Chuyên nghiệp hóa đấu giá viên

(BĐT) - Nâng cao chất lượng đấu giá viên (ĐGV) là một trong những điểm mới cơ bản của Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) so với Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán ĐGTS. Các tiêu chuẩn về thời gian đào tạo nghề, kết quả tập sự hành nghề đấu giá của ĐGV nhận được rất nhiều sự đồng thuận từ những người thực hiện và các tổ chức bán ĐGTS.
Theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, khóa đào tạo nghề đấu giá có thời gian 6 tháng. Ảnh: Thanh Hương
Theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, khóa đào tạo nghề đấu giá có thời gian 6 tháng. Ảnh: Thanh Hương

Tỷ lệ qua đào tạo nghề thấp

Theo Bộ Tư pháp, trong năm 2016, Bộ đã cấp mới và cấp lại Chứng chỉ hành nghề ĐGV cho 285 trường hợp, thu hồi Chứng chỉ của 8 trường hợp. Với số lượng Chứng chỉ hành nghề được cấp mới và thu hồi này, năm 2016, cả nước có tổng cộng 956 ĐGV đang hành nghề đấu giá. Đội ngũ ĐGV này hoạt động tại 428 tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp (tăng 58 tổ chức so với năm 2015).

Trước đó, sơ kết 4 năm thi hành Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán ĐGTS, Bộ Tư pháp cho biết, số lượng ĐGV trước và sau thời điểm ban hành Nghị định 17 có sự tăng nhanh về số lượng và phát triển mạnh tại các thành phố lớn và các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng.

Tính đến ngày 31/3/2014, cả nước có 1.114 ĐGV có chuyên môn luật, kinh tế và các chuyên môn khác. Tuy nhiên, số ĐGV qua đào tạo nghề đấu giá chỉ chiếm khoảng 23,5% tổng số ĐGV của cả nước; số còn lại là những người không qua đào tạo (gồm những người được miễn đào tạo: đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên; luật sư...).

Do tỷ lệ đào tạo nghề đấu giá còn thấp dẫn đến việc một số ĐGV còn yếu về nghiệp vụ; hạn chế về chuyên môn, pháp luật, kỹ năng hành nghề. Một số có biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp.

Ở thời điểm đó, Bộ Tư pháp nhận định rằng, công tác quản lý tổ chức và hoạt động đấu giá vẫn còn thiếu những chế tài mạnh để xử lý các hành vi vi phạm của ĐGV, tổ chức hành nghề đấu giá, người tham gia đấu giá..., dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước phần nào bị hạn chế. 

Nâng cao chất lượng đấu giá viên

Số đấu giá viên qua đào tạo nghề đấu giá chỉ chiếm khoảng 23,5% tổng số đấu giá viên của cả nước
Để nâng cao chất lượng đội ngũ ĐGV và tính chuyên nghiệp trong hoạt động hành nghề, Luật ĐGTS quy định theo hướng người muốn trở thành ĐGV phải tham gia Khóa đào tạo nghề đấu giá với thời gian là 6 tháng (người có ít nhất 3 năm công tác trong lĩnh vực được đào tạo mới được tham gia Khóa đào tạo nghề); tập sự hành nghề đấu giá trong thời gian 6 tháng và đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá.

Luật ĐGTS cũng đã thu hẹp đối tượng được miễn đào tạo nghề đấu giá, theo đó chỉ những người đã qua các khóa đào tạo về nghề nghiệp và có kỹ năng hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp và lĩnh vực có liên quan như luật sư, công chứng viên, quản tài viên, thừa phát lại... mới được miễn đào tạo.

Theo một lãnh đạo của Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS tỉnh Vĩnh Phúc, khi chưa có Nghị định 17 thì ''ai cũng có thể trở thành ĐGV''. Khi có Nghị định 17 thì những người muốn trở thành ĐGV phải là người đã tốt nghiệp đại học ngành luật hoặc ngành kinh tế và đã qua Khóa đào tạo nghề đấu giá theo quy định. Tuy nhiên, dù đã phần nào hạn chế được tình trạng ''trăm hoa đua nở­'', nhưng Nghị định 17 mới chỉ quy định thời gian đào tạo nghề đấu giá chỉ là 3 tháng – khoảng thời gian chưa đủ dài để đảm bảo chất lượng của một ĐGV khi được cấp Chứng chỉ hành nghề. Vì vậy, vị lãnh đạo này bày tỏ đồng thuận cao với quy định của Luật ĐGTS là thời gian đào tạo nghề đấu giá phải là 6 tháng, thay vì 3 tháng như trước đây.

Cùng với đó, đối tượng miễn đào tạo được quy định tại Nghị định 17 đã được thu hẹp một cách hợp lý và ''đúng bản chất'' với hoạt động nghề nghiệp của người làm công tác đấu giá. “Việc thu hẹp đối tượng được miễn đào tạo nghề đấu giá cũng giúp hoạt động đấu giá được chuyên nghiệp hơn, ĐGV sẽ chuyên nghiệp hơn khi không phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác mà pháp luật cho phép hành nghề'' – vị lãnh đạo này nêu quan điểm.

Ngoài ra, theo quy định của Luật ĐGTS, khi ĐGV hành nghề tại các trung tâm dịch vụ bán ĐGTS sẽ phải thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Chia sẻ về nội dung này với Báo Đấu thầu, lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hiện Trung tâm đang thực hiện quản lý đội ngũ ĐGV tuân thủ đúng quy định của Nghị định 17. Theo đó, khi cán bộ, công chức, viên chức không còn làm việc tại Trung tâm, chuyển sang một đơn vị hành chính khác thì cấp có thẩm quyền sẽ thu hồi lại thẻ ĐGV của cán bộ đó đối với trường hợp thẻ ĐGV được cán bộ, công chức, viên chức đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá để làm việc cho Trung tâm.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư