Cận cảnh khu tái định cư đồ sộ và sang trọng bậc nhất TPHCM

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, số căn hộ tái định cư chưa bố trí tại thành phố hiện nay chủ yếu thuộc các dự án: Khu căn hộ tái định cư tại khu đô thị mới Thủ Thiêm quận 2 (khoảng 12.500 căn) và Khu tái định cư Vĩnh Lộc B tại huyện Bình Chánh (khoảng 2.000 căn).
Cận cảnh khu tái định cư đồ sộ và sang trọng bậc nhất TPHCM

Tính đến nay TP.HCM đã xây dựng được 4.536 căn hộ trong chương trình 12.500 căn hộ tái định, đạt tỉ lệ 37%, phục vụ cư dân khu vực Thủ Thiêm phải di dời chỗ ở.

Số căn hộ này là từ dự án lô R4-R5, khu 38,4 ha gồm 1.270 căn do Liên doanh Vietracimex-POS A.C làm chủ đầu tư và lô D07, khu 30,2 héc ta gồm 506 căn, do Công ty cổ phần Phát triển quốc tế Thế kỷ 21 làm chủ đầu tư.

Trong 4.536 căn hộ tái định cư đã hoàn thành, TP.HCM đã tiếp nhận 2.460 căn, còn lại 2.076 căn đang thực hiện thủ tục bàn giao, số căn hộ đã bố trí cho người dân vào ở là 1.551 căn.

Có mặt tại "đại công trường" khu tái định cư này trong những ngày gần đây, chúng ta dễ dàng chứng kiến cảnh ồn ào, náo nhiệt của máy móc và đội ngũ công nhân thi công không biết mệt mỏi. Sâu hơn một chút vào bên trong, tại khu vực giáp với Nam Rạch Chiếc, nơi có block chung cư đã được bàn giao cho người dân dọn về sinh sống. Qua tìm hiểu, nhiều người dân cho biết họ khá bằng lòng với chính sách tái định cư của thành phố khi chuyển về một nơi khang trang như thế này.

Tuy nhiên, một số hộ dân cũng nói rằng do đại dự án này đang trong quá trình xây dựng rầm rộ nên bụi bẩn, tiếng ồn rất ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật. Đặc biệt, khu tái định cư này toàn nhà là nhà, nhìn đâu cũng thấy những khối bê tông khổng lồ mà thiếu vắng bóng cây xanh, sân chơi cho trẻ em nhỏ hẹp. Ngoài ra, những con đường nội khu vẫn chưa được đầu tư mở rộng so với tầm vóc và quy mô của dự án nên người dân gặp nhiều khó khăn trong đi lại.

Được biết, đại dự án xây dựng khu tái định cư tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm được đầu tư theo phương thức Nhà nước huy động vốn của doanh nghiệp thực hiện sau đó sẽ thanh toán bằng quỹ đất ở khu vực khác cho chủ đầu tư. Đây cũng là dự án tái định cư đầu tiên có sự hợp tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại TP.HCM.

Để xây dựng khu đô thị này theo quy hoạch, hơn 10.000 hộ dân quận 2, thuộc 5 phường: An Khánh, Bình Khánh, Bình An, Thủ Thiêm và An Lợi Đông, tương đương 50.000 người phải di dời. Trong đó, phường An Khánh và Thủ Thiêm bị giải tỏa trắng.

Sở Xây dựng cho biết, theo quy hoạch phát triển chung của TP.HCM đến năm 2025, dự báo nhu cầu nhà TĐC tiếp tục tăng cao. Trong 5 năm tới, tổng nhu cầu nhà dành cho các hộ dân TĐC bị di dời để thực hiện các dự án lên đến hơn 40.000 căn.

Đối diện Khu đô thị Sala của công ty Đại Quang Minh là một dãy chung cư cao tầng đang được hối hả xây dựng. Theo kế hoạch, cuối năm nay dự án này sẽ được hoàn thiện, bàn giao và đón cư dân về sinh sống.

Một khu tái định cư do công ty Đức Khải làm chủ đầu tư. Dự án đã hoàn thành gần 80% tiến độ, với sức chứa hơn 1.000 dân với tiện ích nội khu đang được đầu tư bài bản.

Chỉ riêng chương trình giải tỏa nhà ven kênh rạch từ nay đến năm 2025, TP.HCM cần đến 20.000 căn TĐC. Ngoài ra, từ nay đến năm 2020, TP.HCM sẽ triển khai 462 dự án hạ tầng trọng điểm về đường giao thông, hạ tầng xã hội, công trình công cộng, tháo dỡ chung cư cũ với nhu cầu cần khoảng gần 28.200 căn TĐC để bố trí chỗ ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Trong tương lai, Thủ Thiêm sẽ là khu trung tâm tài chính, thương mại mới của TP.HCM với các tòa nhà cao từ 10 đến 40 tầng. Khu dân cư trong đô thị này có sức chứa 130.000 dân tại chỗ và 1 triệu khách vãng lai.

Khu tái định cư đang được thi công hoàn thiện nội thất.

Mặc dù khang trang và đồ sộ là vậy, nhưng hạ tầng giao thông nội khu đã bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sông người dân.

Theo Ban quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, do ảnh hưởng của thị trường bất động sản thời gian trước nên tiến độ thu hút đầu tư, triển khai xây dựng các dự án thành phần trong khu đô thị mới này còn chậm.

Do thi công chưa hoàn thiện, theo tìm hiểu của chúng tôi, khu nhà này hơn 2.000 căn nhưng hiện chỉ lác đác vài hộ dân sinh sống. Nhiều người dân dù đã nhận nhà tái định cư nhưng vẫn chấp nhận thuê nhà trọ bên ngoài ở do sợ ảnh hưởng tiếng ồn, bụi bẩn và nhất là an ninh.

Một khu nhà ở đã được thi công khá khang trang nhưng vẫn chưa được bàn giao. Do để lâu ngày, cỏ dại bắt đầu mọc phủ đầy các lối đi, bụi bẩn bám đầy các khu vực...

Có mặt tại đây từ sáng sớm, khung cảnh ập vào mắt chúng tôi là những con đường sỏi đá gập ghềnh, bụi bay mù mịt, không có cổng chào, không bóng bảo vệ.

Lối vào chính của khu tái định cư đồ sộ bậc nhất TP.HCM.

Đại công trường vẫn còn khá ngổn ngang. Block E – Lô R5 đã hoàn thành được khoảng 99%, Block B – Lô R4 đang đóng cốp pha sàn mái; các Block còn lại đã kết thúc phần thô và đang tiến hành phần hoàn thiện.

UBND TP.HCM đã đồng ý giao 7 khu đất đã giải tỏa xong tại khu đô thị mới Thủ Thiêm cho Công ty CP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh làm chủ đầu tư xây dựng theo hình thức BT (xây dựng- chuyển giao) và UBND TP.HCM sẽ đổi đất lấy hạ tầng (thanh toán hợp đồng BT bằng giao dự án khác). Đổi lại Đại Quang Minh sẽ bỏ ra gần 10.000 tỉ đồng xây dựng 4 tuyến đường chính tại khu đô thị mới này.

Một khu tái định cư trong "tổ hợp" rộng lớn tại Thủ Thiêm đang gấp rút thi công. UBND TP.HCM cũng vừa có văn bản chỉ đạo các sở ngành liên quan đôn đốc các chủ đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ, chuẩn bị ổn định cuộc sống cho người dân bị di dời giải tỏa.

Trước đây, UBND TP.HCM đã nhiều lần yêu cầu Sở Xây dựng làm việc cụ thể với các chủ đầu tư về lịch trình, tiến độ thực hiện theo quy định. Nếu chủ đầu tư nào đảm bảo khả năng và cam kết thực hiện theo đúng lịch trình thì cho phép tiếp tục thực hiện (trường hợp vi phạm tiến độ thì phải chế tài nặng hơn).

Nếu chủ đầu tư nào không đảm bảo theo lịch trình thì phải bàn giao ngay phần khối lượng hạng mục công trình còn lại để thành phố tổ chức triển khai ngay, sau khi hoàn thành chủ đầu tư này có trách nhiệm thanh toán, hoàn trả ngân sách thành phố phần giá trị hạng mục công trình đã thực hiện này theo quy định. 

Chuyên đề