Nghị định quy định toàn bộ các nội dung liên quan đến báo cáo tài chính (BCTC) Nhà nước quy định tại Luật kế toán 2015.
Đã từ lâu, người ta quen thuộc với khái niệm BCTC của các doanh nghiệp mà ít có những hình dung thực sự rõ nét về một báo cáo tương tự, nhưng trên phạm vi một quốc gia. Đối tượng lập BCTC Nhà nước là Kho bạc Nhà nước, Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Các cơ quan quản lý, thực hiện thu, chi Ngân sách Nhà nước các cấp, cơ quan quản lý tài sản, nguồn vốn Nhà nước các cấp, cơ quan nhà nước, tổ chức có sử dụng ngân sách Nhà nước, tổ chức quản lý quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách cùng các đơn vị sự nghiệp công lập chịu trách nhiệm cung cấp thông tin để lập BCTC Nhà nước. BCTC Nhà nước dùng để phản ánh toàn bộ thông tin về tài sản nhà nước, nợ và các khoản phải trả khác của Nhà nước, nguồn vốn của Nhà nước trên phạm vi toàn quốc hoặc một tỉnh tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo.
Công khai thông tin đến đâu?
Về cơ bản, BCTC Nhà nước tương đối giống với BCTC tại các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh. Đáng chú ý, ở 2 phương án về báo cáo kết quả hoạt động tài chính Nhà nước, những con số chi tiết về chi phí thuộc nguồn Ngân sách Nhà nước được phân loại khác nhau.
Ở phương án thứ nhất, Báo cáo kết quả hoạt động tài chính Nhà nước công bố chi tiết chi phí quốc phòng, chi phí an ninh trật tự, an toàn xã hội và chi phí giáo dục đào tạo, dạy nghề - những chi phí thuộc nguồn ngân sách Nhà nước. Đây là phương án công khai theo lĩnh vực chi.
Ở phương án thứ hai, các chi phí thuộc nguồn Ngân sách Nhà nước được phân loại theo yếu tố chi phí: chi phí thanh toán cho con người, chi phí hàng hóa, dịch vụ, chi phí hỗ trợ và bổ sung, chi phí lãi vay, phí và lệ phí liên quan đến các khoản vay và các khoản chi phí khác.
Với 2 hướng tiếp cận khác nhau, những thông tin cung cấp cho người đọc vì vậy cũng tương đối khác biệt. Có ý kiến đề nghị cần làm rõ nội dung, mức độ công khai thông tin trên BCTC Nhà nước phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Theo Luật này, BCTC Nhà nước phải công khai thông tin về tình hình tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn, tình hình thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động tài chính Nhà nước, tình hình lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính Nhà nước, trừ số liệu chi tiết, báo cáo thuyết minh thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, dự trữ quốc gia.
Ông Nguyễn Hồng Hà – Tổng giám đốc Kho Bạc Nhà nước cho rằng, khái niệm BCTC Nhà nước tại các quốc gia khác không quá mới mẻ. Ở Việt Nam đây là lần đầu tiên thực hiện nên có nhiều vấn đề cần phải bàn bạc kỹ lưỡng. Tuy nhiên, ở các nước mức độ công khai cũng có giới hạn nhất định. Ví dụ chi phí quốc phòng ít khi được công bố chính xác.
Báo cáo kết quả hoạt động tài chính Nhà nước theo Lĩnh vực chi (Phương án 1). Ảnh: Đan Nguyên
Thực hiện cho năm ngân sách 2018
BCTC Nhà nước được yêu cầu thực hiện từ năm 2018. Tuy nhiên Ban soạn thảo Nghị định cho rằng, cần thực hiện cho năm ngân sách 2018 – tức là triển khai lập khoảng năm 2020. Thực hiện năm 2018 đồng nghĩa với việc lập báo cáo cho năm ngân sách 2017 hoặc sớm hơn. Thời gian bồi dưỡng nhân sự, hoàn chỉnh các quy định vì vậy chưa thể đáp ứng.
Có ý kiến đề nghị có sự tham gia của cơ quan kiểm toán nhằm đảm bảo tính chính xác và trung thực của các BCTC nhà nước. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cho rằng trước mắt chưa đặt ra vấn đề này. Ngoài ra, Luật Kế toán cũng không quy định BCTC Nhà nước phải kiểm toán.
Về việc Ủy ban nhân dân tỉnh có thẩm quyền quyết định kiểm tra kế toán các đơn vị kế toán tại địa phương do mình quản lý, vấn đề đặt ra là Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh có phải là đối tượng được kiểm tra hay không, khi đơn vị này là đơn vị trực thuộc Kho bạc Nhà nước – Bộ Tài chính.