Bảo trì đường bộ vẫn “đói vốn”

(BĐT) - Hội nghị tổng kết và đánh giá 5 năm hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB) Trung ương vừa được diễn ra ngày 26/9.
Nguồn thu của Quỹ Bảo trì đường bộ năm 2017 dự kiến là 10.747 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Nguồn thu của Quỹ Bảo trì đường bộ năm 2017 dự kiến là 10.747 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực rất hạn chế, không thể đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư làm mới công trình đường bộ thì cần phải huy động và tăng cường nguồn lực cho công tác bảo trì nhằm kéo dài tuổi thọ các công trình, khắc phục tình trạng “đói vốn” trong bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống đường bộ như hiện nay. 

Chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu tối thiểu

Ông Lê Hoàng Minh, Chánh Văn phòng Quỹ BTĐB Trung ương cho biết, kể từ khi Quỹ BTĐB ra đời năm 2013 đến nay, ngân sách trung ương và địa phương đã được chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng, nguồn thu của Quỹ cũng tăng đều qua các năm: năm 2013 là 6.907 tỷ đồng; năm 2014 là 7.372 tỷ đồng; năm 2015 là 8.803 tỷ đồng; năm 2016 là 9.888 tỷ đồng và năm 2017 dự kiến là 10.747 tỷ đồng. Và hàng năm, Quỹ vẫn được ngân sách nhà nước cấp bù, hỗ trợ, song tổng nguồn vốn cho Quỹ BTĐB cũng chỉ mới đáp ứng được trung bình gần 45% nhu cầu tối thiểu của công tác bảo trì hệ thống đường bộ.

Còn ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, các địa phương, trừ Hà Nội và TP.HCM, vốn cho công tác bảo trì đường bộ rất hạn chế, chỉ được khoảng 10-15 tỷ đồng/năm để Sở GTVT bảo trì các tuyến đường tỉnh lộ, chủ yếu là thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa đột xuất khi có sự cố hư hỏng xảy ra, chứ không đủ kinh phí cho công tác sửa chữa định kỳ theo định mức và quy trình. Trên hệ thống quốc lộ có 14.586 km đường bê tông nhựa (BTN), 6.585 km đường láng nhựa. Theo tính toán, mỗi năm cần sửa chữa định kỳ 5.112 km mặt đường, hiện nay bình quân mới sửa chữa định kỳ được 2.194 km/năm, bằng 43% nhu cầu sửa chữa định kỳ.

Tình trạng “đói vốn” cũng thể hiện rõ trong bảo trì các tuyến đường địa phương. 5 năm qua, Quỹ BTĐB đã phân chia về các quỹ địa phương trên 10.000 tỷ đồng để bảo trì hệ thống đường địa phương, song theo ghi nhận, số tiền này mới chỉ đáp ứng khoảng 20-30% nhu cầu của nhiều địa phương.

Ông Trịnh Xuân Hùng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Sơn La cho biết, do thiếu hụt về nguồn vốn dành cho việc bảo trì đường bộ nên nhiều tuyến đường không được bảo trì kịp thời, đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Là một tỉnh miền núi, mỗi năm Sơn La chỉ được phân bổ khoảng 30 tỷ đồng để bảo trì cho toàn bộ hệ thống cầu - đường, con số này mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ so với nhu cầu thực tế.

Khó khăn do cơ chế chính sách liên tục thay đổi

Tình trạng “đói vốn” cũng thể hiện rõ trong bảo trì các tuyến đường địa phương. 5 năm qua, Quỹ Bảo trì đường bộ đã phân chia về các quỹ địa phương trên 10.000 tỷ đồng để bảo trì hệ thống đường địa phương, song theo ghi nhận, số tiền này mới chỉ đáp ứng khoảng 20 - 30% nhu cầu của nhiều địa phương.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ BTĐB Trung ương cho biết, trong 5 năm qua, cơ chế chính sách nhà nước liên quan đến việc thu, chi của Quỹ BTĐB thay đổi liên tục, không nhất quán, thậm chí không thành công (như đối với thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy), đã làm giảm hiệu quả của Quỹ BTĐB. Theo đó, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đề nghị các các cơ quan Trung ương cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để đảm bảo cơ chế nhất quán, ổn định để Quỹ BTĐB hoạt động theo đúng mục đích, tôn chỉ khi xây dựng và hình thành.

Theo ông Lê Hoàng Minh, do có nhiều chính sách thay đổi thời gian qua nên từ năm 2018, việc vận hành Quỹ sẽ có một số bất cập. Cụ thể, do nguồn thu, chi được Quốc hội thông qua dự toán thu chi ngân sách hàng năm vào tháng 11 hàng năm nên thời điểm này ngân sách mới giao cho Bộ GTVT và Quỹ BTĐB dự toán thu chi để triển khai. Theo đó, việc triển khai kế hoạch thu chi, phê duyệt kế hoạch và triển khai lựa chọn nhà thầu cho công tác bảo trì đường bộ sẽ bị chậm lại, theo quy định thì hết quý I hàng năm mới có thể triển khai hiện trường và thời điểm này đã sát mùa mưa lũ. Do hiện nay, nguồn vốn không còn nằm ở Quỹ BTĐB nên công tác giải ngân sẽ được chuyển theo hàng tháng. Vì thế, trong quá trình thực hiện, tính chủ động của các đơn vị sẽ bị giảm đi. Đặc biệt, đối với trường hợp khắc phục thiên tai và sửa chữa cấp bách đường bộ, theo quy trình mới sẽ phải gửi sang Bộ Tài chính xin ý kiến và chỉ thực hiện trên cơ sở thống nhất của Bộ GTVT và Bộ Tài chính. Vì thế, việc sửa chữa các sự cố, công trình cấp bách sẽ khó đáp ứng được tính cấp thiết, kịp thời, nhất là đối với các sự cố mưa bão…

Theo đó, ông Lê Hoàng Minh cho rằng, thời gian tới, Quỹ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sửa đổi các quy định liên quan để đảm bảo tính chủ động và kịp thời trong công tác bảo trì đường bộ; đồng thời xây dựng Đề án tăng nguồn thu cho Quỹ BTĐB để đảm bảo sau năm 2022, ngân sách nhà nước không phải cấp bổ sung.

Chuyên đề