Bắt mạch 4 doanh nghiệp niêm yết Vinachem sắp thoái sạch vốn

(BĐT) - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định số 16/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) giai đoạn 2017 - 2020 với mục tiêu bảo đảm Vinachem có cơ cấu hợp lý; nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của Tập đoàn. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Trong đó, đáng chú ý là việc xác định thoái vốn một phần và toàn bộ tại nhiều doanh nghiệp mà Vinachem đang nắm giữ cổ phần.

Thoái hết vốn tại các doanh nghiệp thua lỗ nghìn tỷ

Theo Đề án tái cơ cấu, Vinachem sẽ thực hiện sắp xếp, tái cơ cấu các đơn vị thành viên giai đoạn 2017 - 2020. Cụ thể, Vinachem sẽ thực hiện sắp xếp, tái cơ cấu các đơn vị thành viên giai đoạn 2017 - 2020. Cụ thể, Vinachem sẽ thực hiện thoái hết vốn tại một số doanh nghiệp ngành phân bón sau khi các doanh nghiệp này hết lỗ và sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Đây đều là các doanh nghiệp có mặt trong số 12 dự án thua lỗ, yếu kém của ngành công thương, gồm: Công ty CP Phân đạm Hóa chất Hà Bắc, Công ty CP DAP - Vinachem, Công ty CP DAP số 2 - Vinachem và Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình.

Cùng với đó, Vinachem sẽ nắm giữ vốn từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ tại 7 doanh nghiệp và nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ tại 9 doanh nghiệp. Đây hầu hết là các doanh nghiệp đã thực hiện niêm yết và giao dịch cổ phần trên thị trường chứng khoán khá lâu.

Trong số 9 doanh nghiệp mà Vinachem nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, có những cái tên đáng chú ý là: Công ty CP Pin Ắc quy Miền Nam (Pinaco), Công ty CP Bột giặt LIX, Công ty CP Bột giặt NET. Các doanh nghiệp này có kết quả sản xuất kinh doanh khá hiệu quả so với các doanh nghiệp còn lại và nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư.

Về phương án thoái sạch vốn khỏi các doanh nghiệp không cần nắm giữ, Vinachem sẽ thực hiện thoái toàn bộ vốn tại 15 doanh nghiệp, trong đó có 4 doanh nghiệp hiện niêm yết trên sàn. Ngoài ra, Vinachem cũng sẽ thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam giai đoạn 2017 - 2018, Vinachem nắm giữ 65% vốn điều lệ. 

Các doanh nghiệp niêm yết làm ăn ra sao?

Trong số 15 doanh nghiệp mà Vinachem dự kiến thoái sạch vốn thì đa số đều chưa được niêm yết trên sàn hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM. Chỉ có 4 công ty được niêm yết trên sàn và thực hiện công bố báo cáo tài chính hàng năm, gồm Công ty CP Xà phòng Hà Nội (XPH - UPCoM); Công ty CP Ắc quy Tia Sáng (TSB- HNX); Công ty CP Bột giặt và Hóa chất Đức Giang (DGC-HNX); Công ty CP Xuất nhập khẩu hóa chất miền Nam (CSV-HOSE).

Trong số 4 doanh nghiệp trên, Xà phòng Hà Nội và Ắc quy Tia Sáng đang hoạt động kinh doanh không mấy hiệu quả. Xà phòng Hà Nội đang có khoản lỗ lũy kế tại thời điểm cuối quý III/2017 là 14,8 tỷ đồng. Còn đối với Ắc quy Tia Sáng, lãi cơ bản trên một cổ phần 9 tháng ở mức khiêm tốn, đạt 404 đồng/CP. Ngoài ra, doanh thu 9 tháng 2017 giảm 12% so với cùng kỳ 2016, đạt 139 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2016, đạt 2,7 tỷ đồng.

Bột giặt và Hóa chất Đức Giang là doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tương đối tốt nhưng hiệu quả kinh doanh 9 tháng đầu năm đang có dấu hiệu giảm sút. Cụ thể, doanh thu 9 tháng 2017 đạt 2.735 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ 2016. Tuy nhiên, chi phí giá vốn và chi phí bán hàng tăng cao đã làm cho lợi nhuận sau thuế giảm 21% so với cùng kỳ 2016, đạt 203 tỷ đồng; EPS 9 tháng đạt 3.016 đồng/CP, giảm 15% so với cùng kỳ 2016.

Trong 4 doanh nghiệp niêm yết thuộc Vinachem, Xuất nhập khẩu hóa chất miền Nam có hiệu quả kinh doanh tốt nhất và đang có sự tăng trưởng về lợi nhuận trong 9 tháng năm 2017. Mặc dù doanh thu chỉ đạt 1.067 tỷ đồng, giảm 11,5% so với 9 tháng năm 2016, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt gần 178,5 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ 2016. EPS 9 tháng 2017 đạt 3.897 đồng/CP, tăng 36,6% so với cùng kỳ 2016.     

Chuyên đề