Bản tin thời sự sáng 19/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Giáo dục và Đào tạo mở hệ thống xác nhận nhập học từ ngày 18/9; nghiên cứu trình phương án giảm thuế xăng dầu vào kỳ họp Quốc hội thứ 4; Hà Nội cần 21.000 tỷ đồng để thay gần 1.100 xe buýt xăng bằng xe điện; ngày 3/10 tới, ba bức tượng phật cổ Việt Nam lên sàn đấu giá quốc tế…

Bộ Giáo dục và Đào tạo mở hệ thống xác nhận nhập học từ ngày 18/9

Để thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến, Bộ Giáo dục và Đào tạo mở hệ thống đăng ký xét tuyển đại học từ ngày 18/9 đến 17h ngày 30/9.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2022

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2022

Trong 3 ngày 15 - 17/9, các trường đại học trên cả nước đã công bố điểm chuẩn theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022. Thí sinh trúng tuyển phải nhập học theo hướng dẫn của trường, đồng thời xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cũng theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những thí sinh đã xác nhận nhập học sẽ không được tham gia xét tuyển bổ sung, trừ một số trường hợp được lãnh đạo trường đại học cho phép không nhập học.

Những thí sinh không trúng tuyển có thể tham gia xét tuyển bổ sung (từ tháng 10 - 12) theo hướng dẫn của các trường đại học.

Năm nay, cả nước có hơn một triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó hơn 620.000 đăng ký xét tuyển đại học. Đây là năm đầu tiên thí sinh đăng ký nguyện vọng trực tuyến sau khi đã biết điểm thi tốt nghiệp THPT và cũng là lần đầu việc thanh toán lệ phí xét tuyển, xác nhận nhập học bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống chung.

Nghiên cứu trình phương án giảm thuế xăng dầu vào kỳ họp Quốc hội thứ 4

Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng và chuẩn bị phương án tiếp tục nghiên cứu chính sách thuế bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 4.

Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng và chuẩn bị phương án tiếp tục nghiên cứu chính sách giảm thuế xăng dầu trình Quốc hội xem xét

Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng và chuẩn bị phương án tiếp tục nghiên cứu chính sách giảm thuế xăng dầu trình Quốc hội xem xét

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine… đã tác động sâu rộng đến nhiều mặt nền kinh tế Việt Nam. Những tác động này khiến kinh tế Việt Nam đối mặt nhiều khó khăn như đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Ông Nguyễn Đức Chi cho biết, để đối phó với khó khăn, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã điều hành linh hoạt chính sách tài khoá như chính sách miễn giảm, giãn, hoãn thuế; qua đó có tác động trực tiếp rất lớn đến nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân.

Năm 2020, chính sách miễn giảm, giãn, hoãn thuế có quy mô 129.000 tỷ đồng. Năm 2021, quy mô tăng lên đến 145.000 tỷ đồng. 8 tháng đầu năm 2022 đã miễn giảm thuế và lệ phí 35.000 tỷ đồng… Cùng với đó là nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, gói hỗ trợ người lao động thuê nhà đã và đang thực hiện.

Với riêng mặt hàng xăng dầu, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua việc giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường. Qua chính sách này, ngân sách đã hỗ trợ khoảng hơn 13.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ cho giảm thuế ưu đãi nhập khẩu với xăng dầu từ 20% xuống 10%.

Ngoài ra, theo ông Chi, Chính phủ cũng đang chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng và chuẩn bị phương án tiếp tục nghiên cứu chính sách thuế bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, xem xét quyết định.

Hà Nội cần 21.000 tỷ đồng để thay gần 1.100 xe buýt xăng bằng xe điện

Theo tính toán của ngành giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, Thành phố cần đầu tư khoảng 21.000 tỷ đồng để chuyển đổi gần 1.100 xe buýt động cơ xăng, dầu sang xe điện.

Transerco Hà Nội dự toán cần 21.000 tỷ đồng để chuyển đổi toàn bộ số xe buýt chạy xăng, dầu đơn vị này đang quản lý sang xe buýt điện.

Transerco Hà Nội dự toán cần 21.000 tỷ đồng để chuyển đổi toàn bộ số xe buýt chạy xăng, dầu đơn vị này đang quản lý sang xe buýt điện.

UBND TP. Hà Nội vừa giao Sở GTVT xây dựng mục tiêu, lộ trình thực hiện chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane.

Là đơn vị được giao tham mưu, xây dựng kế hoạch sử dụng xe buýt điện, năng lượng xanh trên địa bàn, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, hiện đơn vị đang vận hành 83 tuyến buýt đấu thầu và 1 tuyến buýt BRT đặt hàng với tổng số phương tiện gần 1.100 xe.

Transerco Hà Nội dự toán cần 21.000 tỷ đồng để chuyển đổi toàn bộ số xe buýt chạy xăng, dầu đơn vị này đang quản lý sang xe buýt điện.

Transerco dự kiến tổng số phương tiện đủ điều kiện đưa vào lộ trình xem xét chuyển sang xe buýt điện từ năm 2025 là 225 xe, chiếm 21,3% số phương tiện hiện có.

Với 55 tuyến xe buýt (gần 650 xe) còn lại, theo Transerco, ngành GTVT cần xem xét kỹ công suất xe điện có phù hợp cho quãng đường di chuyển hay không. Bởi mỗi xe buýt trên các tuyến này thường chạy từ 260 - 400 km/ngày. Còn xe buýt điện hiện nay thường chạy từ 250 - 300 km mỗi lần sạc.

Riêng 3 tuyến sử dụng xe buýt nhỏ (23, 84, 99), Transerco đề xuất chưa đưa vào lộ trình xem xét chuyển sang xe buýt điện do thị trường hiện nay chưa có xe buýt điện loại nhỏ.

Về tuyến BRT, Transerco cho biết, xe chạy trên tuyến thuộc tài sản của dự án và thị trường cũng chưa có loại xe buýt nhanh BRT sử dụng điện, nên chưa đưa vào lộ trình xem xét chuyển sang xe buýt điện.

Transerco đề nghị Sở GTVT báo cáo đề xuất UBND TP. Hà Nội xem xét cơ chế chuyển xe buýt động cơ xăng, dầu sang tất cả xe chạy bằng điện.

Ngày 3/10 tới, ba bức tượng phật cổ Việt Nam lên sàn đấu giá quốc tế

Nhà đấu giá Aguttes (Pháp) thông báo sắp đưa ba bức tượng phật, thế kỷ 17 - 19 của Việt Nam, lên sàn phiên ngày 3/10.

Tượng phật lô 33 (trái) và lô 36 trong phiên. Ảnh: Aguttes

Tượng phật lô 33 (trái) và lô 36 trong phiên. Ảnh: Aguttes

Ba bức tượng nằm trong 81 tác phẩm, cổ vật được giới thiệu trong phiên Hội họa và nghệ thuật Việt Nam của Aguttes. Đầu tiên là tượng phật Quan Âm bằng gỗ sơn mài và mạ vàng. Hình tượng Phật đứng trên một chiếc bục, hai tay chắp lại cầu nguyện, đội mũ, áo cà sa có nếp gấp rộng phần thân dưới. Tượng cao 81 cm cả đế, có vết nứt trên mặt và tà áo do sơn mài bị hư hỏng theo thời gian.

Thứ hai là tượng tạo hình Phật bằng gỗ sơn mài với lớp màu vàng nâu. Tượng cao 49,5 cm, tạo hình đang nhắm mắt thiền định, hai tay để ấn, mặc áo choàng thắt lưng. Tượng cũng bị nứt, hư hỏng nhẹ. Cuối cùng là tượng tạo hình Phật đang đứng trên một đế bằng gỗ lim, tay trái cầm quả myrobolan (bàng biển), tay phải buông dọc thân. Tượng nhắm mắt thiền định, mặc áo cà sa thắt lưng, tóc tạc ushnisha cuộn tròn (nhục khấu). Tượng cao 113,5 cm và cũng có vài vết nứt do thời gian.

Theo nhà đấu giá, ba cổ vật thuộc số ít tượng phật Việt Nam được đấu giá trên các sàn quốc tế từ trước đến nay. Họ dự đoán mức giá từ 1.000 - 3.000 Euro (23 đến 71 triệu đồng).

