Các ngân hàng đã giải ngân được 29.239 tỷ đồng gói nhà ở xã hội

(BĐT) - Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 30/11/2016, chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội (gói 30.000 tỷ đồng) đã giải ngân được 29.239 tỷ đồng, dư nợ là 24.166 tỷ đồng.

 

Các ngân hàng đã giải ngân được 29.239 tỷ đồng gói nhà ở xã hội

Trong đó, đã giải ngân lũy kế đối với nhóm khách hàng cá nhân (khách hàng có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, mua và thuê nhà ở thương mại chuyển đổi công năng, đầu tư cải tạo/xây dựng nhà ở của mình) là 23.845 tỷ đồng đạt 92,5% cam kết cho vay (25.789 tỷ đồng), dư nợ đạt 20.650 tỷ đồng.

Đã giải ngân lũy kế đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp: (gồm khách hàng doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội): 5.395 tỷ đồng, dư nợ đạt 3.516 tỷ đồng. Từ ngày 01/6/2016 đã dừng giải ngân bằng nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước đối với nhóm khách hàng này.

Ngân hàng Nhà nước dự kiến đến 31/12/2016 (thời điểm kết thúc chương trình) sẽ giải ngân đạt khoảng 30.000 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, với nỗ lực của ngành ngân hàng, chương trình đã đạt được những kết quả tích cực: Chính sách đã phát huy tác dụng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ giúp thị trường bất động sản hồi phục, giảm hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đóng góp vào sự khởi sắc của nền kinh tế trong thời gian qua, tạo điều kiện cho trên 50.000 cá nhân, hộ gia đình khó khăn về nhà ở đã được cải thiện về chỗ ở…

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, trong quá trình triển khai chương trình, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho người dân, các ngân hàng thương mại nhằm đẩy mạnh việc cho vay, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận vốn ưu đãi để cải thiện về chỗ ở.

Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung thêm ngân hàng cho vay từ 04 ngân hàng lên 19 ngân hàng; theo dõi chặt chẽ tình hình thực hiện, chủ động phối hợp với Bộ Xây dựng xử lý khó khăn vướng mắc liên quan đến đối tượng, thủ tục xác nhận, điều kiện vay vốn; kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian cho vay đối với người dân từ 10 năm lên tối đa 15 năm, hàng năm xác định và công bố lãi suất ở mức ưu đãi dành cho người tham gia chương trình; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ gia hạn thời hạn tái cấp vốn đối với khách hàng cá nhân (bao gồm cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng mới, cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình); đẩy mạnh công tác truyền thông, kịp thời trả lời vướng mắc của doanh nghiệp, người dân...

Đặc biệt từ đầu năm 2015 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường công tác truyền thông về thời điểm kết thúc giải ngân tái cấp vốn đã được quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp là 01/6/2016 và nhóm khách hàng cá nhân là 31/12/2016.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn yêu cầu các ngân hàng thực hiện hướng dẫn, phổ biến đúng, đầy đủ về nội dung chính sách tới các bên có liên quan trong quá trình triển khai. Đặc biệt giải thích rõ về thời điểm kết thúc giải ngân tái cấp vốn của chương trình đến từng đối tượng khách hàng, mức lãi suất khách hàng sẽ phải trả sau khi kết thúc giải ngân tái cấp vốn.

Chuyên đề