Tính đến tháng 6/2023, lượng tiền giao dịch thanh toán chuyển khoản bình quân tăng 52,35% so với năm 2022. Ảnh: Tiên Giang |
Thống kê của ngành ngân hàng cho biết, đến tháng 6/2023, lượng tiền giao dịch thanh toán chuyển khoản bình quân tăng 52,35% so với năm 2022. Có khoảng 11 triệu tài khoản ngân hàng được mở thông qua phương thức eKYC (định danh điện tử). Đây là một trong những kết quả tích cực trong lĩnh vực thanh toán thẻ.
Theo một nghiên cứu của Mastercard, năm 2022, 94% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng ít nhất một phương thức thanh toán số, trong khi tỷ lệ này ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và kể cả những nước phát triển hơn chỉ ở mức 88%.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, dù thanh toán điện tử đã phát triển mạnh và các ngân hàng tích cực xây dựng hệ thống bảo mật, song vẫn xảy ra tình trạng kẻ gian lợi dụng kẽ hở để trục lợi, chiếm đoạt tiền của khách hàng. Trường hợp điển hình là khách hàng vô tình cung cấp thông tin cá nhân như số căn cước công dân, số thẻ, số tài khoản, mật khẩu, mã OTP hay mã số thanh toán... khi tham gia mạng xã hội, sử dụng Internet, mua hàng qua mạng cho kẻ gian. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng kẻ gian lợi dụng nâng cấp sim, nâng cấp gói Internet trên sim để chiếm đoạt số điện thoại, từ đó chiếm đoạt mật khẩu tài khoản ngân hàng.
Theo ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc cao cấp An ninh thông tin thuộc Ngân hàng Techcombank, một số loại tấn công phổ biến qua dịch vụ ngân hàng là tin nhắn mạo danh, mô phỏng QR Code, lách hệ thống bảo mật bằng cách sử dụng công nghệ AI, deepfake… khi mở tài khoản eKYC.
Bà Winnie Wong, Giám đốc quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào cảnh báo, cùng với quá trình chuyển đổi số, các hoạt động tấn công mạng là không thể tránh khỏi. Điều này không chỉ đúng ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Thực tế, ngân hàng và các tổ chức tài chính là đối tượng thường bị tấn công nhiều hơn so với các doanh nghiệp khác. Do đó, khi thực hiện chuyển đổi số, không chỉ các các tổ chức tài chính mà cả nước cần chung tay bảo vệ các giao dịch tài chính.
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thanh toán điện tử phát triển mạnh, song đang đối diện một số thách thức. Trước hết, hành lang pháp lý chưa theo kịp sự tiến bộ của khoa học công nghệ. Nhiều sản phẩm dịch vụ áp dụng hình thức công nghệ tiên tiến hiện đại nhưng chưa có đủ văn bản quy phạm pháp luật hay hành lang pháp lý chưa theo kịp, dẫn đến việc vận dụng cũng như ứng xử gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, một thách thức khác là tình trạng thiếu tương thích giữa các hạ tầng. Ngân hàng sử dụng dữ liệu của ngân hàng, cơ quan công an sử dụng dữ liệu của cơ quan công an, nhà mạng viễn thông cũng sử dụng dữ liệu riêng. Tình trạng này đang từng bước được cải thiện, tiến đến kết hợp với nhau để xây dựng hệ sinh thái chung và khai thác hiệu quả, góp phần phòng chống gian lận lừa đảo. Ngoài ra, kỹ năng sử dụng các dịch vụ ngân hàng số của nhiều người dân còn hạn chế đã vô tình tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo, gian lận. Kẻ gian thông qua sự thiếu hiểu biết, kỹ năng sử dụng dịch vụ ngân hàng số chưa tốt của khách hàng để khai thác và qua đó thực hiện các hành vi gian lận.
Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, để góp phần giảm dần các hành vi lừa đảo, gian lận, ngành ngân hàng đang nỗ lực thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết là hoàn thiện hành lang pháp lý bằng việc sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt; xây dựng Nghị định về khung pháp lý thử nghiệm cho hoạt động công nghệ tài chính. Nếu trong quý III/2023, 2 nghị định này được Chính phủ ban hành thì ngay lập tức NHNN sẽ hoàn thiện và ban hành 7 thông tư hướng dẫn liên quan với những nội dung đã chuẩn bị kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, nỗ lực xây dựng hệ sinh thái sử dụng, khai thác dữ liệu các bộ, ngành liên quan một cách liền mạch. Đơn cử, trong Kế hoạch phối hợp triển khai số 01/KHPH-NHNN-BCA giữa NHNN với Bộ Công an đã có nội dung ứng dụng VneID, một số tổ chức tín dụng hiện nay đã tiến tới tích hợp app mobile banking của mình trong ứng dụng VneID.
Ông Phạm Anh Tuấn cho biết thêm, NHNN đã có kế hoạch sửa Quyết định 630/QĐ-NHNN về kế hoạch áp dụng các giải pháp về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Trong đó, điểm đáng chú ý là quyết định hạn mức giao dịch đòi hỏi xác thực bằng sinh trắc học để xác định chính chủ. Điều này có thể sẽ gây khó khăn cho một số tổ chức tín dụng, nhưng vì lợi ích chung nên bắt buộc phải làm.