Bản tin thời sự sáng 13/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là tuýt còi cuộc đấu giá 1.160 tỷ đồng của Tập đoàn Hoàn Cầu ở Nha Trang; HoREA kiến nghị bỏ trần chi phí lãi vay 30%; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt KDC 117,5 triệu đồng; đầu tư 300 tỷ đồng xây hai tòa nhà thay thế khu tập thể cũ nát ở Hải Dương…

Tuýt còi cuộc đấu giá 1.160 tỷ đồng của Tập đoàn Hoàn Cầu ở Nha Trang

Khánh Hòa tạm dừng các thủ tục liên quan đến hình thức "đất ở không hình thành đơn vị ở" nhưng Ngân hàng Nam Á và Công ty đấu giá hợp danh Cao Nguyên vẫn thông báo tổ chức đấu giá 75 thửa đất với số tiền hơn 1.160 tỷ đồng.

Khánh Hòa chỉ đạo tạm dừng giải quyết liên quan "đất ở không hình thành đơn vị ở"

Khánh Hòa chỉ đạo tạm dừng giải quyết liên quan "đất ở không hình thành đơn vị ở"

Ngày 12/11, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi Sở Tư pháp yêu cầu kiểm tra, xử lý việc bán đấu giá tài sản liên quan “đất ở không hình thành đơn vị ở” tại Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô của Công ty CP Hoàn Cầu Nha Trang (Tập đoàn Hoàn Cầu).

Tỉnh Khánh Hòa giao Sở Tư pháp chủ trì kiểm tra, làm rõ thông tin báo cáo của Tập đoàn Hoàn Cầu, đồng thời có biện pháp xử lý theo quy định; báo cáo tham mưu nội dung thuộc thẩm quyền của UBND Tỉnh trước ngày 15/11.

Trước đó, trong tháng 9/2023, để tránh các giao dịch phát sinh liên quan đến "đất ở không hình thành đơn vị ở", tỉnh Khánh Hòa có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành thông báo cho các đơn vị trực thuộc, tổ chức, cá nhân liên quan dừng các thủ tục liên quan đến hình thức "đất ở không hình thành đơn vị ở" cho đến khi mục đích sử dụng đất được điều chỉnh theo đúng quy định của Luật Đất đai, không còn từ "đất ở không hình thành đơn vị ở".

Mặc dù đã có văn bản tạm dừng được phát đi từ địa phương nhưng Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) và Công ty Đấu giá hợp danh Cao Nguyên vẫn thông báo tổ chức đấu giá các thửa đất tại Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô.

Cụ thể vào ngày 11/10, Nam A Bank và Công ty Đấu giá hợp danh Cao Nguyên thông báo tổ chức đấu giá 75 thửa đất có mục đích sử dụng đất là "đất ở không hình thành đơn vị ở" tại dự án này với tổng số tiền lên đến hơn 1.160 tỷ đồng. Cuộc đấu giá nói trên dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 3/11.

HoREA kiến nghị bỏ trần chi phí lãi vay 30%

HoREA đề nghị sớm bỏ quy định khống chế chi phí lãi vay 30% của doanh nghiệp có giao dịch liên kết, ngành thuế nói sẽ báo cáo cấp thẩm quyền xem xét.

Giao dịch tại ngân hàng thương mại

Giao dịch tại ngân hàng thương mại

Kiến nghị này vừa được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) gửi Bộ Tài chính.

Theo Nghị định 132 năm 2020, chi phí lãi vay với doanh nghiệp có giao dịch liên kết không được vượt quá 30% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ. Trong đó, giao dịch liên kết được xác định là các giao dịch mua, bán, cho thuê, cho vay, chuyển nhượng tài sản... với một bên khác có quan hệ liên kết (tức doanh nghiệp này có vốn góp hoặc có nhân sự điều hành tại doanh nghiệp kia hoặc hai doanh nghiệp này cùng chịu sự điều hành, hay được góp vốn của một doanh nghiệp khác).

"Không nên và không cần thiết khống chế trần chi phí lãi vay của doanh nghiệp có giao dịch liên kết theo lợi nhuận, để phản ánh trung thực và kịp thời hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp", HoREA kiến nghị.

Với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết có hành vi chuyển giá, kê khống chi phí để trốn lậu thuế, HoREA đề nghị cơ quan nhà nước tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm. Trong giai đoạn hiện nay, theo Hiệp hội chỉ nên khống chế mức trần lãi vay này với doanh nghiệp nước ngoài có giao dịch liên kết và chưa áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Hà Nội truy thu 287,2 tỷ đồng tiền chậm đóng bảo hiểm

Theo Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội, sau khi thanh tra, kiểm tra, cơ quan bảo hiểm xã hội đã truy thu số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp 287,2 tỷ đồng.

