Bản tin thời sự sáng 20/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá USD ngân hàng vượt mốc 24.700 đồng, tỷ giá trung tâm lập đỉnh mới; Quảng Bình có làng du lịch tốt nhất thế giới; từ 19/10, Ngân hàng Nhà nước đáo hạn tín phiếu; cao tốc Nha Trang - Cam Lâm thí điểm thu phí không dừng bỏ barie và cabin ở lối vào; phong tỏa 22 tài khoản của vợ cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa…

Giá USD ngân hàng vượt mốc 24.700 đồng, tỷ giá trung tâm lập đỉnh mới

Giá USD tại các ngân hàng thương mại ngày 19/10 tăng mạnh, vượt mốc 24.700 đồng/USD, lên mức cao nhất từ đầu năm tới nay. Trong khi tỷ giá trung tâm tăng lên mốc cao nhất trong lịch sử.

Giá USD ngân hàng tăng mạnh, vượt mốc 24.700 đồng

Giá USD ngân hàng tăng mạnh, vượt mốc 24.700 đồng

Ngày 19/10, tỷ giá trung tâm tiếp tục được điều chỉnh tăng. Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.100 đồng/USD, tăng 4 đồng so với ngày 18/10. Đây là mức cao nhất của tỷ giá trung tâm từ trước đến nay.

Áp dụng biên độ 5%, các ngân hàng thương mại được phép giao dịch với tỷ giá trần ngày 19/10 là 25.305 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.895 đồng/USD.

Tỷ giá mua tham khảo ngày 19/10 được Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước duy trì ở mức 23.440 đồng/USD. Còn tỷ giá bán tham khảo tăng 5 đồng so với ngày 18/10, lên mức 25.255 đồng/USD.

Cùng xu hướng, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại ngày 19/10 tăng mạnh. Giá USD bán ra tại các ngân hàng đồng loạt vượt 24.700 đồng/USD. Đây là mức cao nhất từ đầu năm tới nay.

Cụ thể, vào lúc 11h15' ngày 19/10, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 24.370-24.740 đồng/USD (mua vào - bán ra), tăng 80 đồng/USD ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với sáng ngày 18/10.

Cùng thời điểm, Vietinbank giao dịch USD ở mức giá 24.343 đồng/USD (mua vào) và 24.763 đồng/USD (bán ra), tăng 98 đồng/USD ở cả 2 chiều so với sáng 18/10.

Còn Techcombank mua vào USD với giá 24.418 đồng/USD, bán ra ở mức 24.758 đồng/USD. So với ngày 18/10, giá USD tại Techcombank vào trưa ngày 19/10 tăng 97 đồng/USD ở chiều mua vào và tăng 100 đồng/USD ở chiều bán ra.

Sacombank niêm yết giá USD ở mức 24.390-24.745 đồng/USD (mua vào - bán ra), tăng 110 đồng/USD ở chiều mua vào và tăng 105 đồng/USD ở chiều bán ra so với sáng 18/10.

Trên thị trường tự do, giá USD ngày 19/10 được giao dịch phổ biến quanh mức 24.540-24.640 đồng/USD (mua vào - bán ra), không đổi so với phiên liền trước.

Quảng Bình có làng du lịch tốt nhất thế giới

Tân Hóa (Quảng Bình) được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) vinh danh “Làng du lịch tốt nhất thế giới” năm 2023.

Một góc làng Tân Hóa nhìn từ trên cao

Một góc làng Tân Hóa nhìn từ trên cao

Chiều 19/10, tại Samarkand (Uzbekistan), UNWTO chính thức công bố Tân Hóa là "Làng du lịch tốt nhất thế giới" sau khi đánh giá 260 hồ sơ từ 60 quốc gia. Việt Nam có bốn làng du lịch gửi hồ sơ từ các tỉnh Quảng Bình, Sơn La, Lai Châu và Hòa Bình nhưng Tân Hóa với mô hình "làng du lịch thích ứng với thời tiết" là nơi duy nhất được vinh danh.

Giải thưởng "Làng du lịch tốt nhất thế giới" là sáng kiến toàn cầu của UNWTO nhằm vinh danh những ngôi làng nơi du lịch bảo tồn, phát huy các giá trị, sản phẩm và lối sống dựa vào cộng đồng, nông thôn, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới, tính bền vững.

Tính tới năm 2022, hơn 70 ngôi làng từ gần 40 quốc gia đã được UNWTO công nhận "Làng du lịch tốt nhất". Những ngôi làng này là điển hình về các điểm đến du lịch nông thôn mang lại trải nghiệm chân thực, đa dạng cho du khách, đồng thời tạo cơ hội và lợi ích cho người dân địa phương, môi trường.

Theo thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, sau khi đánh giá hồ sơ, UNWTO đã ghi nhận tài nguyên văn hóa, thiên nhiên phong phú và nổi bật của làng Tân Hóa. Ngoài ra, việc những cam kết và hành động của làng về phát triển du lịch bền vững cũng là yếu tố giúp Tân Hóa được vinh danh.

Làng Tân Hóa được xem là vùng "rốn lũ" của Quảng Bình. Năm 2010, Tân Hóa chứng kiến trận lụt lịch sử với mực nước dâng cao 12 m, nhấn chìm hầu hết nhà cửa. Dân làng phải sơ tán lên các hang đá và vách núi trú ẩn chờ nước rút.

Tới năm 2011, người dân Tân Hóa đã có sáng kiến làm bè phao để sống chung với lũ. Sang năm 2012, họ cải tiến thành mô hình nhà nổi, giúp người dân có thể sinh hoạt bình thường trong lũ. Tính đến năm 2023, Tân Hóa đã có 620 căn nhà nổi được xây dựng 100% từ nguồn tiền ủng hộ của các "mạnh thường quân". Hiện tại, Tân Hóa còn phát triển thêm mô hình trải nghiệm du lịch mùa lũ.

Từ 19/10, Ngân hàng Nhà nước đáo hạn tín phiếu

Ngày 19/10, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải lần lượt bơm trả thị trường số tiền đã hút ròng trong 20 phiên vừa qua, do các lô tín phiếu phát hành đều có kỳ hạn 28 ngày.

Từ 19/10, Ngân hàng Nhà nước đáo hạn tín phiếu

Từ 19/10, Ngân hàng Nhà nước đáo hạn tín phiếu

Ngày 19/10, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải bơm trả lại hệ thống 10.000 tỷ đồng. Đây là số tiền mà Ngân hàng Nhà nước đã hút về qua kênh tín phiếu ngày 21/9 (kỳ hạn 28 ngày, đáo hạn ngày 19/10).

Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp phát hành 20 phiên tín phiếu với tổng quy mô lũy kế đạt gần 255.700 tỷ đồng, riêng trong 5 phiên giao dịch gần đây, cơ quan này đã hút ròng 90.000 tỷ đồng.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước liên tục hút tiền về đã giúp tỷ giá phần nào bớt căng thẳng. Theo Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), việc lãi suất liên ngân hàng qua đêm quay trở lại mức rất thấp, tỷ giá liên ngân hàng vẫn ở mức cao và chênh lệch lãi suất VND/USD duy trì cao kích thích hoạt động giao dịch đầu cơ gây áp lực lên tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn tiếp tục phát hành thêm tín phiếu mới để thay thế những tín phiếu đã đáo hạn.

Trước đó, trong phiên ngày 18/10, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào bán tín phiếu 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất. Kết quả có 8/9 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng là 12.050 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu duy trì ở mức 1%.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm thí điểm thu phí không dừng bỏ barie và cabin ở lối vào

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm được Bộ Giao thông vận tải thí điểm thu phí không dừng bỏ barie và cabin ở lối vào, giúp xe chạy qua nhanh hơn, hạn chế ùn tắc.

