Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC. |
Thị trường chứng khoán Mỹ có phiên trượt dốc thứ hai liên tiếp vào ngày thứ Tư (18/8), khi nhà đầu tư nghiền ngẫm biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để xác định khi nào ngân hàng trung ương này có thể bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô kéo dài chuỗi giảm lên 5 phiên, trong bối cảnh mối lo về sự lây lan của biến chủng Delta tiếp tục phủ bóng lên triển vọng nhu cầu tiêu thụ “vàng đen”.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm khoảng 1,1%, còn 34.960,69 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng trượt gần 1,1%, còn 4.400,27 điểm. Đây là phiên giảm thứ hai liên tiếp của cả hai chỉ số, sau chuỗi 5 phiên lập kỷ lục không nghỉ trước đó.
Chỉ số Nasdaq giảm 0,9%, chốt ở 14.525,91 điểm.
Fed công bố biên bản cuộc họp tháng 7, cho thấy các nhà hoạch định chính sách trong Uỷ ban Thị trường mở (FOMC) đã thảo luận về khả năng cắt giảm chương trình 120 tỷ USD mua tài sản hàng tháng ngay trong năm nay.
“Trong thời gian tới, phần lớn các thành viên dự họp đều nhận thấy rằng, miễn sao nền kinh tế tiếp tục phục hồi trên diện rộng như dự kiến, việc bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản trong năm nay có thể là phù hợp”, một phần của biên bản được hãng tin CNBC trích dẫn.
Biên bản nói rằng nền kinh tế Mỹ đã đạt được mục tiêu về lạm phát và “tiến gần tới thoả mãn” mục tiêu về tăng trưởng việc làm. Tuy nhiên, biên bản cũng cho thấy một vài sự bất đồng quan điểm trong Fed, với một số thành viên muốn đợi cho tới đầu năm 2022 mới bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản.
Từ sau cuộc họp tháng 7 của Fed, đã có nhiều quan chức Fed đưa ra quan điểm ủng hộ việc công bố cắt giảm chương trình mua tài sản vào tháng 9 và tiếp đó bắt đầu cắt giảm trong tháng 10.
“Có một sự bấp bênh quanh việc các biện pháp hỗ trợ tài khoá và tiền tệ được rút lại, và nền kinh tế phải tự đứng trên đôi chân của mình. Tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục có sự biến động vì chuyện này”, nhà quản lý quỹ Rachael Aiken thuộc Rockland Trust nói với CNBC.
Số liệu kinh tế công bố ngày thứ Tư cho thấy số nhà mới khởi công trong tháng 7 ở Mỹ giảm 7%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của giới phân tích. Trước đó, dữ liệu về doanh thu bán lẻ tháng 7 công bố hôm thứ Ba cũng khiến thị trường thất vọng.
“Trong ngắn hạn, thị trường sẽ tiếp tục tập trung vào vấn đề tăng trưởng kinh tế và mối lo về biến chủng Delta. Nhưng nếu vượt qua được những thách thức này, tin tốt về nền kinh tế và thị trường việc làm sẽ mang đến một cú huých niềm tin mới, đưa thị trường lên những đỉnh cao mới trước cuối năm nay”, Giám đốc đầu tư Chris Zaccarelli thuộc Independent Advisor Alliance dự báo lạc quan.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London đóng cửa với mức giảm 0,8 USD/thùng, tương đương giảm 1,2%, còn 68,23 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại Mỹ giảm 1,13 USD/thùng, tương đương giảm 1,7%, còn 65,46 USD/thùng.
Giá dầu đã chịu áp lực giảm trong mấy tuần gần đây khi biến chủng Delta của Covid-19 lây lan mạnh ở nhiều quốc gia. Nhiều nước đã tái áp hạn chế đi lại và hoạt động đi lại đường không cũng giảm xuống. Tuần trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo do biến chủng Delta, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng chậm lại trong thời gian còn lại của năm 2021.
Trong 13 phiên giao dịch gần nhất, giá dầu Brent - giá tham chiếu của thị trường dầu toàn cầu - đã giảm 11%.
Phiên giảm thứ 5 liên tiếp của giá dầu diễn ra cho dù báo cáo từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy lượng dầu thô tồn kho của Mỹ trong tuần trước giảm 3,2 triệu thùng, còn 435,5 triệu thùng, mức thấp nhất từ tháng 1/2020. Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ở Mỹ trong 4 tuần gần nhất bình quân 20,8 triệu thùng/ngày, bằng với mức trước Covid vào cùng kỳ 2019.
Trên thị trường tiền số, đồng Bitcoin vững giá trong 24 giờ qua. Lúc hơn 7h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin đứng ở 44.480 USD, tăng 0,25% so với cùng thời điểm ngày hôm qua. Trong vòng 1 tuần gần nhất, giá Bitcoin giảm 2,2%.