Bản tin thời sự sáng 3/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là cầu Long Biên sắp được kiểm định tổng thể; TP.HCM mới giải ngân hơn 13% vốn đầu tư công; Thừa Thiên Huế thừa 92 ô tô công; dự án nuôi bò nghìn tỷ ở Hà Tĩnh hoạt động lại sau đại án tại BIDV; bàn giao hơn 682 km cọc GPMB cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2…

Cầu Long Biên sắp được kiểm định tổng thể

Cầu Long Biên (Hà Nội) bắc qua sông Hồng sẽ được kiểm định tổng thể trong 2 - 3 tháng tới, sau đó sửa chữa toàn diện, theo Cục Đường sắt Việt Nam.

Cầu Long Biên dành cho cả tàu hỏa và xe đạp, xe máy

Cầu Long Biên dành cho cả tàu hỏa và xe đạp, xe máy

Phó Cục trưởng Đường sắt Việt Nam Trần Thiện Cảnh cho biết, cơ quan này đã lên kế hoạch kiểm định tổng thể cầu Long Biên. Công trình đã 120 tuổi, hư hỏng nhiều hạng mục. Tháng 5 vừa qua, mặt cầu hai lần bị thủng, gây mất an toàn giao thông.

Ngoài ra, theo quy định cứ 5 - 10 năm, cầu Long Biên phải được kiểm định lại. Lần gần nhất cầu được kiểm định vào năm 2012.

Sau khi kiểm tra toàn diện, ngành đường sắt sẽ lập dự án sửa chữa tổng thể cầu Long Biên, dự kiến tiến hành vào năm 2023.

Về nguyên nhân hư hỏng mặt cầu Long Biên gần đây, Cục Đường sắt Việt Nam đánh giá, kết cấu của đường bộ hành và đường cho xe thô sơ đã cũ, chắp vá, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Trong khi đó có nhiều xe đạp thồ, xe máy thồ, xe ba gác lưu thông qua cầu. Người dân đi xe máy trên đường bộ hành hai bên cũng gây mất an toàn cho cầu.

Hai đầu cầu đã có biển cấm ôtô, cấm xe đạp thồ, xe máy thồ lưu thông từ 5h đến 20h và biển cảnh báo cầu yếu, tuy nhiên lượng phương tiện bị cấm lên cầu vẫn đông, nhất là vào giờ cao điểm.

Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, khởi công tháng 9/1898, do hãng Daydé-Pillié (Pháp) thiết kế và khánh thành năm 1902. Cầu dài 1.691 m, ban đầu là cầu dàn thép, đường sắt chạy ở giữa, hai bên dành cho phương tiện đường bộ. Trong thời gian chiến tranh, cầu bị hư hỏng một số nhịp, Nhà nước đã gia cố tạm bằng các hệ dầm kỹ thuật. Giai đoạn 1995 - 2010, cầu Long Biên đã được gia cố sửa chữa với tổng mức đầu tư 116 tỷ đồng.

TP.HCM mới giải ngân hơn 13% vốn đầu tư công

Giao kế hoạch vốn chậm, giá xăng dầu tăng... ảnh hưởng chi phí đầu vào nên TP.HCM mới giải ngân vốn đầu tư công được hơn 4.300 tỷ đồng, chỉ đạt 13,5%.

TP.HCM mới giải ngân hơn 13% vốn đầu tư công. Ảnh minh họa

TP.HCM mới giải ngân hơn 13% vốn đầu tư công. Ảnh minh họa

Năm nay, Thành phố được giao hơn 44.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Tuy nhiên, hiện Thành phố mới giải ngân được hơn 4.300 tỷ đồng.

Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP.HCM Nguyễn Hoàng Hải cho biết, ngoài tác động của đại dịch khiến tiến độ các dự án bị ảnh hưởng, xung đột Nga - Ukraine khiến xăng dầu có 11 lần tăng giá, với tỷ lệ hơn 30%. Việc này ảnh hưởng tất cả giá vật liệu của ngành xây dựng. Doanh nghiệp trúng thầu khi giá còn thấp, nay chi phí tăng đột biến nên họ có tâm lý thi công cầm chừng, chờ giá được điều chỉnh xuống thấp do càng làm nhanh càng lỗ.

Mặt khác, theo ông Hải, đặc thù các công trình phải được giao kế hoạch vốn mới có thể làm các bước tiếp theo. Tuy nhiên, đến cuối tháng 2, thậm chí đến tháng 4 Thành phố mới giao nên ảnh hưởng kế hoạch mời thầu, đấu thầu, ký hợp đồng... Đây là vướng mắc khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua thấp và dự kiến 6 tháng cuối năm tỷ lệ giải ngân vốn trên địa bàn sẽ tăng nhanh.

Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng, kinh tế Thành phố đang trên đà phục hồi tốt, khích lệ và "tạo niềm tin" cho doanh nghiệp; tuy nhiên, so với mặt bằng chung cả nước, tốc độ phục hồi kinh tế xã hội ở Thành phố vẫn chậm, nhất là tỷ lệ giải ngân rất thấp.

Lãnh đạo Thành phố yêu cầu các sở, ngành cần có giải pháp đẩy nhanh, tránh tình trạng "có tiền mà không tiêu được". Trước mắt, các đơn vị cần rà soát tình trạng các chủ đầu tư đã được bố trí vốn nhưng chậm giải ngân để giải quyết nếu có vướng mắc. Đồng thời, các đơn vị cũng cần rà soát việc phân bổ vốn trong các lĩnh vực trước khi triển khai...

Thừa Thiên Huế thừa 92 ô tô công

Tỉnh Thừa Thiên Huế có 194 ô tô công, so với định mức mỗi cơ quan chỉ được sử dụng một ô tô chung thì đang thừa 92 chiếc.

Ô tô công mang biển xanh đậu ở trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Ô tô công mang biển xanh đậu ở trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngày 2/6, Phó giám đốc Sở Tài chính Thừa Thiên Huế Trần Bá Mẫn cho biết, để giải quyết 92 ô tô công dôi dư, Tỉnh đã cho phép các sở, đơn vị hành chính cấp huyện thống kê và tổ chức đấu giá, thanh lý. Sau ngày 30/6, ô tô công chưa thanh lý sẽ được Sở Tài chính thu hồi và tổ chức đấu giá tập trung.

Lý giải thực trạng dôi dư nhiều ô tô công, ông Mẫn cho rằng có nhiều nguyên nhân. Đa số xe ở các sở, đơn vị hành chính cấp huyện đang quản lý đã qua sử dụng 15 - 20 năm, được mua sắm theo tiêu chuẩn cũ; do đó, theo quy định mới của Chính phủ, một số xe bị dôi dư.

Dự án nuôi bò nghìn tỷ ở Hà Tĩnh hoạt động lại sau đại án tại BIDV

Sau thời gian bị ngưng trệ do một số lãnh đạo vướng vào đại án tại BIDV, Công ty Chăn nuôi bò Bình Hà đã tiến hành tái cơ cấu và đã nhập bò về chăn nuôi nhưng quy mô nhỏ hơn trước.

Công ty cổ phần chăn nuôi bò Bình Hà đã hoạt động trở lại nhưng quy mô chăn nuôi nhỏ hơn trước

Công ty cổ phần chăn nuôi bò Bình Hà đã hoạt động trở lại nhưng quy mô chăn nuôi nhỏ hơn trước

Ngày 2/6, thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sau khi nhiều lãnh đạo vướng lao lý do sai phạm xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty CP Chăn nuôi bò Bình Hà đã tái cơ cấu, nhập 1.300 con bò về nuôi và sắp xuất bán lứa đầu tiên.

Trước đó, Công ty CP Chăn nuôi bò Bình Hà đã xây dựng đề án tái cơ cấu và đề xuất điều chỉnh dự án và được UBND Tỉnh chấp thuận chủ trương hồi tháng 5/2021.

Theo đó, công ty này đã xin đổi tên Dự án nuôi bò giống và bò thịt tại Hà Tĩnh thành Dự án chăn nuôi bò và trồng cây nguyên liệu; xin điều chỉnh tổng mức đầu tư từ hơn 4.000 tỷ đồng xuống còn 1.800 tỷ đồng và quy mô dự án chăn nuôi từ hơn 254.000 con bò/năm xuống còn 35.000 con bò/năm; xin điều chỉnh quỹ đất sử dụng từ hơn 2.100 ha xuống còn hơn 1.200 ha.

Thời điểm này, Công ty đã nhập 1.300 con bò về khu chăn nuôi tại xã Lâm Hợp (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và trồng thí điểm 50 ha dứa MD2. Ngoài ra, Công ty còn trồng 100 ha sắn, 40 ngô sinh khối, chuối, cỏ dược liệu làm thức ăn cho bò.

Hóc Môn muốn lên thành phố

Thay vì thành quận, Hóc Môn muốn lên thành phố để phù hợp xu thế chung, định hướng phát triển đô thị sinh thái, hiện đại khu vực Tây Bắc TP.HCM.

Quốc lộ 22, đoạn qua huyện Hóc Môn

Quốc lộ 22, đoạn qua huyện Hóc Môn

Thông tin được ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết tại Hội nghị triển khai đề án xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố giai đoạn 2021 - 2030, sáng 2/6.

Theo ông Tuyên, nếu chuyển lên quận, địa phương có nhiều chỉ tiêu khó đạt. Ngoài ra, đặc thù của huyện còn nhiều khu vực nông thôn không thể chuyển thành đô thị. Do đó, Ban Thường vụ Huyện ủy thảo luận và thống nhất xây dựng đề án định hướng Hóc Môn lên thành phố trực thuộc TP.HCM giai đoạn tới.

Trước đó, các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi cũng chọn định hướng phát triển lên thành phố thay vì lên quận vì nhiều lý do như: tốc độ đô thị hóa không đồng đều; tỷ lệ đất nông nghiệp cao; thành phố vừa có phường, vừa có xã, còn quận thì toàn bộ đơn vị hành chính phải là phường.

Lãnh đạo Hóc Môn cũng cho biết, huyện đã làm dự thảo, nhận góp ý của các sở ngành và tiếp tục ghi nhận các ý kiến của chuyên gia để hoàn thiện. Do nội dung đề án nhiều nội dung, đòi hỏi nhiều chất xám nên địa phương đề xuất thuê tư vấn, kinh phí từ nguồn xã hội hóa.

Theo báo cáo của UBND huyện Hóc Môn, địa phương đang đô thị hóa nhanh, dân số tăng cao, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu lao động với hơn 94%...

Mặt khác, các điều kiện tự nhiên, quy mô dân số và hạ tầng, giao thông, văn hóa giáo dục của huyện gần như tương đồng các quận lân cận như Quận 12, Gò Vấp và Bình Tân. Địa phương này cho rằng, việc lên thành phố phù hợp xu thế phát triển đô thị chung của TP.HCM, định hướng phát triển theo hướng sinh thái, văn minh, hiện đại phía Tây Bắc.

Hiện, TP.HCM có 22 quận, huyện và thành phố. Trước đó, Thủ Đức lên thành phố hồi cuối năm 2020, sau khi sáp nhập 3 quận là Quận 2, 9 và Thủ Đức.

Hà Nội vừa chính thức có thêm tuyến xe buýt điện E09

Hà Nội vừa có thêm tuyến xe buýt điện E09 phục vụ nhu cầu đi lại của người dân lộ trình Khu đô thị Smart City - đường Thanh Niên - Công viên nước Hồ Tây.

Hà Nội vừa chính thức có thêm tuyến xe buýt điện E09

Hà Nội vừa chính thức có thêm tuyến xe buýt điện E09

Tuyến E09 có chiều đi: Khu đô thị Smart City - Đại lộ Thăng Long - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi - Ngã Tư Sở - Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng - Ô chợ Dừa - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Thái Học - Hoàng Diệu - Nguyễn Biểu - Quán Thánh - Thanh Niên (Hồ Tây) - Nghi Tàm - Âu Cơ - Lạc Long Quân - Ngõ 612 Lạc Long Quân - Công viên nước Hồ Tây (gần nhà hàng Sen Tây Hồ).

Chiều về: Công viên nước Hồ Tây (gần nhà hàng Sen Tây Hồ) - Ngõ 612 Lạc Long Quân - Lạc Long Quân - Âu Cơ - Xuân Diệu - Nghi Tàm - Thanh Niên (Hồ Tây) - Hùng Vương - Phan Đình Phùng - Hoàng Diệu - Trần Phú - Chu Văn An - Tôn Đức Thắng - Ô chợ Dừa - Nguyễn Lương Bằng - Tây Sơn - Ngã Tư Sở - Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến - Đại lộ Thăng Long -Khu đô thị Smart City.

Trước đó, Hà Nội có 7 tuyến buýt điện bao gồm: tuyến E01 (Bến xe Mỹ Đình - Khu đô thị Ocean Park); tuyến E02 (lộ trình từ Hào Nam - Khu đô thị Ocean Park); tuyến E03 (Khu đô thị Ocean Park - Bến xe Mỹ Đình); tuyến E05 (Long Biên - Khu đô thị Smart City); tuyến E06 (Bến xe Giáp Bát-Khu đô thị Smart City); tuyến E07 (Long Biên - Bờ Hồ - Khu đô thị Vinhomes Smart City); tuyến E08 có lộ trình Khu liên cơ quan Sở ngành Hà Nội - Khu đô thị Time City.

Bàn giao hơn 682 km cọc GPMB cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

Tính đến nay, hơn 682 km hồ sơ cọc GPMB đã được các Ban QLDA thuộc Bộ GTVT bàn giao cho địa phương.

Với tiến độ hiện nay, công tác bàn giao cọc GPMB cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ đáp ứng được kế hoạch đề ra. Ảnh minh họa

Với tiến độ hiện nay, công tác bàn giao cọc GPMB cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ đáp ứng được kế hoạch đề ra. Ảnh minh họa

Liên quan đến tiến độ bàn giao hồ sơ cắm cọc GPMB phục vụ đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, đại diện Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Cục QLXD&CLCTGT, Bộ GTVT), tính đến hết tháng 5/2022, các Ban QLDA đã thực hiện bàn giao hơn 682 km/729 km (đạt 94%) cọc GPMB cho các địa phương có tuyến cao tốc đi qua.

Các đoạn còn lại sẽ đang tiếp tục được thẩm định, phê duyệt hoàn thành trước ngày 30/6 theo đúng mốc tiến độ Nghị quyết 18 của Chính phủ đặt ra.

Trong số 12 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, một số dự án như: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (dài 88 km) do Ban QLDA 2 phụ trách; Vạn Ninh - Cam Lộ (dài 68 km) do Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phụ trách đã cơ bản hoàn thành công tác bàn giao cọc GPMB cho địa phương.

Hai dự án thành phần đi qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh là Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng do Ban QLDA Thăng Long đảm nhận, hiện có tổng số 84 km cọc GPMB đã được bàn giao.

Còn tại dự án thành phần Chí Thạnh - Vân Phong, Ban QLDA 7 cho biết, tính đến nay, đơn vị đã bàn cho địa phương được 41 km/ 48 km, đạt 85,36%. Hiện có thêm 5 km đã được Bộ chấp thuận thiết kế cơ bản.

Đối với đoạn Vân Phong - Nha Trang, Ban đã bàn giao cho địa phương 68,5 km/81 km. Ban QLDA 7 đang đôn đốc tư vấn hoàn thiện cắm mốc GPMB để tiếp tục bàn giao các đoạn khoảng 6,5 km đã được phê duyệt hồ sơ trước ngày 7/6 và các đoạn còn lại (khoảng 9 km) trước ngày 30/6.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư