Cảm nhận thiếu tươi sáng của doanh nghiệp nhỏ

(BĐT) - Với những khó khăn trong mở rộng sản xuất, kinh doanh và nhiều trở ngại phải đối mặt, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang rất cần chính sách hỗ trợ để có thể phát triển như kỳ vọng.
75% doanh nghiệp nhỏ và vừa phải cậy nhờ đến các mối quan hệ để tiếp cận thông tin. Ảnh: Tất Tiên
75% doanh nghiệp nhỏ và vừa phải cậy nhờ đến các mối quan hệ để tiếp cận thông tin. Ảnh: Tất Tiên

Nhiều khó khăn, trở ngại

Kết quả điều tra các DNNVV tại Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2015 (PCI 2015) vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây đã cho thấy một bức tranh không mấy khả quan về khu vực DN này.

Theo kết quả điều tra, bất kể quy mô ra sao, DN nào cũng vấp phải những vấn đề như: tiếp cận vốn, tìm kiếm khách hàng, khả năng thanh toán các chi phí vận hành DN, tìm kiếm mặt bằng kinh doanh phù hợp, tìm kiếm nhà cung cấp, xử lý những vấn đề liên quan đến pháp luật và hành chính… Đối với các DN quy mô càng nhỏ thì những khó khăn này dường như lại càng lớn hơn.

“Điều đáng lo ngại là khi khởi nghiệp, chủ DN nào cũng tràn đầy kỳ vọng về tương lai; tuy nhiên, sau khi đi vào sản xuất kinh doanh, các DN dân doanh trong nước cảm nhận nhiều khó khăn, trở ngại hơn kỳ vọng ban đầu”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban pháp chế thuộc VCCI cho biết khi chia sẻ về kết quả điều tra.

Cụ thể, số liệu điều tra cho thấy, khoảng 20% DN siêu nhỏ và 14% DN quy mô nhỏ và DN quy mô vừa nhận thấy những cơ hội thị trường là tệ hơn so với kỳ vọng ban đầu, trong khi đó con số này của các DN quy mô lớn chỉ là 6%. Về khả năng cạnh tranh, khoảng 32% DN siêu nhỏ, 29% DN quy mô nhỏ và DN quy mô vừa nhận thấy khả năng cạnh tranh trên thị trường tệ hơn so với kỳ vọng; con số này của các DN quy mô lớn chỉ là 22%. Đặc biệt, cảm nhận của DNNVV về các dịch vụ hỗ trợ DN của chính quyền địa phương cũng khác biệt đáng kể so với các DN lớn.

Từ thực tế của sản xuất kinh doanh thấp hơn kỳ vọng ban đầu cùng với sự không sáng sủa trong kết quả sản xuất, kinh doanh của DNNVV, không có gì đáng ngạc nhiên khi kết quả điều tra PCI cho thấy mức độ lạc quan của nhóm này về triển vọng kinh doanh trong tương lai thấp hơn đáng kể so với DN quy mô lớn.
Kết quả điều tra tại Báo cáo PCI 2015 cũng cho thấy, phần lớn DNNVV đều đánh giá chất lượng điều hành kém tích cực khi nhận định về môi trường kinh doanh tại các địa phương cũng như có cảm nhận tiêu cực hơn các DN lớn trên một số lĩnh vực: tiếp cận đất đai, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng và hỗ trợ DN.

Cụ thể, theo thống kê của PCI 2015, 87% DNNVV có đất, mặt bằng sản xuất kinh doanh song chỉ một nửa trong số này có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chỉ 22% DN siêu nhỏ, 24% DN nhỏ và 29% DN quy mô vừa đánh giá mức độ ổn định của mặt bằng kinh doanh là cao hoặc rất cao; trong khi tỷ lệ này của DN quy mô lớn là 31%.

Đáng lưu ý là có tới 75% DNNVV cho biết, họ phải cậy nhờ đến các mối quan hệ để tiếp cận thông tin. Tuy vậy, việc tiếp cận thông tin cũng rất hạn chế khi chỉ 51 - 61% DNNVV có thông tin về các chính sách ưu đãi của các cơ quan trung ương và địa phương, thấp hơn nhiều so với nhóm DN lớn (77%). Điều này cho thấy, DNNVV gặp rất nhiều khó khăn và hạn chế trong nắm bắt cơ hội thị trường để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Kết quả sản xuất kinh doanh thấp

Kết quả điều tra PCI 2015 cũng thể hiện kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNVV kém hơn nhiều so với các DN lớn. Số liệu công bố cho thấy, tỷ lệ các DNNVV gặp thua lỗ tương đối cao, có tới 32% DN siêu nhỏ, 17% DN nhỏ và 16% DN quy mô vừa đã thua lỗ trong năm gần nhất, trong khi chỉ khoảng 10% DN lớn có chung cảnh ngộ này.

Một con số tương phản cũng được chỉ ra là trong khi chỉ có 53% DN siêu nhỏ báo lãi, thì có tới 83% DN quy mô lớn cho biết năm vừa qua là một năm kinh doanh có lợi nhuận. “Hiện tượng này xuất hiện có thể bởi một số DNNVV không đủ sức tồn tại trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt hơn hoặc khó tiếp cận vốn ngân hàng do đã thế chấp hết các tài sản đã có và hiện nay không thể dùng hàng tồn kho làm tài sản thế chấp để bảo đảm cho vay”, ông Đậu Anh Tuấn phân tích.

Từ thực tế của sản xuất kinh doanh thấp hơn kỳ vọng ban đầu cùng với sự không sáng sủa trong kết quả sản xuất, kinh doanh của DNNVV, không có gì đáng ngạc nhiên khi kết quả điều tra PCI cho thấy mức độ lạc quan của nhóm này về triển vọng kinh doanh trong tương lai thấp hơn đáng kể so với DN quy mô lớn.

Cụ thể, chỉ có 43% DN siêu nhỏ, 54% DN nhỏ cho biết họ dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tiếp theo trong khi đối với DN quy mô vừa và lớn, con số này đều là 66%. Đáng lưu ý, có tới 8% DN siêu nhỏ và 6% DN nhỏ cho biết sẽ giảm quy mô hoặc đóng cửa DN; trong khi nhóm quy mô vừa và lớn chỉ có khoảng 2% phải cân nhắc tới lựa chọn này.

Ngoài ra, một thực trạng đáng báo động mà Báo cáo PCI 2015 chỉ ra là quy mô DN càng lớn thì gánh nặng về thủ tục hành chính cũng như thanh, kiểm tra của các cơ quan nhà nước càng gia tăng, khiến DN ngại không muốn lớn. Theo ông Tuấn, để thúc đẩy sự phát triển của các DNNVV trong thời gian tới, cần tháo gỡ những khó khăn mà các DNNVV đang gặp phải hiện nay, đồng thời cũng cần xóa bỏ những rào cản đang là trở ngại khiến các DNNVV không muốn phát triển lên quy mô lớn hơn.

Chuyên đề