Bệnh viện Tâm Đức đạt bình quân trên 50 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 3 năm gần đây. Ảnh: Lê Tiên |
Để hoàn tất thủ tục, HĐQT Công ty đã quyết định ngày chốt danh sách cổ đông là 7/11/2016. Tổng số cổ phiếu đăng ký là 15,55 triệu đơn vị, là toàn bộ số lượng CP hiện hữu của Bệnh viện Tâm Đức.
Mô hình bệnh viện xã hội hóa
Bệnh viện Tâm Đức bắt đầu hình thành vào năm 1999 sau Nghị định số 73/1999/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao. Bệnh viện Tâm Đức ra đời với mục đích giảm tải các ca phẫu thuật tim tại Viện Tim TP.HCM. Được biết, tính đến cuối năm 1999, Viện Tim đã phẫu thuật cho hàng ngàn bệnh nhân mỗi năm với tỷ lệ thành công lên tới 97,6%. Tuy nhiên, tính đến thời điểm đó, vẫn còn hơn 5.000 bệnh nhân đang phải chờ đợi. Bệnh viện Tâm Đức được khởi công xây dựng trên diện tích 10.000 m2 vào tháng 7/2002, chính thức khánh thành vào tháng 3/2006 và là bệnh viện tim tư nhân đầu tiên tại TP.HCM.
Qua 14 năm thành lập (tính từ năm 2002), Bệnh viện Tâm Đức đã nhiều lần tăng vốn điều lệ, từ mức 28,9 tỷ đồng ban đầu lên 155,5 tỷ đồng hiện tại (từ đầu năm 2011 và giữ nguyên đến nay). Là một công ty đại chúng, các thông tin của bệnh viện này được công bố tương đối đầy đủ trên website chính thức của Công ty.
Trong 3 năm gần đây (2013 - 2015), bình quân mỗi năm có 91.355 lượt bệnh nhân khám bệnh ở Bệnh viện Tâm Đức, trong đó 81.507 lượt khám tim. Cũng trong 3 năm gần nhất, mỗi năm Bệnh viện tổ chức phẫu thuật cho từ 640 - 770 lượt bệnh nhân.
Với số lượng bệnh nhân khám chữa bệnh và phẫu thuật nêu trên, Bệnh viện Tâm Đức đã góp phần giảm tải cho các bệnh viện công lập trên địa bàn TP.HCM và khu vực phụ cận. Được biết, hiện nay 4 trung tâm chuyên khoa tim có số ca phẫu thuật nhiều nhất cả nước là Viện Tim TP.HCM, Viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Tim Tâm Đức. Bệnh viện Tâm Đức là bệnh viện tư nhân duy nhất góp tên trong danh sách này.
Không có cổ đông tổ chức
Trong 3 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm, Bệnh viện Tâm Đức đạt trên 400 tỷ đồng doanh thu và trên 50 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Năm 2015, Bệnh viện lãi sau thuế 53,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với kết quả đạt được năm 2014. 9 tháng đầu năm 2016, Bệnh viện đạt 348 tỷ đồng doanh thu và 48 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đều tăng nhẹ so với kết quả cùng kỳ 2015. Biên lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm của Bệnh viện đạt 13,75%, một con số tương đối khả quan, một phần nhờ chính sách ưu đãi thuế với lĩnh vực kinh doanh đặc thù.
Năm 2014 - 2015, tỷ lệ cổ tức chi trả của Bệnh viện là 30% bằng tiền mặt và dự kiến tiếp tục giữ nguyên cho năm tài chính 2016. Nghị quyết về cổ tức đã được ĐHĐCĐ thường niên 2016 thông qua hồi tháng 4 vừa qua.
Tình hình tài chính của Bệnh viện Tâm Đức khá lành mạnh khi Công ty hoàn toàn không vay nợ ngắn và dài hạn (tính tại thời điểm cuối quý III năm nay). Tỷ lệ Nợ/Tổng tài sản của Bệnh viện ở mức 20,9%, là chỉ số cực kỳ an toàn đối với bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào.
Với đặc thù dịch vụ thu tiền ngay từ khách hàng, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm của Bệnh viện đạt 55 tỷ đồng, cao hơn cả con số lợi nhuận đạt được trong kỳ.
Một doanh nghiệp đặc thù có tiềm năng phát triển, lợi nhuận và cổ tức đều đặn, vẫn chưa có tổ chức nào “dòm ngó” là một đặc điểm lạ lùng của Bệnh viện Tâm Đức.
Việc đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM sẽ sớm giúp cổ phiếu Bệnh viện tăng tính thanh khoản, mang lại lợi ích cho cổ đông hiện hữu. Không ngoại trừ việc các quỹ đầu tư cũng như các tổ chức khác sẽ chào mua CP, qua đó tham gia vào quá trình quản lý, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của Bệnh viện. Theo kế hoạch, Bệnh viện sẽ đăng ký giao dịch trong năm 2016, tức chỉ còn hơn 3 tuần nữa để hoàn tất các thủ tục.