Bản tin thời sự sáng 16/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là BOT Cai Lậy chính thức thu phí trở lại từ ngày 7/10; doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đòi chiết khấu 700 đồng/lít để hoà vốn, trên 1.000 đồng mới có lãi; Hà Nội lập chốt ngăn khách vào xóm cà phê đường tàu; hơn 1.000 tỷ đồng tiền hỗ trợ thất nghiệp đến tay 362.000 lao động…

BOT Cai Lậy chính thức thu phí trở lại từ ngày 7/10

Dự án BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang sẽ thu phí thử vào ngày 20/9 và chính thức thu phí trở lại từ ngày 7/10/2022.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy tỉnh Tiền Giang

Trạm thu phí BOT Cai Lậy tỉnh Tiền Giang

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc thu phí trở lại đối với BOT Cai Lậy thuộc Dự án Đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km1987+500 - Km2014 tỉnh Tiền Giang.

Theo cơ quan này, đến nay, cả hai trạm thu phí trên tuyến tránh và Quốc lộ 1 đã hoàn thành xây dựng, lắp đặt thiết bị thu phí không dừng; đã hoàn thành công tác vận hành chạy thử đơn trạm, liên trạm và kết nối, đảm bảo trạm thu phí có 6 làn thu phí tự động không dừng và 2 làn thu phí hỗn hợp.

Đối với miễn giảm giá vé cho người dân vùng lân cận trạm, Sở GTVT Tiền Giang đã báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam danh sách các phương tiện đủ điều kiện miễn giảm của đợt 1 với hơn 1.300 phương tiện. Trong thời gian thu phí, doanh nghiệp dự án tiếp tục phối hợp với Sở GTVT Tiền Giang, các huyện, thị xã kịp thời thực hiện miễn giảm theo quy định.

Trước đó, UBND tỉnh Tiền Giang đã họp về việc chuẩn bị thu phí lại Dự án BOT Cai Lậy, trong đó, thống nhất theo đề nghị của nhà đầu tư về thời gian thu phí thử là ngày 20/9, thu phí chính thức là ngày 7/10/2022. Sau khi xin ý kiến thống nhất, UBND Tỉnh sẽ tổ chức họp báo công bố thời gian, mức thu phí trước khi thực hiện thu phí lại.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT thống nhất chủ trương tổ chức thu phí lại dự án BOT Cai Lậy với thời gian dự kiến thu phí thử là ngày 20/9, thu phí chính thức là ngày 7/10/2022.

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đòi chiết khấu 700 đồng/lít để hòa vốn, trên 1.000 đồng mới có lãi

Các doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu cho rằng, phải được hưởng mức chiết khấu tối thiểu là 700 đồng/lít để đạt điểm hòa vốn; từ 1.000 đồng/lít để bù chi phí và trên 1.000 đồng/lít để có lợi nhuận.

Doanh nghiệp tư nhân, cây xăng bán lẻ than lỗ vì không có chiết khấu bán hàng trong khi phải gánh nhiều chi phí hoạt động

Doanh nghiệp tư nhân, cây xăng bán lẻ than lỗ vì không có chiết khấu bán hàng trong khi phải gánh nhiều chi phí hoạt động

Các DN tư nhân bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM vừa tiếp tục có văn bản kiến nghị gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và UBND TP.HCM về vướng mắc đang gặp phải trong bán lẻ xăng dầu ra thị trường.

Theo các DN, họ vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều đơn vị khẳng định đang rơi vào khủng hoảng do hoạt động kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn đỉnh điểm. Bằng chứng, DN cầm cự không nổi, buộc lòng treo bảng “hết hàng”, đóng cửa sớm hoặc chấp nhận tạm đóng cửa bất chấp việc nhà chức trách cử đoàn kiểm tra xuống tận nơi. Nếu tình trạng thua lỗ kéo dài, DN có nguy cơ phá sản. Từ đó, ít nhiều ảnh hưởng đến việc cung ứng xăng dầu ra thị trường.

Từ những lý do trên, các DN kiến nghị, đối với chính sách về hoa hồng (chiết khấu), các DN bán lẻ phải hưởng mức tối thiểu là 700 đồng/lít để đạt điểm hòa vốn; từ 1.000 đồng/lít để bù chi phí và trên 1.000 đồng/lít để có lợi nhuận. DN hiện đang chịu nhiều chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu như thuế, tiền thuê mặt bằng, tiền vận chuyển, chi phí hao hụt xăng dầu, lương thưởng nhân viên, các chế độ BHXH, công tác PCCC, khấu hao…

Ngoài ra, thời gian điều chỉnh giá cũng cần theo cơ chế thị trường và đúng thời điểm.

