Bản tin thời sự sáng 19/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Chính phủ dự kiến có chính sách thí điểm phát triển nhà ở xã hội; Công an Cần Thơ khởi tố vụ án liên quan 7 gói thầu mua vật tư, thiết bị của Việt Á; Hải Phòng triển khai cho thuê 500 xe đạp công cộng; xin hủy kết quả đấu giá bãi giữ xe tại Đà Lạt có giá trúng đấu giá gấp 11 lần giá khởi điểm…

Chính phủ dự kiến có chính sách thí điểm phát triển nhà ở xã hội

Chủ đầu tư có thể được chuyển nhượng nhà gắn với quyền sử dụng đất, kinh doanh và hưởng lãi thu từ diện tích làm sàn dịch vụ - thương mại.

Khu nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM

Khu nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM

Đây là một trong những giải pháp tháo gỡ tổng thể khó khăn, cơ cấu lại sản phẩm nhà ở được nêu tại Dự thảo Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Chính phủ cho biết, sẽ nghiên cứu, đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết riêng về thí điểm một số chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, các chính sách đưa ra sẽ giải quyết các nút thắt về giao đất đầu tư xây dựng theo hướng giao đất không thu tiền sử dụng đất, chủ đầu tư được chuyển nhượng nhà ở xã hội gắn với chuyển quyền sử dụng đất.

Việc chọn chủ đầu tư sẽ thông qua đấu thầu hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư. Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sẽ được chấp thuận chủ trương đầu tư nếu có quyền sử dụng đất phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, chương trình phát triển nhà ở xã hội của địa phương.

Chủ đầu tư nhà ở xã hội sẽ được dành toàn bộ diện tích sàn khối của dự án để làm sàn dịch vụ - kinh doanh thương mại, dịch vụ công cộng, hạch toán riêng và được hưởng toàn bộ lợi nhuận từ diện tích này…

Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lập phương án giá, trình cơ quan thẩm quyền thẩm định tại thời điểm nhà ở đủ điều kiện bán, cho thuê hoặc cho thuê mua.

Để có vốn phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội tới năm 2030, Chính phủ sẽ đề xuất Quốc hội dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng (khoảng 10% nhu cầu vốn giai đoạn 2022 - 2030) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo hình thức tái cấp vốn. Hình thức này tương tự gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013 - 2016 trước đây.

Trong đó, chủ đầu tư dự án được vay ưu đãi 50% của gói tín dụng trên, tương ứng 55.000 tỷ đồng. Số tín dụng còn lại, 55.000 tỷ đồng, sẽ dành cho người mua nhà vay.

Công an Cần Thơ khởi tố vụ án liên quan 7 gói thầu mua vật tư, thiết bị của Việt Á

Công an TP. Cần Thơ xác định có dấu hiệu tội phạm trong 7 gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị y tế của Việt Á, sau 8 tháng tiếp nhận hồ sơ từ cơ quan thanh tra.

Bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á

Bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á

Từ chứng cứ, kết quả giám định... của các đơn vị, bộ, ngành, địa phương cung cấp cho thấy dấu hiệu tội phạm khi thực hiện các gói thầu trên. Do đó, Công an TP. Cần Thơ đã phục hồi điều tra và khởi tố vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 222 Bộ luật Hình sự.

Đầu tháng 6/2022, sau khi có kết luận về việc mua sắm và sử dụng các trang thiết bị, vật tư, phương tiện phòng chống Covid-19 tại Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị trong năm 2020 - 2021, Thanh tra TP. Cần Thơ kiến nghị chuyển hồ sơ sang công an để điều tra dấu hiệu sai phạm tại 7 gói thầu liên quan đến Việt Á.

Năm 2020 - 2021, Sở Y tế và các đơn vị liên quan ở TP. Cần Thơ đã thực hiện 576 gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư phục vụ phòng chống dịch Covid-19 với tổng trị giá gần 280 tỷ đồng. Theo thanh tra, 5 gói thầu do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Cần Thơ chỉ định thầu, mua sắm kit xét nghiệm của Công ty CP Công nghệ Việt Á có dấu hiệu "cố ý lựa chọn sản phẩm" của doanh nghiệp này, đồng thời chỉ định Công ty TNHH Khoa học Hợp Nhất là đơn vị cung cấp.

CDC Cần Thơ đã hợp thức hóa hồ sơ mua sắm để thực hiện thanh toán cho nhà thầu không đúng quy định, vi phạm các quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng.

Tại Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ, cơ quan thanh tra chỉ ra một gói thầu mua sắm kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Á theo hình thức chỉ định thầu cũng có dấu hiệu Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, một gói thầu mua sắm máy X-quang di động kỹ thuật số phục vụ phòng chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Y học cổ truyền có dấu hiệu vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng...

Hải Phòng triển khai cho thuê 500 xe đạp công cộng

500 chiếc xe đạp công cộng được đặt tại trung tâm Thành phố với giá 5.000 đồng cho 30 phút sử dụng đầu tiên, 1.000 đồng cho 6 phút tiếp theo.

Trạm xe đạp công cộng tại vỉa hè vườn hoa Nguyễn Văn Trỗi, cạnh Nhà hát lớn Thành phố

Trạm xe đạp công cộng tại vỉa hè vườn hoa Nguyễn Văn Trỗi, cạnh Nhà hát lớn Thành phố

Đại diện Chủ đầu tư (Tập đoàn Trí Nam) cho biết, đang đưa xe đạp ra 39 trạm do UBND TP. Hải Phòng bố trí trên vỉa hè các quận Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền. Trạm đã được Sở Giao thông vận tải kẻ vạch đỗ xe, lắp biển hướng dẫn và bàn giao cho Chủ đầu tư. Mỗi trạm có diện tích 10 - 15 m2, cho 10 - 20 xe đỗ theo từng ô.

Theo Chủ đầu tư, trong hai ngày đầu đưa xe đạp ra trạm, đã có 40 lượt người sử dụng. Dự án này sẽ chính thức khai trương vào cuối tháng 3.

Dự án xe đạp công cộng được Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đồng ý chủ trương vào tháng 7/2022, cho phép sử dụng miễn phí vỉa hè trên các tuyến đường làm trạm đỗ. Thời gian thí điểm 12 tháng kể từ ngày Chủ đầu tư đưa phương tiện vào hoạt động. Sau khi kết thúc thí điểm, kết quả phải được tổng hợp để báo cáo UBND Thành phố.

Xin hủy kết quả đấu giá bãi giữ xe tại Đà Lạt có giá trúng đấu giá gấp 11 lần giá khởi điểm

Bà Đinh Thị Bích Thảo, người trúng đấu giá điểm giữ xe ô tô cao gấp 11 lần giá khởi điểm tại TP. Đà Lạt vừa làm đơn xin huỷ kết quả trúng đấu giá.

Bãi giữ xe tại TP. Đà Lạt rộng 309 m2 mà bà Thảo trúng đấu giá

Bãi giữ xe tại TP. Đà Lạt rộng 309 m2 mà bà Thảo trúng đấu giá

UBND Phường 1, TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, đơn vị này đã có tờ trình gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch và UBND TP. Đà Lạt đề xuất xem xét hủy kết quả trúng đấu giá điểm giữ xe rộng 309 m2 trước khu triển lãm, sau khu Hòa Bình của bà Đinh Thị Bích Thảo, trú Phường 1.

Nguyên nhân do bà Thảo ước tính tổng doanh thu sau khi trúng đấu giá không đủ chi phí chi trả cho việc thuê mặt bằng và các chi phí khác. Đồng thời, bà Thảo nhận thấy không đủ khả năng kinh doanh nên có nguyện vọng trả lại mặt bằng bãi xe.

Bên cạnh đó, UBND Phường 1 đề xuất phương án để UBND Phường phối hợp với đơn vị chức năng liên quan tổ chức đấu giá lại điểm giữ xe nêu trên.

Theo quyết định ngày 7/2/2023 của UBND TP. Đà Lạt, bà Thảo là người trúng đấu giá quyền thuê mặt bằng điểm giữ xe nói trên với giá 6,8 tỷ đồng/5 năm, trong khi giá khởi điểm là 594 triệu đồng.

Trước đó, UBND TP. Đà Lạt đã công bố kết quả trúng đấu giá quyền thuê mặt bằng làm bãi giữ xe có thu giá dịch vụ trông giữ xe của 11 vị trí bãi giữ xe trên địa bàn Phường 1 và Phường 10, dự kiến thu về cho ngân sách địa phương khoảng 27,7 tỷ đồng. Kết quả trúng đấu giá cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm (tổng giá khởi điểm 11 điểm giữ xe gần 4,8 tỷ đồng).

Tuy nhiên, sau khi trúng đấu giá, nhiều điểm giữ xe đưa ra mức giá giữ xe chưa hợp lý, bị người dân phản ánh.

Hà Nội dự kiến "khai tử" khoảng 60 dự án chưa xác định đất

Trong năm 2023, TP. Hà Nội dự kiến sẽ phải dừng 4 dự án, thu hồi trên 2.600 ha và chấm dứt hoạt động đối với khoảng 60 dự án chưa xác định đất.

"Đất vàng" Dự án BooYoung Vina (Hà Đông, Hà Nội) bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí

"Đất vàng" Dự án BooYoung Vina (Hà Đông, Hà Nội) bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, từ đầu năm đến hết quý III/2022, giao dịch trên thị trường bất động sản TP. Hà Nội trầm lắng hơn cuối năm 2021. Lượng sản phẩm được chào bán trên thị trường tập trung chủ yếu vào các dự án đầu tư ở các quận, huyện vùng ven do ưu thế về quỹ đất.

Phân khúc căn hộ chung cư trung và cao cấp chiếm đa số nhưng giá rất cao. Lượng giao dịch phân khúc này thấp, ước chỉ đạt khoảng 10% lượng sản phẩm chào bán ra thị trường, còn lại là căn hộ thu nhập thấp, nhà ở xã hội.

Năm 2022 giảm 25% số lượng căn hộ đưa ra thị trường và tổng diện tích sàn giảm 55% so với năm 2021.

Theo ông Dương Đức Tuấn, năm nay, TP. Hà Nội quyết tâm rà soát, đánh giá 750 dự án để thu hồi. Trong đó, Thành phố dự kiến sẽ dừng 4 dự án và thu hồi trên 2.600 ha, chấm dứt hoạt động đối với khoảng 60 dự án chưa xác định đất.

Hoàn thành lắp 8 trạm quan trắc động đất ở Kon Tum, Quảng Ngãi

Bảy trạm quan trắc ở Kon Tum, một trạm ở Quảng Ngãi đã được lắp đặt nhằm theo dõi, cảnh báo sớm các trận động đất trên trục đứt gãy Đông - Tây.

Trạm quan trắc theo dõi động đất được lắp đặt tại xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum

Trạm quan trắc theo dõi động đất được lắp đặt tại xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum

Ông Trần Công Đàm, Giám đốc Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum cho biết, đơn vị cùng Viện Vật lý địa cầu đã lắp xong 6 trạm quan trắc trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Tổng kinh phí thiết bị và vận hành trong hai năm hơn 4,8 tỷ đồng.

Viện Vật lý địa cầu lựa chọn vị trí, thực hiện việc lắp đặt và trực tiếp lấy thông tin từ các trạm quan trắc trên địa bàn. Ngoài ra, hai trạm khác được Công ty CP Thuỷ điện Đăk Đrinh lắp tại huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) và huyện Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi).

