Cẩn trọng khi thêm điều kiện tham gia đấu giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số trung tâm dịch vụ bán đấu giá cũng như các công ty chuyên tổ chức bán đấu giá đang có dấu hiệu… lạm dụng các điều kiện tham gia đấu giá. Tình trạng này chưa có “thuốc trị dứt điểm” vì quy định của pháp luật về đấu giá còn chưa rõ ràng.
Việc địa phương đưa ra yêu cầu đối tượng tham gia đấu giá phải có kinh nghiệm khai thác chợ từ 2 năm trở lên bị người tham gia đấu giá phản ứng, dẫn đến khiếu kiện. Ảnh: Nhã Chi
Việc địa phương đưa ra yêu cầu đối tượng tham gia đấu giá phải có kinh nghiệm khai thác chợ từ 2 năm trở lên bị người tham gia đấu giá phản ứng, dẫn đến khiếu kiện. Ảnh: Nhã Chi

Quy định số năm kinh nghiệm, số hợp đồng

Công ty TNHH Khai thác chợ Công Vinh có đơn khiếu nại liên quan đến phương án đấu giá quyền khai thác, thu phí sử dụng dịch vụ chợ trên địa bàn huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) năm 2021 - 2023 mà Báo Đấu thầu phản ánh tại bài viết “Tùy tiện thêm điều kiện đấu giá khai thác chợ tại Đồng Tháp?” (số báo ra ngày 13/1/2021) là một ví dụ điển hình.

Theo đó, Công ty TNHH Khai thác chợ Công Vinh hoàn tất hồ sơ nộp cho Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Tháp Mười thì được thông báo là Công ty không đủ điều kiện tham gia đấu giá theo quy chế đấu giá của UBND huyện Tháp Mười công bố. Quy chế này yêu cầu “đối tượng tham gia đấu giá phải có kinh nghiệm khai thác chợ từ 2 năm trở lên, trong thời hạn 5 năm (từ 2016 - 2020), kèm theo hợp đồng khai thác chứng minh”. Trong khi đó, Công ty cho biết đã có kinh nghiệm hơn 1 năm khai thác chợ trên địa bàn huyện Tháp Mười.

Quy chế đấu giá của UBND huyện Tháp Mười đang đứng trước việc bị Công ty TNHH Khai thác chợ Công Vinh kiện. Doanh nghiêp này cho biết, “quy chế chưa phù hợp với quy định pháp luật vì tự ý đưa ra điều kiện có kinh nghiệm khai thác chợ từ 2 năm trở lên, ảnh hưởng đến quyền lợi của Công ty khi bị loại hồ sơ tham gia đấu giá”.

Trong tháng 1/2021, một đơn vị chuyên tham gia đấu giá các nguồn vật tư của ngành viễn thông, điện tại TP.HCM thông tin cho phóng viên Báo Đấu thầu hiện tượng này. Cụ thể, dây cáp đồng, lõi dây điện đã qua sử dụng được tổ chức đấu giá là những tài sản rất có giá trị. “Có những lô tài sản được định giá hàng chục tỷ đồng. Nhưng hiện nay, một số trung tâm, công ty tổ chức đấu giá cấu kết với chủ tài sản đề tự ý đưa vào các điều kiện ngặt nghèo nhằm hạn chế sự tham gia của đông đảo tổ chức, cá nhân”.

Theo đơn vị này cung cấp, 3 lô vật tư của viễn thông 1 tỉnh khu vực Tây Nguyên được một đơn vị đấu giá tài sản tại TP.HCM công bố đấu giá. Điều kiện đưa ra là phải cung cấp 3 hợp đồng trong lĩnh vực này, trị giá hơn 20 tỷ đồng. Đây là điều kiện phi lý dẫn tới khó khăn cho nhiều doanh nghiệp muốn tham gia đấu giá lô tài sản này…

Quy định chưa rõ ràng

Điều 38 Luật Đấu giá tài sản quy định về việc đăng ký tham gia đấu giá tài sản như sau: Cá nhân, tổ chức đăng ký tham gia đấu giá thông qua việc nộp hồ sơ tham gia đấu giá hợp lệ và tiền đặt trước cho tổ chức đấu giá tài sản theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Trong trường hợp pháp luật có quy định về điều kiện khi tham gia đấu giá thì người tham gia đấu giá phải đáp ứng điều kiện đó. Khoản 4 của Điều này cũng quy định cụ thể những người không được đăng ký tham gia đấu giá.

Tuy nhiên, chia sẻ với Báo Đấu thầu, một chuyên gia về đấu giá cho rằng: “Sở dĩ vẫn còn những chủ tài sản, đơn vị tổ chức đấu giá tự ý thêm các điều kiện đối với tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá là do quy định chưa rõ về khái niệm “quy định khác của pháp luật có liên quan”. Chính khái niệm này dẫn tới một số nơi tự ý cài thêm điều kiện không phù hợp nhằm loại bỏ nhiều tổ chức, cá nhân muốn tham gia đấu giá.

Trong khi đó, nhiều tài sản, dịch vụ thông qua đấu giá hoàn toàn không phải lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, nhưng ràng buộc đối với cá nhân, tổ chức có nhu cầu tham gia vẫn quá cao, khiến công tác đấu giá kém hiệu quả, có dấu hiệu thông đồng, dìm giá.

Tuy nhiên, Điều 38 Luật Đấu giá tài sản cũng quy định rõ: “Ngoài các điều kiện đăng ký tham gia đấu giá quy định tại Luật này và pháp luật có liên quan, người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản không được đặt thêm yêu cầu, điều kiện đối với người tham gia đấu giá”. Theo ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM, đây là quy định cao nhất để các chủ tài sản, đơn vị đấu giá khi tổ chức đấu giá tài sản cân nhắc, thận trọng nếu muốn đưa thêm các điều kiện vào. Bởi, nếu việc đưa thêm yêu cầu, điều kiện đối với người tham gia đấu giá khiến số lượng tham gia ít hơn, dẫn tới nhiều khiếu nại, bất bình, thì việc tổ chức đấu giá chưa đạt được mong muốn.

Chuyên đề