Cách điều hành tỷ giá mới nâng vị thế VND

(BĐT) - Từ đầu năm đến nay, cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, tính thanh khoản ngoại tệ được bảo đảm, tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm, vị thế đồng nội tệ tăng lên.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Phù hợp với tiến trình hội nhập

Từ ngày 4/1/2016, NHNN bắt đầu thực hiện chính sách điều hành tỷ giá theo cơ chế mới, bằng việc công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày, làm cơ sở để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép thực hiện hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối xác định tỷ giá mua - bán của VND với USD trong biên độ quy định đang áp dụng là +/- 3%.

Sau một tháng rưỡi thực hiện cơ chế điều hành mới, các chuyên gia đánh giá, ở cách thức điều hành tỷ giá mới, NHNN công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày, bám sát diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước và quốc tế, do đó, tỷ giá trung tâm biến động có tăng, có giảm. Tỷ giá biến động theo cả hai chiều sẽ hạn chế những cú sốc từ bên ngoài cũng như loại bỏ dần tâm lý găm giữ, đầu cơ trên thị trường ngoại tệ khi tỷ giá chỉ được điều chỉnh 1 chiều trước đây.

Trên cơ sở đánh giá điều hành tỷ giá từ cuối năm 2015 cho thấy, những biến động trên thị trường quốc tế có những tác động đáng kể đến tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước. Dự kiến năm 2016, thị trường quốc tế tiếp tục có biến động lớn, ảnh hưởng đến thị trường trong nước như FED có khả năng tăng lãi suất 4 lần trong năm 2016, tổng số tăng thêm 1% so với mức tăng 0,25% của năm 2015. Trong khi đó, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang được ký kết, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việc điều hành tỷ giá mới theo hướng linh hoạt trên tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng hơn của Việt Nam được đánh giá phù hợp với bối cảnh thương mại và đầu tư quốc tế đang biến chuyển nhanh, mạnh sau các FTAViệt Nam đã và sẽ ký kết. 

Cung USD vẫn đảm bảo

Diến biến thị trường hơn 1 tháng vừa qua cho thấy, giá USD gần đây giảm mạnh do cung - cầu ngoại tệ trong nền kinh tế không căng thẳng, tâm lý thị trường ổn định trở lại so với thời điểm trước đây. Đặc biệt, lượng ngoại tệ xuất khẩu, ngoại tệ từ các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bán lại cho ngân hàng thương mại nhiều, nhập khẩu cũng được kiểm soát khá tốt cũng giúp cung ngoại tệ dồi dào. Tỷ giá quay trở về trạng thái ổn định đã phản ánh đúng cung - cầu trên thị trường. Khi nguồn cung tốt, cộng với tâm lý thị trường vững vàng, tỷ giá sẽ ổn định hơn. Nhiều doanh nghiệp, người dân có ngoại tệ đã chuyển sang gửi giữ đồng nội tệ.

Mặt khác, diễn biến tỷ giá VND/USD trong một tháng rưỡi vừa qua cũng có chiều hướng giảm là vì thanh khoản thị trường đang dư thừa, trong khi đó nhu cầu ngoại tệ cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp không còn cấp thiết như thời điểm quý IV/2015. Thực tế cho thấy, cơ chế quản lý tỷ giá linh hoạt mà NHNN đang thực hiện giúp cho VND có được sự hấp dẫn hơn so với các đồng tiền ngoại tệ khác.

Cách thức điều hành tỷ giá mới bước đầu còn cho thấy những hiệu quả trong việc chống sốc từ bên ngoài. Mặc dù trên thị trường thế giới những ngày đầu năm liên tục có những biến động lớn (như đồng CNY giảm giá mạnh tác động giảm giá một số đồng tiền châu Á, chứng khoán Trung Quốc suy giảm, chỉ số USD tăng cao…) nhưng tỷ giá trên thị trường trong nước lại có diễn biến giảm khoảng 50 - 60 đồng so với cuối năm 2015, giao dịch trên thị trường vẫn sôi động.

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê cũng như các cơ quan, tổ chức khác, các nguồn cung USD cho thị trường trong nước năm 2016 như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, ODA, các khoản vay trung - dài hạn và kiều hối trong năm 2016 sẽ tiếp tục khả quan, cán cân thanh toán quốc tế tổng thể của Việt Nam sẽ thặng dư.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư