Bản tin thời sự sáng 29/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Giao thông vận tải đề xuất kéo dài cơ chế đặc thù với 4 dự án cao tốc; mỗi lượng vàng tăng cả triệu đồng; khu đất 26 ha ở Đồ Sơn sẽ được đấu giá làm du lịch; Hà Nội phê duyệt, cập nhật 3 dự án đầu tư nhà ở xã hội với hơn 2.000 căn hộ…

Bộ Giao thông vận tải đề xuất kéo dài cơ chế đặc thù với 4 dự án cao tốc

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền, cho phép kéo dài việc áp dụng chính sách đặc thù về khai thác mỏ khoảng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đối với 4 dự án đường cao tốc.

Phối cảnh cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu

Phối cảnh cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu

Bốn dự án này gồm: xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn hai (2021 – 2025), cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Đây là chính sách từng được Quốc hội chấp thuận bằng Nghị quyết 43/2022, cho phép Chính phủ triển khai cơ chế đặc thù tại một số dự án giao thông, nằm trong Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội. Trong đó, có 4 dự án trên.

Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, thời gian được Quốc hội cho phép áp dụng chính sách trên kéo dài 2 năm (2022 - 2023). Như vậy, thời gian còn lại để triển khai chính sách này chỉ còn hơn một tháng. Trong khi đó, nguồn vật liệu vẫn chưa được các địa phương cấp đủ.

Thêm vào đó, Bộ GTVT nhận định, đây là chính sách mới, lần đầu tiên được áp dụng nên quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi triển khai.

Trước tình hình này, Bộ GTVT đã thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong đó, kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đối với 4 dự án đến hết năm 2024, hoặc đến khi hoàn thành các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Mỗi lượng vàng tăng cả triệu đồng

Vàng miếng sáng 28/11 tăng thêm một triệu đồng mỗi lượng, vọt lên 73,5 triệu đồng, chỉ còn cách đỉnh cũ vài trăm nghìn đồng.

Vàng miếng sáng 28/11 tăng thêm một triệu đồng mỗi lượng, vọt lên 73,5 triệu đồng

Vàng miếng sáng 28/11 tăng thêm một triệu đồng mỗi lượng, vọt lên 73,5 triệu đồng

Sáng 28/11, các thương hiệu kinh doanh vàng liên tục điều chỉnh giá mua bán. Lúc 10h30, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) nâng 800.000 đồng ở chiều mua lên 72,5 triệu đồng, chiều bán tăng thêm 1 triệu đồng lên 73,5 triệu.

Tương tự, giá vàng miếng tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI lên 72,4 - 73,4 triệu đồng mỗi lượng. Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) điều chỉnh giá vàng miếng lên 72,3 - 73,1 triệu đồng. Chênh lệch mua bán được các nhà vàng nới rộng lên 800.000 - 1.000.000 đồng.

Như vậy, chỉ trong hai tiếng sau khi mở cửa, giá vàng miếng SJC tại các doanh nghiệp đã tăng thêm 1 triệu đồng mỗi lượng, cách vài trăm nghìn đồng so với đỉnh cũ 74,4 triệu đồng lập được tháng 3 năm ngoái.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn tròn trơn sáng 28/11 diễn biến khiêm tốn hơn so với vàng miếng, tuy nhiên vẫn xác lập kỷ lục mới.

Vàng nhẫn loại 1-5 chỉ của SJC tăng nhẹ lên 60,65 - 61,75 triệu đồng một lượng. Vàng nhẫn tròn 9999 của DOJI lên 60,65 - 61,9 triệu đồng. Tại Bảo Tín Minh Châu, nhẫn tròn trơn Vàng Rồng Thăng Long lên 61,12 - 62,12 triệu đồng. Chênh lệch mua bán với vàng nhẫn cũng được các doanh nghiệp này đẩy lên 1 - 1,3 triệu đồng một lượng.

Khu đất 26 ha ở Đồ Sơn sẽ được đấu giá làm du lịch

26 ha đất ở quận Đồ Sơn đang trong tình trạng sử dụng sai mục đích, hoang hóa sẽ được UBND TP. Hải Phòng đấu giá để phát triển du lịch.

Khu đất 26 ha ở Đồ Sơn sẽ được đấu giá làm du lịch

Khu đất 26 ha ở Đồ Sơn sẽ được đấu giá làm du lịch

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng vừa đồng ý chủ trương, xử lý mặt bằng, lập hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất đối với 3 khu đất ở quận Đồ Sơn vào mục đích phát triển du lịch, gồm: khu Vụng Xéc - 203 rộng 20 ha ở phường Vạn Hương; khu Trung tâm Phục hồi chức năng điều trị bệnh nghề nghiệp Đồ Sơn - Cây dừa - Phường cũ; khu đất từ khách sạn Hoa Phượng đến giáp Trung tâm Hội nghị và đào tạo cán bộ công đoàn thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Thời hạn thuê đất đã hết và không có văn bản gia hạn của cơ quan nhà nước, nhưng các hộ dân ở 3 khu này chưa hoàn trả mặt bằng cho quận Đồ Sơn, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất đai. Một số hộ đã tự ý chuyển nhượng đất cho người khác sử dụng.

Theo UBND phường Vạn Hương, khu vực này đang có 34 hộ dân, trong đó 27 hộ sử dụng đất được cơ quan nhà nước ký hợp đồng một năm vào mục đích kinh doanh dịch vụ; 7 hộ dân tự ý chiếm đất, xây dựng nhà hàng kinh doanh dịch vụ.

Nhà hàng, nhà nghỉ tại đây đều không có giấy phép xây dựng hoặc sai so với giấy phép xây dựng được cấp, cơ sở vật chất xập xệ, xuống cấp.

Ngoài việc triển khai đấu giá 26 ha đất, TP. Hải Phòng sẽ hỗ trợ Bộ Chỉ huy quân sự Thành phố kinh phí cải tạo, trồng cây bóng mát tạo cảnh quan khu vực di tích lịch sử cấp quốc gia Bến Nghiêng.

Hà Nội phê duyệt, cập nhật 3 dự án đầu tư nhà ở xã hội với hơn 2.000 căn hộ

Trong danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị giai đoạn 2021 - 2025 vừa được UBND TP. Hà Nội phê duyệt, cập nhật có 12 dự án nhà ở thương mại và 3 dự án nhà ở xã hội.

Một khu nhà ở xã hội tại Khu đô thị Tây Nam hồ Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội

Một khu nhà ở xã hội tại Khu đô thị Tây Nam hồ Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định phê duyệt cập nhật danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị trong các kế hoạch phát triển nhà ở của Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 (Đợt 2).

Cụ thể, đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị, Thành phố phê duyệt, cập nhật có 12 dự án. Trong đó, 8 dự án đang triển khai dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021 - 2025; 3 dự án dự kiến hoàn thành sau giai đoạn 2025 và 1 dự án đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư.

UBND Thành phố cũng phê duyệt, cập nhật 3 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, gồm: Dự án Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại ô đất CT4, CT5 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Đại Kim (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai). Dự án có tổng diện tích 2,03 ha, gồm 562 căn hộ. Hiện chủ đầu tư đang chuẩn bị đầu tư thi công xây dựng nhà cao tầng tại ô đất CT4, CT5, dự kiến hoàn thành năm 2024.

Dự án Đầu tư xây dựng Nhà ở xã hội tại ô đất CT6B, Khu đô thị mới Tây Nam Kim Giang (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai). Dự án có tổng mức đầu từ 1.293 tỷ đồng, trên diện tích 10,85 ha. Dự án có tổng diện tích sàn 33.120 m2 với 552 căn hộ. Dự án đang thực hiện thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, dự kiến hoàn thành năm 2027.

Dự án Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại ô CT7 và CT8 Khu đô thị mới Tây Nam Kim Giang 1 (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì). Dự án có tổng mức đầu tư 1.394 tỷ đồng với 937 căn hộ, hiện đang thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2026-2027.

Tổng cộng, 3 dự án nhà ở xã hội trên sẽ cung cấp 2.051 căn hộ.

11 tháng năm 2023, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 23.423 tỷ đồng

Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN), tính đến thời điểm cuối tháng 11/2023, tổng hợp kết quả kiểm toán của 119 báo cáo kiểm toán đã được phát hành thuộc kế hoạch kiểm toán năm 2023, đơn vị đã kiến nghị xử lý tài chính 23.423 tỷ đồng; trong đó, tăng thu ngân sách nhà nước 3.805 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 4.962 tỷ đồng, kiến nghị xử lý tài chính khác 14.566 tỷ đồng.

Dự án đầu tư đã được Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Dự án đầu tư đã được Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Tổng hợp kết quả kiểm toán của 119 báo cáo kiểm toán KTNN đã phát hành, KTNN đã có 117 kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc hủy bỏ một số nội dung không còn phù hợp, cụ thể: 12 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 12 Thông tư và 92 văn bản khác.

Từ đầu năm 2023 đến nay, KTNN đã cung cấp 299 báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

KTNN đã kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo cơ quan điều tra của địa phương thực hiện điều tra các dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm chiếu xạ tỉnh Đồng Nai và xử lý theo quy định của pháp luật.

Hà Nội sẽ cắt giảm 4.000 nhân viên phục vụ xe buýt

Thành phố triển khai vé điện tử liên thông và có lộ trình không sử dụng nhân viên phục vụ xe buýt, theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội Nguyễn Phi Thường.

Xe buýt lưu thông trên đường Nguyễn Trãi

Xe buýt lưu thông trên đường Nguyễn Trãi

Sáng 28/11, Hà Nội tổ chức khai trương thí điểm hệ thống vé điện tử liên thông đa phương thức cho giao thông công cộng. Trước mắt, vé điện tử liên thông có thể sử dụng ở 13 tuyến buýt thường và tuyến buýt nhanh BRT, thí điểm trong 6 - 9 tháng. Dự kiến tháng 12, Thành phố tiếp tục đưa 10 tuyến buýt vào hệ thống.

Sau khi hoàn thành thí điểm, Sở GTVT Hà Nội sẽ cùng với các đơn vị liên quan tổng kết đánh giá, làm cơ sở đề xuất tổ chức triển khai với toàn mạng lưới vận tải hành khách công cộng trên địa bàn.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, việc sử dụng vé điện tử giải quyết được nhiều bất cập, trong đó có tiết giảm kinh phí ngân sách nhà nước thông qua việc không sử dụng nhân viên phục vụ.

"Tính riêng 132 tuyến xe buýt trợ giá với 2.034 xe sẽ có lộ trình tiết giảm khoảng 4.000 nhân viên phục vụ, giảm số tiền lớn cho ngân sách. Theo tính toán của chúng tôi sẽ tiết kiệm được khoảng 300 tỷ đồng ngân sách mỗi năm", ông Thường nói.

Hà Nội hiện có 154 tuyến xe buýt, trong đó 132 tuyến trợ giá, 8 tuyến không trợ giá, 12 tuyến kế cận và 2 tuyến city tour, phủ đến tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã và 512/579 xã phường, thị trấn. Toàn thành phố có 2.034 xe buýt, trong đó 277 xe sử dụng năng lượng sạch.

11 biệt thự, nhà ở khu Thảo Điền xây không phép

Gần 30 công trình nhà không phép và sai phép ở phường Thảo Điền vừa được Thanh tra TP. Thủ Đức (TP.HCM) công bố, trong đó phần lớn là biệt thự và nhà ở.

11 biệt thự, nhà ở khu Thảo Điền xây không phép. Ảnh minh họa

11 biệt thự, nhà ở khu Thảo Điền xây không phép. Ảnh minh họa

Thanh tra TP. Thủ Đức (TP.HCM) vừa công bố Kết luận thanh tra về công tác quản lý trật tự xây dựng 2021 - 2022 tại UBND phường Thảo Điền.

Theo đó, đoàn thanh tra đã kiểm tra ngẫu nhiên hồ sơ lưu trữ tại phường và xác minh hiện trạng thực tế đối với nhiều công trình theo báo cáo của UBND Phường, từ ngày 1/8 - 12/9.

Đoàn thanh tra đã phát hiện 11 công trình xây dựng không phép (chủ yếu biệt thự và nhà ở). Trong đó, 7 công trình xây dựng không phép đã bị UBND Phường ra quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả nhưng chưa thực hiện. 6 công trình xây dựng không phép đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng.

Đối với công trình xây dựng sai phép, Thanh tra phường Thảo Điền phát hiện 16 địa chỉ không đúng so với giấy phép xây dựng. Trong đó, có 5 công trình đã hoàn thiện, đến thời điểm kiểm tra chỉ còn 2 địa chỉ đang được sử dụng. Ngoài ra, có 7 công trình đang ngưng thi công, 2 công trình vẫn đang thi công và 1 công trình đã khắc phục phần diện tích vi phạm...

Kết luận thanh tra chỉ ra, UBND phường Thảo Điền đã chưa kịp thời rà soát và đánh giá mặt làm được, hạn chế, thiếu sót để giải quyết hướng khắc phục khuyết điểm, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý trật tự xây dựng.

Đồng thời, Phường chậm phát hiện các công trình vi phạm, chưa cương quyết tổ chức các biện pháp ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu.

Điều trên đã dẫn đến một số công trình xây dựng không phép, sai phép có diện tích vi phạm lớn, chưa lập thủ tục điều chỉnh giấy phép xây dựng mà đã hoàn thiện đưa vào sử dụng. Một số công trình xây dựng không phép bị phát sinh diện tích, kết cấu nhưng chưa lập hồ sơ xử lý vi phạm.

Đa số công trình xây dựng vi phạm chưa tổ chức thực hiện các quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành.

Chuyên đề