Chỉ trong 9 ngày, TPHCM thu được hơn 55 tỉ đồng từ phí hạ tầng cảng biển

0:00 / 0:00
0:00
Theo thông tin từ Cảng vụ đường thủy nội địa (Sở Giao thông Vận tải TPHCM), thành phố đã thu về được hơn 55 tỉ đồng sau 9 ngày triển khai hệ thống thu phí hạ tầng cảng biển trên địa bàn. Như vậy bình quân mỗi ngày thành phố thu hơn 6 tỉ đồng từ loại phí này.
Chỉ trong 9 ngày TPHCM thu được hơn 55 tỉ đồng tiền phí hạ tầng cảng biển. Ảnh minh họa: TL.
Chỉ trong 9 ngày TPHCM thu được hơn 55 tỉ đồng tiền phí hạ tầng cảng biển. Ảnh minh họa: TL.

Theo thông tin từ Cảng vụ đường thủy nội địa, tính riêng ngày 9-4, có 212 doanh nghiệp đăng ký với số biên lai đã xuất là 4.239 tờ, số tiền thu trong ngày hơn 4,8 tỉ đồng.

Lũy kế từ 0 giờ ngày 1-4 đến 24 giờ ngày 9-4, có 35.250 doanh nghiệp đăng ký với 42.574 tờ biên lai đã được xuất, 62 tờ biên lai bị hủy. Tổng số tiền thu trên hệ thống (từ ngày 1 đến 9-4) hơn 55 tỉ đồng, tương đương mỗi ngày thu hơn 6 tỉ đồng.

Trong số này, tiền thu từ hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai ngoài TPHCM nhiều nhất, với hơn 27 tỉ đồng; hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TPHCM hơn 16 tỉ đồng; hàng tạm nhập tại xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu thu hơn 11,8 tỉ đồng.

Số tờ khai thực tế qua 9 ngày gần 59.000 tờ, nhưng cũng có 3.704 tờ khai bị hủy. Tổng số cuộc gọi đến từ các doanh nghiệp để được tư vấn, hỗ trợ lên tới 13.552 cuộc.

Theo đánh giá của Cảng vụ đường thủy nội địa, hệ thống thu phí đang hoạt động tương đối ổn định, thông suốt đảm bảo cho các doanh nghiệp vận hành hệ thống.

Trước đó, theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, dự kiến nguồn thu phí hạ tầng cảng biển trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 16.000 tỉ đồng. Nguồn thu này sẽ bổ sung vào ngân sách TPHCM để đẩy nhanh lộ trình đầu tư các công trình giao thông kết nối khu vực cảng biển.

Dự kiến, sau 5 năm khi thực hiện thu phí cảng biển cùng với sự đầu tư của TPHCM, hạ tầng giao thông kết nối khu vực cảng biển sẽ cơ bản hoàn thành theo quy hoạch.

Tuy nhiên, việc thu loại phí này vấp phải nhiều phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp vì đa số doanh nghiệp cho rằng họ vừa mới bị ảnh hưởng nặng nề dịch Covid-19 và đang rất khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên vật liệu tăng cao, sức mua chưa hồi phục nên gặp rất nhiều khó khăn.

Ghi nhận của KTSG Online ở các cuộc họp với các sở ngành về ngành công thương, hoặc vận tải logistics, các doanh nghiệp đều nêu việc TPHCM quyết thu loại phí hạ tầng cảng biển lúc này là không phù hợp và gây khó cho doanh nghiệp trong tiến trình hồi phục sau dịch Covid-19.

Và trên thực tế chưa đầy 1 tuần TPHCM áp dụng thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển trên địa bàn, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản khẩn báo cáo một số bất cập, tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp từ việc thu loại phí này.

Trong văn bản này cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo UBND TPHCM nghiên cứu dừng thu phí loại phí này. Báo cáo của Ban IV nêu, trong thời gian vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp, hiệp hội, bao gồm cả khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, đã gửi phản ánh, kiến nghị tới UBND TPHCM, UBND các tỉnh giáp ranh TPHCM và gửi lên các cấp để phản ánh các vấn đề bất cập trong việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển.

Các hiệp hội và doanh nghiệp cho rằng mức thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại TPHCM là cao và thời điểm thu phí không phù hợp làm tăng thêm gánh nặng, giảm tính cạnh tranh và khả năng phục hồi của doanh nghiệp ngay sau đại dịch.

Đồng thời, việc thu phí không đúng đối tượng đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa và hàng trung chuyển, quá cảnh, tạm nhập tái xuất đã cản trở sự phát triển vận tải đường thủy nội địa, làm mất nguồn thu từ các hàng hoá này và không đúng với quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…

Trước thực tế trên, Ban IV đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo UBND TPHCM nghiên cứu, thực hiện khẩn trương việc dừng thu phí hạ tầng cảng biển tại TPHCM. “Doanh nghiệp, hiệp hội đề nghị dừng việc thu phí hạ tầng cảng biển tại TP. HCM để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, phát triển”, Ban IV chuyển kiến nghị.

Chuyên đề