Bơm thêm tiền để hạ nhiệt lãi suất

Mặt bằng lãi suất chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nếu lãi suất tiếp tục tăng, nỗ lực phục hồi của nền kinh tế sẽ bị đe dọa. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nên nới lỏng thêm chính sách tiền tệ để cứu lãi suất.
Việc ổn định lãi suất ngân hàng giúp người dân và doanh nghiệp giảm bớt tâm lý hoang mang. Ảnh: Lê Toàn
Việc ổn định lãi suất ngân hàng giúp người dân và doanh nghiệp giảm bớt tâm lý hoang mang. Ảnh: Lê Toàn

Lãi suất tiếp tục dâng lên từ đầu năm đến nay, khiến cộng đồng doanh nghiệp lo ngại. Các chuyên gia nghiên cứu của Ngân hàng HSBC Việt Nam và Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đều đưa ra nhận định, lãi suất năm nay có thể tăng thêm 50 điểm nữa.

“Vào thời điểm hiện tại, nếu để lãi suất tiếp tục tăng lên, toàn bộ nỗ lực phục hồi của doanh nghiệp, phục hồi kinh tế, tái cấu trúc ngân hàng có nguy cơ không thể đạt được”, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) cảnh báo.

Đồng tình với ý kiến này, ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc NHNN cũng cho biết: "Lãi suất đang tiếp tục tăng và theo tính toán của chúng tôi, có thể tăng 1 - 2% so với mặt bằng năm 2015. Như vậy, không thể đơn giản nói rằng, doanh nghiệp vẫn có thể mở rộng sản xuất - kinh doanh một cách bình thường như năm ngoái được".

Theo lý giải của các ngân hàng, lãi suất huy động tăng là do nhiều nguyên nhân, như lạm phát có nhiều nguy cơ tăng trở lại, áp lực giảm giá của tiền đồng, tăng trưởng huy động vốn thấp hơn tăng trưởng tín dụng, dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN sẽ theo hướng thắt chặt hơn quy định về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn…

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân chính đẩy lãi suất tăng cao chính là trái phiếu chính phủ.

“Đường cong lãi suất của toàn bộ thị trường phụ thuộc vào trái phiếu chính phủ, lãi suất trái phiếu chính phủ đi lên thì làm sao lãi suất thị trường xuống được”, TS. Lê Xuân Nghĩa chỉ ra thực tế.

Lãi suất trái phiếu chính phủ cao, hệ số rủi ro bằng 0, khiến các ngân hàng hồ hởi dồn tiền mua trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, điều đáng nói là, thực tế, đầu tư vào trái phiếu chính phủ cũng không hẳn sẽ được yên tâm. Được biết, chỉ số CDS (chỉ số đo lường rủi ro của trái phiếu chính phủ) của nước ta đang ở mức khá cao, hiện là 270 điểm và đã có lúc lên tới 300 điểm. Trong khi đó, tại Hy Lạp, khi chỉ số này lên tới 300 điểm là Chính phủ đã rơi vào cảnh vỡ nợ.

Hệ lụy lớn nhất đối với lãi suất tăng là tâm lý hoang mang của doanh nghiệp sẽ trở lại. Vì thế, quyết tâm phục hồi, nỗ lực sản xuất vừa được nhen nhóm cũng sẽ bị ảnh hưởng.

TS. Lê Xuân Nghĩa kiến nghị: “Để tiếp tục hỗ trợ phục hồi kinh tế thì chính sách tiền tệ nên được nới lỏng một cách hợp lý và có tầm nhìn chiến lược để ổn định lãi suất và linh hoạt tỷ giá hối đoái một cách bài bản, khoa học”.

Theo chuyên gia này, NHNN có thể nới lỏng tiền tệ bằng cách giảm dự trữ bắt buộc, hạn chế phát hành tín phiếu NHNN để rút tiền và tích cực tham gia thị trường liên ngân hàng nhằm ổn định lãi suất trên thị trường này. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có những giải pháp quyết liệt để giảm thâm hụt ngân sách, từ đó giảm huy động trái phiếu chính phủ.

Khi nới lỏng tiền tệ, thách thức lớn nhất sẽ là lạm phát quay trở lại. Tuy nhiên, nếu nới lỏng mà dòng tiền được nắn vào đúng chỗ, thì nền kinh tế sẽ có thêm động lực để phục hồi.

Tín hiệu đáng mừng hiện nay là NHNN đang dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Theo đó, Dự thảo đề cập nâng hạn mức sử dụng vốn ngắn hạn để mua, đầu tư trái phiếu chính phủ đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Cụ thể, hạn mức sử dụng vốn ngắn hạn để mua, đầu tư trái phiếu chính phủ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ tăng từ 15% lên 35%. Quy định này sẽ mở đường khối ngân hàng ngoại sở hữu nhiều hơn trái phiếu chính phủ, từ đó giảm áp lực vốn đối với các ngân hàng trong nước, lãi suất nhờ thế cũng sẽ dễ thở hơn.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư