“Chạy nước rút” gói 30.000 tỷ đồng

Chủ đầu tư và khách hàng mua nhà ở xã hội đang tranh thủ những cơ hội cuối cùng khi 90% số tiền của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã được cam kết cho vay.
90% gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã được các ngân hàng cam kết cho vay
90% gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã được các ngân hàng cam kết cho vay

Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát - chủ đầu tư Dự án nhà ở xã hội The Vesta (quận Hà Đông, Hà Nội) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa chính thức ký hợp đồng tín dụng và hợp tác hỗ trợ khách hàng vay vốn. Theo đó, VietinBank sẽ tài trợ vốn cho Dự án với tổng giá trị giải ngân lên tới 900 tỷ đồng, lãi suất 5%/năm trong vòng 15 năm.

Nhiều khả năng, The Vesta sẽ là một trong những dự án nhà ở xã hội cuối cùng tại Hà Nội được hưởng chính sách ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng, khi thời hạn triển khai gói tín dụng ưu đãi đã gần hết và số tiền được các ngân hàng thương mại cam kết cho vay cũng lên đến 90%. Trước đó, hàng loạt dự án nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ của các chủ đầu tư như Becamex, Viglacera, IDICO, Địa ốc Hoàng Quân, BIC Việt Nam, AZ Land, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Sông Đà, Xuân Mai Corp…, với hàng vạn căn hộ giá rẻ, đã được bán đến tay khách hàng, đáp ứng nhu cầu của người có thu nhập thấp và trung bình tại các đô thị.

Theo Thông tư 11/2013/TT - NHNN của Ngân hàng Nhà nước, việc giải ngân khoản cho vay tái cấp vốn khoản 30.000 tỷ đồng tối đa là 36 tháng kể từ ngày có hiệu lực (1/6/2013). Như vậy, các khoản vay được hưởng chính sách ưu đãi từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sẽ kết thúc từ ngày 31/5/2016.

Đánh giá về tác động của gói 30.000 tỷ đồng với thị trường bất động sản, ông Đỗ Đức Đạt, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô - chủ đầu tư Dự án nhà ở thu nhập thấp Bắc Cổ Nhuế - Chèm (Hà Nội) cho biết, chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ đã giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn nhất khi thị trường bất động sản đóng băng và từng bước phát triển ổn định. Trong tương lai, Chính phủ nên tiếp tục có chính sách hỗ trợ phát triển các dự án nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ, vì thực tế cho thấy, những người có thu nhập trung bình và thấp tại các đô thị rất khó tích lũy để mua được nhà ở tại các dự án nhà ở thương mại thông thường.

Theo Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), kết quả giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng là đáng khích lệ sau khi Bộ Xây dựng yêu cầu các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc xác nhận các đối tượng đủ điều kiện vay vốn gói tín dụng này. Việc giải ngân trước hay sau thời điểm 31/5/2016 còn phụ thuộc vào tiến độ xây dựng các dự án.

“Thời hạn 31/5/2016 là do Ngân hàng Nhà nước đặt ra, Nghị quyết 02/2013/NQ-CP và Nghị quyết số 61/2014/NQ-CP của Chính phủ không đặt ra thời hạn của gói hỗ trợ này. Bộ Xây dựng cũng không đặt ra thời hạn giải ngân gói tín dụng này. Tuy nhiên, với tiến độ giải ngân như hiện tại, nhiều khả năng, gói tín dụng ưu đãi sẽ kết thúc trước thời điểm 31/5/2016”, lãnh đạo Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản cho biết.

Liên quan đến việc một số ngân hàng tạm dừng cho khách hàng vay vốn ưu đãi mua nhà, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra ngày 29/1/2016, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, sẽ yêu cầu đơn vị chức năng xem xét cụ thể việc ngừng giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời gian cuối năm, trong điều hành chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng nào đã sát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thì có thể tạm dừng một thời gian.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư