Bộ Công Thương: EVN phải điều chỉnh giảm giá điện khi đầu vào giảm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bộ Công thương, điều chỉnh giảm giá điện khi thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán giảm. Nếu kết quả tính toán giá bán lẻ điện bình quân giảm ở bất kỳ mức nào thì EVN phải hạ giá tương ứng.
Bộ Công thương yêu cầu điều chỉnh giảm giá điện khi thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán giảm. Ảnh: Internet
Bộ Công thương yêu cầu điều chỉnh giảm giá điện khi thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán giảm. Ảnh: Internet

Tại thông cáo phát đi ngày 6/10, Bộ Công Thương nhấn mạnh thông tin này, là nội dung mới trong Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân thay thế Quyết định số 24/2017-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan quy định về điều chỉnh giảm giá điện, Bộ Công Thương cho biết, Dự thảo kế thừa và làm rõ quy định điều chỉnh giảm giá điện khi thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán giảm. Nếu kết quả tính toán giá bán lẻ điện bình quân giảm ở bất kỳ mức nào thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải điều chỉnh giảm giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng, thời gian thực hiện điều chỉnh giảm giá điện từ ngày 1/10 của năm đó.

Kế thừa quy định hiện hành tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, Dự thảo cũng cho phép EVN được quyền điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân đến mức dưới 5%. Trường hợp khi chi phí đầu vào tăng dẫn đến phải điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 5% trở lên thì EVN phải lập hồ sơ báo cáo. Sau khi Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra, rà soát và có ý kiến thì EVN được điều chỉnh tăng giá điện.

Với trường hợp tăng từ 10% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành hoặc ngoài khung giá hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến cuối cùng về việc điều chỉnh giá điện để EVN thực hiện.

Trước đó, ngay sau khi Bộ Công Thương công bố Dự thảo Quyết định thay thế quyết định số 24/2017-TTG của Thủ tướng Chính phủ có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại EVN không chủ động giảm giá điện, trong khi có thêm quyền tăng.

Về sự cần thiết sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, Bộ Công thương cho hay, Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg được ban hành và có hiệu lực từ năm 2017 đến nay có một số hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện cần được khắc phục, trong đó có vướng mắc về tần suất điều chỉnh giá điện nêu trên.

Chuyên đề