Trạm thu phí không dừng trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm

Trạm thu phí không dừng trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm

Ngày 19/10, đại diện Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (thuộc Tập đoàn Sơn Hải, chủ đầu tư dự án) cho biết, đây là tuyến đầu tiên cả nước áp dụng công nghệ thu phí không dừng (ETC) hoàn toàn. Xe không phải dừng khi thu phí giúp tiết kiệm thời gian, giảm ùn tắc và tiết kiệm nhiên liệu...

Trước đó cao tốc được thiết kế 4 trạm thu phí, mỗi trạm có hai làn lối ra và hai lối vào. Trong mỗi lối ra - vào sẽ gồm một làn ETC và một làn hỗn hợp (gồm ETC và MTC - thu phí một dừng).

Sau khi điều chỉnh, lối vào trạm của tuyến được bố trí một làn ETC và làn dừng khẩn cấp, không có barie và cabin thu phí. Thiết bị camera gắn trên giá long môn sẽ tự động quét và đọc thẻ ETC dán trên ôtô qua trạm để trừ tiền.

Ở lối ra được điều chỉnh hai làn ETC và một cabin thu phí, một barie tự động. Xe đi qua khu vực barie với tốc độ 60 km/h, thay vì 40 km/h như trước. Chủ đầu tư dự kiến đến 30/12, toàn bộ hệ thống ETC trên tuyến sẽ hoàn thành.

Tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài hơn 49 km, 4 làn xe, tổng kinh phí hơn 7.600 tỷ đồng, thông xe từ ngày 19/5 nhưng chưa thu phí.

Phong tỏa 22 tài khoản của vợ cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa

Công an tỉnh Khánh Hòa đã kê biên, phong tỏa hàng chục tài khoản ngân hàng và bất động sản của vợ chồng cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng.

Khu đất dự kiến xây dựng dự án Nha Trang Golden Gate

Khu đất dự kiến xây dựng dự án Nha Trang Golden Gate

Ngày 19/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Khánh Hòa đã có kết luận điều tra, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp truy tố ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cùng 3 thuộc cấp về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại dự án Nha Trang Golden Gate (địa chỉ 28E Trần Phú, TP Nha Trang).

Công an xác định, sai phạm của 4 bị can là để cho Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang được thực hiện dự án Nha Trang Golden Gate không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, hoặc đấu thầu dự án, dẫn đến thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 138 tỷ đồng.

Do gây thiệt hại, nên Cơ quan CSĐT đã áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên, phong tỏa các tài sản có liên quan đến các bị can trên. Trong đó ông Thắng và vợ là người có nhiều tài sản bị kê biên, phong tỏa nhất.

Cụ thể, kê biên tài sản chung của vợ chồng ông Thắng gồm 2 căn nhà (một căn 324m2 và một căn 129m2) ở TP Nha Trang.

Ông Thắng bị phong tỏa 2 tài khoản ngân hàng với số dư hơn 800 triệu đồng; Bà H. (vợ ông Thắng) bị phong tỏa 16 tài khoản VND với số dư hơn 31 tỷ đồng, 6 tài khoản ngoại tệ với số dư 314.000 USD và hơn 6.000 EUR.

Kết luận điều tra xác định, ông Thắng cố ý làm trái quy định pháp luật, biến một dự án chưa được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư thành dự án được công nhận.

Từ chỉ đạo của ông Thắng, các cấp dưới đã ký quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng không đấu giá quyền sử dụng đất, không đúng đối tượng, không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước.

Hà Nội điều tiết 5.000m3 nước mỗi ngày để 'giải khát' cho khu đô thị Thanh Hà

Sở Xây dựng Hà Nội quyết định điều tiết khoảng 5.000m3 nước sạch mỗi ngày từ Công ty nước sạch Sông Đuống cho cư dân sống trong khu đô thị Thanh Hà.

Cư dân khu đô thị Thanh Hà quây kín xe téc đợi lấy nước sạch

Cư dân khu đô thị Thanh Hà quây kín xe téc đợi lấy nước sạch

Theo ông Nguyễn Thế Công, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Sở đã bố trí được nguồn cấp nước sạch cho cư dân khu đô thị Thanh Hà thuộc quận Hà Đông và huyện Thanh Oai.

“Từ 22h ngày 17/10, Sở đã điều tiết 5.000 m3 nước/ngày của Công ty nước mặt sông Đuống cho khu đô thị Thanh Hà. Nguồn thì đã có rồi, công việc hiện nay là sự phối hợp giữa các bên để khu đô thị tiếp nhận đủ nước sinh hoạt cho các hộ dân”, ông Công nói.

Hiện nay, mỗi ngày khu đô thị Thanh Hà cần khoảng 3.000 - 3.500 m3 nước để cung cấp đủ nước sinh hoạt cho 16.000 người, ở 23 tòa nhà.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội lý giải việc phân phối cho khu đô thị này lên tới 5.000m3 nước/ngày là đề phòng trường hợp thất thoát trong quá trình truyền tải.

Ông Lê Văn Du, Phó trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, cơ quan này đã đôn đốc các đơn vị liên quan để điều tiết nước của Công ty nước mặt sông Đuống cho các chung cư trong khu đô thị Thanh Hà.

Trong sáng 18/10, lưu lượng nước về khu đô thị Thanh Hà là 110 m3/giờ thông qua hệ thống truyền tải của Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông. Theo tính toán của Sở Xây dựng, tổng lượng nước về khu đô thị Thanh Hà đã đạt 2.600 m3/ngày.

"Nguồn nước của Công ty sông Đuống được đưa vào bể chứa của Công ty nước Thanh Hà, nằm trong khu đô thị. Sau đó, Công ty nước Thanh Hà dùng bơm tăng áp điều phối nước cho các tòa nhà", ông Du nói.

TP.HCM xử phạt hơn 3.592 cơ sở vi phạm phòng cháy, chữa cháy

Qua gần 20 ngày triển khai thực hiện, Công an TP.HCM đã kiểm tra 28.378 lượt cơ sở; xử lý 3.592 cơ sở với 3.931 hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy.

TP.HCM xử phạt hơn 3.592 cơ sở vi phạm phòng cháy, chữa cháy

TP.HCM xử phạt hơn 3.592 cơ sở vi phạm phòng cháy, chữa cháy

Công an TP.HCM đã triển khai đợt tổng kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở kinh doanh nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, nhà ở nhiều căn hộ, nhà ở tập thể, chung cư cũ theo chỉ đạo của UBND Thành phố, bước đầu phát hiện nhiều vi phạm.

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM cho biết, thực hiện kế hoạch cao điểm tổng kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn, Công an Thành phố đã chỉ đạo thành lập 6 tổ công tác do Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Thành phố (Phòng PC07) chủ trì, trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đối với các đơn vị, địa phương.

Đoàn kiểm tra của UBND Thành phố đã tổ chức kiểm tra 3/3 cơ sở; Đoàn kiểm tra của Công an Thành phố đã kiểm tra 4/8 cơ sở chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn.

Qua gần 20 ngày triển khai thực hiện, Công an TP.HCM đã kiểm tra 28.378 lượt cơ sở; xử lý 3.592 cơ sở với 3.931 hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy; phạt tiền hơn 5,5 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động 3 cơ sở và tạm đình chỉ hoạt động 40 cơ sở. Ngoài ra có 7 cơ sở trong lĩnh vực xây dựng, 123 cơ sở lĩnh vực đăng ký kinh doanh, 280 cơ sở trong đăng ký thường trú, tạm trú bị xử lý.

Các vi phạm chủ yếu là việc lắp đặt, sử dụng dây dẫn điện, cáp dẫn điện, thiết bị đóng ngắt bảo vệ hoặc thiết bị điện không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy; việc bố trí sắp xếp vật tư, hàng hóa, phương tiện giao thông và các vật dụng khác gây cản trở lối thoát hiểm trong khu dân cư; cửa thoát hiểm, lối thoát hiểm, cầu thang thoát hiểm tại các khu dân cư không đủ số lượng hoặc không đúng kích thước theo quy định; không bảo trì, thay thế các thiết bị báo cháy, thiết bị phòng cháy, chữa cháy bị hỏng.

52 dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay gói 120.000 tỷ

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, 52 dự án ở 20 địa phương đủ điều kiện vay gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng.

52 dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay gói 120.000 tỷ

52 dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay gói 120.000 tỷ

Tại tọa đàm hiện thực hóa đề án xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội, chiều 19/10, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đến nay, cả nước đã hoàn thành 312 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị. Quy mô xây dựng khoảng 158.000 căn, tổng diện tích hơn 8 triệu m2.

Cả nước đang tiếp tục triển khai 418 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn với tổng diện tích khoảng 22,5 triệu m2.

Giai đoạn 2021-2025 đến nay đã trải qua 1/2 thời gian, cả nước hoàn thành 46 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng hơn 20.200 căn; đã cấp phép và đang triển khai xây dựng 110 dự án với quy mô hơn 100.200 căn, ngoài ra đã được chấp thuận chủ trương đầu tư 309 dự án với quy mô hơn 292.000 căn. Tổng số căn hộ đã hoàn thành và đã cấp phép xây dựng hoặc đã có chủ trương đầu tư xây dựng là khoảng 413.000 căn.

Với kết quả đạt được, ông Nghị cho rằng nếu các dự án đã được cấp phép và chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành đúng thời hạn thì đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 cơ bản hoàn thành.

Về giải ngân gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội 120.000 tỷ, ông Nghị cho hay theo báo cáo, các địa phương đang tập trung triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng. Hiện nay, 20 tỉnh đã công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay với nhu cầu vay vốn là 25.884 tỷ đồng.

Trong đó, có 49 dự án nhà ở xã hội với nhu cầu vay hơn 24.600 tỷ đồng và 3 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với nhu cầu vay hơn 1.200 tỷ đồng. Một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 83/1.095 tỷ đồng.

Giám đốc Công ty Nhà Tiến Phát bị bắt

Ngô Sĩ Linh, Giám đốc Công ty Nhà Tiến Phát, bị cáo buộc lừa hơn 20 tỷ đồng của 67 người thông qua hoạt động góp vốn làm các dự án nhà cho thuê.

Nguyễn Hoài Nghĩa (trái) và Ngô Sĩ Linh tại cơ quan điều tra

Nguyễn Hoài Nghĩa (trái) và Ngô Sĩ Linh tại cơ quan điều tra

Ngày 19/10, Ngô Sĩ Linh, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh Giải pháp Nhà Tiến Phát (Công ty Nhà Tiến Phát) và Nguyễn Hoài Nghĩa (cố vấn chiến lược của công ty) bị Công an TP.HCM bắt tạm giam về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Từ năm 2019 đến 2022, Công ty Nhà Tiến Phát (trụ sở ở quận Gò Vấp) đã ký hợp đồng thuê quyền sử dụng của hàng chục thửa đất tại TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Long An, Thái Nguyên.

Cơ quan điều tra cáo buộc, Linh dù biết một số thửa là đất trồng cây lâu năm, không đủ điều kiện để triển khai thực hiện dự án nhà trọ cho thuê, nhưng vẫn quảng cáo gian dối để người dân tin tưởng. Từ đó, hàng trăm người đã chuyển tiền góp vốn và ký hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Sau khi nhận tiền, Linh không triển khai xây dựng nhà trọ trên các thửa đất này mà chuyển tiền từ tài khoản của công ty sang tài khoản cá nhân rồi chiếm đoạt. Cơ quan điều tra xác định có 67 cá nhân bị lừa góp tiền thông qua 74 hợp đồng hợp tác kinh doanh, tổng cộng hơn 20 tỷ đồng. Nghĩa được xác định là cố vấn chiến lược của công ty và có vai trò đồng phạm của Linh.

Cơ quan điều tra kêu gọi bị hại của Công ty Nhà Tiến Phát đến trình báo, phối hợp điều tra, là căn cứ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.

Chuyên đề