Bản tin thời sự sáng 6/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 tại Việt Nam vào ngày 8/3; khởi tố Phan Văn Anh Vũ về tội Đưa hối lộ; Hải Phòng cho học sinh đi học trở lại từ ngày 8/3; hàng không kiến nghị gói vay ưu đãi 27.000 tỷ…

Bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 tại Việt Nam vào ngày 8/3

Dự kiến đến ngày 8/3, những liều vaccine phòng COVID-19 đầu tiên sẽ được tiêm cho người dân Việt Nam.

Cán bộ y tế tiến hành tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 Nano Covax

Cán bộ y tế tiến hành tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 Nano Covax

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đối với 117.000 liều vaccine AstraZeneca đã về Việt Nam và đã có giấy kiểm định chất lượng lô xuất xưởng của Hàn Quốc, các cơ quan kiểm nghiệm độc lập, sau đó, Bộ Y tế đã giao cho các lực lượng kiểm nghiệm vaccine và khẳng định, đến nay đã đủ điều kiện tiêm cho người dân Việt Nam.

Ngày 6/3, Bộ Y tế sẽ tổ chức Hội nghị Triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, tập huấn toàn tuyến trên toàn quốc trong vấn đề hướng dẫn tiếp nhận, sử dụng, bảo quản vaccine, cũng như xử lý tai biến sau tiêm…

Dự kiến đến ngày 8/3, những liều vaccine phòng COVID-19 đầu tiên sẽ được tiêm cho người dân Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ.

Trước hết sẽ tiêm tại 18 cơ sở đang điều trị bệnh nhân COVID-19 (những người trực tiếp tham gia quá trình điều trị bệnh nhân); các đối tượng theo Nghị quyết của Chính phủ; các vùng dịch (tập trung cho 13 tỉnh có dịch, trong đó tập trung nhất cho Hải Dương… Những người được tiêm chủng sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khoẻ điện tử, có chứng nhận điện tử đã được tiêm vaccine.

Một vấn đề khác mà Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý là việc tiếp cận vaccine qua COVAX Facility của Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Tài chính đăng ký và được phê duyệt, trở thành 1 trong 92 nước nằm trong danh sách các quốc gia được tài trợ vaccine giai đoạn đầu tiên.

COVAX Facility chủ yếu sử dụng vaccine AstraZeneca, cung ứng cho Việt Nam khoảng 5 triệu liều vào năm 2021, còn lại khoảng 25 triệu liều sẽ cung ứng vào năm 2022.

Khởi tố Phan Văn Anh Vũ về tội Đưa hối lộ

Phan Văn Anh Vũ vừa bị khởi tố thêm tội danh Đưa hối lộ, bên cạnh vụ án vừa xét xử. Cùng bị khởi tố với Vũ còn có Hồ Hữu Hòa, bị khởi tố về tội danh Môi giới hối lộ.

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ

Ngày 5/3, Bộ Công an cho biết, Cơ quan điều tra đã khởi tố Phan Văn Anh Vũ (cựu Thượng tá an ninh, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79) về tội Đưa hối lộ.

Lực lượng chức năng còn khởi tố thêm một đối tượng có liên quan là Hồ Hữu Hòa, trú tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, về tội Môi giới hối lộ.

Phan Văn Anh Vũ đang chấp hành hình phạt 30 năm tù về nhiều tội danh như Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản...

Quyết định khởi tố được VKSND Tối cao phê chuẩn ngày 5/3. Các thông tin liên quan đến việc hối lộ, môi giới hối lộ chưa được nhà chức trách công bố.

Hải Phòng cho học sinh đi học trở lại từ ngày 8/3

Học sinh các cấp học tại Hải Phòng sẽ chính thức đi học trở lại từ ngày 8/3, sau thời gian nghỉ phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Học sinh Hải Phòng sẽ đi học trở lại từ ngày 8/3/2021

Học sinh Hải Phòng sẽ đi học trở lại từ ngày 8/3/2021

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hải Phòng về việc điều chỉnh một số hoạt động trên địa bàn, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng vừa cho phép các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường liên cấp; học viên trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các quận, huyện; các trung tâm ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khóa; trung tâm tư vấn du học tại Hải Phòng chính thức hoạt động trở lại từ ngày 8/3.

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng yêu cầu các đơn vị, nhà trường tăng cường biện pháp phòng, chống dịch; phối hợp với các cơ sở y tế địa phương thực hiện các biện pháp khử khuẩn, vệ sinh lớp học, trường học, hoàn thành trước ngày 7/3/2021.

Đồng thời, các trường học thực hiện nghiêm các biện pháp về phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo đúng chỉ đạo của các cấp; yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp "5K" của Bộ Y tế…

Hàng không kiến nghị gói vay ưu đãi 27.000 tỷ

Hiệp hội doanh nghiệp hàng không lần thứ ba gửi kiến nghị Nhà nước hỗ trợ gói tín dụng 25.000 - 27.000 tỷ đồng do ảnh hưởng Covid-19.

Máy bay đỗ tại sân bay Tân Sơn Nhất do giảm chuyến bay

Máy bay đỗ tại sân bay Tân Sơn Nhất do giảm chuyến bay

Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam vừa kiến nghị Chính phủ kiến nghị triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế, từng bước mở rộng thị trường cho doanh nghiệp. Đây là lần kiến nghị thứ ba từ khi dịch Covid -19 bùng phát vào đầu năm 2020.

Theo đó, các doanh nghiệp đề xuất nhà nước hỗ trợ bằng nhiều biện pháp, như triển khai gói hỗ trợ tín dụng 25.000 - 27.000 tỷ đồng để giúp các doanh nghiệp cải tạo khả năng thanh toán. Đồng thời, tiếp tục xem xét, cơ cấu lại thời gian trả nợ mà các doanh nghiệp đã vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh nước ngoài cho đến hết 2024.

Các doanh nghiệp cũng đề nghị Nhà nước tiếp tục giảm phí, lệ phí đối với hoạt động và dịch vụ hàng không như phí sân đỗ đối với tàu bay, phí cất hạ cánh... ; giảm 50% phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, áp dụng khung giá tối thiếu 0 đồng đối với dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá đến năm 2021; tiếp tục hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng hợp đồng đến hết năm nay.

Về chính sách quản lý, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ từng bước mở cửa cho các chuyến bay từ các thị trường có lượng hành khách lớn, đã kiểm soát được dịch bệnh đến Việt Nam như châu Âu, Australia, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản….

Xây 8 trạm bơm dã chiến bổ cập nước cho sông Tô Lịch

Thành phố Hà Nội lên kế hoạch bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch và sông Nhuệ bằng trạm bơm dã chiến.

Nước sông Tô Lịch thường xuyên trong tình trạng ô nhiễm nặng

Nước sông Tô Lịch thường xuyên trong tình trạng ô nhiễm nặng

Theo Phó giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng, liên ngành Thành phố đã khảo sát và đưa ra phương án bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch qua cống Liên Mạc, nhằm cải thiện chất lượng nước con sông này. Phương án này không chỉ giúp bổ cập cho sông Tô Lịch mà cho cả sông Nhuệ.

Về lâu dài Thành phố sẽ triển khai Dự án Nâng cấp, xây dựng mới cống Liên Mạc nhằm đảm bảo việc tưới tiêu nông nghiệp và bổ cập nước sông Tô Lịch, sông Nhuệ. Tuy nhiên, trước mắt khi Dự án chưa thực hiện, các đơn vị liên quan lên kế hoạch xây 8 trạm bơm dã chiến tại khu vực cống Liên Mạc để bổ cập nước cho sông Nhuệ, sông Tô Lịch, công suất dự kiến khoảng 9 m3/s.

Ông Lê Thanh Nam, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP. Hà Nội, cho biết kế hoạch nêu trên chỉ là một trong nhiều giải pháp đồng bộ Thành phố sẽ thực hiện nhằm cải thiện môi trường sông Tô Lịch. Về lâu dài Thành phố sẽ kiểm soát chất lượng nước thải từ các hộ gia đình; xây dựng cơ chế khuyến khích việc sử dụng chế phẩm thân thiện với môi trường; tách toàn bộ nước thải sinh hoạt ra khỏi đường thoát nước chung, không để xả thẳng xuống các dòng sông.

Công an Đồng Nai bắt 2 thuyền trưởng trong vụ án làm 200 triệu lít xăng giả

Dương Văn Mẫn và Trịnh Xuân Mơ - thuyền trưởng tàu 1.500 tấn chở xăng cho đồng phạm làm giả, bị bắt về hành vi Buôn lậu.

Hai thuyền trong vụ án làm 200 triệu lít xăng giả bị bắt ở Sóc Trăng

Hai thuyền trong vụ án làm 200 triệu lít xăng giả bị bắt ở Sóc Trăng

Ngày 5/3, hai thuyền trưởng tàu Nhật Minh 07, Nhật Minh 09 bị Công an Đồng Nai bắt trong quá trình mở rộng điều tra vụ án làm 200 triệu lít xăng giả do Phan Thanh Hữu (ngụ TP.HCM) và Nguyễn Hữu Tứ (quê Vĩnh Long) cầm đầu.

Trước đó, khi biết những ông trùm bị bắt, Mẫn và Mơ chỉ đạo thuyền viên sơn sửa lại tàu để xóa dấu vết liên quan, sau đó cho tàu chạy qua nhiều địa phương. Cảnh sát mất nhiều thời gian truy tìm mới phát hiện tàu đang ở tỉnh Sóc Trăng. Qua lời khai của các thuyền viên, lực lượng chức năng truy bắt được hai thuyền trưởng đang bỏ trốn.

Chuyên án triệt phá đường dây xăng giả mang tên 920G do Công an Đồng Nai xác lập cuối năm 2020, được Cục Cảnh sát hình sự (C02, Bộ Công an) hỗ trợ.

Hôm 6/2, hơn 500 trinh sát từ nhiều hướng bất ngờ ập vào ụ nổi giữa sông Hậu, bắt quả tang nhiều người đang pha chế xăng giả. Cùng lúc, 13 địa điểm khác ở Đồng Nai, TP.HCM, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu... cũng bị khám xét, hàng loạt người liên quan bị bắt.

Cảnh sát thu giữ tổng cộng hơn 100 tỷ đồng, 50 sổ đỏ, 12 thùng hồ sơ; 2 tàu biển 2.500 tấn, 5 sà lan 400 - 1.000 tấn, 6 xe bồn trong bờ, 2.680.000 lít xăng, 4 thùng hoá chất...

Liên quan đến chuyên án triệt phá đường dây sản xuất xăng giả “khủng”, Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Ngô Văn Thụy Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Đội 3, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) về tội nhận hối lộ.

Chuyên đề