Bản tin thời sự sáng 1/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sẽ hoàn thành thủ tục khởi công 19 dự án giao thông trong năm 2024; đưa vào hoạt động tuyến xe điện Hoàn Kiếm - Hoàng thành Thăng Long; Công ty Hoàng Anh Gia Lai lãi hơn 1.800 tỷ đồng; hợp long cầu Bến Rừng gần 2.000 tỷ đồng nối tỉnh Quảng Ninh với TP. Hải Phòng…

Sẽ hoàn thành thủ tục khởi công 19 dự án giao thông trong năm 2024

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, trong năm 2024, Bộ sẽ nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư các dự án và hoàn thành thủ tục khởi công 19 dự án trong năm 2024.

Bộ GTVT sẽ hoàn thành thủ tục khởi công 19 dự án giao thông trong năm 2024

Bộ GTVT sẽ hoàn thành thủ tục khởi công 19 dự án giao thông trong năm 2024

Trong số đó có 3 dự án cao tốc do Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền/cơ quan chủ quản, gồm: cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; Chợ Mới - Bắc Kạn; Lộ T - Rạch Sỏi.

Cùng đó là 16 dự án khác như: đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, tỉnh Vĩnh Phúc; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng; đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM; xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên Quốc lộ 37B (ODA); cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn cho tàu 50.000 DWT; đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1; cải tạo, mở rộng Quốc lộ 46 đoạn TP. Vinh - Nam Đàn; nâng cấp, cải tạo 3 tuyến Quốc lộ 53, 62, Nam Sông Hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long, vốn vay World Bank; Quốc lộ 4B Lạng Sơn; đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1…

Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ nỗ lực hoàn thành, đưa vào khai thác 23 dự án, trong đó có 2 dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1.

Ngoài ra, Bộ GTVT phấn đấu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt quan trọng quốc gia như: TP.HCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Năm 2024, Bộ sẽ phối hợp, hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hồ sơ để khởi công 11 dự án đường bộ cao tốc do địa phương được giao là cơ quan chủ quản; rà soát, ưu tiên bố trí vốn các dự án quan trọng quốc gia, các dự án quan trọng, động lực; triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công...

Đưa vào hoạt động tuyến xe điện Hoàn Kiếm - Hoàng thành Thăng Long

Dịch vụ “Du lịch Hà Nội bằng xe ôtô điện” sẽ đưa du khách khám phá những nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô Hà Nội theo lộ trình tham quan tuyến hồ Hoàn Kiếm - khu Phố cổ Hà Nội và Hoàng thành Thăng Long.

Từ 5/2, đưa vào hoạt động tuyến xe điện Hoàn Kiếm-Hoàng thành Thăng Long

Từ 5/2, đưa vào hoạt động tuyến xe điện Hoàn Kiếm-Hoàng thành Thăng Long

Tuyến xe điện Hoàn Kiếm-Hoàng Thành Thăng Long do UBND quận Hoàn Kiếm, Công ty CP Ðồng Xuân phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức sẽ chính thức khai trương vào sáng 5/2, tại Hoàng thành Thăng Long nhằm phục vụ nhu cầu tham quan của người dân và du khách khám phá các di sản Hà Nội.

Thông tin này được Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội cho biết ngày 31/1.

Với thông điệp “Vì một Hà Nội xanh,” dịch vụ “Du lịch Hà Nội bằng xe ôtô điện” sẽ đưa du khách khám phá những nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô Hà Nội theo lộ trình tham quan tuyến hồ Hoàn Kiếm - khu Phố cổ Hà Nội và Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Dịch vụ “Du lịch Hà Nội bằng xe ôtô điện” là sự kết nối giữa Kinh thành (nơi sinh hoạt và làm việc của Vua, Hoàng gia và triều đình) và Thị thành (là nơi có nhiệm vụ trấn phía Đông Kinh thành và nơi cung cấp các đồ dùng, thực phẩm sinh hoạt thiết yếu cho hoàng tộc và triều đình).

Việc khai trương tuyến du lịch xe điện kết nối hai khu di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và Hoàng thành Thăng Long thể hiện quyết tâm của thành phố Hà Nội và sự hưởng ứng, chung tay của các doanh nghiệp trong việc góp phần thực hiện cam kết giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh “Kết nối di sản phát triển du lịch,” góp phần lan tỏa những giá trị vật thể và phi vật thể độc đáo của khu vực Hồ Hoàn Kiếm - Hoàng thành Thăng Long.

