Bước ngoặt trong cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Wall Street Journal (WSJ), lạm phát đang đi xuống nhanh hơn dự kiến ở các nền kinh tế phát triển, đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến chống lại giá cả "leo thang" kéo dài hai năm của các ngân hàng trung ương.
Lạm phát thấp hơn đã cho thấy tác động của việc tăng lãi suất thêm 4 hoặc 5 điểm phần trăm. Ảnh minh họa: Internet
Lạm phát thấp hơn đã cho thấy tác động của việc tăng lãi suất thêm 4 hoặc 5 điểm phần trăm. Ảnh minh họa: Internet

Tốc độ tăng giá tiêu dùng đã giảm xuống dưới 5% ở Anh và khoảng 3% ở Mỹ và khu vực đồng Euro trong tháng 10 vừa qua, thúc đẩy kỳ vọng về việc các ngân hàng trung ương có thể dừng tăng lãi suất và chuyển sang cắt giảm vào năm tới.

Điều này sẽ mang đến sự giải tỏa cho nền kinh tế toàn cầu vốn đang gặp khó khăn (ngoại trừ Mỹ), giúp tăng triển vọng "hạ cánh mềm" sau một loạt đợt tăng lãi suất chưa từng có tiền lệ nhằm kìm hãm lạm phát nhưng không khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh. Đặc biệt, điều này càng quan trọng hơn trong bối cảnh châu Âu đang trên bờ vực suy thoái.

Lợi suất trái phiếu chính phủ ở châu Âu và Mỹ đã sụt giảm khi các nhà đầu tư bắt đầu đánh giá cao kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất trong năm 2024.

Trong phần lớn thời gian của năm nay, tăng trưởng và lạm phát không giảm tốc nhanh hơn trước áp lực của các đợt tăng lãi suất đã khiến các nhà kinh tế đau đầu. Giờ đây, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, chi phí đi vay cao hơn đang tác động mạnh mẽ tới sự trì hoãn này.

"Đây chắc chắn là một bước ngoặt đối với lạm phát. Các nhà đầu tư có thể ngạc nhiên về tốc độ cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương trong năm tới, có thể sẽ lên đến 1,5 điểm phần trăm", Stefan Gerlach, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ireland nhận định.

Việc lạm phát "xuống thang" trên khắp các châu lục làm nổi bật cách những yếu tố chung đã đẩy giá cả lên cao ban đầu, đặc biệt là đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine. Những yếu tố này khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị thắt chặt, làm giảm số lượng người trong lực lượng lao động và khiến giá năng lượng tăng cao, đặc biệt là ở châu Âu. Khi tác động từ những yếu tố này suy giảm, áp lực giá cả sẽ giảm bớt một cách tự nhiên.

Lạm phát cũng được thúc đẩy bởi các yếu tố liên quan đến nhu cầu, chẳng hạn như hàng nghìn tỷ USD kích cầu của chính phủ Mỹ, cũng như nhu cầu bị dồn nén và tiết kiệm từ người tiêu dùng tích lũy trong đại dịch. Các nhà kinh tế cho biết, đó là lý do tại sao lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao gần 4 năm sau khi đại dịch bắt đầu và tại sao cần phải tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát.

"Lạm phát thấp hơn đã cho thấy tác động của việc tăng lãi suất thêm 4 hoặc 5 điểm phần trăm. Những người cho rằng lạm phát cao sẽ tự "xuống thang" đã không đúng", ông Stefan Gerlach nhận xét.

Ngay cả những quốc gia nơi có lạm phát dai dẳng, chẳng hạn như Anh, cũng đã bắt đầu cho thấy sự tiến bộ. Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ghi nhận tăng 4,6% trong tháng 10/2023, thấp hơn so với con số 6,7% trong tháng 9/2023 và là mức tăng chậm nhất kể từ tháng 10/2021.

Bruna Skarica, chuyên gia kinh tế tại Morgan Stanley, nhận xét: "Anh không còn là quốc gia ngoại lệ lớn nữa khi nói đến lạm phát".

Tại Mỹ, CPI tăng 3,2% trong tháng 10, thấp hơn so với dự báo của giới kinh tế. Khu vực đồng Euro cũng ghi nhận lạm phát giảm xuống 2,9% trong tháng 10, từ mức 4,3% trong tháng 9. Giá tiêu dùng cũng thấp hơn so với một năm trước ở Bỉ và Hà Lan.

Việc giá tiêu dùng suy giảm đã thuyết phục một số nhà hoạch định chính sách châu Âu rằng họ đã thắng trong cuộc chiến nhằm kiềm chế lạm phát sau một khoảng thời gian ngắn hơn so với những năm 1970, khi giá cả tăng vọt một cách tương tự.

"Chúng ta đang trong quá trình thoát khỏi cuộc khủng hoảng lạm phát. Trong vòng chưa đầy hai năm nữa, châu Âu sẽ kiểm soát được lạm phát", Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết mới đây.

Giới đầu tư cũng tỏ ra lạc quan hơn. Theo dữ liệu từ Refinitiv, các nhà đầu tư dự báo, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào mùa xuân tới, trong khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ cắt giảm vào mùa hè tới.

Về phần mình, các ngân hàng trung ương tỏ ra thận trọng hơn sau khi bị bất ngờ vào năm ngoái trước tình trạng lạm phát dai dẳng. Tháng trước, BoE cho biết còn quá sớm để nghĩ đến việc cắt giảm lãi suất, và dự báo lạm phát sẽ đạt mức mục tiêu 2% vào cuối năm 2025. Các ngân hàng trung ương cũng chỉ ra tốc độ tăng trưởng tiền lương vẫn còn lớn và nguy cơ giá năng lượng tăng cao hơn nếu xung đột Israel - Hamas lan sang các khu vực khác ở Trung Đông.

Các nhà kinh tế tại Morgan Stanley kỳ vọng, BoE sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất bắt đầu từ tháng 5/2024, tiếp đó là Fed và ECB vào tháng 6. Ngày càng có nhiều sự đồng thuận rằng, lạm phát đang giảm dần và lãi suất sẽ thấp hơn.

"Chúng tôi dự đoán, lạm phát và lãi suất sẽ giảm trên diện rộng vào năm 2024 ở các nền kinh tế tiên tiến", Michael Saunders, cựu quan chức tại BoE nhận xét.

Liệu các ngân hàng trung ương đã quá mạnh tay trong việc nâng lãi suất? Ảnh: Internet

Liệu các ngân hàng trung ương đã quá mạnh tay trong việc nâng lãi suất? Ảnh: Internet

Nếu vậy, điều này sẽ đặt ra câu hỏi rằng liệu các ngân hàng trung ương có tăng lãi suất quá mức hay không, đặc biệt là ở châu Âu.

Các nhà kinh tế cho rằng, những đợt tăng lãi suất này đang ảnh hưởng đến nền kinh tế, đè nặng lên hoạt động cho vay và chi tiêu. Quá trình tạo việc làm đang chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp đang tăng cao ở cả hai bờ Đại Tây Dương, hạn chế tăng trưởng tiền lương. Giới kinh tế cho biết, các hộ gia đình đang ngần ngại chi tiêu bởi lãi suất cao hơn khiến việc tiết kiệm trở nên có lợi hơn. Điều đó đè nặng lên triển vọng tăng trưởng trong những tháng tới.

Theo số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ tháng 10 tại nền kinh tế lớn nhất thế giới ghi nhận giảm 0,1% so với tháng 9. Đây là lần giảm đầu tiên kể từ tháng 3/2023 và xuất hiện ngay sau mức tăng 0,9% trong tháng 9. Tại khu vực đồng Euro, sản lượng công nghiệp trong tháng 9 giảm 1,1% so với tháng 8.

Trong khi các yếu tố mang tính toàn cầu là nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng mạnh trong năm ngoái và giảm mạnh thời gian gần đây, điều kiện nội tại của mỗi nước có thể là những yếu tố quan trọng nhất khi các ngân hàng trung ương bước vào "chặng cuối" để đưa lạm phát về mục tiêu 2%.

Tại Mỹ, lạm phát đang giảm nhờ thị trường lao động và chi tiêu tiêu dùng hạ nhiệt nhưng vẫn duy trì sự ổn định. Điều này đã củng cố dự báo rằng, áp lực giá sẽ tiếp tục giảm bớt tại Mỹ và suy thoái sẽ không xảy ra.

Châu Âu có bối cảnh kinh tế khó khăn hơn khi vấp phải những "cơn gió ngược" đối với tăng trưởng, từ thương mại toàn cầu giảm tốc và tăng trưởng chậm chạp ở Trung Quốc - thị trường xuất khẩu quan trọng, cho đến nỗ lực của các chính phủ trong khu vực nhằm giảm chi tiêu.

Các hộ gia đình châu Âu cũng miễn cưỡng hơn so với các hộ gia đình ở Mỹ trong việc chi tiêu tiền tiết kiệm thời đại dịch. Tất cả những điều đó có thể dẫn đến sự suy thoái sâu hơn đối với châu lục này, khiến ECB phải cắt giảm lãi suất sớm hơn.

Bất chấp khả năng lãi suất thấp hơn trong tương lai, giới kinh tế và nhà đầu tư cho rằng, việc quay trở lại thời kỳ lãi suất cực thấp trước đại dịch là khó xảy ra, do căng thẳng địa chính trị và áp lực nhân khẩu học gia tăng.

Chuyên đề