Bản tin thời sự sáng 27/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM sẽ giảm 6 thay vì 8 sở như dự kiến; sẽ thu hồi giá ưu đãi đối với dự án điện tái tạo hưởng không đúng; vốn đầu tư cao tốc vành đai 4 Hà Nội giảm gần 3.000 tỷ đồng; thêm 3 cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ, Vĩnh Phúc bị khởi tố trong vụ án Phúc Sơn…

TP.HCM sẽ giảm 6 thay vì 8 sở như dự kiến

Theo phương án mới nhất, TP.HCM sẽ còn 15 sở sau khi sắp xếp, tinh gọn, tức giảm 6 thay vì 8 sở như định hướng được công bố trước đây.

Trụ sở UBND TP.HCM
Trụ sở UBND TP.HCM

Thông tin được ông Võ Ngọc Quốc Thuận, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, tại hội nghị tổng kết tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm tới, sáng 26/12.

Theo ông Thuận, Trung ương cho phép TP.HCM có 15 sở và giữ sở nào là thẩm quyền của Thường vụ Thành ủy. Lý giải về việc thay đổi, lãnh đạo Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, Hà Nội không có Sở An toàn thực phẩm nên giữ Sở Quy hoạch Kiến trúc trong khi Thành phố thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98 thì lại có.

"Do đó, nếu kết thúc hoạt động Sở An toàn thực phẩm thì không còn đặc thù nữa", ông Thuận nói và cho biết, Sở Nội vụ đang trình 2 phương án sắp xếp, một là làm theo chỉ đạo Trung ương và hai là phương án theo đặc thù TP.HCM để UBND Thành phố lựa chọn.

Dự kiến sau sắp xếp, TP.HCM sẽ tinh gọn và giảm 15% đầu mối tổ chức bên trong và tinh giản biên chế theo lộ trình do Trung ương quy định. Việc sắp xếp dự kiến hoàn thành trước ngày 20/2/2025.

Trước đó, theo định hướng của Thành ủy TP.HCM, Thành phố nghiên cứu sáp nhập Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, chuyển Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành đơn vị trực thuộc; sáp nhập Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, chuyển Văn phòng Thường trực Ban An toàn giao thông thành đơn vị trực thuộc.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được nghiên cứu sáp nhập để thực hiện quản lý nhà nước về nông nghiệp, tài nguyên và môi trường. Một số nhiệm vụ của hai sở này sẽ chuyển về các sở khác liên quan.

TP.HCM chuyển Ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao thành đơn vị trực thuộc; nghiên cứu sáp nhập Sở Du lịch và Sở Văn hóa - Thể thao.

Sở Thông tin và Truyền thông được nghiên cứu sáp nhập với Sở Khoa học và Công nghệ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, chuyển đổi số; kết thúc hoạt động Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chuyển các chức năng qua Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở Văn hóa và Thể thao.

Sở An toàn thực phẩm dự kiến kết thúc nhiệm vụ, chuyển nhiệm vụ về Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương; nghiên cứu sáp nhập Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) và Ban Dân tộc thành phố; sáp nhập Ban Quản lý khu công nghệ cao và Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất TP.HCM.

Sẽ thu hồi giá ưu đãi đối với dự án điện tái tạo hưởng không đúng

Bộ Công Thương cho biết sẽ thu hồi lại các khoản giá FIT ưu đãi đối với dự án điện tái tạo được hưởng không đúng quy định thông qua bù trừ thanh toán tiền mua điện.

Dự án điện tái tạo không đủ điều kiện hưởng giá ưu đãi sẽ phải xác định lại giá mua bán điện theo quy định

Dự án điện tái tạo không đủ điều kiện hưởng giá ưu đãi sẽ phải xác định lại giá mua bán điện theo quy định

Bộ Công Thương mới đây đã có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình về kế hoạch triển khai Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo.

Việc tháo gỡ cho các dự án được thực hiện trên cơ sở nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ năm 2024. Theo đó, Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án năng lượng tái tạo thuộc diện thanh tra.

Về vấn đề bổ sung quy hoạch, Kết luận số 1027 của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra việc Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung và tham mưu Thủ tướng phê duyệt 154 dự án điện mặt trời với tổng công suất 13.837 MW không có căn cứ, cơ sở pháp lý về quy hoạch.

Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng ban hành văn bản hoặc quyết định cập nhật danh mục dự án điện mặt trời trong cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 theo Quy hoạch điện VIII.

Trong số đó, sẽ loại bỏ những dự án có vi phạm liên quan đến quy định về an ninh quốc phòng, quy hoạch các công trình, dự án trọng điểm quốc gia. Đồng thời, cập nhật các dự án đã rà soát hiệu quả kinh tế - xã hội để lưỡng dụng quy hoạch.

Với các dự án đang được hưởng biểu giá điện ưu đãi (FIT) nhưng không đáp ứng đầy đủ điều kiện được hưởng, Bộ Công Thương khẳng định, những dự án này sẽ không được hưởng giá FIT mà phải xác định lại giá mua bán điện theo quy định.

Đồng thời, thu hồi lại các khoản giá FIT ưu đãi đã được hưởng không đúng thông qua bù trừ thanh toán tiền mua điện.

Về hướng xử lý, Bộ Công Thương đưa ra phương án giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư các dự án xác định điều kiện hưởng giá khuyến khích.

Các dự án không được hưởng giá khuyến khích, EVN báo cáo cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định về giá mua bán điện để các bên có liên quan làm căn cứ bù trừ thanh toán tiền mua điện…

Vốn đầu tư cao tốc Vành đai 4 Hà Nội giảm gần 3.000 tỷ đồng

Tổng đầu tư Dự án thành phần 3 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội sau rà soát đã giảm 2.990 tỷ đồng.

Vành đai 4 - Vùng thủ đô đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh

Vành đai 4 - Vùng thủ đô đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh

Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội gửi Chính phủ mới đây, sau khi được Cục Đường cao tốc (Bộ Giao thông vận tải) thẩm định thiết kế cơ sở và lãi suất vốn vay, TP. Hà Nội đã xác định lại tổng mức đầu tư của Dự án thành phần 3 - đầu tư xây dựng cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Sau soát xét, Dự án có tổng mức đầu tư 53.300 tỷ đồng, giảm 2.990 tỷ đồng, so với tổng mức đầu tư được TP. Hà Nội phê duyệt trước đó. Trong đó, phần vốn nhà nước là 23.860 tỷ đồng, giảm 2.906 tỷ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn là 21 năm, giảm hơn 5 năm.

UBND TP. Hà Nội đánh giá việc điều chỉnh tổng mức đầu tư không làm thay đổi quy mô Dự án, song đã giảm vốn ngân sách nhà nước tham gia, giảm thời gian thu phí, đẩy nhanh tiến độ triển khai, làm tăng hiệu quả tài chính của Dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ, lãnh đạo Hà Nội kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương giao cho Thành phố chủ động cập nhật số liệu giảm tổng mức đầu tư, điều chỉnh phương án tài chính vào hồ sơ mời thầu mà không phải thẩm định, phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định.

Cao tốc Vành đai 4 đi qua Hà Nội 57 km, Hưng Yên 19 km, Bắc Ninh 27 km và tuyến nối với cao tốc Nội Bài - Hạ Long khoảng 9,7 km. Trong đó, đoạn đi thấp dài khoảng 32 km, đoạn trên cao dài hơn 80 km. Đường có 6 làn xe, hệ thống đường song hành hai bên, hành lang cây xanh, công trình hạ tầng kỹ thuật và đất dự trữ cho đường sắt vành đai. Tốc độ thiết kế tuyến đường là 100 km/h. Tổng mức đầu tư sơ bộ toàn dự án 85.800 tỷ đồng.

Dự án được triển khai theo 7 dự án thành phần, vận hành độc lập. Trong đó, Hà Nội thực hiện 3 dự án thành phần: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; xây dựng đường song hành địa phận Hà Nội và xây dựng cao tốc theo phương thức PPP. Hưng Yên và Bắc Ninh mỗi tỉnh chịu trách nhiệm 2 dự án thành phần: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận của mỗi tỉnh.

Thêm 3 cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ, Vĩnh Phúc bị khởi tố trong vụ án Phúc Sơn

Hai cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ và một cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cùng 3 nguyên lãnh đạo 2 tỉnh này bị khởi tố với cáo buộc có sai phạm liên quan đại án tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Ông Phạm Văn Vọng khi đương chức

Ông Phạm Văn Vọng khi đương chức

Ngày 26/12, tại họp báo công tác năm của Bộ Công an, Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an (C03) cho biết, đơn vị đã khởi tố thêm 5 bị can do liên quan vụ án ở Tập đoàn Phúc Sơn, gồm: ông Phạm Văn Vọng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; Phùng Quang Hùng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; Hà Hòa Bình, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; Ngô Đức Vượng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ; Nguyễn Doãn Khánh, cựu Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ.

5 người cùng bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Hiện, tổng cộng 38 người đã bị khởi tố trong vụ án này sau 10 tháng điều tra. Cơ quan điều tra đã tạm giữ hơn 315 tỷ đồng, 1,97 triệu USD, 534 cây vàng và 1.444 sổ đỏ của các bị can.

Bộ Công an đánh giá vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn là loại tội phạm mới với thủ đoạn lợi dụng quan hệ thân thiết với người có chức vụ cao, quyền hạn lớn để gây tác động, ảnh hưởng đến cán bộ cơ sở nhằm trục lợi. Cán bộ cơ sở bị tấn công bằng "đạn bọc đường" mà không phát hiện ra nên mất sức đề kháng.

Những người đầu tiên bị khởi tố là Nguyễn Văn Hậu (tức Hậu Pháo, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Phúc Sơn), hôm 26/2. Bị can này bước đầu bị cáo buộc đưa tiền cho nhiều người, trong đó riêng ông Đặng Trung Hoành (Chánh văn phòng huyện ủy Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) nhận 64 tỷ đồng.

Khi nhà chức trách điều tra vụ án này, Vĩnh Phúc là tỉnh có nhiều người bị khởi tố nhất khi 3 lãnh đạo tỉnh là cựu Bí thư Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Chủ tịch tỉnh Lê Duy Thành, cựu Phó bí thư thường trực Phạm Hoàng Anh đối mặt cáo buộc Nhận hối lộ.

Hà Nội chuẩn bị xây hơn 1.100 căn nhà ở xã hội tại Đông Anh

Sẽ có 1.104 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho gần 3.900 người thuộc đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội tại Đông Anh, Hà Nội.

Phối cảnh Dự án Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại Đông Anh, Hà Nội

Phối cảnh Dự án Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại Đông Anh, Hà Nội

Liên danh chủ đầu tư Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) và Tổng công ty Viglacera - CTCP sẽ tổ chức khởi công công trình CT3. Đây là một phần của Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội tại ô đất CT3, CT4 - Khu đô thị mới Kim Chung (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) vào đầu năm 2025.

Theo Viglacera, tại công trình CT3, sẽ có 1.104 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho gần 3.900 người thuộc đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội trên địa bàn TP. Hà Nội.

Ban Quản lý dự án thông tin, hiện UBND huyện Đông Anh đang đẩy nhanh tiến độ khâu giải phóng mặt bằng để hoàn thành trong tháng 12/2024. Dự kiến, trong tháng 1/2025, UBND TP. Hà Nội sẽ ban hành quyết định giao đất để Liên danh chủ đầu tư triển khai các bước khởi công thực hiện Dự án.

Theo quy hoạch được phê duyệt, tại ô đất CT3 sẽ xây dựng 3 đơn nguyên nhà ở chung cư cao tầng có ký hiệu CT3A, CT3B, CT3C. Mỗi tòa cao 12 tầng và thêm 1 tum, có thang máy. Tổng diện tích sàn xây dựng hơn 109.410 m2, đáp ứng quy mô dân số khoảng 3.902 người với tổng số 1.104 căn hộ.

Cũng tại Khu đô thị mới Kim Chung (xã Kim Chung - huyện Đông Anh), với ô đất CT4, Liên danh chủ đầu tư đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội gồm 484 căn hộ được bán với giá 13,5 triệu đồng/m2 và đưa vào sử dụng từ quý IV/2021. Dự án này bao gồm nhà ở chung cư 12 tầng và 1 tum với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 44.368 m2, đáp ứng nhu cầu ở cho 1.527 nhân khẩu.

Việc tiếp tục dự án nhà ở xã hội tại ô đất CT3 đang được Liên danh đẩy nhanh tiến độ và dự kiến hoàn thành trong năm 2026, theo đúng chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội. Khi hoàn thành, tổng số căn hộ tại Dự án sẽ đạt 1.588 căn. Dự án này cũng góp phần bổ sung vào Chương trình phát triển một triệu căn nhà ở xã hội mà cả nước đang triển khai.

Doanh nghiệp bị phạt vì giấu khoản lỗ hàng chục tỷ

Công ty CP Quốc tế Holding lỗ sau thuế hơn 70,8 tỷ đồng sau kiểm toán năm 2023 nhưng lại công bố chỉ thâm hụt hơn 4,4 tỷ lợi nhuận nên bị phạt.

Phối cảnh Dự án Manhattan Tower do Quốc tế Holding làm đơn vị phát triển

Phối cảnh Dự án Manhattan Tower do Quốc tế Holding làm đơn vị phát triển

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) vừa ra quyết định xử phạt Công ty CP Quốc tế Holding (LMH) về các lỗi trong công bố thông tin. Tổng số tiền phạt là 377,5 triệu đồng.

Doanh nghiệp này đã công bố thông tin sai lệch trong báo cáo tài chính quý IV/2023 rằng lợi nhuận sau thuế cả năm chỉ âm hơn 4,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2023, họ lỗ hơn 70,8 tỷ đồng. Khoản lỗ qua kiểm toán lớn hơn số tự công bố tới 16 lần.

LMH còn bị phạt vì theo báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2022 và 2023, Công ty công bố không có giao dịch với các đối tượng khác và với người có liên quan. Tuy nhiên, tại báo cáo tài chính đã kiểm toán, họ lại có giao dịch bán hàng và cung cấp dịch vụ với các bên liên quan là Công ty CP Du lịch và Thương mại quốc tế (có chung thành viên Hội đồng quản trị), Chủ tịch Hội đồng quản trị và người có liên quan.

Doanh nghiệp này còn vi phạm về việc có các giao dịch với người nội bộ và người có liên quan dù không được Hội đồng quản trị chấp thuận. Ngoài ra, họ còn phạm lỗi chậm công bố báo cáo tài chính quý II/2023, báo cáo tài chính năm 2023 đã kiểm toán và báo cáo tài chính quý II/2024.

Quốc tế Holding, trước đó tên Landmark Holding, là doanh nghiệp đa ngành, tham gia vào lĩnh vực pin - năng lượng sạch, bất động sản và bán lẻ xăng dầu với chuỗi thương hiệu 99. Giai đoạn 2017 - 2018, Công ty ghi nhận doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, chủ yếu từ mảng bán lẻ xăng, dầu, dung môi và có lãi hàng chục tỷ.

Tuy nhiên, từ năm 2019 tới nay, họ lỗ hàng chục tỷ đồng, đỉnh điểm là mức lợi nhuận âm gần 113 tỷ năm 2021. Cổ phiếu đang nằm trong diện hạn chế giao dịch trên sàn UPCoM với thị giá chỉ 900 đồng.

Trong 9 tháng đầu năm, công ty không ghi nhận bất kỳ khoản doanh thu nào từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ. Trong khi đó, họ vẫn phải trả lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp và các loại chi phí khác. Kết quả là Quốc tế Holding lỗ hơn 4,5 tỷ đồng và nâng khoản thâm hụt lợi nhuận lũy kế lên gần 305 tỷ đồng.

Thu thêm hơn 100 tỷ đồng trong vụ TikToker Mr Pips lừa đảo

16 ngày qua, Công an Hà Nội đã thu giữ thêm nhiều bất động sản, siêu xe, tiền trong tài khoản liên quan vụ Phó Đức Nam (tức TikToker Mr Pips), tổng cộng hơn 100 tỷ đồng.

Tang vật vàng miếng thu giữ trong vụ án

Tang vật vàng miếng thu giữ trong vụ án

Ngày 26/12, tại họp báo công tác năm của Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, từ ngày 10/12 đến nay đã thu giữ thêm một ôtô Mercedes G63, 12 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng, 18 căn chung cư và bất động sản. Tổng tiền và tài sản mới thu hồi ước tính hơn 100 tỷ đồng, nâng số tiền, tài sản thu hồi trong vụ án lên hơn 5.300 tỷ đồng.

Cảnh sát còn phát hiện ở tài khoản nước ngoài có 500.000 USD (khoảng 12,7 tỷ đồng). "Trong thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với VKSND Tối cao để tiến hành thu hồi tài sản các nghi phạm tẩu tán ở nước ngoài. Chắc chắn sẽ thu hồi được thêm nhiều tài sản hơn nữa", Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng nói.

Trước đó, cơ quan điều tra đã thu 316 tỷ đồng trong tài khoản, nhiều sổ tiết kiệm trị giá hơn 200 tỷ đồng, 69 tỷ đồng tiền mặt, 2,3 triệu USD, 890 miếng vàng SJC, 246 kg vàng nguyên khối, 31 siêu xe, 59 đồng hồ nhãn hiệu nổi tiếng trị giá khoảng 300 tỷ đồng... 125 bất động sản cũng bị phong tỏa giao dịch.

Đường dây phạm tội tại Việt Nam của Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ (tức Mr Hunter, đang bị truy nã quốc tế) hoạt động từ năm 2021 khi mở nhiều trang web có giao diện tiếng Anh để người tham gia hiểu lầm đây là sàn giao dịch ngoại hối quốc tế, có uy tín. Về bản chất, các trang mạng này đều được lập trình, liên kết với tài khoản ngân hàng do nhóm Nam quản lý.

Theo Công an Hà Nội, đây là đường dây lừa đảo lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực ngoại hối, chứng khoán. Đa số nạn nhân sập bẫy vì tin vào sự hào nhoáng, giàu có của Nam và Ngọ. Cùng với việc ham làm giàu, mong sớm thành đại gia, các nhà đầu tư càng dễ bị dẫn dụ.

Cảnh sát ban đầu xác định có hơn 2.660 bị hại trên toàn quốc, song chưa kết luận được số tiền cụ thể bị chiếm đoạt. Việc tìm ra các bị hại này dựa trên 280 máy tính bị thu giữ của đường dây. Ước tính các bị hại đã nạp khoảng 50 triệu USD (hơn 1.268 tỷ đồng) và bị chiếm đoạt.

Chuyên đề