Hàng trăm tỷ đồng bù lỗ do giá vật liệu xây dựng tăng khiến nhiều nhà thầu khó khăn, năng lực thi công bị bào mòn. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Theo Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 9 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các gói thầu xây lắp của Dự án Quản lý nước Bến Tre bị ảnh hưởng nặng nề do biến động giá vật liệu xây dựng. Theo đó, chỉ tính riêng giá vật liệu (chủ yếu là sắt, thép, cát) đã khiến Dự án phát sinh chi phí hơn 700 tỷ đồng. Các nhà thầu trúng thầu và thi công Gói thầu XL4-JICA3 Xâp lắp cống Bến Rớ - Tân Phú đang chật vật xoay xở với bão giá.
Ông Bùi Thái Thượng, Giám đốc Ban Quản lý các dự án ODA TP. Cần Thơ cho biết, các nhà thầu thực hiện Gói thầu CT3-PW-2.4 Xây dựng cầu Trần Hoàng Na đang gặp rất nhiều khó khăn do giá vật liệu tăng phi mã. Một số vướng mắc của đơn vị thi công phải trình lên UBND TP. Cần Thơ xin ý kiến xử lý. Đây là gói thầu xây lắp lớn của Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng đô thị, do Liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - Công ty CP Cầu 14 thi công trong 1.033 ngày kể từ tháng 9/2020. Công trình sử dụng khối lượng sắt, thép xây dựng rất lớn, chiếm tỷ trọng cao trong toàn bộ chi phí của gói thầu. Theo báo cáo của nhà thầu, đến nay chi phí mua thép và một số vật liệu thi công công trình đã tăng xấp xỉ 70 tỷ đồng so với dự toán ban đầu.
Theo đại diện Liên danh, các chi phí phát sinh tạo áp lực lớn cho nhà thầu và là nguyên nhân khiến công trình bị chậm tiến độ. Hiện Liên danh đã bị bên mời thầu cảnh cáo vì tiến độ triển khai thực hiện mới đạt 60% khối lượng dầm, vòm thép.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Nhà thầu Vinaconex - đơn vị thi công Gói thầu số 4 thuộc Dự án Đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết cho biết, giá thép đang khiến nhà thầu hụt hơi, bù lỗ liên tục trong thời gian qua. Theo đó, giá thép đã vượt nhiều lần so với giá dự toán lẫn thời điểm ký hợp đồng triển khai thi công. Cụ thể, dự toán phê duyệt chỉ 11.000 đồng/kg, thời điểm ký hợp đồng giá thép đã tăng thêm khoảng 500 đồng/kg. Nhưng vào thời điểm nhà thầu dồn lực tăng tốc thi công, giá thép tăng chạm ngưỡng 20.000 đồng/kg. “Như vậy, giá thép đã tăng gần gấp đôi so với giá ký hợp đồng, dẫn tới nhà thầu phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng bù chênh lệch”, đại diện nhà thầu cho biết.
Theo Bộ Giao thông vận tải, chỉ tính riêng Gói thầu số 4 thuộc Dự án Cao tốc Bắc Nam đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo, chi phí biến động giá vật liệu xây dựng đã xấp xỉ 400 tỷ đồng. Đối với Dự án Cao tốc Bắc Nam đoạn Dầu Giây - Phan Thiết, chi phí phát sinh đã xấp xỉ 670 tỷ đồng…
Cơn bão giá đang càn quét từ công trình giao thông, cầu cống đến xây dựng dân dụng với tốc độ chóng mặt. Khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu tại thị trường TP.HCM cho thấy, tất cả các mặt hàng đều tăng nhiều giá so với trước. Cụ thể, mặt hàng gạch men neo ở mức 245.000 - 270.000 đồng/m2 (tăng 45.000 đồng); sàn gỗ công nghiệp tăng 50.000 đồng/m2, ở mức 350.000 đồng/m2. Mặt hàng sơn nước tăng nhiều nhất, từ 300.000 - 400.000 đồng/thùng, neo giá ở mức 1,45 - 1,75 triệu đồng/thùng…
Thông tin với Báo Đấu thầu, một nhà thầu cho rằng, quan trọng nhất là phải xây dựng lại định mức để bảo đảm chất lượng công trình. Đồng thời, công tác cập nhật đơn giá vật liệu xây dựng, nhân công, ca máy phải thực tế, kịp thời hơn để tránh tình trạng nhà thầu càng thi công càng thua lỗ như hiện nay.
Theo chuyên gia đấu thầu Nguyễn Việt Hùng, nếu công tác lập dự toán không sát với thực tế, nhà thầu càng thi công càng khó khăn, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ đầu tư công. Đây là một hệ lụy vô cùng lớn, do đó cần có quyết sách đồng bộ để tháo gỡ nhằm thúc đẩy, phát huy hiệu quả các dự án đầu tư công.