Bản tin thời sự sáng 12/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giải ngân đầu tư công qua Kho bạc Nhà nước đạt gần 642.870 tỷ đồng; xuất khẩu tôm năm nay ước đạt 3,6 tỷ USD; hủy quy hoạch Dự án Safari Hồ Tràm hơn 600 ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu; Lâm Đồng từ chối đề nghị của ông Đặng Lê Nguyên Vũ…

Giải ngân đầu tư công qua Kho bạc Nhà nước đạt gần 642.870 tỷ đồng

Kho bạc Nhà nước thông tin dự kiến lũy kế vốn đầu tư kiểm soát, thanh toán thuộc kế hoạch năm 2023 là gần 642.870 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước gần 622.920 tỷ đồng và vốn ngoài nước 19.950 tỷ đồng.

Giải ngân đầu tư công qua Kho bạc Nhà nước đạt gần 642.870 tỷ đồng

Giải ngân đầu tư công qua Kho bạc Nhà nước đạt gần 642.870 tỷ đồng

Ngày 11/12, thông tin từ Kho bạc Nhà nước cho biết, đến ngày 31/1/2024, dự kiến lũy kế vốn đầu tư kiểm soát, thanh toán thuộc kế hoạch năm 2023 là gần 642.870 tỷ đồng, bằng 96% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước (kế hoạch là 668.508 tỷ đồng).

So với cùng kỳ năm 2022, giá trị tăng 139.480 tỷ đồng và tăng 3% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (đến hết 31/1/2023, lũy kế thanh toán vốn đầu tư là 503.385 tỷ đồng, bằng 93% so với kế hoạch vốn năm 2022 Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước).

Cụ thể, vốn trong nước thanh toán gần 622.920 tỷ đồng, bằng 97% và vốn ngoài nước kiểm soát, xác nhận qua Kho bạc Nhà nước xấp xỉ 19.950 tỷ đồng, bằng 69% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước.

Xuất khẩu tôm năm nay ước đạt 3,6 tỷ USD

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2023 ước đạt hơn 53 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm khoảng 3,6 tỷ USD.

Xuất khẩu tôm năm nay ước đạt 3,6 tỷ USD

Xuất khẩu tôm năm nay ước đạt 3,6 tỷ USD

Thông tin được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu tại Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn OCOP Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023.

Tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam ước đạt khoảng trên 5%, dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trên 3,4%, tiếp tục là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế trong lúc khó khăn.

Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam trở thành nước cung cấp tôm lớn thứ hai trên thế giới, xuất khẩu tới khoảng 100 thị trường. Riêng tỉnh Cà Mau đã đóng góp khoảng 1 tỷ USD về xuất khẩu tôm (chiếm 28% cả nước và duy trì ở mức 1 tỷ USD trong ba năm gần đây).

Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), lạm phát đang giảm ở tất cả nước lớn tại châu Âu, tuy nhiên nhu cầu vẫn yếu. Trong khi đó, nhu cầu tôm ở Đông Nam Á và Viễn Đông dự kiến cải thiện vào cuối năm do Lễ Giáng sinh, Tết Nguyên đán. Do đó, giá sẽ tăng trong giai đoạn này khi tổng sản lượng thấp theo mùa.

Hủy quy hoạch Dự án Safari Hồ Tràm hơn 600 ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu

HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa thông qua nghị quyết hủy bỏ việc duyệt Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Vườn thú hoang dã Safari và Khu du lịch nghỉ dưỡng Bình Châu, xã Bưng Riềng, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tại Kỳ họp thứ 17.

Phối cảnh quy hoạch tổng thể Dự án Safari Hồ Tràm

Phối cảnh quy hoạch tổng thể Dự án Safari Hồ Tràm

Trước đó, tháng 1/2022, Bộ Xây dựng đã đánh giá việc lập quy hoạch Dự án chưa đủ cơ sở và phù hợp với quy định về lâm nghiệp và đất đai. Bộ cho biết, đồ án chưa xác định rõ mối quan hệ, phạm vi của khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Bửu Phước (khu bảo tồn) với các khu vực chức năng thuộc Quy hoạch chung. Đồ án cũng chưa làm rõ cơ sở đề xuất khai thác, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp để xây công viên chuyên đề và khu du lịch như ý kiến của Bộ nêu hồi tháng 3/2021.

Ngoài ra, khu bảo tồn không thuộc đối tượng lập quy hoạch xây dựng. Do đó, Bộ đã đề nghị Tỉnh xác định rõ ranh giới khu bảo tồn và lập quy hoạch với khu vực phát triển du lịch ngoài phạm vi khu bảo tồn thiên nhiên.

Dự án Safari Hồ Tràm được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2005. Dự án này từng được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đưa vào danh mục các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư giai đoạn 2017 - 2020. Đến tháng 3/2020, có 8 nhà đầu tư đề nghị thực hiện Dự án và 3 đơn vị có báo cáo về phương án đầu tư, trong đó có Liên doanh Tập đoàn Novaland và Công ty TNHH Du lịch Thương mại Á Đông Vidotour hay Tập đoàn FLC. Về cơ bản, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ủng hộ phương án đầu tư do Liên doanh Novaland và Vidotour triển khai. Tuy nhiên, Tỉnh vẫn chưa chốt chủ đầu tư Dự án Safari Hồ Tràm.

Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Vườn thú hoang dã Safari và Khu du lịch nghỉ dưỡng Bình Châu được HĐND Tỉnh thông qua vào tháng 8/2021. Dự án có quy mô hơn 628 ha, công suất phục vụ 5.000 - 7.000 người.

Dự án đặt mục tiêu làm vườn thú hoang dã Safari và khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đa dạng cùng phân khu du lịch, nghỉ dưỡng gồm các công trình cao tầng, khách sạn 5 sao, quảng trường biển...

Lâm Đồng từ chối đề nghị của ông Đặng Lê Nguyên Vũ

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng khẳng định đề nghị của Công ty Trung Nguyên về việc tiếp tục sử dụng một phần diện tích Dự án Trung Nguyên Legend - Lộc An là không có cơ sở xem xét.

Khu thưởng lãm và trưng bày sản phẩm cà phê Trung Nguyên Legend chưa được hoàn thiện

Khu thưởng lãm và trưng bày sản phẩm cà phê Trung Nguyên Legend chưa được hoàn thiện

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản phúc đáp liên quan đến đề nghị của Công ty CP Cà phê Trung Nguyên. Công ty đề nghị được tiếp tục sử dụng diện tích 4.337 m2 tại Dự án Khu thưởng lãm và trưng bày sản phẩm cà phê Trung Nguyên Legend - Lộc An, huyện Bảo Lâm.

Theo sở này, Luật Đất đai quy định trường hợp Nhà nước thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai về thời gian thực hiện dự án, hết thời gian được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất.

Kết luận thanh tra ngày 23/12/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu Dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng.

Căn cứ Nghị định số 10/2023 của Chính phủ, Dự án Trung Nguyên Legend - Lộc An của Công ty Trung Nguyên thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất mà không được tiếp tục sử dụng đất 24 tháng kể từ ngày dự án bị chấm dứt hoạt động và không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán tài sản hợp pháp gắn liền với đất cho nhà đầu tư khác.

Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng khẳng định, đề nghị của Công ty Trung Nguyên là không có cơ sở xem xét.

Trước đó, Công ty Trung Nguyên do ông Đặng Lê Nguyên Vũ làm Tổng giám đốc có đơn kiến nghị đến UBND tỉnh Lâm Đồng, đề nghị tiếp tục được sử dụng phần đất 4.337 m2 tại Dự án Trung Nguyên Legend - Lộc An.

Từ năm 2022, tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định chấm dứt hoạt động của Dự án vì chậm đưa đất vào sử dụng vi phạm quy định của Luật Đất đai 2013, chậm tiến độ đầu tư Dự án, vi phạm Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2020.

Phạt Công ty Đồng Tả Phời 650 triệu đồng sau sự cố vỡ cống hồ thải

UBND tỉnh Lào Cai vừa ra Quyết định xử phạt chủ doanh nghiệp sở hữu Nhà máy tuyển đồng tại xã Tả Phời, thành phố Lào Cai với số tiền 650 triệu đồng sau sự cố vỡ cống thoát nước mặt hồ thải quặng đuôi xảy ra vào ngày 8/8.

Lào Cai phạt Công ty đồng Tả Phời 650 triệu đồng sau sự cố vỡ cống hồ thải.

Lào Cai phạt Công ty đồng Tả Phời 650 triệu đồng sau sự cố vỡ cống hồ thải.

Cụ thể, hình phạt áp dụng đối với Công ty CP Đồng Tả Phời - Vinacomin, trụ sở tại số 40, đường Võ Nguyên Giáp, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, do ông Nguyễn Tam Tính làm Người đại diện theo pháp luật của Công ty.

Giá trị xử phạt được tính trên 2 hành vi vi phạm của doanh nghiệp. Hành vi thứ nhất là gây sự cố xả thải cấp huyện đối với tổ chức, có tình tiết giảm nhẹ vì Công ty đã tự nguyện khai báo, thành thật nhận lỗi; đồng thời, đã tự nguyện khắc phục hậu quả, huy động các lực lượng ứng phó, ngăn chặn sự cố làm giảm bớt hậu quả, bồi thường thiệt hại.

Hành vi thứ hai là cung cấp không chính xác thông tin về kết quả hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường trước khi đi vào vận hành theo quy định. Cụ thể, thông số cao độ đập hồ thải quặng đuôi của Nhà máy theo hồ sơ nộp cơ quan chức năng là ở Cos + 195, nhưng thời điểm xảy ra sự cố, chỉ số này lên đến Cos + 200.

Không chỉ bị phạt tiền, Công ty CP Đồng Tả Phời - Vinacomin còn chịu hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của nguồn nước, bùn tại hồ thải quặng đuôi của Nhà máy tuyển đồng trong 3 tháng.

Sau khi sự cố xảy ra, Công ty CP Đồng Tả Phời - Vinacomin thực hiện chi trả cho 104/104 hộ dân bị ảnh hưởng, thiệt hại (lúa, tài sản, vật nuôi...), trên cơ sở bảng áp giá công khai, với số tiền trên 5,6 tỷ đồng.

Vietnam Airlines tăng gần 550 chuyến bay mùa cao điểm Tết Nguyên đán 2024

Vietnam Airlines Group tăng gần 550 chuyến bay cho mùa cao điểm Tết Nguyên đán 2024, nâng tổng số chuyến bay lên 10.700 chuyến.

Vietnam Airlines tăng gần 550 chuyến bay mùa cao điểm Tết Nguyên đán 2024

Vietnam Airlines tăng gần 550 chuyến bay mùa cao điểm Tết Nguyên đán 2024

Vietnam Airlines Group vừa thông báo tăng thêm hơn 100.000 chỗ, tương đương gần 550 chuyến bay cho mùa cao điểm Tết từ ngày 25/1 - 24/2/2024 (tức từ 15/12 năm Quý Mão đến 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

Vietnam Airlines sẽ cung ứng 2,1 triệu chỗ với 10.700 chuyến bay để phục vụ nhu cầu tăng cao của hành khách trên các đường bay nội địa chở khách về quê dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Điều này giúp hãng hàng không nâng tổng số lên thành 2,1 triệu chỗ với 10.700 chuyến bay, nhằm phục vụ nhu cầu tăng cao của hành khách trên các đường bay nội địa chở khách về quê thăm thân, du lịch dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Các chuyến bay tăng cường tập trung vào các đường bay giữa TP.HCM/Hà Nội và Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Huế, Đà Lạt, Cần Thơ, Nha Trang, Phú Yên, Phú Quốc...

Theo đại diện Vietnam Airlines, năm nay, hành khách có xu hướng đặt hành trình bay có ngày khởi hành sớm hơn so với các năm trước. Giá vé dịp Tết vẫn mở bán linh hoạt theo tình hình thị trường với đa dạng các mức giá và tuân thủ quy định giá trần nội địa.

Phú Quốc tạm ngừng khai thác nhiều đường bay nội địa

Hiện trong nước chỉ còn 3 địa phương là Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng có các chuyến bay đến Phú Quốc và ngược lại.

Nhiều đường bay nội địa đến Phú Quốc tạm ngừng hoạt động

Nhiều đường bay nội địa đến Phú Quốc tạm ngừng hoạt động

Ngày 11/12, đại diện Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc cho biết, hiện nay sân bay Phú Quốc đón nhiều chuyến bay quốc tế từ Hàn Quốc, Kazakhstan, Malaysia, Thái Lan, Cộng hòa Séc, Thượng Hải (Trung Quốc)… với lượng khách quốc tế khoảng 1.700 khách/ngày.

Trong khi đó, nhiều đường bay nội địa đến Phú Quốc đã tạm ngưng hoạt động từ nhiều tháng nay. Điển hình, thời điểm này, sân bay Phú Quốc chỉ còn các chuyến bay nội địa đến từ Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng.

Các hãng bay đã tạm ngừng khai thác các tuyến bay từ Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang (Khánh Hòa) đến Phú Quốc. Lượng khách nội địa quá cảnh qua sân bay Phú Quốc bình quân khoảng 3.000 khách/ngày.

Chuyên đề