Bấp bênh triển vọng lợi nhuận ngành ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khối phân tích của Công ty Chứng khoán SSI đã gọi tương lai ngành ngân hàng Việt Nam là “con đường chông gai” và hạ khuyến nghị đầu tư đối với ngành này từ “trung lập” xuống “giảm tỷ trọng”. Rủi ro tín dụng, nợ xấu không xử lý được và khối trái phiếu doanh nghiệp các ngân hàng đang nắm giữ là những nhân tố ẩn chứa rủi ro khi đánh giá tương lai ngành ngân hàng năm tới.
Nhiều ngân hàng gặp khó khăn trong việc bán đấu giá tài sản thu hồi nợ. Ảnh minh họa: TL
Nhiều ngân hàng gặp khó khăn trong việc bán đấu giá tài sản thu hồi nợ. Ảnh minh họa: TL

Khó khăn dần hiện hữu

Từ đầu năm 2022 đến nay, Ngân hàng Sacombank đã nhiều lần thông báo bán đấu giá quyền sử dụng đất đã đền bù thuộc Dự án Khu công nghiệp Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM là tài sản bảo đảm cho 18 khoản nợ với tổng giá trị các khoản nợ bán đấu giá là 16.196 tỷ đồng tính đến 31/12/2021, nhưng không tìm được khách mua. Không chỉ Sacombank khó bán đấu giá tài sản thu hồi nợ, nhiều khoản nợ xấu tại các ngân hàng khác cũng được đấu giá nhiều lần vẫn không tìm được khách mua. Không ít tài sản mang đấu giá có giá khởi điểm chỉ còn bằng nợ gốc, bỏ qua các phần tiền lãi, nhưng ngân hàng cũng không bán được.

Báo cáo tài chính quý III/2022 của Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, tổng dư nợ xấu nội bảng đã tăng 23% sau 9 tháng, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,3% lên 1,4% đến 30/9/2022. Giá trị trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng 52% so với đầu năm, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng sau 9 tháng tăng 33%. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng báo cáo nợ xấu đến cuối quý III/2022 tăng 47% so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng lên 0,8%. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, tổng nợ xấu đến cuối quý III/2022 tăng 49% so với đầu năm, đẩy tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,35%... Thậm chí, áp lực trích lập dự phòng còn khiến Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) thua lỗ trong quý III/2022. Thực tế này cho thấy tính nhạy cảm của kết quả kinh doanh với áp lực trích lập dự phòng của các ngân hàng vừa và nhỏ.

Theo nhiều ý kiến, việc siết chặt dòng vốn tín dụng vào bất động sản cộng hưởng với những khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ khiến nguồn vốn đảo nợ, tái đầu tư gặp nhiều khó khăn, làm gia tăng rủi ro liên quan đến khả năng trả nợ của bên vay, gia tăng nợ xấu cũng như áp lực trích lập dự phòng nợ xấu cho các nhà băng.

Sự suy yếu của thị trường bất động sản tác động đến khả năng trả nợ của các doanh nghiệp, sẽ có độ trễ trong phản ánh vào bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, nhưng trong ngắn hạn, sự sụt giảm thanh khoản của thị trường bất động sản đang có ảnh hưởng đáng kể đến tiến trình xử lý, thu hồi nợ xấu của nhà băng. Số liệu từ các báo cáo tài chính cho biết, nhiều ngân hàng có cho vay chủ đầu tư bất động sản với tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ, như OCB (9,7%); MSB (9,6%); HDB (8,5%); VPB (11%), cá biệt TCB lên tới 21,4%...

Những biến số ảnh hưởng đến hiệu quả ngành ngân hàng

Số liệu thống kê của Fiintrade với 27 ngân hàng đang niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam cho biết, tổng lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2022 đã đạt 154.065 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Riêng quý III/2022, mức tăng trưởng tổng lợi nhuận sau thuế của 27 ngân hàng là 53,4% so với cùng kỳ 2021.

Tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng đang vượt trội tăng trưởng chung của nền kinh tế (8,83%) và nhiều ngành cơ bản. Tuy vậy, triển vọng duy trì con số tăng trưởng cao đứng trước nhiều thách thức khi những khó khăn đang từng bước ngấm vào hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh rủi ro phát sinh khi thị trường bất động sản bất ổn, hàng loạt ngân hàng đang có tỷ trọng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp khá lớn (TPB 13,5%; MBB 10,7%; TCB 11,2%; VPB 8,7%...) cũng đứng trước rủi ro khó thu hồi vốn nếu các trái chủ không có dòng tiền phù hợp để trả gốc và lãi vay. Ở vai trò là tổ chức tài chính trung gian, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP quản lý chặt chẽ hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khiến các ngân hàng chịu rủi ro xung quanh nghĩa vụ đối với hợp đồng bảo lãnh thanh toán, hợp đồng repo với các trái chủ và tổ chức phát hành. Đặc biệt, nguồn thu từ các dịch vụ ngân hàng đầu tư như tư vấn, bảo lãnh phát hành chứng khoán đang và sẽ giảm mạnh khi thị trường trái phiếu trầm lắng. Đơn cử, tại Techcombank, thu nhập từ dịch vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán trong quý III/2022 chỉ 14,4 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ năm trước và chỉ bằng 2,5% kết quả thực hiện trong 6 tháng đầu năm.

Khó khăn đặc thù của ngành là tăng trưởng tín dụng bị hạn chế. Đầu tháng 9/2022, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nới hạn mức cho vay cho một loạt ngân hàng, nhưng mức nới không lớn và tập trung ưu tiên các ngân hàng thương mại có cơ cấu tín dụng lành mạnh, tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém, có chất lượng tài sản tốt và tỷ lệ an toàn vốn cao. Sự hạn chế trong dư địa tăng trưởng tín dụng còn ảnh hưởng đến nguồn thu phí từ hoạt động dịch vụ của các ngân hàng. Cùng với đó, TTCK sụt giảm cũng khiến thu nhập từ mảng kinh doanh vốn của nhiều ngân hàng bị ảnh hưởng.

Trong khi tăng trưởng thu nhập có thể sẽ giảm tốc, áp lực chi phí, đặc biệt là chi phí trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu gia tăng, làm mòn lợi nhuận ngân hàng, nếu không có giải pháp mới. Nhiều ngân hàng đã phòng trước tình trạng nợ xấu không thu hồi được, nên duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu khá lớn, như BIDV (213%); CTG (222,4%); MBB (207%); VCB (401%)… Tuy nhiên, cũng có nhiều ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp, như OCB (53%); SHB (74%); VIB (54%); VPB (62%)… tính đến cuối quý III/2022.

Gọi tương lai năm 2023 của ngành ngân hàng là “con đường chông gai”, SSI dự báo lợi nhuận của ngành chỉ tăng 10% so với năm 2022, khác biệt với mức tăng trưởng cao của hầu hết các nhà băng trong những năm gần đây.

Chuyên đề