Cổ phiếu tăng trần 22 phiên liên tiếp, Cà phê Thắng Lợi lo bị làm giá

Công ty CP Cà phê Thắng Lợi đang nghi bị một số cá nhân lợi dụng kẽ hở thị trường, khiến cổ phiếu tăng trần 22 phiên liên tiếp.

Cà phê Thắng Lợi nghi ngờ một số cá nhân lợi dụng kẽ hở của thị trường để tác động đến giá cổ phiếu vì động cơ cá nhân.

Cà phê Thắng Lợi nghi ngờ một số cá nhân lợi dụng kẽ hở của thị trường để tác động đến giá cổ phiếu vì động cơ cá nhân.

Giai đoạn 15/8 - 16/9, cổ phiếu CFV của Công ty CP Cà phê Thắng Lợi đã có chuỗi tăng trần 22 phiên liên tục, giá tăng từ dưới 5.000 đồng lên hơn 91.000 đồng. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch của cổ phiếu đang niêm yết trên UpCoM rất thấp, chỉ khoảng 100 - 300 đơn vị mỗi phiên.

Doanh nghiệp đã nhiều lần báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) về tình trạng này. Tại lần gần nhất, Cà phê Thắng Lợi tiếp tục khẳng định công ty, ban lãnh đạo và những người liên quan không có bất kỳ tác động nào để đẩy giá cổ phiếu và cũng không giao dịch mã CFV trên thị trường chứng khoán.

Theo doanh nghiệp cà phê này, cổ phiếu CFV liên tục tăng trần và khối lượng giao dịch thấp là rất bất thường. Tất cả phiên tăng trần đều chỉ có 1 lệnh bán và mua giá trần trong phiên.

Cà phê Thắng Lợi nghi ngờ một số cá nhân lợi dụng kẽ hở của thị trường để tác động đến giá cổ phiếu vì động cơ cá nhân.

Vì vậy, cà phê Thắng Lợi đề nghị Ủy ban Chứng khoán, HNX kiểm tra các cá nhân thực hiện các giao dịch trên dẫn tới biến động tăng trần bất thường của cổ phiếu CFV. Đơn vị này mong các cơ quan xử lý vi phạm nếu có, trả lại giá trị thực cho cổ phiếu công ty.

Công ty Cà phê Thắng Lợi nằm tại huyện Krông Păk, tỉnh Đắk Lắk đang có gần 1.200 nhân viên và sản xuất kinh doanh hơn 1.700 ha cà phê.

Phát hiện điểm tập kết trái phép gỗ quý tại thành phố Buôn Ma Thuột

Đội Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã kiểm tra, phát hiện tại trụ sở của Công ty Phương Tây Nguyên ở phường Tân Lập đang tập kết số lượng lớn gỗ trái phép.

Cơ quan chức năng phát hiện xưởng tập kết gỗ trái phép ngay tại trung tâm TP. Buôn Ma Thuột

Cơ quan chức năng phát hiện xưởng tập kết gỗ trái phép ngay tại trung tâm TP. Buôn Ma Thuột

Sáng 18/9, Công an thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, đơn vị đang phối hợp với các lực lượng chức năng tiếp tục đo đếm, củng cố hồ sơ để xử lý một chủ xưởng gỗ tập kết hơn 60 m3 gỗ quý ở trung tâm thành phố.

Trước đó, sau một thời gian nắm tình hình, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Buôn Ma Thuột đã kiểm tra, phát hiện tại trụ sở của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ gỗ Phương Tây Nguyên ở phường Tân Lập đang tập kết số lượng lớn gỗ trái phép.

Lực lượng chức năng đã xác minh giám đốc công ty trên là ông Lê Xuân Hiệp, trú phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột.

Qua đo đếm, Công an thành phố Buôn Ma Thuột xác định trong kho xưởng của Công ty đang tập kết hơn 60 m3 gỗ tròn, chủng loại căm xe, thuộc nhóm II quý hiếm (được xếp cùng nhóm với gỗ lim và các loại gỗ tự nhiên khác), có đường kính từ 10 - 25 cm, chiều dài từ 0,4 - 1 m.

