Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020: 4 dự án sẽ về đích năm 2022?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giá trị khối lượng xây lắp trung bình của 4 đoạn tuyến thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đang bị chậm so với kế hoạch. Bộ Giao thông vận tải (GTVT), các ban quản lý dự án (QLDA) cùng các nhà thầu đang khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ để 4 đoạn tuyến cao tốc này hoàn thành trong năm 2022 như dự kiến.
Hiện tiến độ 4 dự án thành phần: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây chậm 1,7% so với kế hoạch. Ảnh: Tường Lâm
Hiện tiến độ 4 dự án thành phần: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây chậm 1,7% so với kế hoạch. Ảnh: Tường Lâm

Bộ GTVT cho biết, tính đến giữa tháng 6/2022, tổng giá trị khối lượng xây lắp của 11 dự án thành phần công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đạt khoảng 23.544,32 tỷ đồng/57.075,32 tỷ đồng, tương ứng 41,3% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 0,74% so với kế hoạch. Trong đó, 4 dự án thành phần: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây có giá trị khối lượng xây lắp trung bình đạt 59,7% giá trị hợp đồng, chậm 1,7% so với kế hoạch.

Cụ thể, Dự án cao tốc đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 (dài 63,4 km, khởi công tháng 9/2020) đến nay đạt 64,2% giá trị hợp đồng, đáp ứng tiến độ yêu cầu. Công trình cầu Núi Đọ thuộc Dự án đã cơ bản hoàn thành kết cấu phần dưới, đang thi công kết cấu phần trên; công trình hầm (dài 0,93 km) đã cơ bản hoàn thành hầm Tam Điệp, còn lại hầm Thung Thi đang đúc bê tông vỏ hầm. Dự án có 3/5 gói thầu vượt kế hoạch đã đăng ký từ 0,4% đến 1,9% giá trị hợp đồng, 2 gói thầu (XL.11 và XL.13) cơ bản đáp ứng kế hoạch đề ra.

Tại Dự án cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn (dài 98,3 km, khởi công tháng 9/2019), khối lượng thực hiện đạt khoảng 87,6% giá trị hợp đồng, chậm 1,53% so với kế hoạch. Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, tiến độ thi công Dự án gần đây bị ảnh hưởng do thời tiết không thuận lợi và biến động giá vật liệu xây dựng. Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và các nhà thầu tập trung khắc phục khó khăn để hoàn thành Dự án; xử lý nghiêm các nhà thầu chậm tiến độ, đã thực hiện cắt chuyển 1,99 km và một số hạng mục công trình của các nhà thầu chậm tiến độ để bảo đảm hoàn thành Dự án vào cuối tháng 9/2022.

Tại Dự án cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (dài 100,8 km, khởi công tháng 9/2020), khối lượng thực hiện đến nay đạt 40,85% giá trị hợp đồng, chậm 1,93% so với tiến độ cam kết. Theo Bộ GTVT, nguyên nhân là khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp nền đường, thời tiết không thuận lợi và biến động giá vật liệu xây dựng.

Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban QLDA 7 cắt chuyển 21 km của các nhà thầu chậm tiến độ giao cho các nhà thầu khác thi công, đang thực hiện các thủ tục bổ sung nhà thầu phụ để thi công khoảng 4 km trong tháng 6/2022. Các nhà thầu đã có những chuyển biến, tổ chức tăng ca, kíp thi công bảo đảm hoàn thành vào tháng 12/2022. Để tháo gỡ vướng mắc về nguồn vật liệu đất đắp, Bộ GTVT đã có văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đề nghị chỉ đạo các cơ quan liên quan hỗ trợ, tập trung giải quyết dứt điểm thủ tục, tạo điều kiện cho các đơn vị khai thác vật liệu, đáp ứng tiến độ thi công của Dự án.

Chậm tiến độ khoảng 3,8% so với kế hoạch là thực trạng tại Dự án cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (dài 99 km, khởi công tháng 9/2020). Hiện khối lượng thực hiện đạt 46,7% giá trị hợp đồng. Nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ là thời tiết không thuận lợi và giá vật liệu xây dựng tăng cao. Ban QLDA Thăng Long cho biết, các nhà thầu đã rà soát, xây dựng lại tiến độ và cam kết hoàn thành công trình trong năm 2022. Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban QLDA Thăng Long theo dõi chặt chẽ tiến độ thi công của nhà thầu; kiên quyết xử lý các nhà thầu chậm tiến độ theo quy định hợp đồng.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Cienco4 cho biết, thời gian qua, giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng có biến động lớn gây khó khăn cho nhà thầu thi công các dự án cao tốc, đặc biệt là các dự án phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong năm 2022. Để đảm bảo tiến độ, Nhà thầu đã huy động toàn bộ nhân lực, dồn các nguồn lực tài chính, tập trung máy móc, thiết bị để thi công ngày 3 ca. Nhà thầu phải bù lỗ do không được điều chỉnh kịp thời đơn giá thanh toán trong bối cảnh xăng dầu tăng giá chưa từng có.

Chuyên đề