Bản tin thời sự sáng 11/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất cơ chế đặc thù tăng nguồn cung nhà ở xã hội tại TP.HCM; hàng loạt dấu hiệu sai phạm tại các trung tâm sát hạch lái xe; Việt Nam có thể tổ chức chặng đua F1 năm 2024; kế hoạch tăng vốn gần 9.600 tỷ của Bamboo Airways bất thành…

Đề xuất cơ chế đặc thù tăng nguồn cung nhà ở xã hội tại TP.HCM

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất TP.HCM được lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết dự án xây nhà ở xã hội đồng thời với đồ án quy hoạch để cùng xin ý kiến nhân dân.

Dự án nhà ở xã hội tại phường Long Trường, TP. Thủ Đức, TP.HCM đang thi công

Dự án nhà ở xã hội tại phường Long Trường, TP. Thủ Đức, TP.HCM đang thi công

Dự thảo hồ sơ xây dựng nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan soạn dự thảo) cho biết, đề xuất này nhằm rút ngắn thời gian so với thực hiện tuần tự theo Luật Quy hoạch đô thị; đẩy nhanh tiến độ lập dự án đầu tư và cấp giấy phép xây dựng nhà ở xã hội, tăng nguồn cung, đáp ứng yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Cơ quan soạn thảo cũng kỳ vọng sẽ gỡ vướng mắc khi làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, tạo điều kiện triển khai nhanh, thu hút thêm nhà đầu tư đưa quỹ đất vào phát triển nhà ở xã hội.

Theo Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030, TP.HCM dự kiến có 2,5 triệu m2 sàn nhà ở với 35.000 căn. Nhưng hai năm qua, Thành phố mới có một dự án nhà ở xã hội hoàn thành với 260 căn. Hầu hết các dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư.

Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất, nếu quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu chưa phù hợp với quy hoạch chung thì TP.HCM được chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy hoạch chung, chỉ tiêu hệ số sử dụng đất hoặc mật độ xây dựng theo quy định về nhà ở xã hội…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng muốn UBND TP.HCM được phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất xây nhà ở xã hội trong dự án thương mại ở nơi khác trên địa bàn. Chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai với quỹ đất được hoán đổi trong dự án.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, giai đoạn 2021 - 2025, toàn Thành phố có khoảng 519.000 người dân cần nhà ở xã hội, 5 năm tiếp theo có hơn 524.000 người cần nhà ở xã hội, kể cả công nhân.

Hàng loạt dấu hiệu sai phạm tại các trung tâm sát hạch lái xe

Thanh tra Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phát hiện dấu hiệu sai phạm tại một số trung tâm sát hạch lái xe như hỗ trợ thí sinh làm bài thi lý thuyết, cho thực hiện lại bài thi sa hình.

Thi sát hạch tại một trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe

Thi sát hạch tại một trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe

Chiều 10/4, đại diện Bộ GTVT cho biết, 3 đoàn thanh tra Bộ vừa có hai tháng kiểm tra tại các trung tâm sát hạch lái xe trên cả nước. Thông qua camera, thanh tra phát hiện sát hạch viên hỗ trợ thí sinh làm bài tại một số kỳ thi lý thuyết hạng A1 (cấp giấy phép xe máy) tại đơn vị sát hạch ở Đăk Lăk, Lai Châu, Lào Cai.

Tại Bình Định, một số đơn vị sát hạch cho phép nhiều thí sinh thực hiện lại nội dung lái xe ô tô, trong khi quy định chỉ cho phép thi thực hành một lần.

Thanh tra Bộ GTVT đã chuyển thông tin hai cơ sở đào tạo lái xe có dấu hiệu tiêu cực đến công an địa phương để điều tra.

Trong hai tháng, Thanh tra Bộ đã kiểm tra 40 trong số 63 sở giao thông vận tải trên toàn quốc, ghi nhận nhiều hạn chế trong đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe. Đơn cử như: khai thác dữ liệu DAT (thiết bị giám sát thời gian và quãng đường) để quản lý đào tạo chưa tốt; giám sát khóa học, kỳ thi cấp giấy phép lái xe thực hiện còn hình thức, để cơ sở đào tạo gửi báo cáo chậm nhiều ngày.

Quá trình thi còn có hiện tượng thí sinh trao đổi với nhau, sát hạch viên trao đổi với thí sinh. Các đoàn kiểm tra đã lập biên bản và yêu cầu các sở có biện pháp xử lý, chấn chỉnh. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu xử lý vi phạm nếu có…

Ba đoàn kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch lái xe của Bộ GTVT sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tại các tỉnh còn lại, hoàn thành trước 15/4.

Việt Nam có thể tổ chức chặng đua F1 năm 2024

Theo trang GrandPrix, Việt Nam và Nam Phi có thể tham gia đăng cai một chặng đua F1 trong mùa giải 2024.

Toà nhà pit của đường đua Hà Nội tại Mỹ Đình

Toà nhà pit của đường đua Hà Nội tại Mỹ Đình

CEO Stefano Domenicali của F1 Group đã gặp các lãnh đạo Hà Nội và Việt Nam để bàn bạc khả năng tổ chức chặng đua năm sau, theo GrandPrix. Trang này đánh giá Việt Nam và Nam Phi là "ứng viên sáng giá" cho việc đăng cai giải đấu, tăng số cuộc đua lên 25 chặng trong năm 2024.

GrandPrix là trang tin tiếng Anh về F1, đăng ký ở Mỹ, có hơn 220.000 lượt truy cập trong tháng 3/2023, theo thống kê của SimilarWeb.

Domenicali đồng hành với Luis Garcia Abad - quản lý cũ của tay đua Fernando Alonso - để quảng bá F1 trên toàn thế giới. Hai người này làm việc với các lãnh đạo ở Hà Nội, trước khi bay sang Australia.

UBND Hà Nội chưa thông tin về việc này. Tuy nhiên, hạ tầng tổ chức đường đua phần nhiều đã bị tháo dỡ, còn ba lô đất có tổng diện tích gần 300.000 m2, gồm đất và tài sản trên đất, đã được Công ty TNHH Việt Nam Grand Prix bàn giao, hoàn trả cho Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.

Đường đua F1 Việt Nam từng được sử dụng cho các giải nhỏ hơn trong năm 2022, dù chỉ là một phần đường cố định đã xây dựng xong. Phần mở rộng của đường đua F1 là đường Lê Đức Thọ, chưa từng được sử dụng cho cuộc đua nào.

Việt Nam từng đạt thoả thuận tổ chức F1 trong 10 năm ở Hà Nội, giai đoạn 2020 - 2029. Phần cố định của đường đua gồm nhà pit hay khán đài đều được xây dựng và lắp đặt xong trước khi mùa giải khởi tranh. Tuy nhiên, vì Covid-19 bùng phát, chặng đua tại Hà Nội năm 2020 bị hoãn, sau đó dừng vô thời hạn.

Thanh tra mua sắm thiết bị phòng, chống Covid-19 tại Hậu Giang

Ngày 10/4, Thanh tra tỉnh Hậu Giang cho biết, cơ quan này vừa công bố Quyết định thanh tra đối với các gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 đối với Sở Y tế và các đơn vị liên quan.

Tỉnh Hậu Giang vừa công bố quyết định thanh tra đối với Sở Y tế và đơn vị, tổ chức liên quan đến mua sắm trang thiết bị phòng, phòng chống Covid-19

Tỉnh Hậu Giang vừa công bố quyết định thanh tra đối với Sở Y tế và đơn vị, tổ chức liên quan đến mua sắm trang thiết bị phòng, phòng chống Covid-19

Theo đó, Quyết định thanh tra số 524 của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh ký và giao ông Trịnh Hoàng Ba, Chánh Thanh tra tỉnh này làm Trưởng đoàn. Các thành viên của Đoàn, ngoài lực lượng thanh tra còn có đại diện Ban Nội chính Tỉnh ủy, Sở Tài chính, Sở KH&ĐT...

Cụ thể, thời gian thực hiện thanh tra trong 45 ngày làm việc tính từ khi công bố Quyết định. Thanh tra giai đoạn từ 1/1/2020 đến 31/12/2021. Trong trường hợp cần thiết, Đoàn sẽ kiểm tra, xác minh làm rõ các nội dung có liên quan trước và sau thời điểm trên để mang tính liên tục, kế thừa.

Các nội dung thanh tra gồm: Việc ban hành các văn bản, cơ chế, chính sách thực hiện phòng, chống dịch Covid-19; công tác tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Đoàn thực hiện thanh tra các quy định của pháp luật trong xây dựng danh mục, định mức mua sắm; đơn giá; kế hoạch lựa chọn nhà thầu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, Đoàn cũng tiến hành thanh tra việc thẩm định phê duyệt danh mục, định mức, thẩm định giá, lựa chọn nhà thầu của cơ quan có thẩm quyền, việc thực hiện quy trình đấu thầu, ký kết hợp đồng, thanh quyết toán... về mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19.

Kế hoạch tăng vốn gần 9.600 tỷ của Bamboo Airways bất thành

Đại hội đồng cổ đông Bamboo Airways không tán thành phương án chào bán cổ phần riêng lẻ để tăng vốn điều lệ 9.570 tỷ đồng.

Kế hoạch tăng vốn gần 9.600 tỷ của Bamboo Airways bất thành

Kế hoạch tăng vốn gần 9.600 tỷ của Bamboo Airways bất thành

Cuộc họp đại hội cổ đông bất thường của Công ty CP Hàng không Tre Việt sáng 10/4 có 93 cổ đông tham dự với hơn 1,73 tỷ cổ phần, chiếm khoảng 93% cổ phần có quyền biểu quyết. Phiên họp nhằm mục đích trình cổ đông thông qua phương án chào bán cổ phần riêng lẻ để tăng vốn điều lệ Bamboo Airways.

Trong đó, Hãng muốn phát hành 772 triệu cổ phần, tương ứng mệnh giá 7.720 tỷ đồng để tái cấu trúc khoản vay, hoán đổi các khoản nợ thành cổ phần theo thoả thuận của chủ nợ với công ty. Giá phát hành và tỷ lệ hoán đổi dự kiến là 10.000 đồng một cổ phần, tương đương tỷ lệ 1:1, nghĩa là 10.000 đồng nợ được hoán đổi thành 1 cổ phần phát hành thêm. HĐQT Bamboo Airways xin đại Hội đồng cổ đông uỷ quyền quyết định danh sách chủ nợ và khoản nợ được hoán đổi cổ phần.

Cùng với đó, Bamboo Airways cũng muốn phát hành thêm 185 triệu cổ phần, tương ứng mệnh giá 1.850 tỷ đồng cho nhà đầu tư mới. Toàn bộ số cổ phần phát hành thêm này được ưu tiên chào bán cho cổ đông hiện hữu của Công ty theo tỷ lệ sở hữu hiện có với giá phát hành dự kiến 10.000 đồng/cổ phần.

Như vậy, tổng lượng cổ phần Bamboo Airways muốn phát hành thêm khoảng 957 triệu đơn vị, tương ứng số vốn tăng 9.570 tỷ đồng. Sau phát hành, số lượng cổ phần của hãng bay này dự kiến tăng lên hơn 2,8 tỷ, tương ứng vốn điều lệ trên 28.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo kết quả kiểm phiếu, hơn 979 triệu cổ phần có quyền biểu quyết không tán thành (tương ứng tỷ lệ 56,42%) với phương án phát hành này. Do vậy, Bamboo Airways chưa thể thực hiện chào bán cổ phần để tăng vốn điều lệ như dự kiến.

Bộ Y tế ngừng nhận hồ sơ cấp phép nhập khẩu thuốc của 3 công ty dược

Cục Quản lý dược ngừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc của YTECO, Công ty R.X. Manufacturing Co., Ltd; chi nhánh Công ty Zuellig Pharma Việt Nam.

Thuốc Myomethol do Công ty R.X. Manufacturing Co., Ltd. (Thái Lan) sản xuất.

Thuốc Myomethol do Công ty R.X. Manufacturing Co., Ltd. (Thái Lan) sản xuất.

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có thông báo ngừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc; ngừng nhập khẩu đối với toàn bộ thuốc, nguyên liệu làm thuốc của 3 công ty dược.

Tại các quyết định, Cục Quản lý dược ngừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc; ngừng cấp phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Công ty CP Xuất nhập khẩu Y tế TP.HCM (YTECO) từ ngày 7/4/2023, thời hạn áp dụng sẽ được Cục Quản lý dược thông tin sau.

Lý do ngừng là YTECO nhập khẩu 11 lô thuốc Myomethol (số giấy đăng ký lưu hành: VN-17397-13) do Công ty R.X. Manufacturing Co., Ltd. (Thái Lan) sản xuất vi phạm chất lượng mức độ 2.

Trước đó, vào tháng 1/2023, Cục Quản lý dược đã thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc 11 lô thuốc Myomethol (Methylcarbamol 500mg), số đăng ký VN-17397-13, do Công ty RX. Manufacturing Co., Ltd sản xuất, Công ty CP Xuất nhập khẩu y tế TP.HCM (YTECO) nhập khẩu.

Cục Quản lý dược đã đồng thời thông báo ngừng nhập khẩu đối với toàn bộ thuốc, nguyên liệu làm thuốc do Công ty R.X. Manufacturing Co., Ltd. sản xuất trong thời hạn 1 năm từ ngày 7/4/2023.

Cuối tháng 3/2023, công ty này đã bị Cục Quản lý dược đã xử phạt hành chính 80 triệu đồng, yêu cầu phải tiêu hủy toàn bộ số thuốc vi phạm chất lượng.

Cục Quản lý dược cũng thông báo về việc ngừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc, ngừng cấp phép nhập khẩu thuốc đối với Chi nhánh Công ty TNHH Zuellig Pharma Việt Nam từ ngày 7/4/2023.

Lý do theo Cục Quản lý dược là trong 12 tháng, Chi nhánh Công ty TNHH Zuellig Pharma Việt Nam nhập khẩu 2 lô thuốc Zinnat Suspension (số giấy đăng ký lưu hành VN20513-17; Số lô 7S6A, 2P7N) do Công ty Glaxo Operations UK Limited (Anh) sản xuất vi phạm chất lượng mức độ 2 và 2 lô thuốc Neurobion (Số GĐKLH: VN-20021-16; Số lô D0083217, D0006203) do Công ty PT. Merck Tbk (Indonesia) sản xuất vi phạm chất lượng mức độ 3.

Chuyên đề