Hà Nội lập chốt ngăn khách vào xóm cà phê đường tàu

Công an, dân phòng đã lập rào chắn, tổ chức chốt ở hai đầu để ngăn khách vào các quán cà phê dọc đường tàu khu vực quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Công an và dân phòng treo biển, lập chốt ở lối vào xóm đường tàu phía Tống Duy Tân, quận Hoàn Kiếm

Công an và dân phòng treo biển, lập chốt ở lối vào xóm đường tàu phía Tống Duy Tân, quận Hoàn Kiếm

Từ sáng 15/9, các lối vào xóm cà phê đường Trần Phú, Phùng Hưng và Điện Biên Phủ, quận Hoàn Kiếm, đều có barie chắn, công an, dân phòng túc trực. Một số quán vẫn mở đón khách đến sớm. Tuy nhiên, lực lượng chức năng sau đó đã vận động các cửa hàng đóng cửa. Nhiều du khách trong và ngoài nước tỏ ra tiếc nuối khi không được vào điểm cà phê và check- in.

Ông Đinh Bá Hưng, Phó Chủ tịch phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm cho biết, các lực lượng chức năng đã đi kiểm tra tất cả cơ sở kinh doanh dọc đường tàu thuộc hai phường Cửa Đông và Hàng Bông. Những cơ sở không có đăng ký kinh doanh, lực lượng chức năng yêu cầu tạm dừng hoạt động; những cơ sở nào có đăng ký sẽ xem xét các quy định về ngành nghề, điều kiện kinh doanh và báo cáo với cơ quan thẩm quyền để xem xét giải quyết.

Phó Chủ tịch quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân cho biết, Quận sẽ nghiên cứu thêm các đề án gắn với tuyến đường sắt để tạo điểm nhấn về du lịch, nhưng vẫn phải trên cơ sở đúng quy định pháp luật và đảm bảo sự an toàn tính mạng cho nhân dân.

Từ đầu năm 2018, khu vực phía bắc ga Hà Nội xuất hiện tình trạng du lịch khách nước ngoài đi tham quan, quay phim chụp ảnh trên đường sắt, nhất là khi có tàu chạy qua. Sau đó, các hàng quán mọc lên trong phạm vi bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Sau khi ngành đường sắt và Bộ Giao thông vận tải có ý kiến, Hà Nội đã yêu cầu các phường lập hàng rào để ngăn du khách không chụp ảnh trên đường tàu.

Hơn 1.000 tỷ đồng tiền hỗ trợ thất nghiệp đến tay 362.000 lao động

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã chi hỗ trợ 356.000 lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 24 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chi hỗ trợ 356.000 lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh minh họa

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chi hỗ trợ 356.000 lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh minh họa

Ngày 15/9, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) cho biết, đơn vị đã thực hiện công tác chi trả gói hỗ trợ người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp nhanh chóng, kịp thời, đúng người, đúng quy định của Nghị quyết số 24. Đây được xem là gói hỗ trợ bằng tiền lớn nhất từ trước đến nay và chưa có tiền lệ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, nhằm giúp người lao động ổn định sau đại dịch Covid-19.

Tính đến ngày 10/9 (ngày cuối triển khai gói hỗ trợ theo quy định của Nghị quyết số 24), BHXH Việt Nam đã giải quyết hưởng hỗ trợ đối với 365.215 người lao động với số tiền hơn 1.034 tỷ đồng. Trong đó, 362.000 lao động đã nhận hỗ trợ 1.028 tỷ đồng, còn 2.693 người lao động đã nộp hồ sơ và được duyệt hồ sơ nhưng chưa nhận hỗ trợ với số tiền 5,76 tỷ đồng.

Theo BHXH Việt Nam, nguyên nhân người lao động đã đăng ký nhưng chưa được nhận tiền chủ yếu do số tài khoản người lao động cung cấp bị sai. Những lao động chưa nhận được tiền cần đến cơ quan BHXH để cung cấp lại số tài khoản hoặc nhận tiền mặt trực tiếp.

Ngoài ra, một số người lao động chưa nhận được tiền hỗ trợ do không đủ cơ sở, điều kiện thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ; đề nghị hưởng hỗ trợ cùng lúc ở nhiều nơi hoặc không có nguyện vọng nhận hỗ trợ…

Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn hơn 310 tỷ đồng

Trích lập trong quý II hơn 1.000 tỷ đồng trong khi chi ít hơn nên số dư Quỹ bình ổn xăng dầu tính đến 30/6 dương hơn 310 tỷ đồng.

Số dư quỹ bình ổn xăng dầu đến cuối tháng 6 dương hơn 310 tỷ đồng.

Số dư quỹ bình ổn xăng dầu đến cuối tháng 6 dương hơn 310 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết, trong quý II (từ 1/4 đến hết 30/6), tổng số tiền trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu là hơn 1.007 tỷ đồng, trong khi tổng sử dụng Quỹ là trên 526 tỷ đồng. Trước đó, số dư Quỹ bình ổn giá xăng tại cuối tháng 3 âm gần 170 tỷ đồng. Tổng lại, số dư Quỹ bình ổn xăng dầu đến cuối tháng 6 dương hơn 310 tỷ đồng.

