“Chắp cánh” cho doanh nghiệp nông nghiệp sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông thuỷ sản đạt hơn 29 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, khẳng định vị thế quan trọng, là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Tuy nhiên, nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững; thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp, dịch vụ gặp nhiều khó khăn…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Tọa đàm
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Tọa đàm

Tại Tọa đàm cơ hội, tiềm năng của ngành nông nghiệp Việt Nam và khả năng hợp tác Việt Nam – Đài Loan (Trung Quốc) trong phát triển chuỗi nông sản được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức ngày 17/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, nông nghiệp luôn được đánh giá là ngành quan trọng và có lợi thế của Việt Nam. Những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Việt Nam trở thành một trong những nước có một số mặt hàng xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 53 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 12 tỷ USD, tăng 43%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông thuỷ sản đạt hơn 29 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2023…

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn bộc lộ hạn chế, bất cập, thiếu bền vững trong phát triển. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực trong nông nghiệp còn hạn chế, chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá phát triển. Hiện có đến 70%-85% nông sản của Việt Nam xuất khẩu dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến thấp.Thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gặp nhiều khó khăn…

Số lượng DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn thấp, chiếm khoảng 1,3% tổng số DN, trong đó đa số là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, hạn chế về nhân lực, tài chính, khoa học công nghệ, khả năng phát triển thị trường và vùng nguyên liệu.

Đại diện một số DN tham gia Tọa đàm cũng cho biết, nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu. Bên cạnh đó, trên thực tế, chúng ta đang làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp vi sinh nhưng để được cấp giấy phép cho một sản phẩm hữu cơ, DN lại gặp rất nhiều khó khăn...

Với bối cảnh mới hiện nay khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động mạnh mẽ tới nhiều lĩnh vực kinh tế, trong đó có nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chúng ta phải thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp đó là chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Tăng trưởng trong tương lai phải dựa vào hiệu quả trên cơ sở giống mới chất lượng hơn, chuyển sang hữu cơ, sản phẩm sạch, cơ cấu sản xuất và cách thức tổ chức chuỗi cung ứng cũng cần thay đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, bền vững, cuối cùng là nâng cao giá trị kinh tế trên một diện tích đất sử dụng.

Bộ KH&ĐT đang nghiên cứu, triển khai Dự án Đầu tư xây dựng khu cơ sở kỹ thuật và ươm tạo hỗ trợ doanh nghiệp nghiệp nhỏ và vừa khu vực phía Bắc (CAFI) trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm để “chắp cánh” cho ngành nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam.

CAFI sẽ là nơi hỗ trợ phát triển nông nghiệp với các mục tiêu: Tăng giá trị cho nông sản, thực phẩm Việt bằng các hỗ trợ đột phá, thiết thực và lan tỏa cho các doanh nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ nông dân, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp sáng tạo; thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, ứng dụng các công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp.

Tại Tọa đàm này, GS. TS Thái Đông Soán - Trường Đại học quốc gia Trung Hưng - Đài Loan (Trung Quốc) đã chia sẻ về kinh nghiệm phát triển nông nghiệp hiệu quả của Đài Loan. GS.TS Thái Đông Soán bày tỏ mong muốn được song hành, đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam thời gian tới.

Chuyên đề