Bản tin thời sự sáng 3/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Xây dựng thôi đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ cho nhà ở xã hội; đại gia 'Đường bia' rao bán khách sạn dát vàng giá 250 triệu USD; Hà Nội bắt đầu thi công 2 đơn nguyên cầu vượt Mai Dịch; Lâm Đồng nguy cơ mất gần 5.000 ha rừng do khai thác bô xít…

Bộ Xây dựng thôi đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ cho nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng nói sẽ dừng đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội để tập trung triển khai gói 120.000 tỷ đồng mà 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đã thống nhất.

Bộ Xây dựng thôi đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ cho nhà ở xã hội. Ảnh minh họa

Bộ Xây dựng thôi đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ cho nhà ở xã hội. Ảnh minh họa

Sau các cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản từ đầu tháng 2 đến nay, có 2 giải pháp về các gói tín dụng được hé lộ. Đầu tiên là đề xuất của Bộ Xây dựng với gói khoảng 110.000 tỷ đồng (tương tự gói 30.000 tỷ trước đây), cấp tới các ngân hàng thương mại để cho vay dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo hình thức tái cấp vốn. Đề xuất này đã được đưa vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ.

Thứ hai là gói tín dụng riêng khoảng 120.000 tỷ đồng cũng cho nhà ở xã hội được 4 ngân hàng thương mại Nhà nước thống nhất trước thềm hội nghị với Thủ tướng hôm 17/2. Gói này lãi suất cho vay thấp hơn 1,5 - 2% lãi suất bình quân thị trường với người xây dựng và mua nhà.

Tuy nhiên, chiều 2/3, trong thông cáo phát đi, Bộ Xây dựng không đề cập đến việc nghiên cứu tiếp gói tín dụng 110.000 tỷ đồng đã đề nghị trước đó. Thay vào đó, bộ này cho biết sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ Xây dựng không đề xuất gói 110.000 tỷ đồng nữa. Sử dụng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước sẽ đơn giản về thủ tục và có nguồn để thực hiện được ngay.

Về gói 120.000 tỷ đồng, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đang chỉ đạo 4 ngân hàng thương mại triển khai các lộ trình, quy định chung. Theo ông, đây là gói vay thương mại nên doanh nghiệp, người mua nhà đáp ứng các điều kiện sẽ được vay. Thực tế nhiều dự án nhà ở xã hội được phê duyệt nhưng chưa đầy đủ tính pháp lý.

Đại diện của Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ quan điểm, gói tín dụng 110.000 tỷ đồng mà Bộ Xây dựng đề xuất là cần thiết cho thị trường bất động sản nhưng vốn từ đâu cho gói tín dụng này là vấn đề.

Đại gia 'Đường bia' rao bán khách sạn dát vàng giá 250 triệu USD

Do gặp khó khăn về dòng tiền, đại gia "Đường bia" - chủ sở hữu khách sạn dát vàng Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake - buộc phải rao bán khách sạn với giá khởi điểm 250 triệu USD.

Khách sạn dát vàng Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake mới khai trương từ tháng 7/2020 nay được rao bán với giá 250 triệu USD

Khách sạn dát vàng Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake mới khai trương từ tháng 7/2020 nay được rao bán với giá 250 triệu USD

Theo ông Nguyễn Hữu Đường (tức đại gia Đường bia), Chủ tịch Công ty TNHH Hòa Bình, đồng thời là chủ khách sạn dát vàng Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake cho biết sẽ chào bán cạnh tranh khách sạn này trong tháng 3 với giá khởi điểm 250 triệu USD.

Theo ông Đường, nguyên nhân rao bán khách sạn này là do dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp chưa được UBND TP. Hà Nội cấp giấy phép xây dựng, dẫn đến doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn về dòng tiền, phải bán tài sản để giải quyết thanh khoản.

Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake là khách sạn dát vàng đầu tiên tại Hà Nội, nằm bên hồ Giảng Võ (quận Đống Đa). Khách sạn được khánh thành từ tháng 7/2020 sau khoảng 18 tháng xây dựng với vốn đầu tư hơn 100 triệu USD.

Khách sạn này có toàn bộ gạch ốp bên ngoài đều được phủ vàng 24k. Không chỉ vậy, bên trong cửa sảnh, cửa thang máy, nội thất... cũng được phủ vàng.

Theo chủ đầu tư, khách sạn có 24 tầng cao với 360 phòng lưu trú. Diện tích phòng tiêu chuẩn là 40 - 48 m2, phòng cao cấp hơn rộng khoảng 70 - 90 m2. Cao cấp nhất là căn suite tổng thống 184 m2 có thể phục vụ tới 10 khách; phòng penthouse Hoàng gia có diện tích 170 m2...

Hà Nội bắt đầu thi công 2 đơn nguyên cầu vượt Mai Dịch

Hai đơn nguyên cầu vượt đô thị chạy dọc hai bên cầu vượt Mai Dịch sẽ phục vụ các xe lưu thông trong nội đô, còn lại phần cầu vượt Mai Dịch sẽ được trưng dụng để khai thác tuyến cao tốc trên cao.

Hà Nội bắt đầu thi công 2 đơn nguyên cầu vượt Mai Dịch. Ảnh minh họa

Hà Nội bắt đầu thi công 2 đơn nguyên cầu vượt Mai Dịch. Ảnh minh họa

Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết, đơn vị vừa khởi công xây dựng 2 đơn nguyên cầu đô thị (cầu kẹp) chạy dọc cầu vượt Mai Dịch hiện tại và tổ chức giao thông nút Mai Dịch.

Đây là dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long - Vành đai 3 Hà Nội (do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư).

Thời gian hoàn thành trước 31/3/2024. Nhà thầu thi công là Tập đoàn TAISE (Nhật Bản).

Theo thiết kế, mỗi bên cầu vượt Mai Dịch hiện tại sẽ được xây dựng một đơn nguyên cầu đô thị rộng 7,75 m gồm: 1 làn xe cơ giới rộng 3,5 m và 1 làn xe hỗn hợp rộng 3 m, còn lại là dải an toàn và bó vỉa.

Về mặt kỹ thuật, hai đơn nguyên cầu đô thị được xây dựng là cầu vĩnh cửu kết cấu dầm thép bản mặt bêtông cốt thép liên hợp, tĩnh không dưới là 4,75 m, tĩnh không đường đô thị đi trên cầu vượt là 4,5 m.

Tổng mức đầu tư của hạng mục này khoảng 342 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn dư của Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long.

Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long cho hay, hiện tại đơn vị đang tích cực làm việc với các đơn vị liên quan về hạ tầng điện, bưu chính viễn thông và hạ tầng vỉa hè để hoàn thành mặt bằng thi công cho công trình.

Về tổ chức giao thông tại nút giao Mai Dịch - Xuân Thủy đã được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phê duyệt.

Lâm Đồng nguy cơ mất gần 5.000 ha rừng do khai thác bô xít

Trong 21.170 ha đất đã được cấp phép thăm dò, khai thác quặng bô xít ở Lâm Đồng, có khoảng 4.906 ha rừng, trong đó 2.397 ha rừng tự nhiên.

Rừng thông tại xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm

Rừng thông tại xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm

Thông tin được nêu trong văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về việc kiểm tra, rà soát quy hoạch khai thác khoáng sản bô xít trên địa bàn theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Sở NN&PTNT xác định, trên địa bàn có khoảng 21.700 ha đất thuộc các xã Lộc Ngãi, B’Lá, Lộc Quảng, Lộc Tân và thị trấn Lộc Thắng thuộc huyện Bảo Lâm; một số tiểu khu thuộc xã Đinh Trang Thượng, Tân Lâm, huyện Di Linh và TP. Bảo Lộc đã được cấp phép thăm dò, khai thác quặng bô xít.

Trong đó có 11 ha rừng phòng hộ, 4.906 ha rừng sản xuất và diện tích còn lại nằm ngoài quy hoạch lâm nghiệp. Còn theo kết quả kiểm kê rừng năm 2014, khu vực đã được cấp phép sẽ ảnh hưởng 4.458 ha rừng, trong đó 2.397 ha rừng tự nhiên.

Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, quy định của Luật Lâm nghiệp và Luật Khoáng sản, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản không được phép thực hiện trên đất rừng phòng hộ. Ngoài ra, qua kiểm tra cho thấy, các giấy phép đã được cấp chồng lấn lên đất rừng của 12 doanh nghiệp đang thuê để làm dự án.

Chủ trương của tỉnh Lâm Đồng phải giữ rừng, nhất là rừng tự nhiên, phòng hộ nên việc khai thác quặng bô xít theo quy hoạch đã được cấp phép sẽ làm suy giảm một diện tích rất lớn đất có rừng, tỷ lệ che phủ rừng. Do đó, Sở NN&PTNT đề nghị UBND Tỉnh xem xét điều chỉnh phù hợp.

Hai dự án bô xít Tây Nguyên, gồm Dự án bô xít nhôm Lâm Đồng (alumin Tân Rai) và Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ (Đăk Nông), có công suất thiết kế mỗi nhà máy 650.000 tấn alumin một năm, tổng mức đầu tư khoảng 32.000 tỷ đồng.

Thêm cổ phiếu AMD thuộc "họ" FLC bị đình chỉ giao dịch

Với việc FLC, ROS bị hủy niêm yết, HAI, ART, GAB và nay là AMD bị đình chỉ giao dịch, "họ" FLC chỉ còn đúng một mã được giao dịch, nhưng chỉ vào ngày thứ Sáu.

Thêm cổ phiếu AMD thuộc "họ" FLC bị đình chỉ giao dịch

Thêm cổ phiếu AMD thuộc "họ" FLC bị đình chỉ giao dịch

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa thông báo về việc đưa cổ phiếu AMD của Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone vào diện đình chỉ giao dịch do công ty chậm nộp Báo cáo tài chính (BCTC) soát xét bán niên năm 2022 quá 6 tháng so với thời hạn quy định.

HoSE cho hay, ngày 17/10/2022, cơ quan này đã ra quyết định chuyển cổ phiếu AMD từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch do Công ty chậm nộp BCTC soát xét bán niên năm 2022 quá 45 ngày so với thời hạn quy định.

Ngày 3/2, FLC Stone đã có văn bản giải trình và nêu biện pháp khắc phục, tuy nhiên, hết ngày 28/2, quá 6 tháng so với thời hạn quy định (thời hạn công bố thông tin là 30/8/2022), FLC Stone vẫn chưa thực hiện công bố thông tin đến HoSE về BCTC soát xét bán niên năm 2022.

Căn cứ quy định, cổ phiếu AMD đã rơi vào trường hợp chứng khoán bị đình chỉ giao dịch.

Theo HoSE, căn cứ quá trình khắc phục của Công ty, việc xem xét đưa cổ phiếu ra khỏi diện đình chỉ giao dịch được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 41 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết.

Như vậy, trong "họ" FLC hiện nay chỉ còn mã chứng khoán KLF của Công ty CP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS là được giao dịch phiên cuối tuần do bị hạn chế giao dịch.

Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh sẽ chính thức thông xe từ ngày 5/3

Sau 5 tháng thi công sửa chữa vì sự cố đứt cáp ngầm, cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) sẽ chính thức thông xe vào ngày 5/3.

Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh sẽ chính thức thông xe từ ngày 5/3

Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh sẽ chính thức thông xe từ ngày 5/3

Theo ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) sẽ thông xe vào ngày 5/3, hoạt động như trước đây và đảm bảo an toàn, chất lượng.

Trước đó, sáng 27/2, đơn vị kiểm định đã cho thử tải lần cuối với tải trọng cao nhất đạt 180 tấn tại vị trí gặp sự cố của cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh để làm cơ sở cho ô tô di chuyển qua cầu.

Hồi tháng 9/2022, trong quá trình kiểm tra, khảo sát chuẩn bị duy tu, sửa chữa định kỳ, các đơn vị liên quan phát hiện 4 bó cáp dự ứng lực được chôn sâu 1,8 - 2 m thuộc công trình cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh trước đây đã bị đứt. Điều này ảnh hưởng đến kết cấu, khả năng chịu lực của cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh và phải khẩn trương khắc phục.

Cuối tháng 9/2022, toàn bộ xe bị cấm lưu thông qua cây cầu này để đảm bảo an toàn trong lúc chờ khắc phục sự cố.

Hơn 26.000 căn nhà ở TP.HCM chưa được cấp sổ hồng

TP.HCM còn 63.494 căn nhà chưa được cấp sổ hồng. Trong đó có 37.421 căn nhà đủ điều kiện cấp và 26.073 căn nhà còn vướng mắc chưa được giải quyết cấp.

Hơn 26.000 căn nhà ở TP.HCM chưa được cấp sổ hồng

Hơn 26.000 căn nhà ở TP.HCM chưa được cấp sổ hồng

Thông tin trên được bà Võ Thị Kim Ngân, đại diện Sở TN&MT TP.HCM đưa ra tại buổi họp báo định kỳ kinh tế - xã hội diễn ra vào chiều 2/3 tại TP.HCM, liên quan nhiệm vụ cấp sổ hồng trên địa bàn.

Về tiến độ cấp sổ hồng cho các dự án lớn trên địa bàn TP.HCM, bà Ngân cho biết, tính đến tháng 2/2023, Sở TN&MT đã cấp hơn 110.000 sổ hồng cho 398 dự án.

TP.HCM còn 63.494 căn nhà chưa được cấp sổ hồng. Trong đó có 37.421 căn nhà đủ điều kiện cấp và 26.073 căn nhà còn vướng mắc chưa được giải quyết cấp.

Bà Ngân thông tin thêm, trong 37.421 căn nhà đủ điều kiện cấp sổ hồng, Sở TN&MT đã giải quyết được 31.097 căn nhà. Trong 2 tháng đầu năm 2023, Sở giải quyết thêm được 3.892 căn. Như vậy, tổng số thực hiện cấp sổ hồng là 34.988 căn, đạt 93,5% chỉ tiêu đặt ra.

Thời gian tới, Sở TN&MT thẩm định các dự án đủ điều kiện cấp sổ hồng và hướng dẫn chủ đầu tư để nộp hồ sơ thực hiện. Dự kiến trong năm 2023 sẽ tiến hành nhận hồ sơ gần 23.000 căn.

Chuyên đề