Ảnh Internet |
Vi mạch, bán dẫn, chip là những từ được nhiều người quan tâm trong khoảng 6 tháng trở lại đây. Ông nghĩ sao về diễn biến này?
Sự quan tâm của cộng đồng, nhất là đội ngũ tri thức trẻ đối với ngành vi mạch - bán dẫn đến từ nhiều lý do. Thứ nhất, trong nhiều diễn đàn, nhiều cuộc tiếp xúc với các tập đoàn bán dẫn nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan đã thể hiện tầm nhìn, quyết tâm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, coi đây là ngành quan trọng, có tiềm năng lớn trong định hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam. Thứ hai, nhiều nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam, tìm kiếm cơ hội đầu tư để thực hiện một hoặc một số công đoạn trong chuỗi sản xuất bán dẫn. Thứ ba, một số trường đại học như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Cần Thơ, Đại học FPT, Đại học Quốc gia Hà Nội… bắt đầu mở chuyên ngành đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn. Đặc biệt, truyền thông liên tục thông tin về triển vọng ngành bán dẫn, trong đó có dự báo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) cho biết, doanh số toàn cầu của ngành năm 2023 đạt trên 520 tỷ USD và sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Những yếu tố trên thúc đẩy mối quan tâm của xã hội. Tuy nhiên, vi mạch, bán dẫn là một ngành khó, đòi hỏi sự thấu hiểu và những bước đi đúng mới có thể nắm bắt được cơ hội.
Ông Đỗ Tiến Thịnh Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia |
Về khởi nguồn của cơ hội, theo ông, vì sao nước ta có cơ hội trong ngành công nghiệp bán dẫn?
Đại dịch Covid-19 xảy ra đã buộc nhiều nền kinh tế lớn tư duy về bảo đảm nguồn cung chip và hệ sinh thái sản xuất chip. Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành “Đạo luật CHIPS và Khoa học”, bắt đầu thực hiện từ tháng 2/2023. Đạo luật công bố khoản đầu tư 53 tỷ USD, trong đó dự kiến 39 tỷ USD dùng cho việc khuyến khích sản xuất chip và vật liệu tại Mỹ; 13,2 tỷ USD dành cho nghiên cứu, phát triển, đào tạo lao động trong ngành này.
Đạo luật có nhiều ràng buộc, trong đó có việc yêu cầu các công ty muốn nhận trợ cấp trên 150 triệu USD từ Mỹ phải công khai kế hoạch đầu tư cụ thể. Cùng với đó, Mỹ tái khẳng định nguyên tắc loại các doanh nghiệp có ý định tăng quy mô sản xuất và đầu tư ở các quốc gia gây lo ngại về an ninh.
Diễn biến trên đã mở ra cho Việt Nam một cơ hội lớn. Trong gần 1 năm qua, rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư chuỗi giá trị bán dẫn tại Việt Nam. NIC được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao nhiệm vụ hỗ trợ đổi mới sáng tạo 8 lĩnh vực trọng tâm, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn. Chúng tôi cùng các chuyên gia, đối tác trong và ngoài nước bắt tay tìm hiểu và càng tìm hiểu thì càng thấy, tiềm năng, cơ hội lớn là có thật. Về khách quan, nhiều nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam và trong thời gian ngắn, đã có một số nhà đầu tư quyết định rót vốn. Về chủ quan, có thể thấy, không tính Mỹ và Trung Quốc, các nền kinh tế sản xuất chip hàng đầu thế giới như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản đều đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, họ đã xây dựng được hệ sinh thái tại Việt Nam, nên nước ta có nhiều cơ hội được lựa chọn khi các chủ thể này tìm nơi đặt cơ sở sản xuất chip.
Đặc biệt, dấu ấn vô cùng thuận lợi cho Việt Nam đó là quan hệ Việt - Mỹ được nâng lên mức Đối tác chiến lược toàn diện kể từ tháng 9/2023. Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam, Chính quyền Mỹ tuyên bố “ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam, tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn”. Hai quốc gia đã tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD. Nước Mỹ đang dẫn dắt ngành chip toàn cầu, nên khi họ tuyên bố hỗ trợ, ủng hộ Việt Nam phát triển ngành bán dẫn thì các nền kinh tế khác chắc chắn sẽ dành sự quan tâm lớn hơn cho Việt Nam khi chọn nơi xây dựng hệ sinh thái ngành này.
Nhìn sâu vào hệ sinh thái ngành vi mạch - bán dẫn, theo ông, đâu là cơ hội khả thi hơn cho Việt Nam?
Với phân ngành thiết kế chip, Việt Nam hiện có trên 30 công ty, nhưng phần lớn đang thuộc về khối doanh nghiệp FDI. Trong nước, Viettel đã thiết kế được 2 con chip hiện đại 5G, còn FPT chọn phân khúc bình dân hơn, thiết kế chip nguồn, đã xây dựng được thị trường và uy tín quốc tế. Ngoài FPT và Viettel, các doanh nghiệp khác mới đang ở giai đoạn nghiên cứu, tìm hiểu, chưa có sản phẩm cụ thể.
Với phân ngành đóng gói, kiểm thử, cùng với Intel, cuối năm 2023, Việt Nam đã thu hút được 2 nhà đầu tư mới là Amkor Technology (Mỹ) và Hana Micron Vina (Hàn Quốc). Đây là diễn biến rất tích cực, mở ra tiềm năng cho Việt Nam trong thu hút các nhà đầu tư khác và cơ hội việc làm cho người trẻ nếu đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư quốc tế.
Với phân ngành sản xuất chip, đây là mảng rất khó do suất đầu tư lên tới hàng chục tỷ USD/nhà máy cỡ trung bình, đồng thời đòi hỏi trình độ nhân sự rất cao. Hiện nay, Việt Nam chưa có công ty sản xuất chip, còn để thu hút được nhà đầu tư quốc tế thì chúng ta phải giải được bài toán xây lợi thế cạnh tranh trong tương quan với quốc tế.
Nếu nước Mỹ có Đạo luật CHIPS và Khoa học thì mới đây, Hàn Quốc công bố dự định đầu tư 471 tỷ USD để thành lập trung tâm sản xuất chip lớn nhất thế giới vào năm 2047 và tăng tỷ lệ sản xuất chip tại Hàn Quốc từ 30% lên 50% vào năm 2030. Tại Nhật Bản, tháng 11/2023, Quốc hội thông qua ngân sách bổ sung 14 tỷ USD trợ cấp cho ngành công nghiệp bán dẫn… Nhiều nền kinh tế khác cũng có những quyết sách thu hút các tập đoàn sản xuất chip đầu tư trở lại chính quốc hoặc có thể chọn đầu tư ra quốc tế, nhưng với điều kiện phải có lợi hơn. Đây là những bài toán mà Việt Nam cần có lời giải khi mong muốn thu hút các tập đoàn sản xuất chip tới lập nhà máy.
Chưa kể, bản chất chip là đầu vào cho ngành công nghiệp điện tử. Vì thế, ở những nơi nền công nghiệp phát triển - họ có sẵn hệ sinh thái cần sản phẩm chip, nên có lợi thế thị trường tốt hơn các quốc gia đang phát triển công nghiệp. Ngành sản xuất chip cũng yêu cầu rất khắt khe về môi trường điện, nước, cụ thể là điện sạch, nước sạch, nên để thu hút nhà đầu tư sản xuất chip, chúng ta phải nỗ lực rất nhiều.
Tất nhiên, chúng ta mong được đón nhà đầu tư quốc tế đầu tư sản xuất chip tại Việt Nam, nhưng điều này cần quyết tâm chính trị và những nỗ lực rất lớn. Cơ hội gần và khả thi hơn cho Việt Nam là ở mảng thiết kế chip và đóng gói, kiểm thử sản phẩm.
Đứng trước cơ hội phát triển ngành vi mạch - bán dẫn, ông có lời khuyên gì cho đội ngũ tri thức trẻ nếu muốn bước chân vào ngành công nghiệp này?
Để gia nhập ngành này, điều kiện tiên quyết là phải chuẩn bị kiến thức chuyên ngành, khả năng tiếng Anh thật tốt. Trên bình diện quốc gia, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn, với mục tiêu đào tạo 50.000 nhân sự vào năm 2030. Trong nỗ lực xây dựng Đề án, NIC đã làm việc với nhiều trường đại học để đánh giá nhu cầu và khả năng đào tạo tại Việt Nam, đồng thời làm việc với một số trường đại học lớn trên thế giới để học hỏi kinh nghiệm, tìm cơ hội hỗ trợ người Việt Nam sang nước ngoài học tập. Cùng với đó, 2 tập đoàn bán dẫn lớn nhất thế giới là Synopsys và Cadence đã trao tặng cho NIC một số công cụ để từ đó chúng tôi hỗ trợ các trường đại học phương tiện đào tạo sinh viên ngành bán dẫn. Với quyết tâm của Chính phủ, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công tác đào tạo nhân sự Việt Nam trong ngành bán dẫn đang nhận sự hỗ trợ của nhiều tổ chức lớn, mở ra cơ hội học tập chưa từng có cho đội ngũ tri thức trẻ.
Việc học tập là để trang bị khả năng làm một nghề mới cho chính mình, đồng thời hướng đến mục tiêu góp sức xây dựng ngành công nghệ bán dẫn cho Việt Nam trong tương lai. Do tính chất đặc thù của ngành bán dẫn là làm việc vất vả, khắc nghiệt (thường làm việc 12 tiếng/ngày, trong điều kiện rất khắt khe), nhưng lương cao, nên một số dự báo cho rằng, sớm hay muộn trong 20 năm nữa, nguồn nhân lực sẽ sử dụng nhiều từ các nước đang phát triển. Đây là xu thế và cũng là một lợi thế cho người trẻ Việt Nam, nếu học tập để đủ sức bước chân vào ngành công nghiệp giá trị, đòi hỏi tri thức bậc cao này.