Bản tin thời sự sáng 11/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hải Phòng, Quảng Ninh nhường 200 tỷ đồng cho địa phương khác khắc phục hậu quả bão Yagi; cấm tất cả phương tiện qua cầu Long Biên từ 15h ngày 10/9; đề xuất xây cầu Phong Châu mới thay thế cầu bị sập; doanh nghiệp Hải Phòng, Quảng Ninh dần khôi phục hoạt động sau bão…

Hải Phòng, Quảng Ninh nhường 200 tỷ đồng cho địa phương khác khắc phục hậu quả bão Yagi

Thủ tướng biểu dương Quảng Ninh và Hải Phòng chủ động cân đối nguồn lực địa phương khắc phục hậu quả bão Yagi, dành ngân sách trung ương hỗ trợ cho nơi khó khăn hơn.

Đường phố tan hoang sau bão Yagi tại Cẩm Phả, Quảng Ninh

Đường phố tan hoang sau bão Yagi tại Cẩm Phả, Quảng Ninh

Thông tin nêu trong công văn gửi Thành ủy, UBND TP. Hải Phòng và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh ngày 10/9. Tại cuộc họp trước đó, Thủ tướng dự kiến hỗ trợ Quảng Ninh và Hải Phòng mỗi nơi 100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để khắc phục hậu quả do bão Yagi gây ra.

Lãnh đạo Chính phủ biểu dương tinh thần tự lực, tự cường cũng như sự chia sẻ của 2 địa phương với ngân sách trung ương và các địa phương khó khăn bị thiệt hại do bão Yagi.

Sau khi bão Yagi quét qua, Quảng Ninh đã có 4 người chết, 157 người bị thương, hơn 19.500 nhà bị tốc mái; 21 phương tiện vận tải thủy, 23 tàu du lịch, 41 tàu cá bị chìm, trôi dạt; 1.297 cột điện và 70% cây xanh bị gãy đổ; 2 trạm điện, 3 trạm viễn thông bị hư hỏng; hơn 1.000 lồng bè nuôi hàu bị cuốn trôi; 17.000 m2 công trình nuôi trồng thủy sản bị tốc mái; 900 ha lúa bị đổ. Nhiều nhà cao tầng, trụ sở cơ quan, trường học bị hư hỏng.

Hải Phòng có 2 người chết, 12 người bị thương do bão; hơn 500 nhà dân, 120 trường học, 13 cơ sở y tế, hơn 100 trụ sở làm việc, 3 trạm điện, 210 trang trại bị hư hỏng. Ngoài ra, hơn 360 cột điện, 800 biển báo giao thông, hơn 6.000 cây xanh bị gãy đổ.

Sau khi Quảng Ninh và Hải Phòng báo cáo tự cân đối nguồn lực địa phương, ngày 9/9, Thủ tướng quyết định hỗ trợ 100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương 2024 cho 5 tỉnh khắc phục hậu quả bão Yagi, ổn định đời sống người dân. Trong đó, tỉnh Nam Định, Hải Dương, Yên Bái được hỗ trợ 20 tỷ đồng; Thái Bình 30 tỷ đồng; Hưng Yên 10 tỷ đồng.

Cấm tất cả phương tiện qua cầu Long Biên từ 15h ngày 10/9

Do nước sông Hồng lên báo động 1, UBND TP. Hà Nội quyết định cấm tất cả phương tiện qua cầu Long Biên từ 15h ngày 10/9 đến khi đảm bảo an toàn.

Cơ quan chức năng đặt hàng rào, biển cấm lối lên cầu Long Biên

Cơ quan chức năng đặt hàng rào, biển cấm lối lên cầu Long Biên

Chiều 10/9, lũ sông Hồng đã lên báo động một 9,5 m (cao nhất là báo động ba). Từ năm 2008 đến nay, lũ mới lên cao như vậy. Với lệnh cấm này, người đi bộ, đi xe đạp, xe máy, xe ba bánh không được qua cầu nối quận Hoàn Kiếm với Long Biên.

9h cùng ngày, ngành đường sắt đã dừng tàu hỏa chạy qua cầu Long Biên, đồng nghĩa 5 - 6 đôi tàu sẽ phải dừng lại.

