Trong chặng đường mới, Tân Uyên sẽ tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu đưa Thành phố đạt đô thị loại II trước năm 2025 |
Thị xã Tân Uyên được thành lập theo Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 29/12/2013 của Chính phủ trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số của huyện Tân Uyên. Đến nay, Tân Uyên có 12 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 10 phường và 2 xã; là đô thị loại III. Với vị trí, địa lý đặc biệt, là đô thị nằm ở cực Đông của tỉnh Bình Dương, Tân Uyên đã trở thành địa bàn quan trọng của Tỉnh về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh.
“Nhận thức rõ vai trò và vị thế đặc biệt quan trọng của Tân Uyên trong sự phát triển của Tỉnh, Đại hội đại biểu Đảng bộ Bình Dương lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra mục tiêu: Xây dựng và phát triển Tân Uyên trở thành thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2025 để tạo tiền đề, tạo cơ sở, thế và lực cho sự bứt phá chung của toàn Tỉnh trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội mới. Được sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, cùng nhau phấn đấu vì mục tiêu chung, đến hôm nay, Tân Uyên đã về đích trước 2 năm so với Nghị quyết đề ra”, ông Võ Văn Minh nhấn mạnh.
Hiện nay, Tân Uyên có cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng 64,17%, 34,6% và 1,23%. Trên địa bàn Tân Uyên đã hình thành nhiều khu công nghiệp tập trung với quy mô đầu tư lớn, cả về diện tích và nguồn vốn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư ngày càng đồng bộ; nhiều công trình, dự án trọng điểm được triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của Tỉnh.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn thành phố Tân Uyên đã được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại |
Theo ông Đoàn Hồng Tươi - Chủ tịch UBND TP. Tân Uyên, thời gian qua, Tân Uyên đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, kết nối với hệ thống giao thông của Tỉnh. Đến nay, sau gần 10 năm thực hiện, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn Thành phố đã được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại, được công nhận là đô thị loại III tại Quyết định số 1504/QĐ-BXD ngày 20/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Trong chặng đường mới, Tân Uyên sẽ tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu đưa Thành phố đạt đô thị loại II trước năm 2025.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Thanh Mẫn - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, trên cơ sở đánh giá tiềm năng, thế mạnh và các điều kiện cụ thể, ngày 13/2/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 725/NQ-UBTVQH15 thành lập TP. Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương. Đây là nghị quyết rất quan trọng, tạo tiền đề và động lực để Tân Uyên xây dựng mô hình chính quyền đô thị tương ứng, tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn của một đô thị công nghiệp năng động, hiện đại và văn minh với chức năng là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa phía Đông Nam của tỉnh Bình Dương.
Tuy nhiên, ông Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý, TP. Tân Uyên chú trọng nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch; phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị, tiến tới xây dựng Tân Uyên là đô thị công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, đầu mối giao thông vùng. Đặc biệt, tăng cường công tác quản lý đất đai, quy hoạch, cư trú, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Cần xác định rõ diện tích đất trồng lúa, diện tích đất được chuyển đổi sang mục đích khác để phát triển kinh tế và đô thị, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất; kiểm soát tốt tình trạng đầu cơ, đẩy giá đất ở các đơn vị hành chính đô thị mới được thành lập.