Ngày 11/4/2017, Bến Thành TSC sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2017. Ảnh: Tường Lâm |
Sụt giảm kết quả kinh doanh
Sở hữu bất động sản tại vị trí đắc địa là lợi thế lớn của Bến Thành. Bên cạnh việc khai thác 2.000 m2 (khoảng 124 gian hàng kinh doanh nhiều chủng loại sản phẩm phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân và khách du lịch) tại các trung tâm kinh doanh lớn như chợ Bến Thành, chợ Dân Sinh, Bến Thành còn quản lý hơn 30 địa điểm kinh doanh với tổng diện tích khoảng 6.000 m2, tập trung tại các khu vực kinh doanh buôn bán sầm uất của TP.HCM. Hầu hết các địa điểm đều tọa lạc tại vị trí đẹp của Quận 1, nơi tập trung nhiều khách du lịch và dân cư có mức thu nhập cao.
Với hoạt động kinh doanh thuần túy là quản lý và khai thác dịch vụ tại trung tâm thương mại, nguồn thu chính của DN này tập trung vào mảng bán buôn, bán lẻ. Trong giai đoạn 2012 - 2016, doanh thu từ thương mại duy trì ở mức bình quân 290 tỷ đồng, chiếm khoảng 86 - 88% cơ cấu doanh thu. Lĩnh vực cho thuê bất động sản, dịch vụ khách sạn và ăn uống chỉ chiếm khoảng 14 - 16% doanh thu.
Một điểm nổi bật trong kết quả kinh doanh hai năm gần đây của Bến Thành là sự gia tăng tỷ trọng giá vốn hàng bán/doanh thu thuần từ mức bình quân 71% lên 74%. Điều này đã khiến cho lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp năm 2016 sụt giảm mạnh trong khi doanh thu vẫn ổn định và có xu hướng tăng nhẹ.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất chưa kiểm toán đến 31/12/2016, Bến Thành đạt doanh thu 365,7 tỷ đồng, tăng 9,53% so với năm 2015, nhưng lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ lại giảm 18,78% so với năm 2015. Ngoài việc chi phí thuê đất tăng lên thì việc phải trích lập dự phòng thêm 4,88 tỷ đồng đối với khoản đầu tư vào Công ty CP Đầu tư Thịnh Vượng cũng là nguyên nhân chính khiến cho lợi nhuận của Công ty sụt giảm mạnh.
Theo đó, hàng loạt các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh doanh của DN đã sụt giảm mạnh như tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) giảm từ mức 17,41% năm 2013 xuống chỉ còn 10,67% trong năm 2016; tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA) chỉ còn 7,77%, bằng 57,85% so với năm 2013.
Cổ phiếu cô đặc, chuẩn bị tăng vốn?
Với số lượng lưu hành khiêm tốn (hơn 10 triệu cổ phiếu) trong khi có đến 76,31% được sở hữu bởi các cổ đông lớn như: Tổng công ty Bến Thành (trên 4,5 triệu cổ phần, tương ứng sở hữu 43,39%), Công ty CP Đầu tư Toàn Việt ( trên 2,3 triệu cổ phần, tương ứng sở hữu 22,22%... Chính vì vậy, không có gì bất ngờ khi thanh khoản của CP luôn duy trì ở mức thấp.
Ngày 11/4/2017, Bến Thành TSC sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2017. Ngoài các nội dung chính được công bố, kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phương án phát hành cổ phiếu là một trong những vấn đề quan trọng được cổ đông quan tâm. Trong 5 năm gần nhất, Công ty luôn duy trì mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt tối thiểu 15% vốn điều lệ.
Mặc dù chưa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên, nhưng với tình hình tài chính như hiện tại (thặng dư cổ phần 109,4 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển 45,13 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối 29,07 tỷ đồng), Bến Thành dư sức chi trả cổ tức bằng tiền mặt và phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ.
Cổ đông kỳ vọng giao dịch cổ phiếu sẽ sôi động hơn khi lượng cổ phiếu tự do lưu hành được tăng lên trong thời gian tới.