Lộ trình của tuyến xe điện Hoàn Kiếm - Hoàng thành Thăng Long, ở chiều đi gồm: Đinh Tiên Hoàng (điểm đầu - bến xe điện Bờ Hồ) - Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Buồm - Mã Mây - Hàng Bạc - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân - Hàng Giấy - Quán Thánh - Nguyễn Biểu - Hoàng thành Thăng Long (điểm cuối). Chiều về gồm: Hoàng thành Thăng Long (điểm đầu - cổng số 9 phố Hoàng Diệu) - Hoàng Diệu - Hoàng Văn Thụ - Hùng Vương - Phan Đình Phùng - Hàng Cót - Hàng Lược - Hàng Mã - Hàng Chiếu - Đào Duy Từ - Mã Mây - Hàng Bạc - Hàng Bồ - Lương Văn Can - Lê Thái Tổ - Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng.

Hoàng Anh Gia Lai lãi hơn 1.800 tỷ đồng

Thanh lý tài sản cùng hoạt động kinh doanh thuận lợi đã giúp HAG lãi trước thuế năm 2023 đạt 1.805 tỷ đồng, tăng 75,5% so với 2022.

HAG lãi trước thuế năm 2023 đạt 1.805 tỷ đồng

HAG lãi trước thuế năm 2023 đạt 1.805 tỷ đồng

Đây là thông tin vừa được công bố trong Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Theo đó, quý IV/2023, Công ty đạt doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 1.898 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.092 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 410% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong quý IV, doanh thu hàng hóa và cung cấp dịch vụ, mảng cây ăn trái của doanh nghiệp tăng cao. Ngoài ra, trong chi phí hoạt động tài chính quý IV Công ty biến động lớn nhờ được Eximbank miễn giảm lãi vay giúp lợi nhuận quý tăng đột biến.

Lũy kế cả năm, Công ty đạt doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 6.932 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế 1.805 tỷ đồng, lần lượt tăng 35,6% và 75,5%. Đây là mức lợi nhuận cao nhất 12 năm qua của doanh nghiệp.

Chia sẻ tại hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư cuối năm 2023 tại TP.HCM, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch Hội đồng quản trị HAG cho biết, năm ngoái khách sạn Hoàng Anh Gia Lai đã bán xong với giá 180 tỷ đồng và quý IV, Công ty đã chuyển đổi cổ phần bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai. Sắp tới, sẽ tiếp tục thanh lý tài sản này. Trong năm, doanh nghiệp cũng đã trả xong khoản nợ Eximbank 750 tỷ đồng và được giảm lãi 1.000 tỷ đồng.

Riêng với kế hoạch phát hành riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu, bầu Đức cho biết, mọi thủ tục đã hoàn tất và chờ phản hồi từ phía nhà chức trách.

Năm nay, Công ty sẽ trồng thêm sầu riêng và nâng diện tích lên 2.000 ha. Dự tính trong năm Công ty có khoảng 300 - 400 ha sầu riêng tại Việt Nam và Lào cho thu hoạch.

Tính đến 31/12/2023, nợ phải trả của doanh nghiệp là 14.802 tỷ đồng, trong đó nợ dài hạn giảm hơn 1.000 tỷ đồng xuống còn 4.194 tỷ đồng.

Hợp long cầu Bến Rừng gần 2.000 tỷ đồng nối tỉnh Quảng Ninh với TP Hải Phòng

Dự án cầu bến Rừng trị giá gần 2.000 tỷ đồng nối tỉnh Quảng Ninh với TP. Hải Phòng đã chính thức hợp long vào chiều ngày 31/1.

Toàn cảnh cầu Bến Rừng

Toàn cảnh cầu Bến Rừng

Sau 20 tháng thi công, đúng 14h ngày 31/1, những mẻ bê tông cuối cùng đã được rót xuống để hợp long cầu Bến Rừng, chính thức thêm cửa ngõ đường bộ mới nối đôi bờ Quảng Ninh - Hải Phòng trước sự chứng kiến của lãnh đạo hai địa phương và đông đảo người dân.

Trong những năm qua, Quảng Ninh - Hải Phòng đã chủ động xây dựng, triển khai nhiều chương trình, nội dung chia sẻ kinh nghiệm hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, nổi bật là tăng cường liên kết vùng bằng những công trình giao thông đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể.

Cùng với cầu Bạch Đằng, cầu Bến Rừng là một trong những công trình điển hình hợp tác giữa Quảng Ninh và Hải Phòng. Trong đó, cầu Bến Rừng thuộc công trình nhóm B, có chiều dài 1.865,3 m, rộng 21,5 m, cầu chính gồm 4 nhịp; mố, trụ cầu bằng bê tông cốt thép, móng sử dụng cọc khoan nhồi.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, từ ngân sách trung ương, ngân sách TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.

Tại buổi kiểm tra chung giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và TP. Hải Phòng vào tháng 7/2023 đã trao đổi và thống nhất tăng cường phối hợp để thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án và phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/4/2024.

Làm cầu vượt đường sắt Bắc - Nam 700 tỷ ở thành phố Thanh Hóa

Dự án cầu vượt đường sắt Bắc - Nam ở thành phố Thanh Hóa sẽ khởi công vào tháng 4/2024.

Phối cảnh dự án cầu vượt đường sắt Bắc - Nam và đường hai đầu cầu thuộc tuyến Đại lộ Đông - Tây

Phối cảnh dự án cầu vượt đường sắt Bắc - Nam và đường hai đầu cầu thuộc tuyến Đại lộ Đông - Tây

Ngày 31/1, lãnh đạo Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng thành phố Thanh Hoá cho biết đang hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ liên quan để thực hiện Dự án cầu vượt đường sắt Bắc - Nam và đường hai đầu cầu thuộc tuyến Đại lộ Đông - Tây.

Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 700 tỷ đồng và thực hiện trong 4 năm. Dự kiến, trong tháng 4/2024 sẽ khởi công dự án.

Dự án gồm 16 gói thầu, trong đó, Gói thầu số 16 Thi công xây dựng công trình và bảo hiểm công trình có quy mô lớn nhất (hơn 518 tỷ đồng), dự kiến tổ chức đấu thầu rộng rãi trong quý II/2024, hợp đồng thực hiện theo đơn giá điều chỉnh.

Mục tiêu của Dự án nhằm bảo đảm an toàn giao thông qua tuyến đường sắt Bắc - Nam và đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ tuyến Đại lộ Đông - Tây theo quy hoạch để tăng cường kết nối giao thông trong khu vực; kết nối với tuyến đường trục chính đô thị, thị trấn Rừng Thông để tạo thành trục đường liên thông từ Quốc lộ 45 đến Quốc lộ 1.

Theo thiết kế, Dự án cầu vượt đường sắt Bắc - Nam và đường hai đầu cầu thuộc tuyến Đại lộ Đông - Tây được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông. Tổng bề rộng cầu 25 m, bao gồm 4 làn xe giới, 2 làn xe hỗn hợp. Hoàn thiện tổng thể nút giao giữa đường Trịnh Kiểm và tuyến Đại lộ Đông - Tây và các tuyến giao thông lân cận.

TP.HCM thu hồi 17.361 phù hiệu xe kinh doanh vận tải vi phạm về tốc độ

Qua trích xuất dữ liệu từ hệ thống giám sát hành trình, Sở GTVT TP.HCM ra quyết định thu hồi 17.361 phù hiệu vi phạm về tốc độ.

Bến xe Miền Đông mới đã đề xuất Sở GTVT TP.HCM thu hồi phù hiệu với những xe vi phạm đón trả khách không đúng quy định

Bến xe Miền Đông mới đã đề xuất Sở GTVT TP.HCM thu hồi phù hiệu với những xe vi phạm đón trả khách không đúng quy định

Sở GTVT TP.HCM cho biết, qua rà soát và trích xuất dữ liệu từ hệ thống giám sát hành trình, năm 2023 Sở đã ra quyết định thu hồi 17.361 phù hiệu xe có vi phạm về tốc độ. Đồng thời, qua kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn Thành phố, trong năm qua Sở đã thu hồi 164 giấy phép kinh doanh vận tải.

Bên cạnh đó, Thanh tra Sở GTVT cũng đã kiểm tra, lập biên bản 5.374 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ với số tiền xử phạt 21,5 tỷ đồng.

Riêng về hoạt động vận tải hành khách, Thanh tra Sở đã lập biên bản 2.719 trường hợp vi phạm với số tiền xử phạt 4,1 tỷ đồng.

Trước đó, Sở GTVT đã kiểm tra 14 đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn TP.HCM, phát hiện nhiều đơn vị vi phạm về các điều kiện kinh doanh vận tải, vi phạm về tốc độ.

Về công tác kiểm tra "xe dù, bến cóc" trong dịp tết Nguyên đán, Sở GTVT cho biết đã phối hợp với các tỉnh liên quan, chỉ đạo kiểm tra và xử lý các trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch theo tuyến cố định liên tỉnh; tăng cường kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, đề nghị các bến xe kiểm tra các đơn vị vận về việc tải chấp hành các quy định về vận tải hành khách, điều kiện an toàn xuất bến, niêm yết giá vé theo đúng quy định...

Khởi công nâng cấp luồng hàng hải Hải Phòng, thông đường cho tàu lớn vào cảng

Ngày 31/1, Dự án Nâng cấp luồng hàng hải đoạn từ vũng quay tàu cảng container quốc tế Hải Phòng đến cảng Nam Đình Vũ chính thức khởi công.

Các phương tiện, thiết bị sẽ tham gia thi công dự án nâng cấp luồng hàng hải Hải Phòng.

Các phương tiện, thiết bị sẽ tham gia thi công dự án nâng cấp luồng hàng hải Hải Phòng.

Ông Trần Viết Mạnh, Giám đốc Công ty CP Cảng Nam Đình Vũ (chủ đầu tư) cho biết, hiện nay sản lượng hàng hóa thông qua khu vực Đình Vũ chiếm phần lớn trong tổng sản lượng thông qua hệ thống cảng Hải Phòng.

Tuy nhiên, với xu hướng gia tăng cỡ tàu, một trong những "nút thắt" của hoạt động hàng hải tại khu vực này là luồng hàng hải còn hẹp và khá nông.

Dự án Nâng cấp luồng hàng hải đoạn từ vũng quay tàu cảng container quốc tế Hải Phòng đến cảng Nam Đình Vũ chính thức khởi công từ ngày 31/1 và hoàn thành vào tháng 5/2024.

Trong đó, đoạn Kênh Hà Nam hiện tại độ sâu -7.0 m và có những thời điểm bị sa bồi khiến các tàu có mớn nước -8,5 m trở lên phải neo chờ thủy triều và giảm tải hàng hóa, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả khai thác của các hãng tàu và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Dự án nâng cấp luồng hàng hải đoạn từ vũng quay tàu cảng container quốc tế Hải Phòng đến cảng Nam Đình Vũ do Công ty CP Gemadept nghiên cứu và đề xuất, nhằm hạ độ sâu luồng từ -7.0 m xuống -8.5 m, đã được Bộ GTVT chấp thuận, ra văn bản thống nhất chủ trương. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng.

Sau khi hoàn tất, luồng nâng cấp sẽ đạt độ sâu -8.5 m, chiều dài đoạn luồng dự kiến nâng cấp khoảng 10,5 km, cảng Nam Đình Vũ có thể tiếp nhận cỡ tàu trọng tải lên đến 48.000 DWT với mớn nước lên đến -8,5 m hành hải.

Nhà thầu thực hiện Dự án là Công ty TNHH Xây dựng Chấn Nam - doanh nghiệp chuyên đảm nhận nhiều công trình nạo vét luồng hàng hải, luồng lạch.

TP.HCM đề nghị công ty làm đường dẫn cầu Phú Mỹ nộp lại hơn 328 tỷ đồng

Văn phòng UBND TP.HCM vừa có công văn khẩn gửi Công ty CP Đầu tư xây dựng cầu Phú Mỹ (Công ty PMC) truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường về thực hiện nộp ngân sách nhà nước theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với Dự án đường dẫn kết nối cầu Phú Mỹ.

TP.HCM đề nghị công ty làm đường dẫn cầu Phú Mỹ nộp lại hơn 328 tỷ đồng

TP.HCM đề nghị công ty làm đường dẫn cầu Phú Mỹ nộp lại hơn 328 tỷ đồng

Xét đề nghị của Sở Tài chính TP.HCM (Tổ trưởng Tổ công tác thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước đối với dự án BT xây dựng đường dẫn kết nối cầu Phú Mỹ), Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đề nghị Công ty PMC chủ động đôn đốc, thu hồi các chi phí theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Công ty PMC khẩn trương nộp ngân sách Nhà nước số tiền còn lại (tính đến 18/12/2023) là hơn 328,7 tỷ đồng theo đúng quy định. Trường hợp không thực hiện nộp ngân sách nhà nước theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Công ty sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Được biết, Dự án đường dẫn cầu Phú Mỹ thực hiện theo hình thức BT trả bằng tiền với tổng vốn 2.972 tỷ đồng. TP.HCM đã quyết toán và tiếp nhận bàn giao công trình từ Công ty PMC. Đến năm 2019, Kiểm toán Nhà nước kết luận Dự án đường dẫn cầu Phú Mỹ có một số sai sót. Trong đó, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu phải nộp lại ngân sách số tiền 355,4 tỷ đồng chi sai.

Theo Sở Tài chính TP.HCM, tính đến ngày 18/12/2023, Công ty PMC đã nộp ngân sách nhà nước theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước số tiền là hơn 26,7 tỷ đồng. Do đó, số tiền mà Công ty PMC còn phải nộp vào ngân sách nhà nước là hơn 328,7 tỷ đồng.

Chuyên đề