Chính sách hồi phục kinh tế cần tính cả ngắn và dài hạn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung và dài hạn theo nhiều dự báo vẫn tích cực. Dù vậy, trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn, thách thức khó ước đoán, nhiều chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần có các bước đi, chính sách kịp thời, hiệu quả, ngoài hỗ trợ ngắn hạn, cần xem xét các vấn đề phát triển dài hạn và tận dụng cơ hội kinh doanh mới.
Chính sách hồi phục kinh tế cần tính cả ngắn và dài hạn

“Nguy” và “cơ” đan xen

Theo TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, do tác động của dịch Covid-19, kinh tế thế giới năm 2020 suy thoái nặng nề và sự hồi phục khó đoán định, khả năng phục hồi vào năm 2021 yếu hơn. Với Việt Nam, Covid-19 tác động đến hầu khắp các lĩnh vực, ngành nghề, khoảng 23% tổng tín dụng có vấn đề do Covid-19.

Khảo sát gần đây của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, 2% số doanh nghiệp được khảo sát phải giải thể, 20% dừng hoạt động, 76% không cân đối được thu - chi. Chỉ 2% tạm thời chưa bị ảnh hưởng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) dự báo kinh tế Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức. Đại dịch Covid-19 còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, khó lường và khả năng cao sẽ kéo dài cả năm 2021. Triển vọng kinh tế toàn cầu là rất khó khăn, khả năng phục hồi trở lại trạng thái trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra sẽ cần khoảng 2 - 4 năm tùy thuộc mức độ tác động.

Tuy vậy, trong Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô phát hành cuối tuần trước, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, hầu hết các chỉ số kinh tế và tài chính tiếp tục chứng minh khả năng phục hồi của Việt Nam, dù mức độ phục hồi giảm nhẹ trong tháng 8.

Theo WB, vào cuối tháng 8, dự trữ ngoại hối của Việt Nam là 92 tỷ USD, tăng so với mức 80 tỷ USD vào cuối tháng 12/2019. Mặc dù mức tăng này không cao như mức tăng cùng kỳ năm 2019, nhưng chứng tỏ khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam đã đạt mức thặng dư thương mại hàng hóa cao kỷ lục và thu hút được dòng vốn FDI lớn cho dù có đại dịch, giúp giảm thiểu tác động của việc giảm lượng kiều hối và thu nhập bằng ngoại tệ từ du khách nước ngoài. Cán cân thanh toán của Việt Nam cũng thể hiện tính chống chịu cao khi tỷ giá VND/USD được duy trì ở mức ổn định.

Tuy nhiên, WB lưu ý các cân đối của Chính phủ đang xấu đi và cần được theo dõi sát. Chính phủ đã có những biện pháp ứng phó với tác động của dịch Covid-19 bằng cách chi tiêu công, và do vậy dần dần làm giảm dư địa tài khóa. Trong khi đó, 8 tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước đạt 58,3% dự toán, thấp hơn 12,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Cần giải pháp tổng thể

Thông tin tới báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, nếu phấn đấu tốt, tăng trưởng năm 2020 có thể đạt 2 - 3%. Chính phủ cũng đưa ra dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 6 - 6,5%.

Trong Báo cáo cập nhật triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2020 công bố ngày 15/9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn rất tích cực, với mức tăng trưởng năm 2021 dự báo đạt 6,3%.

Để đạt được những mục tiêu cho năm 2020 và năm 2021, sẽ cần nhiều giải pháp tổng thể. Theo TS. Võ Trí Thành, mở cửa lại kinh tế là biện pháp quan trọng nhất giúp duy trì và có thể phục hồi sản xuất kinh doanh. Chính phủ cần bám sát tình hình, lắng nghe doanh nghiệp, xây dựng các kịch bản khác nhau, kể cả xấu nhất để có phương án xử lý thích hợp nhất có thể. Tiếp tục thực thi hiệu quả chính sách hỗ trợ cùng các biện pháp bổ sung như kéo dài thời hạn xử lý nợ và đóng thuế, phí, giảm thuế, phí, hỗ trợ một số công ty, tập đoàn lớn. Xem xét gói kích thích, hỗ trợ lần 2 tính đến cả năm 2021 vì Việt Nam vẫn còn nguồn lực để thực hiện. Tuy nhiên, các giải pháp hỗ trợ cần duy trì, không phá vỡ ổn định kinh tế vĩ mô. Song song với đó, đẩy mạnh cải cách cơ cấu kinh tế thích ứng với các xu thế phát triển mới, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do và sự dịch chuyển các dòng đầu tư…

WB khuyến nghị, trong tương lai, Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước do họ có thể trì hoãn kế hoạch đầu tư trong môi trường nhiều bất ổn như hiện nay. Các chính sách ứng phó của Chính phủ cần kích thích khả năng phục hồi trong ngắn hạn và duy trì sự bền vững về tài khóa và nợ vay trong dài hạn.

Chuyên gia của ADB cho rằng, Việt Nam có dư địa tài khóa nhưng các chính sách cần tạo ra tác động không chỉ trong năm 2020. Nền kinh tế toàn cầu chưa thể phục hồi được trong năm 2021, nhiều ngành như du lịch, hàng không dự báo vẫn phải chịu tác động trong 3 - 5 năm, thiết kế chính sách cho các ngành phải tính đến các yếu tố dài hạn. Việt Nam cũng cần thay đổi cách thức cạnh tranh thu hút đầu tư, không dựa nhiều vào ưu đãi, chi phí thấp như trước mà cần dựa nhiều vào chất lượng, năng suất lao động, logistics.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ quan điểm, không thể nói mãi về việc làm thế nào không giảm thu, mà phải nhìn hai chiều, vừa bảo đảm an toàn tài chính, các cân đối lớn nhưng phải có giải pháp phù hợp để kích thích tăng trưởng, tạo nguồn thu, nuôi dưỡng nguồn thu.

Chuyên đề