Tuy đã hết âm nhưng số dư quỹ được cho là quá thấp khiến dư địa sử dụng để hạ nhiệt giá xăng thời gian tới sẽ không còn nhiều.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu trước nay được sử dụng như là van điều hòa giá xăng dầu trong nước khi chịu sự biến động mạnh của thị trường thế giới. Chẳng hạn, từ ngày 21/1 - 21/4, quỹ này đã được nhà điều hành xả mạnh để bình ổn giá xăng dầu trong nước trước áp lực tăng liên tục. Sau đó, khi giá hạ nhiệt, Quỹ đã được trích lập lại...

Bộ Tài chính cho biết, việc công khai quỹ bình ổn này nhằm tiếp tục thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch trong điều hành giá xăng dầu theo quy định.

Đến năm 2025, TP.HCM dự kiến phát triển 30.500 căn nhà ở xã hội

Giai đoạn 2021 - 2025, tại TP.HCM có khoảng 244.500 người có nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội và Thành phố dự kiến phát triển 30.500 căn nhà để đáp ứng.

Giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM dự kiến phát triển 30.500 căn nhà ở xã hội.

Giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM dự kiến phát triển 30.500 căn nhà ở xã hội.

Sở Xây dựng TP.HCM vừa báo cáo Bộ Xây dựng về Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân trong khu công nghiệp”.

Về nhu cầu nhà ở xã hội (NƠXH) tại TP.HCM, Sở Xây dựng dự kiến đến tháng 12/2025 sẽ có khoảng 244.500 người có nhu cầu về loại nhà ở này. Để đáp ứng nhu cầu, giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM dự kiến phát triển 30.500 căn NƠXH.

Cũng trong giai đoạn này, nhu cầu về nhà lưu trú công nhân tại TP.HCM khoảng 68.538 phòng. Trong khi đó, TP.HCM có kế hoạch phát triển chỉ 4.500 phòng cho thuê.

Giai đoạn 2025 - 2030, dự kiến có khoảng 239.100 người có nhu cầu về NƠXH và TP.HCM dự kiến phát triển 50.000 căn hộ.

Nhu cầu về nhà lưu trú công nhân tại trong giai đoạn 2025 - 2030 khoảng 71.288 phòng. Trong khi đó, TP.HCM mới chỉ có kế hoạch phát triển khoảng 8.000 phòng cho công nhân thuê trong giai đoạn này.

Theo Sở Xây dựng, trong năm 2022, trên địa bàn TP.HCM chỉ có 1 dự án NƠXH hoàn tất xây dựng và đưa vào sử dụng với quy mô 260 căn hộ.

Ngoài ra, có 9 dự án NƠXH và 2 dự án nhà lưu trú công nhân đã khởi công, động thổ với quy mô lần lượt 8.666 căn hộ và 1.400 phòng. Có 70 dự án NƠXH và 7 dự án nhà lưu trú công nhân đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai.

Đề xuất thu hồi ốc đảo ở hồ trung tâm Đà Lạt

Cho rằng chủ đầu tư kinh doanh ăn uống không phù hợp quy hoạch, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Lâm Đồng kiến nghị thu hồi ốc đảo Bích Câu, rộng 5.400 m2, nằm ở hồ Xuân Hương.

Ốc đảo Bích Câu nằm giữa thắng cảnh hồ Xuân Hương

Ốc đảo Bích Câu nằm giữa thắng cảnh hồ Xuân Hương

Văn bản vừa được Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Huỳnh Ngọc Hải gửi UBND tỉnh Lâm Đồng để thu hồi ốc đảo giao cho TP. Đà Lạt sử dụng đúng quy định. Động thái được sở đưa ra khi phần đất nói trên giao cho Hội Sinh vật cảnh của Tỉnh đã hết hạn sử dụng vào 10/8/2022.

Ốc đảo Bích Câu nằm trước cổng Vườn hoa Đà Lạt, được xem là "đất vàng" của Thành phố. Năm 2005, phần đất này được chính quyền Tỉnh giao cho Hội Sinh vật cảnh quản lý khai thác thời hạn 10 năm. Đơn vị này đầu tư xây dựng vườn hoa, trồng cây xanh, tạo công viên mở kết hợp trưng bày, giới thiệu, mua bán các sản phẩm sinh vật cảnh...

Tháng 8/2017, Hội Sinh vật cảnh được kéo dài thời gian quản lý ốc đảo (không quá 5 năm) với điều kiện phải lập thủ tục thuê đất, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Thế nhưng, theo Sở Tài nguyên Môi trường, nhiều năm nay chủ đầu tư đã kinh doanh ăn uống, cà phê, giải khát trên phần đất tạm thời được giao, chưa lập thủ tục thuê đất.

Ngoài ra từ năm 2019, Lâm Đồng điều chỉnh quy hoạch chung của TP. Đà Lạt đến 2030 tầm nhìn đến 2050, đưa phần diện tích tại ốc đảo Bích Câu thuộc "quy hoạch đất công viên, cây xanh".

Liên quan việc thu hồi, ông Ngô Văn Ninh - Chánh văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, các cơ quan chuyên môn đang rà soát và chờ báo cáo chi tiết của sở ngành để có hướng xử lý.

Chuyên đề