Cổ phiếu nhiều “ông lớn” đã rơi về vùng giá hợp lý?

(BĐT) - Trong 354 mã cổ phiếu đang niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), 20 mã cổ phiếu vốn hóa lớn nhất đã chiếm đến 80% vốn hóa của thị trường. Vì vậy, khi các cổ phiếu này lao dốc đã kéo theo sự sụt giảm mạnh của chỉ số VN-Index thời gian qua.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Hầu hết cổ phiếu vốn hóa lớn giảm giá hơn 30%

Sự chao đảo của thị trường trong thời gian vừa qua xuất phát từ sự giảm giá mạnh của các công ty có vốn hóa lớn. Bởi chỉ riêng 10 mã lớn nhất đã chiếm tỷ trọng 60% vốn hóa của thị trường. Vì vậy, khi thị giá của các cổ phiếu này giảm mạnh trong thời gian qua đã khiến chỉ số VN-Index bay mất hơn 20% kể từ đỉnh 1.200 điểm thiết lập ngày 9/4.

Trong một bài trả lời phỏng vấn của VTV1 ngày 29/5, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, chỉ số đã tăng từ 900 lên 1.200 điểm trong thời gian rất ngắn, nguyên nhân chủ yếu do các cổ phiếu vốn hóa lớn tăng nhanh, đẩy VN-Index đi lên. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp tận dụng cơ hội thị trường tăng để phát hành chứng khoán huy động vốn, phục vụ cho nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư cơ sở..., một lượng lớn cổ phiếu đã được đẩy ra thị trường quá nhanh, khiến nhà đầu tư không thể hấp thụ. Điều tất yếu xảy ra là thị trường sẽ đảo chiều, kéo theo đà giảm của VN-Index.

Theo thống kê của Báo Đấu thầu, kể từ khi VN-Index lập đỉnh 1.200 điểm vào ngày 9/4 đến ngày 30/5, nhiều cổ phiếu trong nhóm 20 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường đã “bay hơi” hơn 30%. Dẫn đầu danh sách giảm giá mạnh nhất trong top 20 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là ROS của Công ty CP Xây dựng FLC Faros. Cổ phiếu này đã giảm 40,8% từ 96.000 đồng/CP xuống còn 56.800 đồng/CP.

Tiếp theo là 3 cổ phiếu ngành ngân hàng là BIDV (mã chứng khoán: BID, giảm 38% từ 44.500 đồng/CP xuống còn 27.600 đồng/CP), cổ phiếu của VPBank (mã chứng khoán: VPB, giảm 37% từ 68.300 đồng/CP xuống còn 43.200 đồng/CP) và cổ phiếu VietinBank (mã chứng khoán: CTG, giảm từ 37.300 đồng/CP xuống còn 25.650 đồng/CP, tương đương 31%). Ngoài ra, trong nhóm “cổ phiếu vua” còn có Vietcombank (mã chứng khoán: VCB, giảm 30%) và MBBank (mã chứng khoán: MBB, giảm 24,6%).

Trong những tháng đầu năm, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng là tâm điểm của thị trường khi góp công lớn trong việc kéo VN-Index tăng mạnh nhờ thông tin tích cực về kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc tăng quá nóng trong thời gian ngắn khiến các cổ phiếu ngành ngân hàng điều chỉnh giảm mạnh và kéo theo sự sụt giảm của chỉ số VN-Index trong thời gian vừa qua.

Trong nhóm 20 cổ phiếu vốn hóa lớn chỉ có MWG của Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động tăng trưởng 3,5% từ 99.590 đồng lên 103.000 đồng/CP. Còn lại cũng đã giảm tới hơn 20%.

Tỷ trọng VN-Index theo giá ngày 29/5

Mặt bằng giá cổ phiếu đang ở đâu?

Sau đợt giảm mạnh vừa qua, câu hỏi mà nhà đầu tư đặt ra là liệu thị trường đã tạo đáy?

Dữ liệu từ Bloomberg cho thấy, chỉ số P/E dự phóng hiện nay của Việt Nam đã và đang quay về tiệm cận mức trung bình trong 3 năm gần đây. Từ năm 2015 đến quý 3/2017, P/E dự phóng đều quay quanh mức trung bình với biên độ thấp và sau một thời gian chỉ số này tăng mạnh ở biên độ rộng có khi lên đến gần 21.0x, vì vậy mới dẫn đến sự điều chỉnh mạnh của thị trường trong thời gian gần đây. Mức P/E dự phóng hiện tại gần 16.0x so với mức trung bình 3 năm là 15.5x được coi là một mức điều chỉnh hợp lý. Thị trường Việt Nam hiện đã quay về giá trị thực nội tại và đây là mức thích hợp cho những nhà đầu tư trung và dài hạn.

Theo số liệu nêu trên, có thể thấy thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức giá hợp lý để mua vào, tuy nhiên vẫn còn một rủi ro khác đối với nhà đầu tư là dòng vốn ngoại. Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định, rủi ro lớn nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam là dựa quá nhiều vào dòng vốn ngoại. Nhà đầu tư ngoại coi những thị trường mới nổi, cận biên như Việt Nam là nơi kiếm tiền nhanh. Vì vậy, dòng tiền ngoại đổ vào nhanh nhưng ra cũng rất nhanh để kiếm lời, nên không có tính ổn định.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư