Hướng đi nào cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?

(BĐT) - Mặc dù chiếm đến hơn 97% nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Việt Nam từ trước đến nay vẫn luôn trong tình trạng yếu thế.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nhiều hỗ trợ để tăng sức cạnh tranh. Ảnh: Tường Lâm
Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nhiều hỗ trợ để tăng sức cạnh tranh. Ảnh: Tường Lâm

Đông nhưng không mạnh

Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có khoảng 500.000 DN, trong đó DNNVV chiếm hơn 97%. Trong số hơn 97% ấy, số lượng các DN có quy mô vừa chỉ chiếm 1,96%. Nhìn vào con số trên để thấy, tỷ trọng các DN nhỏ và siêu nhỏ trong nền kinh tế ngày càng tăng. Mặc dù DNNVV tiếp tục là trung tâm trong quá trình phát triển của Việt Nam, có nhiều đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và việc làm, nhưng nhìn vào thực lực của họ hiện nay vẫn không thể không lo ngại.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, DNNVV của Việt Nam đông nhưng yếu, nên Nhà nước cần phải có những chính sách đặc biệt để hỗ trợ cho họ. Tuy nhiên, cách hỗ trợ phải tuân theo quy định của các định chế quốc tế. “Người ta không cho hỗ trợ trực tiếp bằng tài chính, mà chỉ cho hỗ trợ “mềm’, tức làm gián tiếp bằng chính sách”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông lưu ý.

Ông Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV của VCCI cho rằng, sự suy giảm quy mô lao động bình quân của các DN thời gian qua rất đáng lưu ý. Nguyên nhân chính bắt nguồn từ sự suy giảm quy mô bình quân khối DN ngoài nhà nước, khu vực luôn chiếm tỷ lệ rất cao trong nền kinh tế. Cụ thể, đã giảm từ 47 lao động năm 2007 xuống 34 lao động năm 2011 và chỉ còn 32 lao động trong năm 2013.

Mặc dù DNNVV của Việt Nam chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong chặng đường phía trước, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, các DN đừng nên bi quan mà phải đi bước qua mọi trở ngại. Theo đó, để thành công khi hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, cách tốt nhất là DNNVV cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình.

Phấn đấu có 2 triệu DN vào năm 2020

Mặc dù số lượng DN của Việt Nam không ngừng tăng lên, nhất là DNNVV, nhưng xét về bình quân đầu người trên DN so với các nước trên thế giới thì vẫn còn thấp hơn rất nhiều lần. Theo số liệu thống kê, hiện ở Hàn Quốc cứ 15 người dân là có 1 DN, trong khi đó ở Singapore con số này là 18 người, Đức là 22 người, Thái Lan là 25 người, Malaysia là 45 người và ở Việt Nam là 150 người mới có 1 DN.

Thời gian qua, cộng đồng DN Việt Nam đều ủng hộ việc phát động cuộc cách mạng khởi nghiệp với mục tiêu 2 triệu DN vào năm 2020. Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết thêm, đối với mọi quốc gia, việc tạo công ăn việc làm cho người lao động là rất quan trọng. DNNVV hơn ai hết đã đóng góp một phần rất lớn trong sứ mệnh đó. Những người chủ của DN là những trí tuệ của xã hội. Đổi mới sáng tạo là từ cá nhân chứ không phải tập thể. Ở mọi quốc gia, kể cả những nước hàng đầu, luôn coi DNNVV là trụ cột, là động lực của nền kinh tế.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, làm sao đổi mới thể chế để xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng là điều mà các DN đang rất mong chờ và hướng tới. Trước những hiệp định thương mại “chất lượng cao” như TPP và các FTA thế hệ mới, nếu DNNVV không được hỗ trợ thì khó khăn sẽ tăng gấp bội, khả năng cạnh tranh ngày càng khó. Bà Vũ Kim Hạnh cũng khuyến cáo, bối cảnh nước ta có nhiều điểm đặc thù. Chúng ta học hỏi tinh thần khởi nghiệp của họ thì được, nhưng nếu áp dụng mô hình của các nước vào Việt Nam chưa hẳn đã phù hợp.

Nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các DNNVV, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng dự án Luật Hỗ trợ DNNVV. Hiện dự thảo luật này đang trong quá trình hoàn thành. Sự tác động của dự án luật này đối với các DNNVV sẽ đến đâu và cụ thể như thế nào, đang được cộng đồng DNNVV của Việt Nam háo hức chờ đợi.                

Chuyên đề