Người dân giao dịch tại Bảo hiểm Xã hội. Ảnh minh họa

Người dân giao dịch tại Bảo hiểm Xã hội. Ảnh minh họa

Thông tin mới đây từ Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội cho biết, trước thực tế một số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố chậm, trốn, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, từ đầu năm 2023 đến nay, cơ quan này đã tiến hành thanh tra, kiểm tra hàng nghìn đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Sau khi phát hiện vi phạm tại các doanh nghiệp, gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động, Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội đều yêu cầu chủ sử dụng lao động phải nghiêm túc thực hiện kết luận thanh, kiểm tra, khắc phục những sai sót, vi phạm và báo cáo kết quả thực hiện về Bảo hiểm Xã hội Thành phố.

Thống kê từ Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội cho thấy, trong thời gian trên, sau khi thanh tra, kiểm tra, cơ quan bảo hiểm xã hội đã truy thu số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp 287,2 tỷ đồng.

Cùng với đó, Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội còn yêu cầu chủ sử dụng lao động phải đóng và truy đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho gần 500 lao động chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền là 11,1 tỷ đồng.

Cũng theo Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội, quá trình thanh tra, kiểm tra không chỉ bảo vệ quyền lợi cho người lao động mà còn thu hồi về Quỹ Bảo hiểm y tế 13,8 tỷ đồng do các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chi sai quy định.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt KDC 117,5 triệu đồng

Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ra quyết định xử phạt 117,5 triệu đồng Công ty CP Tập đoàn Kido (mã chứng khoán KDC).

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt KDC 117,5 triệu đồng. Ảnh minh họa

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt KDC 117,5 triệu đồng. Ảnh minh họa

Cụ thể, Tập đoàn Kido bị phạt tiền 92,5 triệu đồng vì đã không công bố thông tin đến Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) về báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2021, bán niên 2022; tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2021, bán niên năm 2022; tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ được kiểm toán năm 2022, bán niên năm 2023; tình hình thực hiện cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu năm 2022, bán niên năm 2023.

Đồng thời, Kido công bố thông tin không đúng thời hạn trên hệ thống CBTT của UBCKNN và trên trang thông tin của Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) tài liệu sử dụng trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Bên cạnh đó, Kido còn bị phạt tiền 25 triệu đồng vì đã không đưa nội dung thù lao của từng thành viên Hội đồng quản trị, tiền lương của Tổng giám đốc (Giám đốc) và người quản lý khác thành mục riêng trong báo cáo tài chính hàng năm của Công ty và báo cáo Đại hội đồng cổ đông thường niên (Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của Công ty không đưa nội dung thù lao của từng thành viên HĐQT, tiền lương của Tổng giám đốc và người quản lý khác thành mục riêng và không báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022).

Với hai vi phạm này, KDC bị phạt tổng 117,5 triệu đồng.

Trước đó, ngày 29/9, Kido cũng công bố thông tin đã nhận được quyết định về việc xử phạt hành chính về thuế qua thanh tra việc chấp hành pháp luật thuế trong năm 2020, 2021 và 2022.

Theo đó, doanh nghiệp này bị phạt vi phạm hành chính số tiền hơn 3,2 tỷ đồng, phạt về hành vi khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp. KIDO phải đóng bổ sung hơn 16 tỷ đồng nghĩa vụ thuế cho Nhà nước cho 3 năm tài chính 2020, 2021 và 2022 và phải đóng thêm tiền chậm nộp thuế hơn 1,6 tỷ đồng. Công ty được giảm số thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ chuyển kỳ sau của kỳ thuế tháng 12/2022 là 142,7 triệu đồng.

Chủ tịch các quận và TP. Thủ Đức được quyết định đầu tư dự án dưới 120 tỷ đồng

Chủ tịch UBND các quận và TP. Thủ Đức được quyết định đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm C (dưới 120 tỷ đồng) sử dụng vốn ngân sách TP.HCM.

Chủ tịch các quận và TP Thủ Đức được quyết định đầu tư dự án dưới 120 tỷ đồng

Chủ tịch các quận và TP Thủ Đức được quyết định đầu tư dự án dưới 120 tỷ đồng

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký quyết định ủy quyền cho chủ tịch UBND các quận và TP. Thủ Đức quyết định đầu tư, điều chỉnh quyết định đầu tư, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của người có thẩm quyền quyết định đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm C.

Những dự án này sử dụng vốn ngân sách Thành phố và do đơn vị trực thuộc UBND các quận, TP. Thủ Đức làm chủ đầu tư. Thời gian ủy quyền từ ngày ký quyết định đến hết ngày 31/12/2025.

Theo quyết định, Chủ tịch UBND Thành phố chịu trách nhiệm với Chính phủ, Trung ương về các nội dung đã ủy quyền. Đồng thời, đảm bảo nguồn lực và điều kiện cho chủ tịch UBND các quận và TP. Thủ Đức thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn đã ủy quyền.

Chủ tịch UBND các quận, TP. Thủ Đức phải tuân thủ quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan lĩnh vực được ủy quyền. Các lãnh đạo này không được ủy quyền lại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và phải thực hiện đúng nội dung đã ủy quyền. Đồng thời, chịu trách nhiệm trước UBND TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền.

Trước đó, hồi tháng 7, tại Kỳ họp thứ 10, HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết giao cho UBND Thành phố quyết định chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhóm C sử dụng vốn ngân sách Thành phố. Thẩm quyền này trước đây thuộc HĐND TP.HCM.

Từ đây, UBND TP.HCM lại tiếp tục phân quyền lại cho UBND quận và TP. Thủ Đức.

Đầu tư 300 tỷ đồng xây hai tòa nhà thay thế khu tập thể cũ nát ở Hải Dương

Tỉnh Hải Dương sẽ đầu tư gần 300 tỷ đồng xây hai tòa chung cư cao 18 tầng, 390 căn hộ, nhằm thay thế cho một số chung cư cũ đang xuống cấp.

Toàn cảnh tập thể máy bơm đã xuống cấp ở Hải Dương

Toàn cảnh tập thể máy bơm đã xuống cấp ở Hải Dương

Theo nghị quyết HĐND tỉnh Hải Dương vừa được thông qua, chung cư mới mang tên Tạ Quang Bửu, được xây tại khu tập thể cán bộ, công nhân viên làng Lilama 69-3, phường Bình Hàn, TP. Hải Dương.

Đây là dự án nhà ở xã hội gồm 2 tòa chung cư CT1 và CT2, tổng diện tích hơn 4.800 m2, diện tích mỗi căn hộ 45 - 60 m2. Dự án nhằm phục vụ việc di dời các hộ dân đang sống tại khu tập thể, chung cư xuống cấp, không bảo đảm an toàn ở TP. Hải Dương.

Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương, thực hiện dự án từ nay đến năm 2025.

TP. Hải Dương còn hơn 500 hộ đang sinh sống tại các khu tập thể được xây dựng từ những năm 1960 của thế kỷ trước, hiện không bảo đảm an toàn như tập thể Máy bơm, Bình Minh, Máy sứ.

Phát hiện hàng trăm biển số giả được in ấn ở TP.HCM

Công an TP.HCM vừa phát hiện, thu giữ hàng trăm biển số giả tại các cửa hàng in ấn ở Thành phố.

Công an TP.HCM phát hiện hàng trăm biển số giả ở các cửa hàng khắc dấu, in ấn...

Công an TP.HCM phát hiện hàng trăm biển số giả ở các cửa hàng khắc dấu, in ấn...

Ngày 12/11, Công an TP.HCM cho biết vừa mở đợt ra quân, tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh khắc dấu, in ấn, làm biển quảng cáo... trên toàn địa bàn, qua đó phát hiện hàng loạt các sai phạm về biển số xe.

Cụ thể, Ban Giám đốc Công an TP.HCM thành lập 10 tổ công tác với sự tham gia của nhiều lực lượng: cảnh sát hình sự, cảnh sát kinh tế, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, cảnh sát giao thông và lực lượng đoàn viên thanh niên Công an TP.HCM đã đồng loạt ra quân tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh khắc dấu, in ấn, làm biển quảng cáo, đồ chơi xe máy trên địa bàn.

Tại thời điểm kiểm tra, các cơ sở trưng bày nhiều biển số xe ô tô, xe máy không rõ nguồn gốc, không có quốc huy, trong đó có nhiều biển số xe được in cắt, dán decal số...

Kết quả có 7 cơ sở không xuất trình được giấy phép đăng ký kinh doanh; 14 cơ sở vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy...; các tổ công tác đã tạm giữ 277 biển số mô tô, ô tô các loại không rõ nguồn gốc, trong đó có 145 biển số ô tô, 132 biển số xe máy; 134 biển số có quốc huy, 143 không có quốc huy.

Tổ kiểm tra đã bàn giao toàn bộ hồ sơ, biển số xe không rõ nguồn gốc cho công an cấp phường tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định. Đối với các cơ sở kinh doanh vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, cơ quan chức năng tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư