hoặc được cao điểm hơn, như vậy có trái với định hướng của Luật khi bỏ tiêu chí này không?

Căn cứ từ thực tiễn, nhiều đấu giá viên đề xuất, việc sửa đổi Thông tư số 02/2022/TT-BTP cần quy định cụ thể, rõ ràng từng tiêu chí cụ thể đối với mục “tiêu chí khác mà NCTS được phép quy định”. Điều này góp phần hạn chế tình trạng ưu ái, đưa ra tiêu chí không phù hợp, hạn chế cạnh tranh.

Chuyên đề