Tất cả số gỗ trên đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Bước đầu, ông Lê Xuân Hiệp khai nhận toàn bộ số gỗ này là của anh trai tên Lê Xuân Hải, trú cùng phường và một số người khác gửi tập kết ở đây để cưa xẻ, chế biến.

Hiện vụ việc đang được Công an thành phố Buôn Ma Thuột tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

TP.HCM có 20 khu đất xây nhà ở xã hội

20 khu đất rộng 38 ha thuộc Đề án đầu tư xây ít nhất một triệu căn hộ cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp ở TP.HCM, theo Sở Xây dựng Thành phố.

Cuộc sống ở khu nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc, quận Bình Tân

Cuộc sống ở khu nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc, quận Bình Tân

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Thành phố vừa gửi Bộ Xây dựng liên quan Đề án, Quận 12 có nhiều khu đất nhất và khu nhà ở xã hội phường Hiệp Thành đã có đất sạch, cơ sở hạ tầng đầy đủ. Quận Bình Tân có ba khu, quận Gò Vấp có hai khu... Nhiều khu vực đã có quy hoạch chi tiết 1/500.

Bên cạnh đó, TP.HCM còn có quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội, người thu nhập thấp ở 25 khu đất để xây dự án nhà ở thương mại, với tổng diện tích 57 ha. Trong đó, riêng TP. Thủ Đức có 20 dự án, 3 dự án ở quận Bình Tân, 1 ở Bình Chánh và 1 ở Quận 7. Trong số này, 14 dự án có đất sạch đang làm thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Theo Sở Xây dựng, trong giai đoạn 2021 - 2025, toàn TP.HCM có khoảng 519.000 người dân cần nhà ở xã hội, 5 năm tiếp theo có hơn 524.000 người cần nhà ở xã hội, kể cả công nhân.

Trong báo cáo gửi Bộ Xây dựng, TP.HCM đề xuất hướng dẫn cách xác định chi phí đầu tư hạ tầng và bồi thường giải phóng mặt bằng khi chủ đầu tư bàn giao lại quỹ đất thực hiện nhà ở xã hội bằng 20% diện tích dự án nhà ở thương mại. Bộ Xây dựng cần hướng dẫn cách xác định chi phí, cơ quan chủ trì thẩm định, phê duyệt chi phí và cách thanh toán cho chủ đầu tư.

Sở Xây dựng TP.HCM cũng kiến nghị đơn giản hóa các thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, vì thực tế hiện nay, thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội phức tạp hơn so với phát triển dự án nhà ở thương mại…

Lừa chạy dự án thủy lợi, chiếm đoạt 40.000 USD

Nguyễn Đình Thùy, khoe có mối quan hệ tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để lừa nhận 40.000 USD chạy dự án thủy lợi rồi chiếm đoạt.

Nguyễn Đình Thuỳ tại cơ quan điều tra

Nguyễn Đình Thuỳ tại cơ quan điều tra

Ngày 18/9, Nguyễn Đình Thùy trú phường Đại Kim, quận Hoàng Mai (Hà Nội), bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội khởi tố, bắt tạm giam để điều tra tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo điều tra ban đầu, Thùy không có nghề nghiệp ổn định nhưng tự khoe có nhiều mối quan hệ tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có nhiều "cửa" để chạy các dự án thủy lợi.

Năm 2018, Thùy nhận giúp một người đàn ông, hứa có khả năng xin cho hai dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hải và Bắc Nam Hà. Anh ta đưa ra chi phí chạy mỗi dự án là 20.000 USD.

Thùy cho biết, 10 ngày sau khi nhận tiền sẽ dẫn chủ doanh nghiệp đến gặp lãnh đạo Bộ Nông nghiệp, chủ đầu tư thực hiện hai dự án trên để được hướng dẫn nộp hồ sơ dự thầu. Anh ta còn cam kết nếu sau 10 ngày mọi việc không xuôi sẽ trả lại tiền.

Thùy sau đó đã hai lần nhận đủ 40.000 USD để chạy dự án thủy lợi nhưng không làm được và chiếm đoạt hết số tiền trên tiêu xài cá nhân. Cảnh sát đang tìm thêm các nạn nhân bị Thùy lừa đảo.

Chuyên đề