Cũng trong sáng 10/9, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấm xe khách, xe hợp đồng, ôtô du lịch trên 9 chỗ, ôtô tải trên 0,5 tấn chạy trên cầu Chương Dương qua sông Hồng từ 8h30 do lo ngại mất an toàn.

Hiện để di chuyển qua sông Hồng, phương tiện chỉ có thể đi cầu Chương Dương (cấm xe tải trọng lớn), Thăng Long, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thanh Trì.

Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, khởi công tháng 9/1898, do hãng Daydé-Pillié (Pháp) thiết kế và khánh thành năm 1902. Cầu dài 1.691 m, ban đầu là cầu dàn thép, đường sắt chạy ở giữa, hai bên dành cho phương tiện đường bộ. Trong thời gian chiến tranh, cầu bị hư hỏng một số nhịp, Nhà nước đã gia cố tạm bằng các hệ dầm kỹ thuật. Giai đoạn 1995 - 2010, cầu Long Biên đã được gia cố sửa chữa với tổng mức đầu tư 116 tỷ đồng.

Năm 2015, cầu Long Biên được sửa chữa tổng thể với tổng đầu tư gần 300 tỷ đồng, mục tiêu khai thác an toàn đến năm 2020 khi Dự án đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi được triển khai, thay thế cầu Long Biên. Tuy nhiên, dự án đường sắt đô thị số 1 đã được Bộ Giao thông Vân tải bàn giao cho Hà Nội thực hiện, đến nay vẫn chưa được khởi động.

Năm 2021, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã điều chỉnh kinh phí, tập trung cho sửa chữa, gia cố khẩn phần lối đi cho người đi bộ trên cầu Long Biên như thay thế tấm đan, gia cố, sơn lan can. Kinh phí bảo trì cầu Long Biên năm trước là 8,5 tỷ đồng, năm 2022 là hơn 9,7 tỷ đồng bao gồm cả kinh phí bảo dưỡng cầu đường sắt, cầu đường bộ và tuần cầu.

Đề xuất xây cầu Phong Châu mới thay thế cầu bị sập

Ngày 10/9, Cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét giao Cục lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư cầu Phong Châu mới trên quốc lộ 32C bằng ngân sách nhà nước, thực hiện năm 2024 - 2025. Giải pháp xây dựng cầu mới thay thế cầu cũ bị sập nhằm đảm bảo an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu vận tải trên Quốc lộ 32C.

Cầu Phong Châu sau khi bị sập

Cầu Phong Châu sau khi bị sập

UBND tỉnh Phú Thọ cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải đầu tư xây dựng cầu mới thay thế cầu Phong Châu cũ với quy mô hiện đại, đồng bộ với tuyến Quốc lộ 32C và phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Cầu Phong Châu hiện tại bắc qua sông Hồng tại tỉnh Phú Thọ được đưa vào khai thác từ năm 1995. Cầu dài 375 m, gồm 8 nhịp, các nhịp bên ngoài là dầm bêtông cốt thép dự ứng lực, các nhịp chính bằng kết cấu dàn thép, các trụ cầu bằng bêtông cốt thép.

Lúc 10h ngày 9/9, cầu Phong Châu đổ trụ T7 làm sập hai nhịp dàn chính 6, 7. Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ cho rằng, do ảnh hưởng của bão Yagi gây mưa lũ, nước sông Hồng dâng cao, lưu tốc dòng chảy xiết đã làm thay đổi địa hình, địa mạo lòng sông khu vực cầu.

Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ Nguyễn Minh Tuấn cho biết, công an đang điều tra nguyên nhân, không loại trừ tình huống có vật trôi theo dòng nước, va đập với mố cầu gây sự cố.

Báo cáo của tỉnh Phú Thọ cho biết có 10 phương tiện di chuyển trên cầu gồm 3 ôtô, 6 xe máy, một xe máy điện rơi xuống sông lúc cầu sập. 3 người được cứu, 8 người mất tích.

Doanh nghiệp Hải Phòng, Quảng Ninh dần khôi phục hoạt động sau bão

95% doanh nghiệp Hải Phòng, nhiều đơn vị tại Quảng Ninh hoạt động trở lại sau khi khắc phục hậu quả từ cơn bão Yagi.

Nhà xưởng của Công ty Jinka ở khu công nghiệp Đồ Sơn, Hải Phòng bị hư hỏng nặng sau bão

Nhà xưởng của Công ty Jinka ở khu công nghiệp Đồ Sơn, Hải Phòng bị hư hỏng nặng sau bão

Theo thống kê của Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng, một số khu công nghiệp tại địa phương này bị ngập lụt, mái nhà xưởng của doanh nghiệp bị tốc; cổng, hệ thống camera, cây xanh... hư hại. Trong đó, tại Khu công nghiệp Deep C, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề như PHA Việt Nam, LS Metal, Pegatron Việt Nam, Global Meterial Handling, Adhes Việt Nam, IDP Đình Vũ và Suhil Việt Nam. Nhà xưởng của Công ty Environ Star và Vật liệu xây dựng Jinka (Khu công nghiệp Đồ Sơn) bị ngập, hỏng máy móc thiết bị.

Tuy nhiên, lãnh đạo Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng cho biết, ngày 10/9, 95% doanh nghiệp có thể sản xuất trở lại để đảm bảo các đơn đặt hàng.

Sau khi dừng hoạt động 2 ngày để đảm bảo an toàn, các cảng biển ở Hải Phòng cũng đã hoạt động trở lại từ 9/9. Trong đó, cảng container quốc tế Tân cảng Hải Phòng (TC - HICT) - cảng container lớn nhất miền Bắc bắt đầu giao nhận hàng, dịch vụ từ 14h và tiếp nhận tàu từ 16h30. Các cầu cảng tại đây vẫn được giám sát để đảm bảo an toàn khai thác.

Quảng Ninh - địa phương nơi tâm bão Yagi đi qua đã cấp điện trở lại cho 30% khách hàng, trong đó khoảng 90% mỏ than. Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã huy động các đội xung kích từ các đơn vị ở địa phương khác để hỗ trợ khắc phục sự cố lưới điện bị ảnh hưởng nặng nề do bão tại Quảng Ninh, Hải Phòng và Hải Dương.

Các công ty than tại Quảng Ninh cũng nỗ lực, huy động tối đa nhân lực xử lý các vị trí trọng yếu, thiết bị để nhanh chóng ổn định sản xuất. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã yêu cầu các đơn vị hầm lò, lộ thiên duy trì hệ thống máy phát điện, máy bơm để bơm thoát nước, thông gió cho các mỏ, sẵn sàng bắt tay vào sản xuất ngay khi có điện.

Trong khi đó, các doanh nghiệp dịch vụ, du lịch cần nhiều thời gian hơn để khôi phục hoạt động. Khoảng 90% cây xanh trong khuôn viên của Sun World Hạ Long bị quật đổ, gãy hoặc bật gốc. Tại các khu nhà điều hành, trần thạch cao, kính, bảng biển bị rơi, đổ do gió lớn.

Đại diện Sun World Hạ Long cho biết đang gấp rút, nỗ lực đưa công viên sớm hoạt động trở lại. Tương tự, hệ thống cáp treo Sun World Cát Bà dừng từ ngày 6/9, hiện chưa thể hoạt động. Còn cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đã sửa chữa cơ sở vật chất, gia cố thiết bị, sẵn sàng đón khách.

Ninh Thuận sắp có thêm gần 1.200 căn nhà ở xã hội

Dự án nhà ở xã hội Thành Hải tại TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận khi hoàn thành sẽ cung cấp 1.155 căn hộ cho người thu nhập thấp.

Ninh Thuận sắp có thêm gần 1.200 căn nhà ở xã hội

Ninh Thuận sắp có thêm gần 1.200 căn nhà ở xã hội

Theo quyết định của UBND tỉnh Ninh Thuận, Công ty Tư vấn thương mại dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân Bình Thuận được giao đầu tư Dự án nhà ở xã hội tại Khu tái định cư Thành Hải, TP. Phan Rang - Tháp Chàm.

Dự án nhà ở xã hội này có tổng diện tích hơn 19.150 m2, quy mô 1.352 căn, gồm 1.155 nhà ở xã hội và 197 căn hộ thương mại. Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng, dự kiến xây dựng tối đa 5 năm. Trong đó, khu nhà ở xã hội và hạ tầng kỹ thuật triển khai trong 30 tháng, nhà ở thương mại là 18 tháng.

Hoàng Quân Bình Thuận (công ty thành viên thuộc Tập đoàn Địa ốc Hoàng Quân) thành lập năm 2004, vốn điều lệ 323,5 tỷ đồng. Doanh nghiệp này đã triển khai nhiều dự án trên địa bàn, như khu công nghiệp và nhà ở xã hội Hàm Kiệm 1.

Hai dự án nhà ở xã hội khác tại Khu đô thị mới Đầm Cà Ná (huyện Thuận Nam) và bờ Sông Dinh (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) cũng được Tỉnh chấp thuận đầu tư, sắp triển khai. Ngoài ra, dự án thuộc Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chử - Khu K2 với 2.123 căn và MK Central City (khu đô thị mới Phủ Hà) 350 căn đang hoàn tất thủ tục đầu tư.

Ninh Thuận hiện có 8 dự án chung cư, nhà ở xã hội với 1.796 căn hộ. Đến năm 2030, Tỉnh dự kiến hoàn thành 6.561 căn nhà ở xã hội tại 10 dự án. Trong đó, 1 dự án độc lập và 9 dự án sử dụng quỹ đất 20% thuộc công trình xây dựng nhà thương mại, tổng diện tích hơn 26 ha.

Đồng Nai duyệt quy hoạch dự án Aeon Mall hơn 6.000 tỷ

Trung tâm thương mại Aeon Mall Biên Hòa vừa được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 với vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng.

Phối cảnh Dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall Biên Hòa
Phối cảnh Dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall Biên Hòa

Theo quyết định, Dự án Trung tâm thương mại tại phường Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa có quy mô gần 12 ha, giáp đường Đặng Văn Trơn. Vị trí này được Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam đề xuất đầu tư trung tâm thương mại đầu tiên của đơn vị tại Đồng Nai, theo biên bản ghi nhớ đầu tư vào tháng 5/2022.

Trong đó, hơn 10 ha diện tích dành xây trung tâm thương mại và các công trình phụ trợ, còn lại để xây ba tuyến đường xung quanh. Mật độ xây dựng toàn khu không quá 60%. Công trình chính có chiều cao tối đa 8 tầng, các công trình còn lại cao một tầng.

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 6.100 tỷ đồng, gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 2.200 tỷ đồng. Chủ đầu tư được yêu cầu có vốn chủ sở hữu hơn 1.200 tỷ đồng. Mục tiêu của Dự án là phát triển trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp gồm dịch vụ ăn uống, giải khát, khu vui chơi trẻ em... với kiến trúc thân thiện với môi trường.

Dự án dự kiến hoàn thiện giai đoạn một vào quý II/2027 và vận hành giai đoạn hai vào quý II/2028.

Trung tâm thương mại tại phường Hiệp Hòa được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 8/2023 theo hình thức lựa chọn nhà đầu tư. Công ty CP Tập đoàn Việt Phát là nhà đầu tư duy nhất đăng ký. Doanh nghiệp này thành lập vào năm 2008, hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, dịch vụ kho bãi, xây dựng, cho thuê bất động sản, khai thác chế biến khoáng sản.

Ngoài dự án trên, trung tâm thương mại Aeon Mall thứ hai tại Đồng Nai dự kiến được triển khai trong giai đoạn 2026 - 2030.

Tập đoàn Hàn Quốc xây nhà máy sản xuất tháp điện gió 200 triệu USD ở Long An

CS Wind (Hàn Quốc) dự kiến rót 200 triệu USD để xây nhà máy sản xuất thiết bị điện gió trên diện tích 50 ha tại Long An.

Một cơ sở của CS Wind tại châu Âu

Một cơ sở của CS Wind tại châu Âu

Thông tin được công bố trong buổi ký thỏa thuận thuê đất giữa CS Wind Việt Nam - thuộc CS Wind và Đồng Tâm Group (DTG) sáng 10/9. Theo đó, nhà máy sẽ đặt tại Khu công nghiệp Đông Nam Á Long An, thuộc Cụm dự án Cảng quốc tế Long An của DTG, chuyên sản xuất, lắp ráp các thiết bị tháp gió ngoài khơi, trên bờ và các sản phẩm điện gió như cọc đơn, các thiết bị chuyển tiếp để cung cấp cho thị trường toàn cầu.

Nhà máy có công suất hoạt động lên đến hàng chục nghìn đơn vị mỗi năm, cung ứng thiết bị siêu trường, siêu trọng từ 500 đến 4.000 tấn trên mỗi thiết bị. Toàn bộ sản phẩm giai đoạn đầu sẽ được chủ đầu tư xuất - nhập thông qua Cảng quốc tế Long An, ước tính sản lượng 150.000 -2 00.000 tấn mỗi năm.

CS Wind thành lập năm 1984, chuyên sản xuất tháp gió cho các máy phát điện gió. Năm 2003, họ thành lập công ty sản xuất tháp gió tại Việt Nam, là nhà máy cốt lõi tại Đông Nam Á để cung ứng cho thị trường châu Á, Nam Thái Bình Dương và Mỹ. Tập đoàn đang vận hành các cơ sở sản xuất tại 8 quốc gia, cung cấp hơn 13.000 tháp gió cho các nhà sản xuất tuabin gió hàng đầu thế giới như Vestas, Siemens-Gamesa, GE và Goldwind.

Riêng cơ sở tại Long An được cho là nhà máy có công suất sản xuất thiết bị điện gió lớn nhất thế giới tính đến thời điểm lập Dự án, theo CS Wind và Đồng Tâm Group. Dự án được kỳ vọng đóng góp vào nỗ lực nội địa hóa chuỗi cung ứng điện gió của Việt Nam, cũng như góp phần phát triển năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Bắt tạm giam Tổng giám đốc Công ty Hạ tầng khu công nghiệp Cần Thơ

Ông Trần Văn Phúc, CEO Công ty CP Xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Cần Thơ, cùng 2 cấp dưới bị cáo buộc thu tiền của doanh nghiệp ngoài hợp đồng cho thuê đất.

Ông Trần Văn Phúc khi chưa bị bắt

Ông Trần Văn Phúc khi chưa bị bắt

Ngày 10/9, ông Trần Văn Phúc cùng Trưởng và Phó phòng Kinh doanh của Công ty bị Công an TP. Cần Thơ bắt tạm giam về hành vi Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, theo Điều 355 Bộ luật Hình sự.

Trước đó, Công an TP. Cần Thơ nhận được tố giác tội phạm, cho thấy trong tháng 7 ông Phúc cùng 2 cấp dưới lợi dụng việc ký hợp đồng cho thuê lại đất đối với các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp Trà Nóc 1 và 2, buộc một số đơn vị phải thanh toán tiền ngoài hợp đồng. Ngoài ra, các bị can còn nhận tiền của nhiều doanh nghiệp để cho thuê hành lang an toàn kỹ thuật nhưng không ký hợp đồng, không báo cáo tài chính theo quy định.

Kết quả điều tra ban đầu xác định ông Phúc cùng 2 đồng phạm đã chiếm đoạt của nhiều doanh nghiệp tổng cộng gần 1 tỷ đồng.

Công ty CP Xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Cần Thơ trực thuộc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, là chủ đầu tư của 2 khu công nghiệp (Trà Nóc I và 2) với quy mô gần 300 ha, nằm cặp sông Hậu và giáp Quốc lộ 91, thuộc quận Bình Thủy và quận Ô Môn. Hiện 2 khu công nghiệp này cơ bản được lấp đầy với gần 200 dự án của hơn 100 doanh nghiệp hoạt động, vốn đăng ký hơn 1,1 tỷ USD, chiếm trên 60% tổng vốn đăng ký đầu tư vào 7 khu công nghiệp tại Cần Thơ.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư