Nguồn lực tài chính để BRG Group liên tục thâu tóm đất vàng là điều “bí ẩn”. Ảnh: Chí Cường |
Mặc dù sở hữu Century Riverside Huế - một trong những khách sạn lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế - kết quả kinh doanh của Huế ITC vẫn tương đối èo uột. Thậm chí, khoản lỗ 466 triệu đồng năm 2015 của Huế ITC chủ yếu do công ty con là Công ty TNHH Khách sạn Bờ sông Thanh lịch, công ty trực tiếp quản lý Century Riverside Huế, mang lại. Tính đến cuối năm 2015, Huế ITC có khoản lỗ lũy kế chưa phân phối 34,9 tỷ đồng.
Chào bán 25% - Huế ITC liệu có hot?
Trước hết, phải thừa nhận tình hình tài chính của Huế ITC không phải là điểm hấp dẫn của công ty này. Quan sát các thương vụ chào bán cổ phần nhà nước tại các doanh nghiệp gần đây gắn với các tài sản lớn (thông thường là bất động sản), điểm hấp dẫn có thể thấy rõ nhất là tỷ lệ chào bán ra công chúng. Tỷ lệ chào bán càng cao, khả năng kiểm soát hoạt động doanh nghiệp của các tổ chức/cá nhân càng lớn, thì thương vụ càng trở nên thu hút.
Đơn cử như thương vụ chào bán trọn lô cổ phần của SCIC tại Công ty CP Du lịch Kim Liên - chủ sở hữu Khách sạn Kim Liên. Với tỷ lệ chào bán tới 52%, phiên đấu giá đã diễn ra vô cùng sôi động. Có 36 nhà đầu tư đăng ký tham gia. Mức giá thắng cuộc lên tới 274.200 đồng/CP, vượt xa mức khởi điểm 30.600 đồng/CP.
Các chuyên gia đánh giá, cổ phần Khách sạn Kim Liên hấp dẫn trước hết nhờ vào vị trí đất vàng ngay trung tâm Thủ đô của khách sạn này. Ngoài ra, khi mua trọn 52% cổ phần, nhà đầu tư gần như có toàn quyền tự quyết đối với việc kinh doanh - nói cách khác, là ông chủ thực sự của khối tài sản giàu tiềm năng nói trên.
Khách sạn Century Riverside Huế tọa lạc trên mảnh đất rộng 15.000 m2, vị trí vô cùng thuận lợi, ngay cạnh cầu Tràng Tiền và sông Hương. Với tiềm năng du lịch sẵn có tại mảnh đất này, không thể phủ nhận sức hút của Huế ITC nói chung, của Century Riverside Huế nói riêng.
Theo phương án cổ phần hóa, vốn điều lệ của Huế ITC dự kiến đạt 118 tỷ đồng, tương đương 11,8 triệu cổ phần. Trong đó 2,9 triệu CP (25% vốn điều lệ) được chào bán công khai với giá khởi điểm 12.700 đồng/CP, 8,56 triệu CP (74% vốn điều lệ) chào bán cho cổ đông chiến lược, một phần nhỏ chào bán cho cán bộ công nhân viên công ty.
Với tỷ lệ chào bán ra công chúng 25%, ngay cả việc chỉ một cá nhân/tổ chức đứng ra gom toàn bộ số lượng cổ phần chào bán, thì tiếng nói của họ trong Huế ITC cũng rất nhỏ.
Tập đoàn BRG thâu tóm Century Riverside Huế
Không quá bất ngờ khi BRG Group được lựa chọn là cổ đông chiến lược, nắm giữ đa số cổ phần Huế ITC. BRG Group được biết đến với tên tuổi của bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch Tập đoàn. Bà Nga đồng thời là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), là nữ doanh nhân giàu có bậc nhất Việt Nam. Bà Nga có trong tay một loạt tài sản giá trị dưới dạng sở hữu cổ phần. Có thể kể đến hệ thống sân golf Quốc tế Đảo Vua, Legend Hill Golf Resort, Khách sạn Hilton Hanoi Opera, cùng một loạt khu đất vàng tại các địa điểm chủ chốt khác.
Đáng lưu ý, BRG là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ tham gia nhà đầu tư chiến lược của Huế ITC (ngày chốt hồ sơ 26/7/2016). Quyết định phê duyệt tiêu chí nhà đầu tư chiến lược được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ra ngày 17/6, trước đó 1 tháng rưỡi.
Năm ngoái, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, BRG Group sẽ tham gia làm cổ đông chiến lược trong quá trình cổ phần hóa Khách sạn Century Riverside Huế thuộc Công ty TNHH Khách sạn Bờ sông Thanh lịch.
Mức giá chào bán cổ phần Huế ITC cho BRG Group căn cứ thỏa thuận trực tiếp giữa BRG và Ban chỉ đạo Cổ phần hóa, nhưng không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của cuộc đấu giá công khai. Theo tính toán, số tiền tối thiểu mà BRG Group bỏ ra để thâu tóm Huế ITC khoảng 75 tỷ đồng. Điều đáng tiếc ở đây là, với sự tham gia duy nhất của BRG Group, quá trình cạnh tranh để làm nhà đầu tư chiến lược của Huế ITC sẽ không thực sự gay cấn và số tiền mà Nhà nước thu về chưa chắc đã tương xứng với giá trị thực của khối tài sản này.