Các trạm quan trắc này giúp cơ quan chức năng ghi nhận nhanh, chính xác, dự báo sớm các trận động đất xảy ra trên trục đứt gãy Đông - Tây kéo dài từ Kon Tum xuống Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Việc lắp đặt các trạm quan trắc được thực hiện trong bối cảnh động đất ở Kon Tum gia tăng thời gian gần đây. Phần lớn dư chấn đều tập trung ở huyện Kon Plông - địa bàn xây dựng hai công trình thủy điện Thượng Kon Tum và Đăk Đrinh.

Khởi tố, bắt tạm giam Phó Chánh Thanh tra tỉnh An Giang

Phó Chánh Thanh tra tỉnh An Giang cùng một số lãnh đạo và nguyên lãnh đạo huyện Chợ Mới vừa bị Công an tỉnh An Giang tạm giữ để điều tra hành vi Tham ô tài sản.

Ông Ngô Hoàng Hiếu, Phó Chánh Thanh tra tỉnh An Giang, nguyên Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang

Ông Ngô Hoàng Hiếu, Phó Chánh Thanh tra tỉnh An Giang, nguyên Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang

Ngày 18/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đã đồng loạt tiến hành bắt, khám xét đối với 9 bị can để điều tra hành vi Tham ô tài sản.

Trong 9 bị can bị bắt giữ để điều tra có ông Ngô Hoàng Hiếu, Phó Chánh Thanh tra tỉnh An Giang (nguyên Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới); ông Vũ Minh Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới; ông Nguyễn Hồng Viễn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Chợ Mới, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới; ông Lê Quốc Điền, Chủ tịch UBND xã Long Điền A (huyện Chợ Mới); ông Lưu Văn Khôn, Chủ tịch UBND xã Kiến Thành (huyện Chợ Mới); bà Nguyễn Thùy Trang - Kế toán UBND xã Hòa An (huyện Chợ Mới).

Cùng bị bắt giữ với nhóm cán bộ trên để điều tra còn có 3 giám đốc doanh nghiệp là các ông: Trương Hiếu Phúc, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tư vấn xây dựng Trương Đặng; Dương Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tư vấn xây dựng Thuận Trị; Nguyễn Thành Phú, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng Hữu Thịnh.

6 quận, huyện tại TP.HCM bị cắt nước

Hàng chục nghìn hộ ở Quận 7, 8, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ và TP. Thủ Đức bị cắt nước trong đêm cuối tuần để bảo trì hệ thống tủ điện Nhà máy Nước Thủ Đức.

Nhà máy Nước BOO Thủ Đức

Nhà máy Nước BOO Thủ Đức

Nước bị cắt trong 3 giờ, từ 23h ngày 18/2 đến 2h ngày 19/2. Trong đó, khu vực bị cắt nước toàn bộ gồm: Quận 7, huyện Nhà Bè và Cần Giờ.

Các địa bàn bị cắt nước một phần, gồm: Quận 8 (các phường 1, 2, 3, 4, 5, 8, 9); TP. Thủ Đức (phường An Phú, Bình An, Bình Khánh, An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông, Phước Bình, Phước Long A, Phước Long B, Tăng Nhơn Phú B và Khu công nghệ cao); huyện Bình Chánh (xã Bình Hưng và Phong Phú).

Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết, khi hệ thống cấp nước hoạt động lại, một số nơi xa nguồn có thể phục hồi chậm hơn dự kiến. Đơn vị sẽ điều tiết mạng lưới cấp nước, đồng thời tăng cường tiếp nước bằng xe bồn đến các nơi quan trọng bị ảnh hưởng.

Nhà máy Nước BOO Thủ Đức có tổng mức đầu tư 1.600 tỷ đồng, cung cấp nước sạch cho gần một triệu người ở các quận, huyện phía Đông và Nam của TP.HCM. Công trình có trạm bơm nước thô công suất 315.000 m3/ngày; nhà máy nước xử lý nước công suất 300.000 m3/ngày; tuyến ống chuyển tải nước sạch chiều dài gần 26 km có đường kính từ D900 mm đến D2000 mm.

Chuyên đề