Bản tin thời sự sáng 26/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Chính phủ yêu cầu chuyển Skypec từ Vietnam Airlines về PVN; Hà Nội phát hiện thêm nhiều thiết bị gây tê liệt khóa thông minh; nghiên cứu dùng ứng dụng định danh để trả lương hưu, trợ cấp thất nghiệp; sớm nâng cấp sân bay Cà Mau, đón tàu bay lớn…

Chính phủ yêu cầu chuyển Skypec từ Vietnam Airlines về PVN

Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xử lý phương án chuyển nhượng Công ty Nhiên liệu hàng không (Skypec) từ Vietnam Airlines về PVN.

Xe bồn Skypec tiếp nhiên liệu cho máy bay Vietnam Airlines

Xe bồn Skypec tiếp nhiên liệu cho máy bay Vietnam Airlines

Nội dung này được nêu trong thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty về sản xuất - kinh doanh.

Trong đó, Thường trực Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) xử lý phương án chuyển nhượng Công ty TNHH MTV Nhiên liệu hàng không (Skypec) từ Vietnam Airlines về PVN. Đây là nhiệm vụ được Thủ tướng giao cho 2 tập đoàn này vào tháng 9/2022.

Phương án chuyển Skypec về PVN nhằm hỗ trợ tái cơ cấu Vietnam Airlines và phát triển năng lực của PVN trong chuỗi sản xuất, cung ứng xăng dầu. Trường hợp phát sinh vấn đề vượt thẩm quyền, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được yêu cầu báo cáo các bộ và đề xuất hướng xử lý, báo cáo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trước ngày 15/7.

Trước đó, đầu năm nay, Vietnam Airlines thông báo mời các đơn vị tư vấn lập, triển khai phương án chuyển nhượng vốn của Hãng tại Skypec. Động thái này là một trong các nỗ lực tự thân của Hãng để phần nào khắc phục những khó khăn tài chính như âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế hàng chục nghìn tỷ đồng.

Skypec có vốn điều lệ 800 tỷ đồng, do Vietnam Airlines sở hữu toàn bộ. Với sức chứa hơn 220.000 m3, Skypec sở hữu hệ thống kho cảng đầu nguồn tại các cảng biển lớn và kho sân bay tại 18 sân bay dân dụng trên toàn quốc. Công ty này có khả năng phục vụ trên 214.000 chuyến bay với tổng sản lượng hàng năm đạt trên 2 triệu tấn mỗi năm. Giai đoạn trước dịch, Skypec là một trong những "con gà đẻ trứng vàng" của Vietnam Airlines.

Doanh nghiệp này cùng Petrolimex Aviation hiện là 2 nhà cung cấp nhiên liệu hàng không chính tại thị trường trong nước.

Hà Nội phát hiện thêm nhiều thiết bị gây tê liệt khóa thông minh

Kiểm tra một số điểm, Cục Tần số vô tuyến điện phát hiện thiết bị mở từ xa cửa cuốn, bảng quảng cáo điện tử gây nhiễu sóng, làm tê liệt khóa thông minh.

Các chuyên gia Cục Tần số vô tuyến điện truy tìm thiết bị gây nhiễu sóng

Các chuyên gia Cục Tần số vô tuyến điện truy tìm thiết bị gây nhiễu sóng

Chiều 25/6, ông Nguyễn Phương Đông - Giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến khu vực 1 (Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, ngày 24 - 25/6, đơn vị này đã thành lập hai tổ công tác xuống các địa điểm kiểm tra.

Tại khu vực bán kính 70 m trước cửa Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc (số 286 Thụy Khuê, quận Tây Hồ), tổ công tác phát hiện một thiết bị mở từ xa cửa cuốn nhà dân bị lỗi, phát ra tín hiệu liên tục, gây nhiễu cho các phương tiện sử dụng khóa thông minh (smartkey) và cửa cuốn xung quanh.

Ở cửa hàng Cellphone S trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, tổ công tác phát hiện bảng quảng cáo điện tử LED có bức xạ trên tần số 433.845 MHz phát liên tục gây nhiễu trên băng tần dành cho khóa thông minh. Hiện Trung tâm đã xử lý và cửa hàng dừng hoạt động bảng quảng cáo điện tử LED theo yêu cầu của cơ quan quản lý, ông Đông cho biết.

Trên đoạn phố Bùi Thị Xuân sau Bệnh viện Mắt Trung ương, quận Hai Bà Trưng, tổ công tác không phát hiện tín hiệu can nhiễu trên băng tần dành cho thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến. Địa điểm này theo người dân thứ Bảy, Chủ nhật không nhiễu, nhưng ngày thường lại gặp. Trung tâm sẽ tiếp tục theo dõi.

Trước đó ngày 22/6, khi dừng xe trên ngã ba giữa phố Nguyễn An Ninh và phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, hàng loạt tài xế ôtô, xe máy không thể mở khóa thông minh để khởi động xe. Cục Tần số vô tuyến điện đã xuống dùng thiết bị đo, phát hiện nguồn gây nhiễu là thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến để bật, tắt máy bơm nước tại một hộ gia đình ở phố Vọng.

Thiết bị này không rõ nguồn gốc, không có tem chứng nhận hợp quy; có chất lượng phát xạ không đảm bảo quy định trên tần số 433.9 MHz, băng thông 37.5Khz. Sau khi tắt thiết bị, các xe máy, ô tô đã mở được khóa thông minh.

Hải Phòng muốn có gần 21.000 căn nhà xã hội vào năm 2025

Đến năm 2025, Hải Phòng đặt mục tiêu phát triển được 1,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương gần 20.800 căn.

Phối cảnh dự án nhà ở xã hội tại Tràng Duệ
Phối cảnh dự án nhà ở xã hội tại Tràng Duệ

Chỉ tiêu này được đề cập trong trong quyết định phê duyệt điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 của UBND TP. Hải Phòng.

Hải Phòng đặt mục tiêu trong giai đoạn trên phát triển 16 dự nhà ở xã hội (giảm 3 dự án so với quyết định năm 2020). Tuy nhiên, Thành phố bổ sung 56 vị trí dự kiến để làm nhà ở xã hội, trong đó quận Hải An tập trung nhiều nhất với 10 vị trí, tiếp sau đó là huyện Thuỷ Nguyên với 8 vị trí.

Đến 2025, Hải Phòng dự kiến có diện tích sàn nhà ở xã hội đạt 1,5 triệu m2 (tăng gấp gần 2,5 lần so với mục tiêu năm 2020), tương số căn hộ khoảng 20.800 (tăng gấp 2 lần). Như vậy, theo kế hoạch vừa được điều chỉnh, Hải Phòng sẽ gia nhập nhóm những địa phương có chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội cao nhất cả nước, chỉ đứng sau các tỉnh, thành phố tập trung nhiều khu công nghiệp như Bình Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM, Long An.

Năm 2021, suất vốn đầu tư nhà ở xã hội tại Hải Phòng khoảng 7,86 triệu đồng mỗi m2. Đến năm 2025, chỉ tiêu này được điều chỉnh, tăng lên 8,49 triệu đồng mỗi m2.

2 năm qua, Hải Phòng có 2 dự án nhà ở xã hội đã được đưa vào sử dụng đều tại huyện An Dương với xấp xỉ 83.000 m2 sàn, tương ứng 1.024 căn hộ. Việc phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2022 đạt 96% mục tiêu. Tuy nhiên, Thành phố vẫn chỉ ra số nhà ở chưa đáp ứng được cho nhu cầu của người lao động làm việc tại các cụm, khu công nghiệp; việc thu hút nhà đầu tư còn chưa hiệu quả.

Từ đầu năm đến nay, hai dự án nhà ở xã hội tại Hải Phòng đã được khởi công gồm dự án ở Tổng kho 3 Lạc Viên (quận Ngô Quyền) và dự án tại xã Lê Lợi, Quốc Tuấn, (huyện An Dương). Hai dự án này lần lượt có 4.456 căn hộ (vốn đầu tư gần 4.900 tỷ đồng) và 2.538 căn hộ (với vốn gần 1.600 tỷ đồng).

Nghiên cứu dùng ứng dụng định danh để trả lương hưu, trợ cấp thất nghiệp

Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tích hợp thông tin qua thẻ Căn cước công dân gắn chip, ứng dụng VNeID để trả lương hưu, trợ cấp thất nghiệp...

NHNN được giao nghiên cứu, tích hợp thông tin qua thẻ Căn cước công dân gắn chip, ứng dụng VNeID để trả lương hưu, trợ cấp thất nghiệp

NHNN được giao nghiên cứu, tích hợp thông tin qua thẻ Căn cước công dân gắn chip, ứng dụng VNeID để trả lương hưu, trợ cấp thất nghiệp

Đây là một trong những nội dung được nêu tại thông báo của Văn phòng Chính phủ về tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử.

Theo đó, để triển khai có hiệu quả Đề án 06 trong các tháng cuối năm 2023, Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hoàn thành trong tháng 6/2023.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tích hợp thông tin tài khoản khách hàng qua thẻ Căn cước công dân gắn chip, ứng dụng VNeID để phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp an sinh xã hội, thất nghiệp, thiên tai, bệnh dịch... thanh toán không dùng tiền mặt.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong tích hợp, xác thực, hiển thị các thông tin, giấy tờ cá nhân trên ứng dụng VNeID, từng bước thay thế việc cung cấp các giấy tờ cá nhân trong thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính.

Bộ Công an rà soát, đánh giá việc triển khai phần mềm dịch vụ công liên thông, khắc phục các tồn tại, bảo đảm kết nối thông suốt, cập nhật, đồng bộ trạng thái hồ sơ với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của địa phương. Hoàn thành trước ngày 30/6.

Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch, chủ trì phối hợp với Bộ Công an tập trung triển khai các giải pháp về đồng bộ dữ liệu thuế, sử dụng Căn cước công dân gắn chip, định danh điện tử là mã số thuế và định danh trong các giao dịch điện tử để nâng cao hiệu quả thu thuế.

Sớm nâng cấp sân bay Cà Mau, đón tàu bay lớn

Giai đoạn đến năm 2030, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau thành cảng hàng không nội địa cấp 4C.

Cảng hàng không Cà Mau

Cảng hàng không Cà Mau

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản trả lời UBND tỉnh Cà Mau về việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn như bổ sung quy hoạch đường cao tốc; nâng cấp mở rộng các tuyến quốc lộ và đầu tư nâng cấp cảng hàng không.

Cụ thể, về kiến nghị đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau đạt tiêu chuẩn cấp sân bay 4C, đáp ứng khai thác dòng tàu bay A320 và A321, Bộ GTVT cho biết, Cảng hàng không Cà Mau hiện đạt tiêu chuẩn cấp sân bay 3C, đáp ứng khai thác tàu bay ATR 72 và tương đương.

Theo quy hoạch được Bộ GTVT phê duyệt, giai đoạn đến năm 2020, giữ nguyên cấp sân bay 3C và hạ tầng hiện hữu của Cảng hàng không Cà Mau. Giai đoạn đến năm 2030, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau thành cảng hàng không nội địa cấp 4C.

"Việc sửa chữa đường cất hạ cánh và đường lăn Cảng hàng không Cà Mau đã được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) triển khai. Hiện Cảng hàng không Cà Mau có thể tiếp nhận một số loại tàu bay Embraer khai thác các đường bay tầm trung, giúp kết nối Cà Mau với các trung tâm lớn của cả nước. Ngày 29/4/2023, Bamboo Airways đã đưa vào khai thác đường bay thẳng Hà Nội - Cà Mau với tần suất 3 chuyến/tuần, đã giúp cho hành khách có thể rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai đầu đất nước", Bộ GTVT cho hay.

Về đề xuất bổ sung quy hoạch đường cao tốc từ TP. Cà Mau đến Đất Mũi vào quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GTVT cho biết, đánh giá trong quá trình lập 5 quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy nội địa và cảng biển), do nhu cầu vận tải chưa cao nên hành lang TP. Cà Mau đến Đất Mũi không quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông lớn...

Bộ Tài chính yêu cầu tăng cường quản lý, sử dụng tài sản công

Bộ Tài chính vừa có công văn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện một số nội dung về quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc.

Bộ Tài chính vừa có công văn yêu cầu tăng cường quản lý, sử dụng tài sản công

Bộ Tài chính vừa có công văn yêu cầu tăng cường quản lý, sử dụng tài sản công

Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện, việc quản lý, sử dụng tài sản công dần đi vào nề nếp, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, khai thác hiệu quả nguồn lực tài chính. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết vẫn còn một số nơi, cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện chưa đầy đủ các nội dung theo quy định hoặc để xảy ra vi phạm.

Để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh quản lý, sử dụng tài sản công và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, giao các cơ quan có chức năng trực thuộc thực hiện kiểm tra chuyên đề đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Việc kiểm tra chuyên đề được thực hiện trong năm 2023 theo đề cương.

Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tổng hợp kết quả kiểm tra và báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công năm 2023 của đơn vị, địa phương mình quản lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, giao các cơ quan có chức năng thanh tra trực thuộc thực hiện đưa vào kế hoạch thanh tra hằng năm và tổ chức thanh tra đối với các trường hợp có nguy cơ xảy ra sai phạm; thanh tra đột xuất đối với các trường hợp có đơn thư tố cáo, phản ánh, kiến nghị có cơ sở hoặc được dư luận xã hội quan tâm.

Bộ Tài chính cho biết, mục đích của việc kiểm tra là để xem xét, đánh giá việc quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, đặc biệt là việc khai thác, sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết...

Chính phủ giao Bộ Xây dựng gỡ khó cho dự án 5 tỷ USD của Novaland

Văn phòng Chính phủ vừa chuyển Bộ Xây dựng - thường trực tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án bất động sản xem xét, giải quyết kiến nghị của tỉnh Bình Thuận liên quan đến vướng mắc tại Dự án NovaWorld Phan Thiet.

Dự án NovaWorld Phan Thiet đã hoàn thành được 1 phần

Dự án NovaWorld Phan Thiet đã hoàn thành được 1 phần

Dự án NovaWorld Phan Thiet có quy mô gần 1.000 ha, vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD do Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận - công ty con của Novaland làm chủ đầu tư, tại xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết. Trong báo cáo, tỉnh Bình Thuận đã nêu các vướng mắc và đề xuất cụ thể hướng giải quyết các vấn đề cần tháo gỡ.

Về chủ trương đầu tư, Dự án được Tỉnh cấp giấy chứng nhận lần đầu năm 2008 và thay đổi lần thứ 5 vào năm 2014. Đến tháng 4/2019, Bình Thuận ban hành quyết định chủ trương đầu tư mới, giữ nguyên quy mô, nhưng mục tiêu thay đổi thành "đầu tư khu biệt thự, khu phố thương mại để bán và kinh doanh theo vòng đời dự án"; khu khách sạn cao cấp; kết hợp đầu tư các công trình thương mại, dịch vụ; sân golf, bungalow, nhà hàng...

Tuy nhiên, Bình Thuận cho biết, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về khái niệm, loại hình biệt thự để bán và kinh doanh theo vòng đời dự án.

Theo UBND Tỉnh, Chủ đầu tư đã ký khoảng 3.000 hợp đồng với khách hàng nên việc hủy bỏ hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư sẽ ảnh hưởng rất lớn đến Dự án, cũng như quyền lợi khách hàng... Quyết định chủ trương đầu tư cũng là căn cứ thực hiện các trình tự, thủ tục tiếp theo. Vì vậy, Tỉnh đề nghị Tổ công tác xem xét, thống nhất phương án cho giữ nguyên chủ trương đầu tư tại Quyết định số 934 đã cấp tháng 4/2019.

Về cho thuê đất, Dự án đã được Tỉnh cho thuê 8 đợt với tổng diện tích 963 ha với hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê hàng năm. Việc cho thuê đất thành nhiều đợt tại thời điểm đó là do cơ quan chức năng của Tỉnh nhận thức theo tiến độ thực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do Dự án có quy mô rất lớn.

Bình Thuận cho biết qua rà soát, hiện không có quy định về cho thuê đất theo tiến độ thực hiện bồi thường nên việc cho thuê đất nhiều đợt trong cùng một dự án là chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo cơ sở pháp lý…

Nhiều công ty lớn ở Đồng Nai cắt giảm hàng nghìn lao động

Do thiếu đơn hàng, nhiều công ty lớn trong lĩnh vực dệt may, chế biến gỗ, giày da... ở Đồng Nai phải cắt giảm nhân sự.

6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 17.500 lao động, tuy vậy, phần lớn tuyển dụng lao động phổ thông (chiếm gần 80%)

6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 17.500 lao động, tuy vậy, phần lớn tuyển dụng lao động phổ thông (chiếm gần 80%)

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm, hơn 40.000 lượt người đã được giải quyết việc làm, đạt khoảng 50% kế hoạch năm. Tuy vậy, tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) giảm mạnh so với cuối năm 2022 (khoảng 38.750 người). Hiện toàn Tỉnh chỉ còn 769.000 lao động tham gia BHXH.

Nguyên nhân do các đơn vị thiếu đơn hàng, gặp khó khăn trong sản xuất nên phải cho lao động ngưng việc, nghỉ việc. Một số doanh nghiệp có số lượng lớn lao động giảm tham gia BHXH Công ty TNHH Pousung Việt Nam (giảm 1.120 lao động), Công ty TNHH Đồ Mộc Chien Việt Nam (giảm 1.023 lao động), Công ty TNHH TKG Taekwang MTC Vina (giảm 799 lao động)…

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của 28.905 lao động (tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2022); trong đó ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 26.246 người (giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2022) với tổng số tiền hơn 821 tỷ đồng (tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2022).

Theo số liệu của BHXH Đồng Nai, tính đến hết tháng 5, hơn 850.000 lao động đã được giải quyết các chế độ BHXH, BHTN với số tiền 5.489 tỷ đồng. Trong đó, chi giải quyết chế độ BHXH một lần cho hơn 28.000 lượt người với số tiền trên 2.067 tỷ đồng.

Chuyên đề